Đức Giáo hoàng nên được gọi bằng tước hiệu gì?
Một cái nhìn thú vị về những vị giáo hoàng không lấy tên mới và những vị đã lấy tên mới – tại sao, khi nào và điều gì tiếp theo sau đó.
Ngay sau khi một tân giáo hoàng được bầu chấp nhận vai trò của mình, ngài phải đối mặt với câu hỏi: “Ngài sẽ được gọi bằng tước hiệu gì?”
Ngày nay, người ta cho rằng bất cứ vị nào trở thành giáo hoàng đều sẽ nhận cho mình một tước hiệu giáo hoàng mới. Trên thực tế, gần nửa thiên niên kỷ đã trôi qua kể từ khi một vị giáo hoàng sử dụng tên thật (tên khai sinh) của mình.
Tuy nhiên, trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, các vị giáo hoàng đều đã sử dụng tên thật của mình. Quan niệm về việc nhận tước hiệu mới của giáo hoàng (tông hiệu) vốn bắt đầu vào năm 533, khi một linh mục tên là Mercurius được chọn làm giáo hoàng và ngài quyết định rằng thật không phù hợp đối với Giám mục Rôma khi sử dụng một tên gọi vốn dành để tôn vinh vị thần ngoại giáo là Mercury. Vì vậy, ngài đã bỏ qua tên thật của mình và trở thành Đức Giáo hoàng Gioan II.
Mặc dù không có nhiều thông tin về triều đại giáo hoàng kéo dài hai năm của ngài, nhưng dường như Đức Giáo hoàng Gioan II là một con người vững vàng về phương diện luân lý, khi ngài đã cầm giữ ít nhất một giám mục có thói trăng hoa trong một đan viện.
Vị thứ hai chọn cho mình một tước hiệu là Đức Giáo hoàng Gioan III. Với tên thật “Catelinus”, ngài vốn là con của một thành viên ưu tú của Viện nguyên lão Rôma. Triều đại giáo hoàng của ngài kéo dài gần đúng 13 năm (17 tháng 7 năm 561 đến 13 tháng 7 năm 574), một thành tựu không nhỏ trong thời đại đó. Đức Giáo hoàng Gioan III dường như có sự thích nghi rất tốt. Và trong một thời kỳ đặc biệt hỗn loạn, ngài đã thực hiện trọng trách giáo hoàng của mình tại một địa điểm đặc biệt cách Rôma vài dặm.
Không có giáo hoàng tiếp theo nào nhận lấy tước hiệu mới cho đến thế kỷ thứ X.
Với tên thật “Octavian”, Đức Giáo hoàng Gioan XII rõ ràng là một thanh niên có mối quan hệ rộng rãi khi được chọn làm giáo hoàng ở độ tuổi 20 vào năm 955. Mặc dù đã trở thành Giám mục Rôma, nhưng “các công việc của Giáo Hội dường như không có sức hấp dẫn” đối với vị giáo hoàng này. Thay vào đó, ngài “sống cả đời trong sự phù phiếm và ngoại tình”. Sau khi nắm giữ cương vị giáo hoàng theo cách này hơn tám năm, ngài đã qua đời trong tình cảnh không mấy rõ ràng.
Vị thứ tư lấy tước hiệu mới là Đức Giáo hoàng Gioan XIV. Sinh ra vào thế kỷ thứ X với tên gọi Peter Canepanova, ngài không được bầu chọn bởi bất kỳ giáo sĩ hay cuộc bỏ phiếu phổ thông nào, mà theo quyết định riêng của Hoàng đế Rôma là Otto II.
Khi Otto II qua đời ngay sau đó, Đức Giáo hoàng Gioan XIV mất đi đồng minh chính (có lẽ là duy nhất) và bị tổn thương cả về chính trị lẫn thể chất. Một người chống đối giáo hoàng đã sớm xông đến để chiếm ngôi giáo hoàng và tống giam Đức Gioan XIV vào Castel Sant’Angelo, nơi ngài qua đời vì những nguyên nhân bất thường vào ngày 20 tháng 8 năm 984. Triều đại giáo hoàng của ngài kéo dài suốt 8 tháng, bao gồm cả thời gian bị giam cầm.
Được sinh ra vào năm 972 với tên thật Bruno xứ Carinthia, Đức Giáo hoàng Grêgôriô V là con của một công tước và được phong làm giáo hoàng bởi Hoàng đế Rôma là Otto III, người anh em họ của ngài. Triều đại giáo hoàng của ngài bắt đầu vào ngày 03 tháng 5 năm 996 và kết thúc gần ba năm sau đó với cái chết đột ngột và đáng ngờ vào ngày 18 tháng 02 năm 999.
Ngay sau triều đại giáo hoàng của Đức Grêgôriô V, các giáo hoàng về sau sẽ lấy một tước hiệu mới theo thông lệ. Kết quả là chỉ có hai vị giáo hoàng trong thời hiện đại giữ nguyên tên thật của mình.
Đầu tiên là Đức Giáo hoàng Adrianô VI. Đậy là vị giáo hoàng người Hà Lan duy nhất trong hai thiên niên kỷ qua với tên thật Adriaan Florensz Boeyens. Là con của một người thợ mộc, ngài trở thành giáo sư thần học lâu năm và làm người giám hộ cho Hoàng đế Rôma tương lai là Charles V.
Vào ngày 09 tháng 01 năm 1522, Đức Giáo hoàng Adrianô VI được chọn như một sự thỏa hiệp giữa các phe nhóm các hồng y đang tranh cãi, nhiều vị hồng y sau đó đã tỏ ra phẫn nộ đối với vị giáo hoàng mới này khi rõ ràng ngài là người thực sự nghiêm túc trong việc xóa bỏ tham nhũng và tiêu xài hoang phí.
Đức Giáo hoàng Adrianô VI là một vị giáo hoàng chính trực, người thực sự muốn cải tổ một Giáo Hội đang sa lầy trong bãi cát lún của sự giả tạo, buông thả và xa hoa, cũng như trong bối cảnh các hoàng tử Công giáo đang gây chiến với nhau, mối đe dọa ngày càng tăng từ Đế quốc Ottoman và một cuộc Cải cách Tin lành mới manh nha.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của ngài là các hồng y muốn tiếp tục sống như các hoàng tử thời Phục hưng. Hai mươi tháng sau triều đại giáo hoàng của mình, ngài qua đời vào ngày 14 tháng 9 năm 1523, ở tuổi 64 – kiệt sức, phẫn uất và liêm khiết.
Vị gần đây nhất giữ nguyên tên thật của mình là Đức Giáo hoàng Marcellô II. Sinh năm 1501 với tên gọi Marcello Cervini degli Spannocchi, ngài là con trai của một người giữ quỹ giáo hoàng.
Khi triều đại giáo hoàng của ngài bắt đầu vào ngày 09 tháng 4 năm 1555, Đức Marcellô II đã lâm bệnh. Ngài qua đời vì đột quỵ ba tuần sau đó.
Với việc Đức Marcellô II đã có một triều đại giáo hoàng ngắn ngủi như vậy, chúng ta có thể tự hỏi rằng liệu việc giữ lại tên thật của giáo hoàng có bị xem là điều chẳng may hay không. Dù sao đi nữa cũng không có vị tân giáo hoàng nào giữ lại tên thật của mình kể từ thời điểm đó.
Tác giả: Ray Cavanaugh
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên