Ðức Phanxicô kêu gọi đừng phí phạm nước
Đánh dấu Ngày Thế giới về Nước, 22.3.2023, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nước không bao giờ được là đối tượng của sự lãng phí hoặc lạm dụng, hoặc tạo nguyên cớ cho chiến tranh, nhưng phải được bảo tồn vì lợi ích của chúng ta cũng như các thế hệ tương lai”. Đây là dịp nhấn mạnh về tầm quan trọng của nhu cầu cơ bản này và đồng thời nâng cao nhận thức về 2 tỷ người không có nước sạch. Nhân Ngày Thế giới về Nước, Liên Hiệp Quốc đã công bố một phúc trình báo động về nguy cơ khủng hoảng thiếu nước trên thế giới vì sự sử dụng thái quá, có nguy cơ tạo nên một thảm họa trên thế giới. Sự ô nhiễm nước và tình trạng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực tới các nguồn nước. Phúc trình của Liên Hiệp Quốc nói đến 2 tỷ người không có nguồn nước sạch. Sự khan hiếm nước đang trở nên ngày càng đáng lo ngại. Trong 40 năm gần đây, việc sử dụng nước trên thế giới tăng 1% mỗi năm, và sẽ tiếp tục tăng với mức độ này cho tới năm 2050.
Bác ái Mùa Chay tại giáo phận Hồng Kông
Giáo phận Hồng Kông đã khuyến khích các tín hữu thực hiện những cử chỉ đơn giản và cụ thể qua những việc bác ái, chẳng hạn thiếu nhi được khuyến khích không lãng phí thời gian cho trò chơi điện tử, sử dụng điện thoại. Tại một số giáo xứ, các nhóm giáo dân đã phát động “Ngày Thanh tẩy trong Mùa Chay”, cung cấp dịch vụ dọn dẹp nhà cửa miễn phí cho người già. Hàng chục tình nguyện viên đã đi từng nhóm hai người đến nhà của người già và người neo đơn để gặp gỡ, an ủi họ về tinh thần và giúp dọn dẹp nhà cửa một cách kỹ lưỡng. Ủy ban Mục vụ giáo phận về gia đình cũng đưa ra những gợi ý và hỗ trợ mục vụ để giúp các cặp vợ chồng Kitô hữu sống hành trình Mùa Chay trong đời sống gia đình thông qua việc chia sẻ những cử chỉ đơn sơ thân thương.
Tín hữu Hồi giáo và Kitô ở Liban gặp gỡ cầu nguyện
Ngày 25.3.2023, lễ Truyền Tin, tại Liban, Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo ở nước này cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ, được tổ chức tại Tổng Giáo phận Antélias. Buổi gặp gỡ cầu nguyện và chia sẻ được tổ chức với sự cộng tác của Phong trào Focolare. Ở Liban, ngày lễ Truyền Tin đã được tuyên bố là một ngày lễ quốc gia kể từ năm 2010. Trong những năm trước đại dịch Covid-19, đã có nhiều sáng kiến trong đó các Kitô hữu và người Hồi giáo chia sẻ các hành vi tôn kính Đức Trinh Nữ Maria. Sự kiện thiên thần truyền tin cho Đức Maria được thuật lại cả trong Tin Mừng và Kinh Koran.
Tòa Thánh cổ võ văn hóa tình bạn nhân tháng Ramadan
Bộ Đối thoại Liên tôn của Tòa Thánh gởi sứ điệp với tựa đề “Các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo: Thúc đẩy tình yêu và tình bạn”, nhân tháng chay tịnh Ramadan của Hồi giáo, bắt đầu từ ngày 22.3.2.23. Đức Hồng y Miguel Ángel Ayuso Guixot, Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn, và Đức ông Indunil Kodithuwakku Janakaratne Kankanamalage, Tổng Thư ký, khẳng định, tháng Ramadan không chỉ quan trọng đối với các tín hữu Hồi giáo, nhưng đối với các tôn giáo khác, đặc biệt cũng quan trọng đối với các Kitô hữu, bởi vì qua tháng chay tịnh này, tình bạn đã có được củng cố và những tình bạn khác được xây dựng. Sứ điệp khuyến khích các tín hữu tôn trọng, thể hiện lòng tốt, bác ái, tình bạn, sự quan tâm lẫn nhau dành cho mọi người, sự tha thứ, hợp tác vì lợi ích chung, giúp đỡ tất cả những người gặp khó khăn dưới bất kỳ hình thức nào và quan tâm đến môi trường.
Chủ đề Ngày Thế giới Người Di dân và Người Tị nạn năm 2023
“Tự do chọn lựa hoặc di cư hoặc ở lại” là chủ đề Ngày Thế giới Người Di dân và Người Tị nạn được cử hành vào ngày 24.6.2023. Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện giải thích rằng, chủ đề năm nay là lời mời suy tư về một quyền chưa được luật pháp quốc tế lập thành luật, đó là quyền “có thể ở lại quê hương của mình”. Như mọi năm, Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện sẽ thực hiện một chiến dịch truyền thông nhằm thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về chủ đề của năm 2023, thông qua các phương tiện truyền thông, tài liệu thông tin và các suy tư thần học.
Cuộc lạc quyên thứ Sáu Tuần Thánh giúp Thánh Ðịa
Đức Tổng Giám mục Claudio Gigerotti, Bộ trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, đã gởi thư đến các vị giám mục trên thế giới, kêu gọi cộng đoàn Dân Chúa hỗ trợ các Kitô hữu ở Thánh Địa. Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương giải thích rằng sự hỗ trợ vật chất của các Kitô hữu giúp duy trì ký ức về nguồn gốc của Kitô giáo. Cuộc lạc quyền hằng năm “Pro Terra Sancta” – Hỗ trợ Thánh Địa – là một sáng kiến của Đức Giáo Hoàng “nhằm duy trì mối liên kết chặt chẽ giữa các tín hữu trên khắp thế giới và các nơi thánh”. Cuộc lạc quyên hỗ trợ công việc của dòng Phanxicô tại Thánh Địa, bảo tồn các nơi thánh và thúc đẩy sự hiện diện của Kitô hữu tại Đất Thánh; và cũng giúp hoạt động hỗ trợ của Bộ các Giáo hội Đông phương trong khu vực thông qua việc đào tạo giáo sĩ và tu sĩ, các hoạt động giáo dục và văn hóa, và hỗ trợ trực tiếp cho các Giáo hội.
Quả chuông “Tiếng nói của người không được chào đời”
Trước buổi tiếp kiến chung sáng 22.3.2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã long trọng làm phép quả chuông “Tiếng nói của người không được chào đời”. Chuông này sẽ được trao cho nhà thờ Chánh tòa Lusaka của Zambia. Nghi thức làm phép chuông được thực hiện bên ngoài Đại thính đường Phaolô VI, có sự tham dự của Đức Tổng Giám mục Alick Banda của Lusaka và ông Bogdan Romaniuk, Phó Chủ tịch của Tổ chức Yes To Life (Nói Có cho Sự Sống). Đức Thánh Cha cho rằng, chuông “Tiếng nói của người không được chào đời” là một lời nhắc nhở về sự cần thiết phải bảo vệ sự sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Đức Tổng Giám mục Banda của Lusaka cho biết, sáng kiến này “là một phần của một loạt các chương trình do chính Tổng Giáo phận tổ chức và được hỗ trợ bởi Giáo hội Công giáo ở Ba Lan, nhằm nâng cao nhận thức người dân Zambia về chủ đề bảo vệ sự sống, từ khi được thụ thai”.
Tại bang Piauí, Brazil, 80% dân số thiếu ăn
Theo thông tin do Hội đồng Giám mục Brazil công bố, số liệu thống kê cho thấy khoảng một triệu người ở Piauí không được tiếp cận với thực phẩm thường xuyên và thậm chí không biết liệu họ có bữa ăn hay không. Cuộc khảo sát về tình trạng mất an ninh lương thực ở Brazil cho thấy chỉ 20% số cư dân Piauí có ít nhất ba bữa ăn mỗi ngày; 34,3% đối mặt với tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở mức độ “nghiêm trọng”; 20% ở mức độ “vừa phải”; 25,8% ở mức độ “nhẹ”. Giáo hội tại địa phương, thông qua Ủy ban Mục vụ Trẻ em, đã theo dõi và giúp đỡ các gia đình. Piauí là bang nghèo nhất ở Brazil, chỉ có hơn 3 triệu dân. Không có khu vực công nghiệp, nền kinh tế của bang này dựa vào nông nghiệp và trên hết là chăn nuôi gia súc.
Ngày càng ít người trẻ Hàn Quốc tham dự thánh lễ Chúa nhật
Theo cuộc khảo sát gần đây, số người trẻ tham dự thánh lễ Chúa nhật tại Hàn Quốc giảm từ 53,2% trước đại dịch Covid-19 xuống còn 36,1%. Viện Nghiên cứu Công giáo Hàn Quốc thuộc Hội đồng Giám mục nước này đã thực hiện cuộc khảo sát trực tuyến từ ngày 10 đến ngày 16.1.2023 với 1.063 người Công giáo trên 19 tuổi. Trong số những người được hỏi ở độ tuổi 20, cứ 4 người thì có 1 người cho biết họ chỉ tham dự thánh lễ vào những dịp đặc biệt hoặc hoàn toàn không tham gia. Các lý do để bỏ lễ Chúa nhật cũng được ghi nhận trong cuộc khảo sát, trong đó có 58% cho biết đã quen không tham dự thánh lễ Chúa nhật. Ngoài ra còn có các lý do khác, chiếm 30%: không xưng tội, sợ lây Covid-19, và tham dự thánh lễ không còn là tiêu chí quan trọng đối với đức tin. Số người tham dự thánh lễ giảm được coi là một dấu hiệu đáng báo động, khi Giáo hội Hàn Quốc đang ghi nhận sự sụt giảm ơn gọi linh mục do tỷ lệ sinh giảm và tình trạng thiếu thực hành đạo ngày càng tăng trong nước.
Rước Thánh Thể trên đoạn đường 10 cây số
Đức cha José Gomez, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Los Angeles, Mỹ, đã chủ sự cuộc rước kiệu Thánh Thể với sự tham dự của hơn 1.000 tín hữu, trên đoạn đường 10 cây số để mang tình yêu và lòng thương xót của Chúa Giêsu đến với những con đường, góc phố. Cuộc rước kiệu diễn ra vào ngày lễ Truyền Tin, 25.3.2023, là một phần của nỗ lực phục hưng lòng yêu mến Thánh Thể, một sáng kiến được Hội đồng Giám mục Mỹ phát động, kéo dài ba năm, cho đến tháng 6.2025. Đức Tổng Giám mục của Los Angeles nhấn mạnh: “Biến cố Truyền Tin là cuộc rước Thánh Thể đầu tiên. Và hôm nay, thưa các anh chị em, chúng ta tiếp tục truyền thống đó”.