Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Fatima và các vị Giáo Hoàng

FATIMA VÀ CÁC VỊ GIÁO HOÀNG
Isabella de Carvalho

 Fatima, một sự tôn sùng đã nối kết các vị Giáo Hoàng với “linh hồn Bồ Đào Nha”.

Trong chuyến tông du đến Bồ Đào Nha từ ngày 2 đến ngày 6 tháng Tám tới đây, nhân những Ngày thế giới Giới Trẻ ở Lisbon, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ đến viếng thánh địa Đức Bà Fatima, cách thủ đô khoảng 100 km.

Aura Miguel – một nhà báo Bồ Đào Nha chuyên viết về Giáo Hội cho đài phát thanh Radio Renascença của Nghị Hội Giám Mục Bồ Đào Nha, từ 35 năm nay, đồng thời là tác giả của một cuốn sách về Fatima – đã giải thích về vai trò của thánh địa này đối với người công giáo Bồ Đào Nha và những quan hệ chặt chẽ với các Đức Giáo Hoàng và sứ vụ của các ngài.

Theo truyền thống thuật lại, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra 6 lần từ ngày 13 tháng Năm đến ngày 13 tháng Mười 1917 với Francisco, Jacintha Marto và người chị em họ Lucia Dos Santos, ba trẻ chăn cừu, ngay tại địa điểm xây dựng nên thánh địa này.

Các em đã thuật lại rằng, Đức Trinh Nữ Maria cho các em biết 3 điều bí mật, mà một phần đã được tiết lộ năm 1941 và phần khác vào năm 2000. Mẹ Thiên Chúa đã yêu cầu mọi người cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới và khuyến khích tôn sùng Trái Tim vô nhiễm của Mẹ.

Thánh địa Fatima có ý nghĩa như thế nào với người dân Bồ Đào Nha?

Chính trái tim của người mẹ nằm ở đó – làm nên sự hiện diện hiển nhiên của tình mẫu tử đối với người Công giáo Bồ Đào Nha.

Có một hiện tượng rất thú vị: rất nhiều người không nhiệt thành sống đạo cũng không bỏ lỡ những dịp lễ ở Fatima.

Tựa như có mối dây ruột thịt âm thầm nối kết người Bồ Đào Nha với Fatima, không chỉ trong những những dịp lễ lớn, như vào ngày 13 mỗi tháng từ tháng Năm đến tháng Mười – 6 tháng của những lần hiện ra, mà còn có nhiều người đến đây một mình vào ban đêm chẳng hạn. Đây là một nơi bình an thánh thiện, kể cả ngòai những dịp lễ.

Hoàn toàn không thể tách rời Fatima ra khỏi bản sắc của người Công giáo Bồ Đào Nha. Khi Đức Giáo hoàng Biển Đức 16 đến Lisbon năm 2010, ngài đã tuyên bố rằng, năm 1917 – một cửa sổ của hy vọng đã được mở ra ở Fatima và đó là một thông điệp Lời Chúa nơi sự kiện này. Có một cánh cửa sổ mở toang từ thông điệp ấy, quá mãnh liệt và quá đơn sơ, với một tiềm năng to lớn cho nền hòa bình thế giới, vì được giao phó cho ba trẻ em đơn sơ và mù chữ, và như vậy có nghĩa là ai cũng có thể nắm bắt được. Thật là điều tốt đẹp đáng để làm chứng.

Quý vị đã chứng kiến điều đó chưa?

“Tôi đã đến đó với tư cách nhà báo nhân dịp lễ mừng ngày 13 tháng Năm năm nay. Thánh lễ được cử hành rất lâu và luôn ở dưới trời nắng, không có bóng râm. Cuối lễ, một sự im lặng hoàn toàn khi phép lành được ban cho tất cả mọi tín hữu, đang đứng chật kín thánh địa sau những năm tháng dịch bệnh toàn cầu. Tôi nghe thấy cả tiếng chim, như kiểu không có ai ở đó!

Fatima là một sức mạnh thầm lặng, mà theo tôi, đã cho thấy đức tin vẫn còn hiện hữu trong trái tim người Bồ Đào Nha, mà lại không được đưa lên trang nhất của báo chí. Nhưng về cơ bản, tôi nghĩ chính cái tiềm năng đó đã giúp cho Đức Giáo hoàng được đúng nghĩa là Giáo hoàng, và cũng giúp mỗi người trong chúng ta đương đầu với những khó khăn xuất hiện hằng ngày trong cuộc sống. Nó giúp chúng ta có niềm hy vọng khi biết rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi Giáo Hội của Ngài, bất chấp mọi vấn đề Giáo Hội phải chịu đựng và vượt qua”.

Chuyến viếng thánh địa Fatima của một vị Giáo hoàng có ý nghĩa gì?

“Tôi cho rằng Fatima không thể tách rời khỏi Đức Giáo hoàng, dù ngài có ra sao đi nữa. Trong những lần hiện ra ngày 13 tháng Bảy 1917, Đức Trinh Nữ Maria đã tiết lộ một bí mật cho các trẻ chăn chiên, tiên tri rằng Đức Thánh Cha sẽ phải chịu nhiều đau khổ”.

Thông điệp của Fatima luôn liên quan tới Giáo hoàng, chúng ta đã chứng kiến điều này ngay từ đầu, nhất là từ thời Đức Piô 12. Ngài cảm nhận rằng ngài rất gắn bó với điều đó vì ngài được phong giám mục vào đúng ngày 13 tháng Năm 1917, ngay ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên. Ngài đã trao đổi thư từ với sơ Lucia và được biết đến như “vị Giáo Hoàng của Fatima”. Đức Piô 12 chưa từng đi viếng Fatima vì thời đó các vị Giáo hoàng không đi đâu cả.

Đức Phaolô 6 đã đến Fatima năm 1967 – dịp kỷ niệm 50 năm ngày hiện ra, vào lúc có những trăn trở về Công đồng chung, để kính viếng ngắn gọn chỉ trong một ngày.

Thế rồi đến vụ mưu sát Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô 2, ngày 13 tháng Năm 1981. Ngài đã vượt qua Đức Piô 12 trong tư cách “vị Giáo hoàng của Fatima”. Đích thân ngài đã xác định rằng: sứ vụ của ngài chỉ kéo dài 3 năm, từ 1978 đến 1981, đến ngày bị ám sát, còn sau đó đều là một phép lạ của Đức Bà Fatima, với tất cả những gì diễn ra. Kế tiếp, Đức Gioan-Phaolô 2 còn có ba lần khác đến Fatima, năm 1982 – một năm sau vụ mưu sát, năm 1991 – mười năm sau vụ mưu sát, và năm Toàn xá 2000 để phong chân phước cho các trẻ chăn chiên.

Rồi Đức Biển Đức 16 đã đến vào năm 2010.

Đức Phanxicô đến đây năm 2017 dịp kỷ niệm 100 năm những lần hiện ra [và phong thánh cho ba trẻ chăn chiên: chú thích của ban biên tập]. Đây là vị Giáo Hoàng rất tôn sùng Đức Maria. Nhân dịp những Ngày Thế giới Giới Trẻ ở Rio de Janeiro, Brazil, ngài cũng đi viếng thánh địa Đức Bà Aparecida.

Vì sao thánh địa Fatima vẫn mang tính thời sự?

Đức Biển Đức 16 đã cho chúng ta chìa khóa giải thích nhân dịp ngài đến đây năm 2010. Trên máy bay đưa ngài đến Lisbon, ngài nhắc lại một phần lớn điều bí mật thứ ba liên quan đến âm mưu sát hại Đức Gioan-Phalô 2, nhưng cũng còn lại một phần bí mật khác. Phần này dành cho mọi người và bao gồm những nỗi khổ đau của Hội Thánh và của Đức Giáo hoàng, gắn liền với ơn gọi của Thánh Phêrô. Chính đây là câu nói rất nổi tiếng của Đức Giáo hoàng Biển Đức 16: “những vụ tấn công vào Giáo Hoàng và vào Giáo Hội, không chỉ đến từ bên ngoài, mà những khổ đau của Hội Thánh còn xuất phát từ chính bên trong Giáo Hội”.

Khi đến Fatima, ngài cũng đã nhắc lại rằng, thật nhầm lẫn khi nghĩ rằng Fatima không còn mang tính thời sự, vì sám hối là điều luôn thường xuyên đòi hỏi phải cấp bách thực hành. Ngài cũng lưu ý rằng sự tuân phục của các trẻ chăn chiên, đã thưa xin vâng với Đức Trinh Nữ, rất cần thiết để cứu nhân loại. Như ngài đã từng nhắc đến trong lời giải thích mang tính thần học kèm theo việc công bố bí mật vào năm 2000, lúc ngài đương chức Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin; ngài đã giải thích rằng, bất cứ ai gắn bó với Fatima, bất cứ ai thực hiện những yêu cầu của Đức Mẹ, thì sẽ phát ra năng lực làm điều lành. Như vậy, Fatima là một sức mạnh tạo ra hòa bình, và Đức Biển Đức 16 nói rằng chính điều đó cũng giúp ngài chu toàn nghĩa vụ Giáo hoàng.


Chuyển ngữ: Lê Hưng

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!