ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ: MẪU GƯƠNG MỤC TỬ CHO LINH MỤC MỌI THỜI
- ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ: CHÂN DUNG VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH
“Tôi chính là Mục Tử nhân lành…” (Ga 10,11). Trong tiếng Hy-lạp, có hai từ có nghĩa là “tốt”, “agathos” nói về phẩm chất luân lý; “kalos” nói về tính cách hấp dẫn làm cho phẩm chất tốt kia trở thành dễ thương. Vậy khi Chúa Giê-su nói “Mục Tử nhân lành” thì Ngài không chỉ nói đến một người chăn chiên cần mẫn và trung tín, nhưng Ngài muốn sử dụng từ “nhân lành” theo ý nghĩa kalos. Theo ý nghĩa ấy, vị mục tử này dễ thương, mạnh mẽ và uy quyền.
Dù hiểu theo nghĩa nào thì Đức Giê-su vẫn được ca ngợi như là một vị Mục Tử với dung mạo khả ái, nhân từ và dịu hiền. Trái tim Ngài là trái tim đầy lòng thương xót, bao dung và ấm áp. Từ trái tim ấy, đã vang lên tiếng lòng yêu thương, như TV 99 đã diễn ý:
“Hãy nhìn nhận CHÚA là Thượng Đế, chính Người đã dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt,
Bởi vì CHÚA nhân hậu, muôn ngàn đời CHÚA vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín” (TV 99, 3; 5).
1.1. Phẩm chất đầu tiên của vị Mục Tử Giê-su, đó là hiền hậu.
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”. (Mt, 11, 29-30). “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).
Sự hiền hậu, nhân từ nơi Chúa lộ rõ khi Ngài tiếp xúc với dân chúng để giảng dạy, cho họ ăn, cứu giúp họ…Ngài luôn tỏ ra âu yếm nhìn họ và chạnh lòng thương xót họ. Ngay cả khi phải đối diện với kẻ thù tìm cách ám hại mình, khi phải đối mặt với những kẻ chống đối muốn loại trừ mình, khi phải lên tiếng đối thoại với những kẻ mưu mô tìm cách bắt bẻ, trả thù mình…Chúa Giê-su vẫn không hề đánh mất dung mạo hiền lành, từ tốn của Ngài. Có chăng, trong những tình huống ấy, Ngài biểu lộ tấm lòng nhân ái bằng thái độ mạnh mẽ và đầy uy quyền. Vào thời khắc cuối đời, lúc chịu đóng đinh vào thập giá, Đức Giê-su đã thốt lên lời cầu-tha-thứ với tấm lòng bao dung tột cùng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
2.2. Phẩm chất tiếp theo là đức tính khiêm nhường
Chúa Giê-su đã nhiều lần nhấn mạnh đến phẩm chất này cho các môn đệ và những ai muốn đi theo Ngài, để họ thấm nhuần cung cách lãnh đạo của người mục tử thời Tân Ước. Khiêm tốn không phải là yếu nhược, thụ động hay yếm thế nhưng trên hết và trước hết là “đến để phục vụ”. Điều này đã được biểu lộ rõ ràng qua sứ mạng của người Tôi Tớ của Thiên Chúa: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 44-45).
Cuối cuộc đời tại thế của Chúa, một chuỗi ba sự việc điển hình nói lên tinh thần và ý chí tự hạ thâm sâu của Con-Thiên-Chúa-làm-người. Đó là việc Chúa rửa chân cho môn đệ, việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể và việc Chúa chịu chết treo trên thập giá. Thông qua những sự kiện tiêu biểu này, Chúa muốn cho thấy rằng chẳng những Ngài đã rao giảng về lòng tự hạ, mà chính bản thân Ngài đã làm gương về điều đó. Và không có sự khiêm hạ nào lớn lao cho bằng cái chết-hủy-mình-ra-không trước mặt Thiên Chúa và người đời. Đây là chứng từ của Phao-lô: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” (Pl 2,6-8).
3.3. Một phẩm chất không thiếu nữa nơi Đức Giê-su Mục Tử, đó là lòng dũng cảm.
Ngài dũng cảm vâng phục Cha, đến đành lòng chịu chết. Ngài dũng cảm từ bỏ ý riêng mà tùng phục ý Cha, miễn sao chương trình cứu độ của Cha được thực hiện trọn vẹn, tốt đẹp cho con người. Đức Giê-su cũng dũng cảm khi Ngài đứng về phía đám đông để bênh vực, che chở họ. Sự dũng cảm cao cả và ý nghĩa nhất, đó là hi sinh mạng sống vì đàn chiên (Ga 10,11). Tuy nhiên, sự dũng cảm và hi sinh ấy chỉ có ý nghĩa đích thực khi nhờ đó đàn chiên được bảo vệ, được khỏe mạnh, được nuôi dưỡng no nê và được sống…”Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Sự hi sinh của Chúa không hẳn chỉ là những đau đớn về thể xác, những dằn vặt về tinh thần, những lo lắng về đại sự…mà nó là một sự chấp nhận tự-hủy-mình-ra-không để người khác được sống. Chúa chấp nhận trở thành vật-hiến-tế để con người được ơn xá tội. Chúa chấp nhận mình “bị-ăn” để các chiên của mình được nuôi sống: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51).
Xét cho cùng, sự hi sinh dũng cảm của Chúa xuất phát từ trái tim nhân hậu, trái tim đã bị đâm thâu, trái tim đem đến một tình yêu vô biên. Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su đã cảm nghiệm điều này khi nói: “Yêu và hi sinh là một…Không hi sinh thì chưa gọi là yêu”. Thánh Au-gus-ti-nô thì nói vắn tắt: “Mức độ của tình yêu là yêu không mức độ”… Đức Giê-su Mục Tử đã yêu đàn chiên với một tình-yêu-không-tình-yêu-nào-lớn-hơn. Ngài như thế đó!
- ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ: MẪU GƯƠNG CHO LINH MỤC MỌI THỜI MỌI NƠI.
Ngày nay, nếu có ai đó đặt câu hỏi rằng, các bạn mong ước gì nơi các vị mục tử trong Hội thánh, thì chắc chắn câu trả lời sẽ là mong ước các ngài là một “Alter Christus”, tức là một Đức Ki-tô khác. Điều mong ước xem ra đơn giản, truyền thống nhưng lại là căn cốt nhất. Kitô-hữu kỳ vọng các mục tử của mình phản ánh một cách đậm nét chân dung Đức Giê-su Mục Tử. Nhân hậu, bao dung, khiêm tốn, dũng cảm.
2.1. Trước hết, chúng ta mong đợi nơi vị mục tử một tấm lòng nhân hậu.
Thực vậy, không có gì lôi cuốn người khác đến với mình bằng chính sự nhân ái bao dung xuất phát từ trái tim mục tử. Là người lãnh đạo cộng đoàn, người mục tử có rất nhiều cơ hội để thực thi lời dạy của Chúa “Anh em hãy có lòng nhân từ…”. Nhân từ trong giao tiếp. Nhân từ trong giảng dạy. Nhân từ trong việc cử hành các nghi thức và Phụng vụ thánh. Nhân từ trong việc hướng dẫn các lớp giáo lý, trong tiếp xúc với các hội-đoàn-nhóm của xứ đạo, trong việc tổ chức và điều hành các sinh hoạt mục vụ vv. Có thể nói, phẩm chất nhân hậu của mục tử là điểm son tuyệt vời nhất nhờ đó các tín hữu thấy được hình ảnh Chúa Ki-tô mục tử dịu hiền trong bản thân các ngài.
2.2. Đức tính khiêm nhường là đức tính kế tiếp được mong đợi nơi vị mục tử.
Mọi nơi mọi thời, đa phần người tín hữu nào cũng có thói quen kính trọng vị đại diện của Chúa. Một vài trường hợp xảy ra hiện tượng “thần tượng hóa” hay “thần thánh hóa” các mục tử. Chính vì lí do đó, các mục tử trong Hội thánh rất dễ bị cám dỗ trở nên ít khiêm tốn hơn là mong đợi…Đã có nhiều bài viết góp ý về điều này, không phải vì “ghen” hay “ghét” các ngài mà vì muốn xây dựng một hình ảnh mục tử tinh tuyền và chính thống trong Hội thánh và trong lòng giáo dân. Mục tử càng khiêm tốn giáo dân càng yêu kính, mến thương. Mục tử càng hạ mình giáo dân càng kính trọng và suy phục các ngài. Như Chúa đã lên tiếng: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên, còn ai tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống”…
2.3. Tín hữu cũng rất an tâm khi được chăm sóc bởi những vị mục tử mạnh mẽ, can đảm, dám hi sinh vì đàn chiên.
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10, 27-28). Điều này xem ra nói thì dễ nhưng trong thực hành thì không dễ. Bản thân vị mục tử cũng có những “vấn đề” phải giải quyết, phải đấu tranh, phải tự xoay xở lo liệu…nhưng nếu các ngài phó thác hoàn toàn cho Chúa để có thể toàn tâm toàn ý lo cho dân Chúa thì cộng đoàn sẽ lớn mạnh.
Cha Andrew Greeley, một tác giả viết sách và một nhà xã hội học đã định nghĩa: “Linh mục là người để người ta tìm đến”. Điều đó cũng có thể hiểu được là mục tử trở nên chốn nương tựa, nên nơi nương náu của tín hữu. Cộng đoàn tìm đến mục tử của họ là để được nói tiếng nói của chiên với chủ chăn, được giãi bày tâm sự, được khuyên giải, được trấn an vv. Sự thất vọng lớn nhất của người giáo dân đối với vị mục tử của họ là khi tiếng nói của họ không còn được nghe nữa. Lúc đó giữa chiên và chủ chiên như có một bức tường ngăn cách vô hình nào đó, và mối tương quan “ta biết chiên ta và chiên ta biết ta” không còn ý nghĩa gì nữa!
“…Nhiều linh mục đang sống một cuộc sống anh hùng. Họ sống thầm lặng không cần ai biết tới. Họ đặt nền tảng đời sống của họ vào lời cầu nguyện và niềm tin tưởng phó thác nơi Chúa. Họ luôn ấp ủ một niềm lắng lo sâu xa, tinh tuyền cho dân Chúa. Hiệu quả của đời sống chiêm niệm và phục vụ của các anh em linh mục đó là họ có thể nhìn thấy Chúa Giê-su trọn vẹn là đầu, là chi thể, là Thiên Chúa và dân Chúa. Đời sống chiêm niệm không khép kín các linh mục đó nơi Chúa Ki-tô mà quên dân Chúa.
“Các linh mục đó không chỉ nguyên lo cho đời sống thiêng liêng của mình, nhưng các ngài được nâng đỡ, được phong phú hóa và tìm thấy sức mạnh ngay khi sống cho giáo dân và sống giữa giáo dân. Họ gặp thấy Chúa Ki-tô ngay khi làm việc với giáo dân cũng như khi âm thầm cầu nguyện một mình. Họ thật sự đã sống sâu xa lý tưởng linh mục đã được ghi lại trong Phúc Âm thánh Gioan, chương 10: ‘Người mục tử tốt lành là người mục tử dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên’…” [1] ./.
Aug. Trần Cao Khải
_______________
[1] Trích bài báo “The Strenghts of Priests Today” của Đức TGM John R. Quinn, đăng trong Tuần Báo America, July 1-8, 2002 – Bản dịch do Linh Mục Anphong Trần Đức Phương