Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Đại hội Giới trẻ Thế giới: một địa lý của thế giới

 

Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ tại Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Panama năm 2019

 

 

 

Các nơi được chọn để tổ chức ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới là một địa lý của thế giới công giáo và cũng là các nơi làm chứng cho những diễn biến địa chính trị đã diễn ra trong 40 năm qua. Nhà địa chính trị Jean-Baptiste Noé ghi nhận những hạn chế về hậu cần đã giới hạn sự lựa chọn của các quốc gia có thể tổ chức những ngày này.

Năm 1984, khi Đức Gioan-Phaolô II tổ chức những gì sẽ trở thành Ngày Thế Giới Trẻ, ít người tin vào sự thành công của sáng kiến này.

Lần đầu tiên Rôma đón 300.000 người trẻ, một thành công lớn cho các nhà tổ chức. Năm 1989, Đại hội Giới trẻ Thế giới tổ chức ở Santiago de Compostela, và năm 1991 ở Czestochowa khi Ba Lan vừa giành lại tự do, là những khoảnh khắc tuyệt vời cho giới trẻ châu Âu. Năm 1991, có vài trăm bạn trẻ Liên Xô ở Matxcova được phép đi dự, và cũng là lần đầu tiên hàng ngàn thanh niên từ cả hai phía của Bức màn sắt gặp nhau và trao đổi quan điểm. Năm 1995, tại Manila, Phi Luật Tân các nhà tổ chức đã thống kê được gần 5 triệu bạn trẻ tham dự, đây vẫn là cuộc họp nhân loại lớn nhất trong lịch sử. Từ cơn bão Madrid năm 2011 đến Copacabana đông đúc năm 2013, mỗi Ngày Thế Giới Trẻ đều để lại những dấu ấn và khoảnh khắc khó quên.

Nhiệt huyết vẫn còn

Trong 40 năm, những Ngày Thế Giới Trẻ cho thấy sự tiến triển của thế giới công giáo nói riêng và địa chính trị toàn cầu nói chung. Trong số 17 sự kiện được tổ chức, 10 sự kiện được tổ chức ở châu Âu, 5 ở châu Mỹ, 1 ở châu Á và 1 ở châu Đại Dương. Trong khi nhiều người cho rằng kitô giáo đã chấm dứt ở châu Âu, nhưng mỗi lần Đại hội Giới trẻ Thế giới tổ chức ở châu Âu thì mỗi lần đều có thêm người trẻ tham dự, hầu hết các bạn đến từ lục địa châu Âu, dĩ nhiên là bị hạn chế về giao thông.

Điều mà bản đồ Ngày Thế Giới Trẻ cho thấy, đó là tình trạng ổn định và bất ổn trên thế giới.

Như vậy, từ 300.000 bạn trẻ tham dự tại Rôma năm 1985, con số này đã tăng lên 500.000 tại Santiago năm 1989, 1,6 triệu tại Ba Lan năm 1991, 1,2 triệu tại Paris (1997), 2,2 triệu tại Rôma trong dịp mừng năm 2000, 2 triệu tại Madrid (2011), 3,5 triệu tại Krakow (2016). Những con số này vẫn có thể có được ở Lisbon năm nay. Bây giờ, chính con cái của những người đã tham dự ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới của Đức Gioan-Phaolô II đến đó, bằng chứng cho thấy trực giác của ngài đã đạt được: đức tin đã được truyền đi và lòng nhiệt thành vẫn còn. Nhà sử học Charles Mercier nói về Đại hội Giới trẻ Thế giới như “một chủ nghĩa quốc tế công giáo”, ra đời trong những năm 1980, vào thời điểm Chiến tranh Lạnh đang căng thẳng, đã biết cách đổi mới và thích nghi để đáp ứng những thách thức của những năm 2020.

Địa lý thế giới

Bản đồ Đại hội Giới trẻ Thế giới cho thấy tình trạng ổn định và không ổn định trên thế giới. Việc tập hợp như vậy đòi hỏi phải có một lực lượng hậu cần mạnh mẽ và được luyện tập kỹ để nuôi ăn, nuôi ở, chăm sóc và giám sát một số lượng người lớn như vậy. Không có sự kiện nào khác quy tụ nhiều người như vậy trong nhiều ngày và ở một nơi giới hạn. Dù là một cuộc gặp gỡ đức tin, thì cũng là một thử thách vật chất và hậu cần đòi hỏi các giáo phận phải chuẩn bị trong nhiều năm. Chẳng hạn lễ phục và đồ vật phụng vụ. Với những Ngày Thế Giới Trẻ phải cần có 10.000 áo lễ cho các linh mục và giám mục có mặt. Thêm vào đó là 6.000 bình thánh, 200 chén lễ. 

Ngày Thế Giới Trẻ từ năm 1984 đến 2023 – Jean-Baptiste Noé

Chi phí tổ chức do các giáo phận tổ chức đảm nhận, việc gây quỹ là tùy thuộc họ. Điều này cũng bao gồm các thành phố có thể đảm trách được dòng người như vậy, với xa lộ, nhà ga, sân bay theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Còn với kinh tế địa phương, đây là một lợi ích khi có nhiều người đổ xô về, và sự kiện được quảng bá rộng rãi trên khắp thế giới. Trong lãnh vực thể thao, đó là một quyền lực mềm, nhưng cũng có thể áp dụng cho Đại hội Giới trẻ Thế giới, sự kiện này có ưu điểm là tổ chức ít tốn kém hơn nhiều so với Thế vận hội Olympic và ít gây ra các vấn đề an ninh hơn.

Các hạn chế về hậu cần

Những hạn chế về hậu cần này giới hạn số lượng quốc gia có thể tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới. Hiện nay, không có quốc gia châu Phi nào có thể đảm bảo an toàn và đón tiếp hàng ngàn người trẻ  và rất ít quốc gia ở châu Á có đông đảo người công giáo trong nước để lên kế hoạch cho một sự kiện như vậy. Hàn Quốc đáp ứng tất cả các điều kiện và vì thế có thể tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới tiếp theo. Ở Mỹ Latinh, chỉ Chi-lê, Argentina và Brazil là có phương tiện kỹ thuật để đảm bảo một tổ chức như vậy. Việc tổ chức lại ở Mỹ cũng là một khả thể, có thể sẽ là San Diego, nơi có hồng y-giám mục thân cận giáo hoàng và thành phố nằm cách biên giới Mexico vài cây số.

Dù mục đích của những ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới là điểm gặp gỡ và chia sẻ đức tin, thì sự kiện này không thể tách rời khỏi những ràng buộc chính trị và hậu cần cố hữu trong việc tổ chức một cuộc gặp gỡ lớn lao như vậy. Cho đến nay, điều này có thể thấy được ở châu Âu: chính các quốc gia có truyền thống công giáo mạnh mẽ mới tổ chức được, trừ Vương quốc Anh. Chúng ta sẽ chờ đến thánh lễ cuối cùng mới biết tên thành phố nào sẽ đứng ra tổ chức Ngày Thế Giới Trẻ tiếp theo (bên ngoài châu Âu nếu sự luân phiên được tôn trọng), nhưng sự lựa chọn đã dẫn đến một tình thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc chọn một quốc gia có đủ dân số và cơ cấu hậu cần phù hợp, hoặc chọn một quốc gia có phương tiện kỹ thuật, nhưng không có số lượng lớn thanh niên công giáo. Dù sao thì đó chỉ là phô trương mà không có một tác động tông đồ thực sự nào. Đó là trường hợp của Ngày Thế Giới Trẻ tổ chức ở Panama năm 2019, khó nhọc mới có được 110.000 người tham gia, với một thành phố có 470.000 người dân. Các cấu trúc khách sạn và hậu cần đã bị quá tải bởi một đám đông bất thường, tạo nhiều vấn đề về an ninh. Dù là những ngày của đức tin, nhưng Ngày Thế Giới Trẻ cũng phải đối phó với những thực tế địa chính trị toàn cầu.

 

Marta An Nguyễn dịch

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!