Góc tư vấn

Cơn bão “khủng hoảng các giá trị” và trách nhiệm của Giáo hội Công giáo

Cơn bão “khủng hoảng các giá trị” và trách nhiệm của Giáo hội Công giáo

 

Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ, sinh viên, học sinh, trong đó có nhiều bạn giới trẻ Công giáo lao theo những hành vi tiêu cực, nghiện ngập, hút sách, mặc kệ đời…​
PopeFrancis-05Oct2014-02.jpg

Ảnh: News.va

“Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa”

Nhà thơ Bùi Minh Quốc, ngay từ năm 1994, chứng kiến những băng hoại trong xã hội, đã phải thốt lên bằng một câu thơ đầy hình tượng như trên: “Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa!”

Trong thực tế, không kể những tiêu cực trong xã hội, nạn tham nhũng, mua quan bán chức… hàng ngày, mở mắt ra, trên các phương tiện thông tin đại chúng tràn ngập những câu chuyện đau lòng, thậm chí là án mạng xảy ra trong các gia đình, giữa những người có quan hệ máu mủ ruột thịt.

Không chỉ có vậy, ngay cả ở những nơi được gọi là linh thiêng nhất, như Nhà Chúa, Nhà Chùa… biết bao những tiêu cực xảy ra càng làm cho con người ngày nay, cách riêng các bạn trẻ trở nên bất mãn, đánh mất niềm tin vào cuộc sống.

Lý do tại đâu

Theo một số chuyên gia tâm lý, tất cả những tiêu cực trên đây, cách riêng những nổi loạn của người trẻ, sống bất cần đời, vô cảm với người thân, không quan tâm tới xã hội… đều bắt đầu từ một nguyên nhân sâu xa: đó là do cơn bão “khủng hoảng các giá trị”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến “cuộc khủng hoảng chết người này”. Đó có thể là do ý thức hệ duy vật làm cho con người chỉ nghĩ đến vật chất mà coi nhẹ tình cảm, ngay cả những tình cảm thiêng liêng nhất, làm cho mối quan hệ gia đình lỏng lẻo, dễ vỡ.

Đó có thể là do nền giáo dục chỉ chuyên đào tạo ra những con người công cụ mà quên đào tạo ra những con người nhân bản như nền giáo dục Việt Nam hiện nay, càng làm cho các bạn trẻ thêm coi trọng vật chất, lạc mất lý tưởng sống.

Sự phát triển nhanh chóng của không gian kỹ thuật số cũng làm cho “con người bị mù trước những tổn thương của người khác… làm méo mó nhận thức của người trẻ về tính dục… Việc chìm đắm trong thế giới ảo dễ dàng đưa tới một kiểu “di cư kỹ thuật số”, nghĩa là xa rời gia đình cũng như các giá trị văn hóa và tôn giáo” (Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, # 90).

Đó có thể là do các tôn giáo, cách riêng Giáo hội Công giáo, vì bị thể chế chính trị thao túng, nên đã không làm tròn vai trò xã hội của mình, là: “1/Nêu những đồi hỏi về hành vi xã hội đúng đắn như xuất hiện trong Tin mừng. 2/ Nhân danh công lý lên án những hành động và những thể chế xã hội, kinh tế hay chính trị đi ngược với sứ điệp của Tin mừng” (Docat # 23).

Tìm đâu các giá trị

Trong bối cảnh xã hội rơi vào cơn bão “khủng hoảng các giá trị như hiện nay” việc giúp xã hội, cách riêng các người trẻ tìm lại những giá trị đích thực cực kỳ cần thiết.

Công việc này, cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó có ngành giáo dục và các tổ chức tôn giáo. Về giáo dục, cần phải có một cuộc đổi mới giáo dục toàn diện. Ngoài việc phải bỏ thứ “triết lý giáo dục bao cấp”, nghĩa là từ bỏ tình trạng “độc quyền giáo dục”, cho phép các tổ chức tôn giáo tham gia vào công tác đào tạo, Bộ giáo dục cần phải xây dựng một nền giáo dục lấy sự phát triển con người toàn diện làm trung tâm, đề cao phẩm giá con người, nhờ đó mới có thể đào tạo ra những con người nhân bản, có tự do, có nhân cách, phát triển tâm và trí toàn diện, có khả năng chịu trách nhiệm và sáng tạo.

Đối với Giáo hội Công giáo, với Học thuyết Xã hội Công giáo, đặt nền trên phẩm giá con người, Giáo hội có thể cung cấp cho con người ngày nay “một số nguyên tắc, chuẩn mực, và nhận định về các giá trị. Các nguyên tắc và các giá trị này có thể mang đến một trật tự xã hội tự do và công bằng” (Docat # 23).

Thiết tưởng, trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, khi Giáo hội còn bị hạn chế trong các hoạt động xã hội, Giáo hội nên bắt đầu công cuộc canh tân từ bên trong Giáo hội, giúp các bạn trẻ học hỏi, sống các nguyên tắc và các giá trị được trình bày trong Học thuyết Xã hội Công giáo.​ st

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!