Đức tin không hành động là Đức tin chết
Có nhiều lý do đưa ra để biện minh cho sự khô cằn đức tin như kinh tế khó khăn, phải lo toan cho cuộc sống, chừng nào khấm khá sẽ giữ đạo; hoặc so sánh với những người hay kinh kệ, lễ lạc, tham gia hội đoàn có tốt hơn ai đâu, có được gì đâu?; hoặc ru mình bằng quan niệm giữ đạo tại tâm, sống tốt là được; hay luật Giáo Hội chỉ quy định một năm xưng tội rước lễ (ít là) một lần; hoặc với những lý do đơn giản như mắc việc, bận học, đi du lịch, tiệc tùng… và cuối cùng là chán.
Đâu là nguyên nhân của tình trạng khô khan nguội lạnh ấy? Nó có phải là hậu quả của một lịch sử “chống – phá đạo” một cách tinh vi và có hệ thống của thứ chủ nghĩa vô thần duy vật? hay ngả theo những lời dụ dỗ của các nhóm lạc giáo, dị giáo, hoặc nó là hoa trái của trào lưu chạy theo kinh tế, tôn sùng tự do cá nhân, duy nhân bản và duy lý trí, phản kháng lại mọi sự can thiệp của truyền thống và tôn giáo, tương đối hoá mọi chân lý đức tin và lề luật…?
Đàng khác, việc thiếu sự quan tâm giáo dục đức tin – giáo dục con người toàn diện, góp phần làm lệch chuẩn lương tâm, suy giảm nhận thức về các chân lý tin mừng, cổ suý lối sống ích kỷ và vô trách nhiệm, khơi gợi những ham muốn hưởng thụ và lối sống buông thả thực dụng, đã góp phần không nhỏ đến việc đức tin bị nguội lạnh khô khan.
Về vấn đề này, Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng “Anh em hãy tự xét xem mình có còn sống trong đức tin hay không. Hãy tự kiểm điểm” (2Cr 13,5). Còn thánh Phêrô thì cảnh giác: “Anh em hãy hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (2Pr 5,8t).
Phải chăng vì đức tin vào Thiên Chúa vô hình, toàn năng, vào Con Thiên Chúa đã làm người, đã chết, đã phục sinh để ban ơn cứu chuộc, vào Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống thì cũ kỹ và nhàm chán; tin vào Hội Thánh thánh thiện mà chỉ thấy những bất toàn, tội lỗi; tin vào các ân huệ thiêng liêng trong các bí tích, mà chẳng thấy đời sống khá hơn… từ đó dẫn đến những nghi hoặc về ơn lành, ân sủng, sự phán xét, thưởng phạt công minh, thiên đàng, hoả ngục…?
Sống giữa một thế giới văn minh tôn sùng vật chất và đầy rẫy những lạc thú sẵn chờ cung phụng, mà phải ưu tiên giữ những chân lý đức tin, thực hành nếp sống đạo, phải từ bỏ mình vác thập giá hằng ngày theo Chúa, điều ấy có vẻ dại dột và điên rồ.
Nhưng nếu không có đức tin vào Chúa và những chân lý tin mừng, sống trong một cuộc sống đầy những bấp bênh và bất toàn, hoang mang và lo sợ, thử hỏi còn có điều gì cao cả đáng để ước ao và hy vọng?
Thánh Phaolô đã cảnh giác: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,19) vì cuối cùng, mọi người vì “từ bụi đất mà ra, sẽ phải trở về bụi đất.”
Ngài còn dạy: “Vậy như anh em đã nhận Đức Kitô Giêsu làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ. (Cl 2,6-7)
Cần cảnh giác với thứ chủ nghĩa bài Thiên Chúa bằng sự tôn thờ những giá trị vật chất, với mục tiêu kiến tạo một thiên đường không có Thiên Chúa. Nhưng kinh nghiệm thực tế còn cho thấy, một thế giới không có Thiên Chúa sẽ không có tình thương, niềm vui và hy vọng, chỉ là một hỏa ngục chứa đầy những ích kỷ, chia rẽ trong các gia đình, oán thù giữa các cá nhân và xung đột giữa các dân tộc.
Nơi nào người tin còn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, còn thờ phượng Chúa trong chân lý, lắng nghe và thực hành Lời Chúa, nơi đó phẩm giá mỗi người được tôn trọng, tình hiệp thông được tăng trưởng và sinh ra những hoa trái tốt lành.
Vậy phải làm gì khi đứng trước tình trạng đời sống đạo khô khan nguội lạnh? Thánh Giacôbê có câu trả lời: “Nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, anh em hãy biết rằng, kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình” (Gcb 5,19)