Góc tư vấn

Có quá nhiều luật lệ trong đạo công giáo?

Có quá nhiều luật lệ trong đạo công giáo?

Msgr. William J. King
Thực ra, không hề có nhiều luật lệ đến thế trong Giáo hội, khi chúng ta xét đến việc chúng ta là một đoàn thể của hơn một tỷ thành viên toàn cầu, với một lịch sử kéo dài đến vài ngàn năm (nếu tính cả những cội rễ và truyền thống Kinh thánh tiền Kitô giáo của chúng ta).
Theo một nghĩa nào đó, vấn đề này cũng giống như việc chất vấn tại sao hệ thống GPS của xe hơi duy trì việc thông báo cho lái xe khi nào nên rẽ phải hay rẽ trái: Nó đang đưa ra hướng dẫn hay đặt ra luật lệ?
Khi ban hành Bộ Giáo luật 1983 hiện thời của Giáo hội, Giáo Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhớ chúng ta rằng Cựu ước và Tân ước làm thành nguồn luật quan trọng nhất cho Giáo hội. Vì thế, hãy đến với Kinh thánh trước tiên để xem xét điều thánh Phaolô đã dạy về việc sống thông điệp của Đức Giêsu.
Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô dành 11 chương đầu để trình bày một khoa thần học vững chắc về ân sủng và cứu chuộc, đạt tột đỉnh nơi phúc cứu độ dành cho chúng ta trong Đức Kitô Giêsu, nhờ lòng thương xót của Cha trên trời. Kế đó, thánh Phaolô nêu lên một thách đố: “Ðừng rập theo đời này, trái lại hãy canh tân lương trí” (Rm 12,2). Thách đố này đòi ta phải để cho đức tin biến đổi hành vi của mình: vì Thiên Chúa đã thực hiện cho ta bao việc trọng đại, chúng ta phải đáp trả bằng cách cải biến hành vi ứng xử cho tương hợp với tiêu chuẩn cao hơn của ân sủng Thiên Chúa.
 
Lòng thương xót và ân sủng
Nếu chúng ta hiểu được chiều sâu lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta buộc phải duyệt xét lại hành vi của mình để đáp trả. Nói cách khác, chúng ta không thể giữ lối sống như những kẻ không có đức tin. Tuy nhiên, sự biến đổi bên ngoài của hành vi lại khởi đi tự bên trong, tức một thái độ biết ơn đối với tất cả những điều Thiên Chúa đã và tiếp tục làm cho chúng ta. Đó là một sự biến đổi được thúc đẩy bởi lòng yêu mến Thiên Chúa và hiểu được tình yêu của Ngài dành cho cuộc đời chúng ta. Đó không phải là một sự biến đổi được đặt ra bởi lề luật, nhưng bởi tình yêu.
Đây cũng là thông điệp của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi ngài đưa ra cho chúng ta Bộ Giáo luật hiện thời. Ngài nói rằng: “Bộ Giáo luật không có mục đích thay thế cho đức tin, ân sủng, đặc sủng và nhất là đức ái trong đời sống của Giáo hội và của các tín hữu”.
Chúa Giêsu ủy nhiệm cho Giáo hội đi vào thế giới để giảng dạy chứ không phải để lập pháp. Đó là điều mà Giáo hội thực hiện trong suốt những thế kỷ của Kitô giáo. Giáo huấn của Giáo hội, bắt nguồn từ Mặc khải trong Kinh thánh và qua Chúa Thánh Thần trong truyền thống Giáo hội, dẫn đến việc khai triển giáo lý và tín điều.
Đồng thời, khi Giáo hội lớn dần và gặp phải những vấn nạn mới, có những vấn đề về tổ chức và kỷ luật Giáo hội cần giải quyết. Điều này đưa đến sự tiến triển của lề luật trong Giáo hội. Chúng ta gọi đó là giáo luật, bởi từ Hy Lạp nghĩa là thước đo. Tuy nhiên, giáo luật luôn là người phục vụ cho thần học, và như điều cuối cùng của Bộ Giáo luật nhắc nhớ chúng ta, ơn cứu độ của các linh hồn là luật tối thượng của Giáo hội.
Giáo lý và Lề luật
Có sự khác biệt giữa giáo lý và lề luật. Chúng đòi hỏi hai cách đáp trả khác nhau. Dù xét cho cùng thì cả hai đều tác động lên cách chúng ta sống cuộc đời mình.
Giáo lý, hay giáo huấn của Giáo hội, giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của Tin mừng và hành động của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày. Giáo lý có thể mang tính thần học thuần túy – nghĩa là tập chú vào các mầu nhiệm về Thiên Chúa như Thiên Chúa Ba Ngôi, bản tính của Đức Kitô (Kitô học), hay Mặc khải thánh. Giáo lý cũng có thể liên quan đến việc áp dụng thực tế Tin mừng vào đời sống hằng ngày, như thần học luân lý hay học thuyết xã hội của Giáo hội. Nó còn có thể đề cập về tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại, như thần học bí tích, phụng tự hay bản tính của Giáo hội (Giáo hội học).
Giáo hội yêu cầu chúng ta, trong tư cách là những người Công giáo, trước hết phải hiểu được giáo lý. Chúng ta được đòi hỏi thấm nhuần tâm trí mình bằng việc đọc các tuyên bố về giáo lý của huấn quyền, tức thẩm quyền giáo huấn của Giáo hội. Chỉ sau khi chúng ta đọc và hiểu giáo huấn, Giáo hội với yêu cầu chúng ta tin nhận giáo huấn về mặt lý trí. Đây là nền tảng cho một lương tri được định hình đúng đắn: biết, hiểu và tin nhận bằng tâm trí đối với giáo huấn của Giáo hội. Tiếp đến là tác động của giáo huấn ấy trong đời sống của chúng ta – cụ thể là việc đưa giáo huấn vào thực hành.
Một nghiệp chủ Công giáo, khi hiểu và tin nhận lịch sử lâu dài của học thuyết xã hội Công giáo, sẽ muốn tôn trọng phẩm giá của người làm công và trao cho họ một mức lương và điều kiện làm việc xứng đáng. Tuy nhiên, không có “luật lệ” nào quy định chính xác phương thức thực hiện điều này. Cách chung, Giáo luật điều 222 triệt 2 nói rằng, các Kitô hữu “có nghĩa vụ cổ vũ công bằng xã hội”, và điều 1286 buộc nhiều người sử dụng lao động trong Giáo hội phải “trả lương bổng cách công bằng và tươm tất”, nhưng những điều khoản chung này bắt nguồn từ lịch sử rộng lớn hơn của giáo huấn xã hội.
Cũng thế, lịch sử lâu dài của giáo lý về trách nhiệm tính dục của con người và ân huệ sự sống đòi buộc người Công giáo hiểu và tin nhận đối với thực tế rằng việc ngừa thai nhân tạo bất tương hợp với luân lý Kitô giáo. Giáo lý này được nhắc lại trong nhiều giáo huấn của Giáo hội, nhưng lướt khắp các bản văn lập pháp của Giáo hội người ta lại thấy chẳng có điều luật nào rõ ràng nghiêm cấm việc kiểm soát sinh sản nhân tạo (ngoại trừ việc phá thai có hiệu quả). Sự sáng tỏ và sức thuyết phục của giáo lý đưa chúng ta đến việc hiểu được giáo huấn và lựa chọn áp dụng vào thực tiễn đời sống, bằng một sự tiến triển từ tâm trí đến lương tâm rồi đến hành động. Vô luân không có nghĩa là bất hợp luật bởi vì vai trò của lề luật trong Giáo hội rất hẹp khi so với những vai trò rộng lớn hơn của giáo lý và lương tâm.
Lề luật thì khác. Lề luật không đòi hỏi chúng ta phải hiểu trước rồi sau đó đi đến tin nhận. Thay vào đó, Lề luật đòi buộc chúng ta tuân theo trước rồi mới tìm kiếm các giá trị và giáo huấn đứng phía sau. Chẳng hạn, Thập giới là luật chứ không phải giáo lý. Tuy nhiên, nó giúp các Kitô hữu chúng ta cố gắng tìm hiểu lý do tại sao việc tránh 10 hành vi ứng xử này lại quan trọng đối với Thiên Chúa. Lịch sử phía sau mười lệnh truyền này là gì? Đâu là bối cảnh Kinh thánh của chúng? Cách đặt câu hỏi như vậy cũng có ích cho việc hiểu một số các quy phạm và thực hành về mặt kỷ luật của Giáo hội. Tại sao những hành vi ứng xử này lại quan trọng đối với sự trưởng thành tâm linh và tôn giáo của tôi đến mức chúng có tính bắt buộc?
Chính Đức Giêsu đã không tránh né việc hướng dẫn cho các môn đệ cách sống cuộc đời của họ, dù liên quan đến việc nộp thuế hay chuyện tha thứ cho người khác. Nhưng Đức Giêsu đặt lề luật trong bối ảnh phù hợp của nó cho những người theo Ngài: “Nếu các ngươi giữ các lệnh truyền của Ta, các ngươi sẽ lưu lại trong lòng yêu mến của Ta, cũng như Ta đã giữ các lệnh truyền của Cha Ta, và lưu lại trong lòng yêu mến của Người” (Ga 15,10).
Giáo hội không được tự do bỏ qua giáo huấn của Đức Giêsu trong Kinh thánh, và chắc chắn cũng không được tự ý bỏ qua luật lệ mà Ngài đã ban cho chúng ta. Giáo huấn của Ngài về ly dị và tái hôn thường khiến người ta bày tỏ lo ngại về “luật lệ” của Giáo hội: “Còn Ta, Ta bảo các ngươi: mọi kẻ rẫy vợ – trừ phi là nó dâm bôn – là làm cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ ly dị là phạm tội ngoại tình” (Mt 5,32). Tuy nhiên, đây là luật của Chúa Giêsu và không thể bị bỏ qua.
Giáo lý tồn tại để hướng dẫn hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa, Giáo hội và đời sống ân sủng. Cả giáo lý và lề luật được Giáo hội trao cho chúng ta không phải như những chướng ngại hay rào cản trong cuộc sống, nhưng như những trợ giúp trong hành trình tâm linh của chúng ta. Chúng là những hành vi phải thực hiện (bổn phận dự Thánh lễ Chúa nhật) hay những điều phải tránh (xúc phạm Mình thánh Chúa) hầu chúng ta có thể đạt đến mục tiêu thiêng liêng của mình dễ dàng hơn – cụ thể là ơn cứu độ của linh hồn.
Nếu tôi bỏ qua chỉ dẫn của hệ thống GPS trên xe hơi để rẽ phải tại khúc cua tiếp theo, tôi phải mất một lúc để tính toán lại cách có thể quay lại đúng đường. Tùy thuộc lộ trình, tôi có thể phải đi vòng hoặc quay đầu xe. Cũng thế, nếu tôi bỏ qua luật lệ của Giáo hội, tôi có thể tính toán lại cách trở về đúng hướng con đường tôn giáo hay tâm linh của mình, và nếu cần thiết, tôi sẽ đi xưng tội nếu phạm tội.
Điều quan trọng là khi chúng ta gặp một “luật lệ” trong Giáo hội, trước hết hãy hỏi xem liệu đó có thực sự là một luật lệ hay không. Thay vào đó, có thể đó chỉ là việc áp dụng thực hành của giáo lý về luân lý hay thần học. Dù sao thì chúng ta nên cố gắng hiểu biết giáo huấn và lý do của nó trước khi chất vấn một “luật lệ” của Giáo hội.
Vấn đề về hình phạt
Đây là điểm quan trọng khác cần lưu tâm khi chúng ta xem xét lề luật trong Giáo hội. Rất ít các luật lệ có kèm hình phạt. Chỉ một vài hành vi phương hại đến đời sống Giáo hội hoặc đẩy linh hồn của tội nhân vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng mới kèm theo hình phạt. Chẳng hạn, việc phá thai có hiệu quả sẽ mắc vạ tuyệt thông từ Giáo hội. Một linh mục vi phạm ấn tín tòa giải tội hay lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là những ví dụ khác về những hành vi cần hình phạt nghiêm khắc. Bạn có thể nhận ra rằng những luật lệ này tồn tại là để bảo vệ những giá trị quan trọng nhất của Giáo hội.
Hầu hết “luật lệ” của Giáo hội không áp đặt hình phạt khi vi phạm chúng. Chẳng hạn, kiêng thịt vào thứ Tư Lễ tro và các thứ Sáu mùa Chay là một thực hành thiêng liêng và sám hối. Nếu tôi ăn xúc xích vào một trong những ngày trên, tôi sẽ không mắc vạ tuyệt thông hay chịu một hình phạt nào khác bởi Giáo hội. Tôi có thể đã phạm một luật lệ, nhưng luật lệ tồn tại là để giúp hướng dẫn tôi về mặt tinh thần nhờ hiểu được rằng tôi có thể phụ thuộc vào lòng nhân từ và sự quan phòng của Thiên Chúa khi từ chối điều gì đó của thế giới này. Tội lỗi trong việc ăn thịt không can hệ đến việc bỏ qua luật lệ cho bằng bỏ qua cơ hội để lớn lên trong sự phụ thuộc vào Thiên Chúa.
Một số người Công giáo chất vấn tại sao lại có quá nhiều “luật lệ” trong Giáo hội. Khi đòi hỏi phải xác định một luật lệ khó hiểu, thường thì vấn đề không nằm ở “luật lệ” nhưng ở giáo huấn và giáo lý.
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!