Mục vụ gia đình

Chuẩn Bị Tâm Lý Sinh Sản Và Dưỡng Dục Con Cái  

Chuẩn Bị Tâm Lý Sinh Sản Và Dưỡng Dục Con Cái  

Cầu nguyện: Tin Mừng theo thánh Luca (2, 1-19): Chúa Kitô giáng sinh tại Belem.

  1. Trình bày đề tài:

Truyện mở đầu: “Thôi” là hết.

Chuyện xẩy ra một hôm thứ bẩy. Ỷ Lan đang ngồi ăn cơm tối với các anh chị trong văn phòng, thì có anh Thôi đến chơi. Anh Thôi là người Mỹ tho, mạnh khoẻ to lớn. Anh là em út trong gia đình 14 con, toàn là con trai!! Mấy anh lớn đều được cha mẹ đặt tên nghe du dương hay oai hùng, đầy ý nghĩa như Anh, Hùng, Hào, Kiệt, Tiến, Quốc. . ., nhưng sau bao nhiêu năm “sản xuất vượt chỉ tiêu”, cha mẹ vừa mệt mỏi vừa cạn ý, đặt tên mấy đứa sau là “Út anh, Út em, Út ít”, khi tới phiên anh thì chỉ còn lại chữ “Thôi” là hết!!  (Ỷ Lan, Quê Nhà, Quê Mẹ, 1989, trang 25).

1.1. Sau khi dựng nên loài người có nam có nữ, Thiên Chúa phán: “Hãy sinh sản và nên đầy dẫy trên mặt địa cầu” (St 1,28). Ðó là một trong những sứ mệnh Thiên Chúa trao ban cho loài người. Sứ mệnh đó cũng là một hồng ân Chúa ban cho đôi vợ chồng được cộng tác với Chúa trong việc tạo dựng sự sống.

1.2. Tình yêu hôn nhân tự căn bản hướng về sự sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Con cái là ơn huệ cao quý nhất của hôn nhân, và là sự đóng góp lớn lao tạo nên hạnh phúc của cha mẹ (MV 50).

1.3. Việc định đoạt số con cái tuỳ thuộc ở phán đoán ngay thẳng của cha mẹ, chứ không do nhà nước định đoạt. Ðể có sự phán đoán ngay thẳng đòi vợ chồng phải có:

a/ Một lương tâm được huấn luyện ngay thẳng,

b/ Một trách nhiệm đúng đắn và chính xác (MV 50),

c/ Phải tôn trọng luật Chúa, vâng phục Giáo hội, và đồng tâm hiệp lực với nhau,

d/ Phải xét đến lợi ích riêng của họ, cũng như của con cái đã sinh hay tiên liệu sẽ sinh, nhận định về hoàn cảnh vật chất hay tinh thần của thời đại và bậc sống, nghĩ đến lợi ích cho gia đình, xã hội và Giáo hội (MV 50).

1.4. Tiến trình bào thai:

Ð- Ðậu thai (Conception): Tinh trùng hợp với trứng tạo thành mầm sống mới (Zygote),

Ð- Phôi thai (Embryo): Thai nhi trong tháng đầu,

Ð- Bào thai (Fetus): Thai nhi trong các tháng kế tiếp,

Ð- Bào thai 3 tháng đã có đầy đủ các bộ phận con người,

Ð- Bào thai 4 tháng bắt đầu bài tiết qua thận,

Ð- Bào thai 5 tháng bắt đầu cựa quậy mạnh trong bụng mẹ,

Ð- Bào thai 6 tháng cựa quậy cả trăm lần trong một giờ, chừng 4 – 8 giờ mỗi ngày, còn lại là ngủ,

Ð- Bào thai 7 tháng đã lớn đủ kích thước, chỉ chờ ngày chào đời. Thời kỳ này em bé rất ảnh hưởng những đam mê của mẹ: Mẹ nghiện ngập, con sẽ say sưa. . .

1.5. Ðiều hoà sinh sản (Birth regulation):  

Nguyên tắc:

– Hoãn thụ thai: “Công đồng biết rằng, muốn tổ chức đời sống vợ chồng cho thuận hoà, đôi bạn thường vấp phải một số tình trạng sinh sống khó khăn hiện tại, và có thể lâm vào những cảnh khiến họ không thể gia tăng số con cái, ít là trong một thời gian” (MV 51).

– Theo lương tâm chân chính: “Nhưng trong cách thế hành động, vợ chồng Kitô hữu hãy ý thức rằng mình không thể làm theo sở thích, nhưng phải luôn luôn tuân theo tiếng nói của lương tâm khuôn đúc theo luật Chúa, và vâng phục giáo huấn Giáo hội (MV 50).

– Vô hiệu hoá: “Do đó không thể chấp nhận việc trực tiếp vô hiệu hoá (direct sterilization) khả năng sinh sản nơi người chồng hay người vợ, dù là tạm thời hay vĩnh viễn (SSCN 14) (Có ý nói: người chồng cột ống dẫn tinh, hoặc người vợ buộc buồng trứng).

– Ngăn chặn thụ thai: “Cũng không có quyền chấp nhận bất cứ một động tác nào có mục đích hay phương tiện ngăn chận việc sinh sản, trước hoặc đang khi làm tác động hôn nhân (SSCN 14).

1.6. Giáo hội không chấp nhận ngừa thai nhân tạo:

1/ Diệt tinh bằng uống thuốc ngừa thai (birth control pill), hoặc tiêm thuốc (norplant), rửa âm đạo, kem diệt tinh trùng (vaginal spermicides),

2/ Cản tinh bằng túi bọc (condom), màng chắn cửa mình (cervical caps), vòng xoắn (IUD: intra-uterine device), giao hợp nửa chừng (coitus interruptus).

1.7. Trừ việc chữa bệnh:  “Giáo hội không coi là trái phép việc sử dụng những phương tiện y khoa, y dược xét ra thực cần thiết để chữa bệnh của cơ thể, dù người ta đoán trước rằng việc sử dụng ấy cản trở sinh sản, miễn là việc cản trở ấy không phải do chính đương sự trực tiếp ưng muốn  (SSCN 14).

1.8. Giáo hội chấp nhận ngừa thai tự nhiên:”Trong những hoàn cảnh, với những lý do vật lý, tâm lý hoặc ngoại cảnh đòi hỏi vợ chồng phải hạn chế bớt việc sinh con, Giáo hội cho biết có thể căn cứ vào các chu kỳ tự nhiên cố hữu của cơ năng sinh sản để giao hợp trong những thời kỳ không thụ thai, và chỉ có phương pháp điều chế sinh sản ấy mới không đi ngược lại những nguyên tắc luân lý căn bản (SSCN 16).

1.8.1. Phương pháp ghi kinh kỳ (Calendar method)

Năm 1930, nhờ công trình khảo cứu của hai bác sĩ: Kyusaku Ogino ở Nhật Bản và  Herman Knaus ở Úc, đã xác định được khoảng thời gian có thể thụ thai và khoảng thời gian không thụ thai cho hai vợ chồng có thể giao hợp, và được phát biểu như sau: Nơi người phụ nữ, trứng rụng lối chừng vào ngày thứ 14 sau ngày bắt đầu có kinh nguyệt.

Phương pháp này có kết quả tới 90%, nếu ghi đúng, giữ đúng.

Thực hành:  Ghi số ngày kinh của mỗi tháng cho đủ 12 tháng liên tiếp để biết kinh kỳ mình đều đặn hay không.

– Ðối với phụ nữ kinh kỳ đều đặn, thời gian dễ thụ thai xảy ra từ 10-18 ngày trước khi xảy ra kinh kỳ kế tiếp.

– Ðối với phụ nữ kinh kỳ không đều, thời gian dễ thụ thai sẽ từ 7-20 ngày trước kinh kỳ kế tiếp.

Kinh kỳ có thể bị xáo trộn vì thể xác làm việc quá mệt nhọc, tâm thần quá lo âu xao xuyến, ốm bệnh. . .

1.8.2. Phương Pháp Ðo Nhiệt Ðộ (Basal body temperature)

Tới năm 1940, bác sĩ người Bỉ đầu tiên khuyên dùng phương pháp đo nhiệt độ mỗi ngày trong cơ thể để kiểm soát lại sự chính xác của phương pháp Ogino.

Ð- Nhiệt độ trong cơ thể phụ nữ thông thường là 96-98o F trước khi trứng rụng, nó sẽ tăng lên, nhưng một ngày trước khi trứng rụng, nó sẽ giảm xuống, rồi lại tăng lên ít nhất trong ba ngày sau khi trứng rụng.

Ð-Ðể tránh thụ thai, bạn nên tránh giao hợp khi thấy nhiệt độ giảm, và tiếp tục kiêng cữ như thế cho đến khi nhiệt độ đã tăng được 3 ngày.

Thực hành: Dùng ống thuỷ để lấy nhiệt độ chính xác mỗi ngày, vào giờ nhất định:

– Cần phải đi ngủ trước 12 giờ đêm

– Lấy nhiệt độ (khoảng 3 phút) khi vừa mới thức dậy, lúc còn ở trên giường.

Biểu Ðồ Nhiệt Ðộ  

1.8.3. Phương Pháp Coi Chất Nhờn (Billings Ovulation Method)

Bác sĩ Billings đã tìm ra sự liên hệ giữa lúc trứng rụng và sự thay đổi của chất nhờn tiết ra mỗi chu kỳ kinh nguyệt.

Lúc khởi đầu, chất nhờn lỏng, rồi dần dần trong dẻo, trơn, dễ dính và đặc sệt, rồi sau đó sẽ bớt dần và mất đi. Chính ngày chất nhờn trong dẻo đặc sệt là ngày tột đỉnh của chất nhờn. Nhờ chất nhờn mà tinh trùng có thể di chuyển qua ống dẫn, đến gặp trứng để đậu thai.

Như thế theo phương pháp của Billings, thời gian có thể thụ thai hoặc phải kiêng cữ, nếu không muốn có con, là lúc khởi sự có chất nhờn đến hết ngày thứ ba sau ngày tột đỉnh.

Trứng có thể rụng bất cứ ngày nào trong thời gian đó, nhất là ở ngày tột đỉnh và trước sau một ngày. Ðôi khi chất nhờn phát hiện cách quãng hay hoà lẫn trong máu, vì thế mỗi khi nhận thấy chất nhờn hay máu rỉ ra, phải kiêng giao hợp.

Các bà có gia đình cho biết: Dù kinh kỳ đều đặn hay không, cứ quan sát chất nhờn là tiện: Nếu không muốn thụ thai, nên kiêng “việc vợ chồng” vào ngày có chất nhờn.

Ngược lại, những cặp vợ chồng khó có con có thể lựa gần ngày tột đỉnh nhất của chất nhờn để cho thụ thai.

1.9. Sẩy thai (miscarriage):

Cố ý để sẩy thai làm chết đứa con là phạm tội giết người. Nhưng cũng có trường hợp bị sẩy thai hoặc sinh con chưa đủ ngày tháng, hoặc khi sinh ra đứa trẻ yếu sức, hay vì ngăn trở đến nỗi Linh mục không rửa tội được, lúc ấy nếu không có ai quen việc thì chính cha mẹ phải đổ nước rửa tội cho con (GL  871). Sau nếu nó khoẻ lại sẽ đưa đến Linh Mục làm phép bù.

Ð- Khi đổ nước rửa tội sẽ làm như sau: lấy nước lã vừa đổ trên trán nó, vừa đọc rằng: “Mẹ rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Hoặc “Nếu con còn sống, mẹ rửa con, nhân danh. . .”

1.10. Phá thai (abortion):

Thiên Chúa đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn bổn phận ấy cách xứng hợp. Do đó, sự sống ngay từ lúc thụ thai đã phải được giữ gìn hết sức cẩn thận. “Phá thai và giết con nít là phạm tội ác đáng ghê tởm” (MV 51). Không gì ghê sợ bằng cha mẹ giết con.

“Không thể nào chấp nhận việc điều hoà sinh sản bằng cách trực tiếp huỷ diệt bào thai đã thành hình, đó là mầm sống đang diễn tiến, nhất là  cố ý phá thai, dù với lý do y tế cũng không được (SSCN 14).  (Phá thai hại về thể lý cũng như tâm lý:

Thống kê cho biết: 72.1% những người đàn bà sau khi phá thai cảm thấy hối hận và đau đớn tái tê vì những hành động họ đã làm. . . Bác sĩ Eloise Jones, một nhà tâm bệnh học ở Toronton, cho biết: “Không một phụ nữ nào đã phá thai mà tôi đã tiếp xúc còn giữ được bản chất cũ của mình. . .Một bà từ ngày phá thai, nỗi sợ hãi mỗi ngày mỗi tăng, bà trở nên oán hận và lãnh đạm với chồng”.

Một phụ nữ khác nói:

“Trước đây ít năm, khi tôi còn rất trẻ tôi đã trải qua một cuộc tình và kết quả là một đứa con, một đứa con không bao giờ được sinh ra. . . Người chồng tôi hiện nay là một người rất tốt, lịch sự và giầu có. Chúng tôi đã có với nhau hai con, chúng rất đẹp, thông minh và sung sướng. Nhưng hình như tôi thiếu tất cả, bởi vì tôi cần sự bình yên cho tâm hồn, một sự bình yên mà tôi không thể nào có được kể từ ngày tôi phá thai. Không một phụ nữ nào, tôi nhấn mạnh, không một phụ nữ nào giết con mà có thể quên được. Họ sẽ không bao giờ quên được! Mỗi khi tôi nhìn hai đứa con đẹp đẽ của tôi, tôi tự nhủ: Tại sao chúng nó được sống, còn “đứa kia” phải chết? Câu trả lời bao giờ cũng là: Tại vì mẹ nó là một kẻ sát nhân!” (Rev. Dominici, Việt Nam Quê Hương Tôi, 1987)

  1. Thảo luận:

* Theo anh , chị con cái là vinh dự hay gánh nặng của cha mẹ trong xã hội hiện tại?

Ðề nghị

– Mời một ông hay một bà có khả năng tới nói chuyện với lớp để cho những kinh nghiệm về cuộc sống gia đình.

  1. Câu hỏi ôn:
  2. Tình yêu Hôn nhân tự căn bản hướng về điều gì? (1.2.)
  3. Con cái là vinh dự của cha mẹ ở chỗ nào? (1.2.).
  4. Việc định đoạt số con cái tuỳ thuộc ở đâu? Muốn có một lương tâm ngay thẳng để quyết định số con cái, cha mẹ cần xét tới những điều kiện nào? (1.3.).
  5. Thế nào là trực tiếp vô hiệu hoá khả năng sinh sản nơi đàn ông hay đàn bà dù tạm thời hay vĩnh viễn? Ðược hay không? (1.5.).
  6. Thế nào là ngăn chặn việc sinh sản trước hoặc đang khi làm tác động hôn nhân? Ðược hay không? (1.6 và 1.8.)
  7. Giáo hội chấp nhận phương pháp điều hoà sinh sản nào? Tại sao chỉ có phương pháp ấy? (1.8.).
  8. Ngăn chặn mầm sống đang diễn tiến là tội nặng nhẹ thế nào? (1.10.).

Bài Ðọc Thêm

Dưỡng Thai Và Dưỡng Nhi

(Bài nghiên cứu của một nữ tu y tá tại Houston, TX)

Làm sao biết bạn có thai?

Thường dấu hiệu đầu tiên là tắt kinh. Nếu kinh kỳ bạn vẫn đều đặn từ trước đến giờ, nay đã qua 10 ngày rồi mà bạn chưa có lại, có thể bạn đã có thai. Bạn thấy buồn nôn, ói mửa vào buổi sáng, hay thường đi tiểu luôn, bạn nên đi thăm bác sĩ của bạn. Những dấu chứng khác như bộ nhũ hoa lớn thêm, vòng nâu chung quanh vú lớn rộng, khám nghiệm cửa mình để chẩn đoán bạn có thai hay không, mặc dầu đôi khi khó biết chắc được trước tháng thứ ba. Trong một vài trường hợp, vì căng thẳng thần kinh, bạn có thể mất luôn một kỳ kinh hay buồn nôn, muốn ói mỗi buổi sáng và tưởng rằng có thai mà thật sự không phải.

Muốn cho chính xác, bác sĩ thường thử nước tiểu hay máu, nhưng kết quả thử nước tiểu chỉ rõ rệt 42 ngày, kết quả thử máu 22 ngày, sau ngày đầu tiên của kinh kỳ cuối cùng.

*  Lịch trình thăm thai

Trong nửa thai kỳ đầu, nếu không có gì xảy ra, bạn nên thăm bác sĩ gia đình hay bác sĩ sản khoa mỗi tháng một lần. Trong nửa thai kỳ sau, phải đi nhiều hơn theo kỳ hẹn.

Trong khi đi thăm thai, bạn hãy hỏi thẳng xem sinh sản tốn kém bao nhiêu để dễ bề lo liệu, vì nhiều hãng bảo hiểm không chịu trả phí tổn cho bạn.

Bất kể dù mới có thai hoặc đã có 4,5 tháng trở lên, nếu thấy bào thai có gì lạ (cứng. . .), thấy mình khó ngồi hoặc nằm, vì đau bụng dưới, cần phải đi bác sĩ liền, để tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, cho dù lần khám gần nhất bác sĩ nói là em bé khoẻ.

*  Những dấu chứng cần báo bác sĩ

– Sưng mặt, sưng bàn tay hay chân, – Mắt mờ, nhìn không rõ, – Ðau răng, – Ðau bụng, – Sốt và ớn lạnh, – Băng huyết, – Mửa liên tục không ngừng, – Nhức đầu liên tục hay dữ dội, – Nước ở cửa mình ra nhiều, – Tiểu đau và rát.

* Ðiều nên tránh khi có thai

Khi có thai, bạn nên tránh làm việc mệt mỏi quá sức. Bạn hãy nghỉ ngơi trước khi thấy mệt, chứ không phải đợi tới khi mệt rồi mới nghỉ.

*  Du hành được không?

Những hành trình ngắn hơn một giờ xe thường không đáng ngại. Trái lại nếu bạn trù tính đi xa, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn trước khi quyết định.

*  Uống rượu được không?

Rượu tuy thêm calori, nhưng không bổ dưỡng. Trong một vài trường hợp có hại cho thai nhi: trẻ bị lên kinh co giật, hôn mê, chậm lớn, thiếu linh hoạt và biến dạng cơ thể.

*  Uống thuốc

Nên tránh những loại thuốc có chất ma túy, hại cho thai nhi. Chỉ nên dùng những thuốc bác sĩ đã ghi theo toa.

*  Làm sao tránh táo bón?

Nếu bạn thường xuyên táo bón – chứng này gia tăng khi bạn có thai- bạn hãy ăn những trái cây, nước ép trái mận (prune juice). . . cam, hay những rau xanh..

Nếu vẫn dai dẳng, bạn hãy:

  1. Uống một ly nước ấm mỗi buổi sáng khi thức dậy
  2. Ăn những trái cây hay thức ăn nhuận trường
  3. Ăn một vài trái cây trước khi đi ngủ, đồng thời xoa nắn các bắp thịt bụng trước khi đi ngủ vào buổi sáng trước khi thức dậy
  4. Nếu điều 1 & 3 không hiệu nghiệm, bạn hãy tới thăm bác sĩ của bạn.

Bạn đừng nên uống bất cứ thuốc xổ nào, trừ những thuốc đã ghi trong toa cho bạn.

*  Nên ăn những thứ gì?

Nên ăn những thực phẩm có những chất bổ, hoặc uống thuốc dưỡng thai, uống sữa giúp cho xương của thai nhi tăng trưởng. Nếu có thể, tránh ăn những thức ăn hâm lại.

Nhưng để tránh những biến chứng, bạn đừng ăn quá nhiều, quá lên cân. Thường cân tăng 4.5 lbs mỗi tháng là vừa.

*  Thận và sự bài tiết

Ðể việc bài tiết tốt đẹp, bạn nên uống nước cho đủ mỗi ngày, thường từ 6 tới 8 ly nước mỗi ngày cộng thêm một lít sữa nữa, tổng cộng là 3 lít nước. Thường giai đoạn đầu và cuối của thai kỳ, người mẹ đi tiểu nhiều hơn. Ðiều này được coi như bình thường.

*  Săn sóc nhũ hoa

Nhũ hoa cần được lau rửa mỗi buổi sáng, và luôn giữ cho sạch sẽ.  Sau tháng thứ tư, nhũ hoa có thể tiết ra một chất nhờn bất cứ lúc nào.

*  Vết lằn trên bụng

Vì sự dãn nở của bào thai gây nên, bạn thường thấy xuất hiện những đường nhăn trên bụng, đôi khi chúng chạy dài cả xuống tận đùi. Muốn cho những lằn này nhỏ, bạn nên tránh lên cân đột ngột.  Những lằn này có thể nhỏ lại, nhưng không bao giờ hoàn toàn biến mất sau khi sinh.

*  Quần áo

Bạn có thể mặc bất cứ loại quần áo nào bạn thích, tuy nhiên bạn nên chọn kiểu nào bạn thấy thoải mái mà không thắt xiết thai nhi nơi bụng.

*  Ngủ nghỉ

Bạn cần ngủ đủ 8 tiếng đồng hồ trong một ngày hay hơn nữa nghỉ ngơi khi nào bạn mệt, đừng làm quá sức bạn.

*  Nếu bạn phải làm việc

Bạn hãy dự trù thời gian bạn cần phải nghỉ để dưỡng thai nhi. Thường hai tháng cuối cùng trước khi sinh, bạn nên nghỉ và đừng quá hấp tấp làm lại sau khi sinh xong. Bạn nên nghỉ làm ít nhất 6 tuần và hơn nữa nếu bạn cho con bú. Trừ khi công việc thực sự quan trọng, bạn hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi rời đứa bé để giao cho người khác săn sóc mỗi ngày. Ðứa bé rất cần bạn, công việc nhiều khi không bù lại được những thương tổn cũng như những phí tổn mà bạn phải trả sau này.

Một Vài Sự Khó Chịu Khi Mang Thai

*  Buồn nôn và ói mửa

Thường xảy ra vào buổi sáng lúc bụng đói, nhất là trong nửa thai kỳ đầu. Những biến chứng này sẽ biến mất hoặc bằng lối ăn kiêng cữ hay thuốc uống. Bạn hãy giữ cho bao tử được lưng lửng bằng cách ăn 6 bữa một ngày, giảm thiểu thức ăn mỡ, tăng thêm tinh bột hay đồ ngọt.

*  Cồn ruột và khó tiêu

Bạn hãy tránh những thức ăn nào làm bạn cồn cào ruột gan. Một vài loại antacid như Malox, Mylenta giúp bạn rất nhiều để trị chứng trên.

*  Trĩ

Khi mang thai, bệnh trĩ của bạn có thể tăng thêm. Tĩnh mạch của bạn sẽ trương lên, bạn sẽ thấy chảy máu, đau đớn nơi hậu môn. Cách tốt nhất để ngừa bệnh gia tăng là đừng để bị táo bón. Nếu bạn thấy đau và chảy máu, hãy đến thăm bác sĩ của bạn.

 *  Ngứa ngáy và huyết trắng

Khi có thai, người mẹ thường thấy huyết trắng gia tăng đó là hiện tượng thông thường không cần chữa trị. Tuy nhiên, bạn hãy báo cho bác sĩ biết khi bạn thấy ngứa ngáy, hay đau đớn khó chịu nơi cửa mình.

*  Da tàn nhang, tóc gẫy

Cùng trong lúc sinh, trên mặt bạn xuất hiện những vết lốm đốm nâu nhạt hay sậm, chúng sẽ biến mất sau khi sinh. Tóc bạn một đôi khi cũng trở nên khô và dễ gãy, bạn đừng quá lo âu, chúng sẽ trở nên bình thường khi sinh xong.

* Ðau các bắp thịt

Những tháng cuối cùng khi gần sinh, bạn thường thấy những bắp thịt nhất là ở mông, ở cẳng chân co thắt lại. Chứng này thường do sự tuần hoàn huyết không được lưu thông vì thiếu sự vận động của các cơ, hoặc cũng có thể thiếu chất calcium. Bạn hãy nói điều đó cho bác sĩ của bạn biết.

*  Sưng chân và mắt cá chân

Gần khi sinh, bạn thường thấy mắt cá hay chân sưng lên, nhất là sau khi ngồi hay đứng một thời gian lâu. Chứng này thường biến mất nếu bạn nằm gối chân lên cao hay dùng một băng đàn hồi về đêm khi ngủ.

*  Chứng khó thở

Khi lớn dần, thai nhi đè lên những cơ quan thuộc bộ hô hấp và tuần hoàn làm bạn thấy khó thở. Ðiều này tự nhiên và thường xảy ra ở ban đêm. Nếu quá khó thở, bạn hãy báo ngay cho bác sĩ của bạn biết. Thường tới tháng thứ 9, thai nhi di động xuống hố của xương chậu, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm, dễ thở lại: đó là một trong những dấu hiệu báo trước bạn sắp sinh.

*  Sắp sinh con

Dễ thở trở lại và bụng đau thắt là những dấu chứng báo hiệu sắp sinh con. Việc này thật sự xảy ra khi:

  1. Băng huyết mầu hồng nơi cửa mình
  2. Ðau thắt bụng dưới do sự co thắt của các cơ bụng và tử cung sự co thắt này càng ngày càng mãnh liệt và mau chóng
  3. Vỡ túi nước, đau nhói. Thường ít khi tự nó xảy ra mà do bác sĩ bạn thực hiện để khơi động việc lâm bồn. Lúc này bạn không nên ăn gì cả, để bụng đói để tránh những ói mửa khi cần phải gây mê.

*  Một sự hy sinh lớn lao

Lo lắng cho em bé có những vật dụng cần thiết như tã lót, giường nôi, nệm khăn, áo lót, áo ấm, những vật dụng pha sữa, v.v. . . cũng như ngân khoản cho vấn đề sinh đẻ là một sự hy sinh lớn lao của cha mẹ, nhất là những gia đình không được khá giả lắm. Bù lại, sự xuất hiện của người con trong gia đình sẽ đem lại những nguồn vui mới.

*  Sữa mẹ hay sữa bò

Khỏi cần phải nói chắc bạn cũng biết, sữa mẹ bao giờ cũng lành mạnh hơn sữa bò. Sữa mẹ có đủ những chất lượng cần thiết, trừ chất sắt và sinh tố D, để em bé có thể phát triển trong vài tháng đầu. Lại nữa sữa mẹ rất tiện lợi, không tốn kém, lúc nào cũng sẵn có, được hâm nóng sẵn ở nhiệt độ thích hợp với cơ thể của em bé. Sữa mẹ lại vô trùng, trẻ ít mắc bệnh kiết lyï, tiêu chảy hay nổi mề đay. Dùng sữa mẹ còn làm tăng thêm tình mẫu tử, nhờ vậy người mẹ cũng như em bé cảm thấy thoải mái hoàn toàn về phương diện tâm lý. Chỉ có một vài trường hợp bạn không nên cho con bú như:

– Trẻ sinh thiếu tháng, quá còm yếu

– Trẻ bị sứt môi hay khiếm khuyết màng khẩu cái

 – Nhũ hoa bị lở loét đau đớn,  mắc bệnh yếu đuối kinh niên, nhất là bệnh lao.

*  Cho bú sữa mẹ

Nếu bạn đã quyết định cho con bú, bạn không nên cho bú quá 15 hay 20 phút cho một bên, không quá 5 tới 10 phút cho bên kia.

Bạn nên nhớ số lượng sữa của bạn có tuỳ thuộc số lượng em bé cần bú mỗi ngày. Nếu sau khi bú, em bé còn đòi muốn bú thêm, bạn nên cho bú ngay. Số lượng sữa sẽ tăng nếu bạn: ăn uống đầy đủ và cho bú luôn, càng bú, sữa càng được tạo thêm.

*  Nuôi con bằng sữa bình

Nếu dùng sữa bình, bạn nên pha loãng sữa trong ba tuần lễ đầu, vì lúc đó em bé chưa đủ khả năng tiêu hoá chất calcium phosphate, cũng như thận chưa đủ khả năng bài tiết hết nước.

*  Cho bú cách nào?

Thử lại nhiệt độ trước khi cho bú. Ðừng nên cho bú quá 20 phút. Sau khi bú nên bế đứng, đặt nghiêng hay nằm sấp để tránh sữa ọc vào cuống phổi.

*  Vài trở ngại khi cho bú

c sữa, nấc cục: Khi nuốt nhanh quá, ăn nhiều quá hay nuốt nhiều hơi quá, em bé có thể bị nấc. Thường chỉ vài phút sau khi xả hơi bằng cách bế đứng hay cho uống một vài thìa nước ấm, em bé sẽ trở lại trạng thái bình thường. Nhiều khi em bé hay ọc ra sữa ngay khi bú xong vì bú nhiều quá, thiếu sự xả hơi, hay sữa không thích hợp.

*  Một vài vấn đề của em bé

Một vài ngày sau khi sinh, da em bé thường trở nên vàng dấu chứng này thường biến mất sau một tuần. Nếu da vàng ngay sau khi sinh hay kéo dài một tuần, bạn hãy báo cho bác sĩ biết.

* Ðại tiện

Trong vài ngày đầu mới sinh, em bé thường bài tiết ra chất dẻo xanh đậm, sau đó mới tới phân. Với sữa mẹ, em bé gần như không bao giờ bón và thường tiêu hóa sau mỗi lần bú, chừng 5-6 lần mỗi ngày trong 6 tuần lễ đầu. Với sữa bình (bò), trẻ thường bị bón vì hoặc không đủ nước hay thiếu chất đường trong sữa. Nếu không biết, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ bạn.

*  Tiêu chảy

Nếu em bé tiêu nhiều trong một ngày, và phân trở nên lỏng như nước, có mầu xanh lạt, nhiều mùi, được coi như là chảy. Có lẽ vì đồ ăn quá ngọt. Bạn hãy giảm chất ngọt, nước trái cây hay mọi thứ thực phẩm. Bạn hãy dùng sữa không có chất béo (skim milk) từng lượng nhỏ. Nếu không hết, bạn hãy hỏi cho bác sĩ.

*  Em bé sưng nhũ hoa:

Ở bé trai cũng như bé gái, nhũ hoa có thể sưng lên sau khi chào đời, nhất là ở bé gái đôi khi còn có băng huyết nơi cửa mình.  Trong trường hợp nhũ hoa của em bé sưng lên và chảy sữa, bạn hãy để tự nó sẽ hết không cần chữa trị.

*  Giấc ngủ:

Em bé ngủ nhiều hay ít bạn đừng ngại gì cả hãy để em bé yên tĩnh lúc ngủ cũng như lúc thức. Nên đặt chúng trên tấm nệm êm ái ở vị thế nghiêng hay sấp và nhớ nên thỉnh thoảng trở mình cho chúng.

*  Kêu khóc:

Thật khó biết ngay tại sao em bé khóc vì có rất nhiều nguyên nhân:

Có thể là bụng chúng có quá nhiều hơi.

Có thể là chúng đói quá.

Có thể vì tã ướt quá.

Một trong những nguyên nhân thường khiến em bé khóc không dứt là chúng nhiễm trùng nơi tai. Tuy nhiên, cũng có thể do chứng sa ruột, sữa quá đặc, thức ăn không hợp, hay bí tắc đường tiểu. Vậy nếu trẻ khóc không dứt, bạn hãy tìm những nguyên nhân tiềm ẩn, hay hỏi ý kiến bác sĩ nếu cần.

*  Mút ngón tay:

Chứng này được coi như bình thường tới tháng thứ 12.

Chúc bạn gặp được nhiều may mắn và thành công.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!