Hiệp hành trong việc tuyên xưng đức tin
1. Tính hiệp hành trong việc tuyên xưng đức tin thể hiện trong Kinh Tin Kính
Theo từ nguyên, symbolon chỉ phân nửa của một vật được bẻ ra mà người ta đưa ra làm dấu chỉ để nhận ra nhau. Hai phân nửa ấy gắn lại với nhau được gọi là symbolon (συμβαλλειν symballein [sym: cùng nhau; ballein: gắn vào, ráp vào]). Những phần đã bị bẻ ra được đặt khớp lại với nhau để xác minh căn tính của người mang nó. Tín biểu (Symbolum fidei) là một dấu chỉ để các tín hữu nhận ra nhau, hiệp thông với nhau. Symbolon sau đó được dùng để chỉ một bản toát yếu, bản sưu tập, hoặc bản tóm lược. Tín biểu là bản toát yếu những chân lý chủ yếu của đức tin. Từ đó, nó được coi là điểm đầu tiên và căn bản mà việc dạy giáo lý phải quy chiếu[2]. Giống như biểu tượng mang ý nghĩa cho một nửa còn lại, Kinh Tin Kính-Credo nối lại và kết hiệp giữa cá nhân và cộng đoàn; giữa cộng đoàn với Thiên Chúa. Đó là dấu chỉ nhìn nhận giữa những Kitô hữu với nhau. Đây là dấu chỉ bất biến và tồn tại cho mọi thế hệ.
Kinh Tin Kính của các Tông đồ ban đầu là lời tuyên xưng đức tin bắt buộc đối với những ai gia nhập Kitô giáo trước khi họ được chịu phép rửa. Đây là một công thức đức tin, về bản chất, theo truyền thống, bắt nguồn từ mười hai Tông đồ. Sau lời tuyên bố của Chúa Kitô: “Ai tin và chịu phép rửa thì sẽ được cứu” (Mc 16,16), Kinh Tin Kinh của các Tông đồ là điều kiện tiên quyết cho những ai lãnh nhận phép rửa. Chỉ những ai tin như thế mới được chịu phép rửa. Ngay cả trẻ em trong thời Giáo Hội sơ khai, cũng phải có người tuyên xưng giúp chúng.
Với những lời trong thư gửi tín hữu Do Thái, chúng ta bắt đầu nói về đức tin Kitô giáo: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Điều mà Kinh Tin Kính của các Tông đồ nói với chúng ta là những điều mà ai tự nhận mình là Kitô hữu phải đón nhận dựa trên Lời Chúa, tức là nội dung của đức tin, theo đó, chúng ta đón nhận ba chân lý nền tảng: – Chúng tôi tin rằng thế giới không phải là tự hữu, nhưng được Thiên Chúa, Đấng Hằng Hữu dựng nên. – Chúng tôi tin rằng Thiên Chúa đã trở nên người phàm trong con người Chúa Giêsu Kitô, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, chịu chết và sống lại từ cõi chết, sẽ trở lại vào ngày cuối cùng để phán xét. – Chúng tôi tin rằng Chúa Kitô đã gửi Chúa Thánh Thần đến, là linh hồn của Giáo Hội mà Chúa Kitô đã thiết lập và thông qua Giáo Hội, chúng ta nhận được mọi ân sủng cần thiết để đạt đến sự sống vĩnh cửu.
Điều cần được nhấn mạnh là niềm tin vào những chân lý được mạc khải này là nền tảng của Kitô giáo. Chúng ta chỉ có thể hy vọng vào những gì chúng ta biết là sự thật; đức tin cung cấp cho chúng ta sự bảo đảm rằng niềm hy vọng của chúng ta không phải là vô ích. Chúng ta chỉ có thể yêu mến những gì chúng ta biết là tốt lành; đức tin cung cấp cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là Đấng nhân lành, nên chúng ta yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn.
Câu mở đầu trong Kinh Tin Kinh các Thánh Tông đồ là điều căn bản nhất, nó đặt nền tảng cho tất cả các tín khoản về sau cho những người tin vào Chúa Kitô, xét như một cộng đoàn những kẻ tin. Thật vậy, các chân lý đức tin được bao hàm trong một câu đơn giản: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất”. Vì thế, mỗi tín hữu phải khởi đi từ chọn lựa đầu tiên này, hiểu biết và tuyên xưng trong tín khoản đầu tiên của Kinh Tin Kính.
Tin có nghĩa là chấp nhận từ trong trí khôn những điều ai nói với chúng ta là đúng. Chúng tôi tin vì chúng tôi tin vào kiến thức cũng như sự trung thực của một người đang nói là đúng. Nếu người nói điều đó là con người, chúng ta gọi là niềm tin của con người. Khi Đấng nói với chúng ta là Thiên Chúa và chúng ta tin vào Ngài, chúng ta gọi là đức tin thần linh. Như vậy, cụm từ “Tôi tin kính Đức Chúa Trời” có hai nghĩa: vì Ngài vượt lên trên mọi người, nên không lừa dối ai và không bị ai lừa dối; vì Ngài là Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải cho chúng ta về chính Ngài và ý muốn của Ngài đối với nhân loại.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa không chỉ đến từ mạc khải của Thiên Chúa, mà còn đến từ lý trí con người, nhờ suy gẫm về những công trình tạo dựng. Thánh Phaolô đã nói: “Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (Rm 1,20). Thật vậy, đức tin là một sự hiểu biết. Đó là kiến thức hợp lý, nhờ lý trí, chúng ta biết rằng Thiên Chúa hiện hữu. Nhưng dựa trên mạc khải, đức tin lại cung cập cho chúng ta những kiến thức vượt trội, vượt xa những gì chúng ta có thể biết chỉ bằng lý trí thuần tuý. Đó là lý do tại sao một đứa trẻ sáu tuổi có đức tin, khôn ngoan hơn trong việc nhận biết Thiên Chúa, hơn một nhà thông thái sáu mươi tuổi không có đức tin. Điều này đã được Thánh Phaolô mô tả những người không chịu tin thuộc mọi thế hệ: “đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết” (Rm 1,21-23). Như vậy, cần phải có sự khiêm nhường để chấp nhận mạc khải thần linh của Thiên Chúa.
Khi nói về sự hoàn hảo của Thiên Chúa, chúng ta gọi đó là “những thuộc tính” hay những ưu phẩm vì chúng thuộc về bản tính thần linh của Ngài. Tuy nhiên, những ưu phẩm này, theo ngôn ngữ con người, chỉ phản ánh phần nào về sự hoàn hảo của Thiên Chúa mà thôi. Thực vậy, các ưu phẩm này giống hệt nhau trong tương quan với bản tính thần linh của Thiên Chúa. Nhưng theo cách suy nghĩ của con người, có những ưu phẩm khác nhau như những khác biệt mà chúng ta thấy nơi các thụ tạo. Kinh Tin Kính các Tông đồ liệt kê duy nhất một ưu phẩm của Thiên Chúa là Đấng toàn năng (phép tắc vô cùng). Tuy nhiên, sau đó, Giáo Hội đã xác định không dưới mười lăm ưu phẩm thần linh, nội tại trong chính Thiên Chúa và cho đến ngày nay, có quá nhiều tài liệu được viết ra để giải thích ý nghĩa của những ưu phẩm này: 1. Thiên Chúa là Đấng toàn năng (như trong Kinh Tin Kính); 2. Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối, vì chỉ mình Ngài là Hữu thể duy nhất tồn tại và vì không có nhiều chúa (thuyết đa thần). Ngài cũng không chỉ là một vị thần tối cao trong số các vị thần (đơn nhất thần giáo), cũng không chỉ là một vị thần lành phân biệt với vị thần dữ (thuyết Maniché); 3. Ngài là Thiên Chúa chân thật vì Ngài thực sự tồn tại; 4. Ngài hằng sống và sự sống chính là bản chất của Ngài; 5. Ngài là vĩnh cửu vì nơi Ngài không có quá khứ cũng như tương lai. Nơi Ngài luôn là hiện tại: “Ta là Đấng Ta là” (Xh 3,14); 6. Ngài là Đấng vô hạn, vượt mọi thước đo, bao trùm mọi sự và không gì có thể bao trùm được; 7. Là Đấng khôn dò khôn thấu, không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì theo cách thức của một cơ thể hay một tinh thần được tạo ra; 8. Đấng vô biên, vô hạn, không chỉ vì Ngài không có giới hạn, mà bởi vì Ngài có trong mình sự viên mãn của mọi sự hoàn hảo. Ngài biết tất cả, toàn năng và viên mãn tuyệt đối; 9. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, bởi vì không có và không thể có một chúa khác; 10. Thiên Chúa là Đấng thuần khiết tinh thần. Ngài không có thân thể hay mang chiều kích không gian. Theo ngôn ngữ của chúng ta, Ngài làm một hữu thể tinh thần, thấu suốt và yêu thương; 11. Ngài là Đấng đơn nhất, vì không có thành phần hay bộ phận nào trong Ngài, như thể xác và linh hồn hay bản thể và tuỳ thể; 12. Ngài là Đấng không thay đổi vì Ngài vĩnh viễn sở hữu sự trọn vẹn của hữu thể; 13. Thiên Chúa siêu việt không chỉ bởi vì Ngài vượt lên trên tất cả các hữu thể, mà bởi vì Ngài hoàn toàn khác biệt với chúng; 14. Ngài là Đấng hạnh phúc viên mãn nơi chính mình, không phụ thuộc vào bất kỳ hữu thể nào; 15. Ngài là Đấng toàn mỹ: “Nếu chúng say mê những vẻ đẹp đó mà coi là thần minh, thì cũng phải biết rằng Chúa Tể của những vật đó còn đẹp hơn biết mấy, vì chính Đấng sáng tạo mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp” (Kn 13,3)[3].
Như vậy, Thiên Chúa là Đấng toàn tri, vì Ngài biết mọi sự trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Thiên Chúa là Đấng toàn thiện, vì Ngài chỉ muốn mang lại lợi ích cho các thụ tạo mà Ngài đã sáng tạo ra. Đồng thời, Ngài còn nhân từ tha thứ cho con người, miễn là họ ăn năn về những điều mà họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa nhân lành. Hơn nữa, Ngài là Đấng toàn mỹ, đã sáng tạo muôn loài thật tốt đẹp.
Do đó, Kinh Tin Kính thể hiện rõ ràng nhất việc cá nhân và toàn thể cộng đoàn cùng hiệp hành với nhau trong việc tuyên xưng đức tin và đó chính là tính duy nhất và tông truyền của Hội Thánh. Ngoài ra, tất cả các tín khoản đức tin còn mang tính thánh thiện và công giáo đem đến niềm vui và hạnh phúc cho tất cả những ai tuyên xưng và sống những chân lý thần linh ấy. Thánh Irênê đã nói rất đúng như sau:
«Hội Thánh đã nhận lãnh đức tin từ các Tông Đồ và các môn đệ của các ngài. Hội Thánh tin kính một Thiên Chúa là Chúa Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó; tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã nhập thể để cứu độ chúng ta; tin kính Chúa Thánh Thần, Đấng đã dùng các ngôn sứ mà công bố các kế hoạch của Thiên Chúa: Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đến trần gian, sinh bởi Đức Trinh Nữ, chịu khổ hình, sống lại từ cõi chết và lên trời cả thân xác, rồi sẽ từ trời ngự đến trong vinh quang của Chúa Cha. […] Một khi tiếp nhận lời công bố và đức tin như chúng tôi vừa nói, thì Hội Thánh tuy ở rải rác trên khắp hoàn cầu, vẫn ân cần nắm giữ, như thể đang sống trong cùng một mái nhà. Hội Thánh cùng tin tưởng những điều như nhau, dường như chỉ có một linh hồn, một trái tim, và đồng thanh rao giảng, dạy bảo và thông truyền những điều ấy như chỉ có một miệng lưỡi. Trong thế giới ngôn ngữ bất đồng, chỉ có một truyền thống duy nhất; và truyền thống mạnh cũng là nhờ đó. […] Cũng như chỉ có một mặt trời, thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên, chiếu soi mọi nơi trên thế giới, thì cũng chỉ có một lời rao giảng chân lý toả chiếu khắp nơi, soi sáng cho bất kỳ ai muốn nhận biết chân lý»[4].
2. Tính hiệp hành trong việc tuyên xưng đức tin theo quan điểm Thánh Kinh
Từ ngữ Cựu Ước diễn tả thái độ chuyên biệt này bằng các động từ he’emin (tin, tin tưởng), batah (được an toàn, bảo đảm, đặt cơ sở bảo đảm an toàn trên) qavah (mong đợi, hy vọng), jahal (đợi chờ, hy vọng, cậy trông), hakah (kiên nhẫn đợi chờ). Trong tổng số các đoạn văn của Thánh Kinh, các động từ như vậy cho thấy thái độ của đức tin là tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa và vào lời hứa của Ngài. Sự đa dạng của ngữ vựng Do Thái về đức tin phản ánh sự đa dạng của thái độ thiêng liêng nơi người tín hữu.
Tuy nhiên, hai thuật ngữ bị chi phối nhất, đó là: aman và batah. Aman chỉ “sự vững chắc” và “sự chắc chắn” bắt nguồn từ một người nào đó; batah, là “sự bảo đảm”, “sự tin tưởng”. Đây là thuật ngữ tiêu biểu của những lời cầu nguyện, của những thánh thi và thánh vịnh. Từ ngữ này dịch sang tiếng Hy Lạp là elpìs, elpìzo, pèpoitha. Bản Vulgata, tiếng Latinh được dịch thành spes, sperare, confido. Nguồn gốc chữ aman tương ứng với pìstis, pistèuo, alètheia, và trong bản Vulgata, được dịch thành fides, credere, veritas. Trong Tân Ước, những từ tiếng Hy Lạp pistèuo và alètheia trở nên rõ ràng hơn. Nghiên cứu các từ vựng này cho thấy niềm tin trong Thánh Kinh có hai ý nghĩa cơ bản: – đức tin là niềm tin đặt vào nơi người đáng tin cậy, tin tưởng là sự cam kết; – là thái độ của sự hiểu biết, qua lời nói hoặc dấu hiệu, tiếp cận vào thực tại không thấy được: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1) [5].
Đặc biệt, nguồn gốc của động từ aman được xem là tổng hợp những hình thức chính yếu của niềm tin trong Cựu Ước. Trước hết, nó được bộc lộ nơi Torah (St 15,6; x. Gl 3,6; Rm 4,3); thứ đến, nơi các ngôn sứ (Is 7,9b; x. Rm 1,17; Gl 3,11; Dt 10,38; Kb 2,4); cuối cùng, nơi các sách khôn ngoan. Vì thế, aman, trong thể thụ động có nghĩa là đáng tin cậy, tin tưởng[6]. Theo H.U. von Balthasar, nếu Cựu Ước cho thấy tin là amen với Thiên Chúa trong các lời nói, các lời hứa, các mệnh lệnh của Ngài, thì đó là một amen về nhiệm vụ toàn thể, hiểu biết lý thuyết và thực hành thánh ý Chúa[7]. Lịch sử cứu độ là lịch sử của đức tin, của giao ước, con người đáp trả nhờ đi theo lề luật của Chúa. Trong các chương 19-24 của sách Xuất Hành, chúng ta tìm thấy hình thái xây dựng niềm tin của người Do Thái, từ kinh nghiệm xuất Ai Cập đến giao ước Sinai, đó là những dấu ước của lời tuyên xưng đức tin của dân thánh: “mọi lời Đức Chúa phán truyền, chúng tôi xin làm theo” (Xh 19,8); “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” (Xh 24,7). Trong sách Đệ Nhị Luật, xuất hiện hơn 100 lần lời nhắc nhở của Thiên Chúa “Ta là Đấng đã đưa ngươi ra khỏi Ai Cập”, cho thấy sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa. Mạc khải của Thiên Chúa là một hành động đi bước trước, được tìm thấy trong hành vi kép lời hứa/đòi hỏi: “đi vào với JHWH” (Xh 19,4b) và “đi vào đất” (x. Đnl 4 – 11). Hành động kép này, không thể tách rời là “đi vào” nội dung cụ thể của giao ước (sự tự do, đất, dòng dõi) cùng với ý nghĩa nền tảng, đó là đức tin vào Thiên Chúa. “Ra khỏi nhà nô lệ” để “đi vào đất hứa” là kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng cũng là sự tự do của con người. Đức tin, vì thế, không phải là sự tín thác mù quáng, nhưng là một sự giao phó, một sự tín nhiệm, một sự cậy dựa vào Thiên Chúa là Đấng đáng tin tưởng, một con đường bảo đảm chắc chắn: “Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa” (Hs 2,22) [8].
Trong Tân Ước, có ba khía cạnh nền tảng xây dựng niềm tin vào Chúa Kitô. Khía cạnh thứ nhất, liên quan đến việc tăng cường niềm tin vào lời của Người (fides ex auditur – Rm 10,17) và đó chính là việc lắng nghe. Nếu chúng ta đọc và giải thích trong viễn tượng của đức tin trong Cựu Ước, thì đặc điểm của đức tin nơi Kitô giáo không chỉ là một thái độ thụ động và tiếp nhận, nhưng là một thái độ tích cực của một người trước mặt Thiên Chúa, Đấng đã tự bộc lộ qua lời nói, sứ điệp và việc loan báo. Thái độ tích cực đó, chính là việc nghe theo Chúa Kitô, qua lời của Người.
Khía cạnh thứ hai trong niềm tin vào Chúa Kitô, chính là vâng theo lời của Người. Đây là mức độ cao nhất của việc lắng nghe. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá nhấn mạnh đến khía cạnh luân lý của đức vâng lời. Vâng theo Chúa Kitô là điều kiện mới mẻ của Kitô giáo, vì vâng lời là để cho Tin Mừng có sức mạnh biến đổi toàn thể đời sống con người, biết từ khước tội lỗi. Sự vâng phục do đức tin và được xây dựng trên đức tin, tuỳ thuộc vào sự lắng nghe và ngược lại, lắng nghe đem đến sự vâng phục. Nói cách khác, đối với Phaolô, đức tin tập trung vào hình thức Kitô học, tóm tắt mầu nhiệm vượt qua: sự thương khó, sự chết và sự phục sinh [9].
Khía cạnh thứ ba liên quan đến phép lạ, bởi vì các phép lạ được thực hiện nhờ niềm tin. Do đó, đức tin chính là ân sủng mà Thiên Chúa ban cho con người, được thực hiện vượt quá sức loài người. Đức tin đích thực còn trở nên lời cầu nguyện, có thể chuyển núi dời non. Vì vậy, các tín hữu trở thành những người tin vào Chúa Giêsu Kitô cách đơn sơ; tin là chấp nhận sứ điệp tông đồ về Chúa Kitô như Đấng Cứu Thế, bao gồm việc nhận biết, tin tưởng, vâng phục, biết ơn và tuyên xưng từ trong thâm tâm. Bằng cách thức này, đức tin được thực hiện trong chiều kích môn đệ, bao gồm việc gắn bó cuộc sống với Chúa Kitô và đón nhận lời của Người như là Tin Mừng cứu độ tất cả mọi người.
Thuật ngữ thường dùng trong Tân Ước để nói về đức tin là pìstis/pistèuo với điểm trung tâm là mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, trong đó lời hứa của Chúa và sự đáp trả của con người là trọng tâm của các trình thuật Tin Mừng. Ý muốn cứu độ của Thiên Chúa được bộc lộ cách tròn đầy nơi sự hạ mình trên thập giá và sống lại vinh quang của Con Một Ngài. Trong Nhất Lãm, ý nghĩa tổng hợp này nằm trong nội dung của euangélion: “thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần đến, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14-15). Lời hứa không phải là một tương lai xa lạ, nhưng là hiện tại lúc này, rất gần gũi để kêu gọi đức tin cho những ai mong chờ sự kiện Nước Thiên Chúa đang được hình thành. Đức tin vào Chúa Kitô làm cho ơn công chính hoá của con người được hoàn thành. Các trình thuật về các phép lạ trong TM Nhất Lãm luôn đặt trọng tâm vào đức tin như là yếu tố căn bản để được chữa lành (Mc 2,5; 5,34-36; 10,52; Mt 8,10). Đức tin được liên kết với các trình thuật chữa lành cho thấy, Chúa Giêsu không chỉ muốn giải thoát con người khỏi các bệnh tật thể xác mà thôi, nhưng muốn đem đến sự giải thoát tận căn. Vì thế, đức tin như là điều kiện tiên quyết để Thiên Chúa thực hiện công việc cứu rỗi của Ngài nơi con người. Ngoài ra, đức tin chính là đón nhận chính Chúa Giêsu, như là con đường duy nhất để con người được cứu độ (Cv 4,12). Hơn nữa, theo Nhất Lãm, tin còn diễn tả qua việc đón nhận triều đại Nước Thiên Chúa bằng việc xa tránh tội lỗi. Như thế, đức tin bao hàm việc làm, hoặc thậm chí phải trả giá là những bách hại, đó là trở nên chứng nhân của niềm tin (x. Mt 10,32; Mc 8,38).
Nếu trong Nhất Lãm, đức tin tương ứng với sự tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa nơi lời và hành động của Người, thì trong các thư Phaolô, đức tin lại là sự vâng phục. Từ đây, đức tin mang một mối tương quan mới giữa con người với Thiên Chúa, trong Chúa Kitô để trở thành “thụ tạo mới” (2 Cr 5,17), vì được tham dự vào cuộc vượt qua từ sự chết đến sự sống, từ đau khổ đến vinh quang của Chúa Kitô. Thực vậy, đối với Phaolô, sự sống được hồi sinh nơi những kẻ tin và chấp nhận sự phục sinh của Chúa Kitô. Vì thế, trong truyền thống Phaolô, sự phục sinh từ trong kẻ chết của Chúa Giêsu là điểm khởi đầu và điểm đến của đức tin (1 Cr 15,17). Sự sống lại của Chúa Kitô, vì thế là điểm cánh chung trong sự kiện đức tin. Hơn nữa, đức tin không chỉ bao gồm sự ưng thuận bên ngoài sứ điệp của Chúa Kitô, nhưng là sự hiệp thông sâu xa từ bên trong mầu nhiệm vượt qua của Người (Rm 14,8-9).
Ngoài ra, đức tin không chỉ là quyết định cá nhân từng người, nhưng được xây dựng trên cơ sở vững chắc chung của cộng đoàn. Thực ra, đức tin là vâng theo Tin Mừng và đón nhận ơn cứu độ nhờ sự phục sinh của Chúa Kitô (x. Rm 4,24-25; 10,9; 1 Cr 15,1.19; 1 Tx 4,14); đồng thời loan báo đức tin đã nhận được cho cộng đoàn (x. Rm 10,8; Gl 1,23; Ep 4,5). Sự đón nhận này không phải là sự mù quáng chỉ biết vâng theo mệnh lệnh, nhưng là mở lòng ra đón nhận lời cứu độ, nhờ đó, vâng lời là thái độ tiêu biểu làm thành Kitô giáo: mở ra cho sáng kiến của Chúa được thực hiện trong Chúa Kitô, bằng cách để cho Người đảm nhận vị trí của chúng ta và dẫn chúng ta đến bến bình an [10].
Tin không phải dựa trên nỗ lực của con người, nhưng hoàn toàn dựa vào ân sủng của Thiên Chúa. Mối quan hệ giữa đức tin và lề luật, đức tin và việc làm, đức tin và sự công chính, cho thấy ân sủng và tình thương của Chúa vượt lên trên tất cả mọi nỗ lực của con người, tuy nhiên đức tin là chiều kích nhân học và là nỗ lực của con người cộng tác vào ân sủng siêu nhiên của Chúa (x. Rm 4,3.16-22; Gl 2,6). Trong thư gửi tín hữu Galát, Thánh Phaolô cho thấy rằng con người trở nên công chính không phải do lề luật, nhưng là tin vào Chúa Kitô (x. Gl 2,16-20). Tin vào Chúa Kitô là giao phó đời mình cho Người. Đây là mức độ hiểu biết, không phải trên phương diện tri thức, nhưng là kinh nghiệm, nhờ mạc khải của Thiên Chúa. Thực vậy, sự công chính đến từ đức tin, nhưng đức tin không phải là một tư tưởng, ý kiến, hay quan niệm, mà là sự hiệp thông với Chúa Kitô làm phát sinh hoa trái tình yêu bác ái (Gl 5,6). Thánh Phaolô nhắc các tín hữu làm trọn giới luật yêu thương bằng cách vác đỡ gánh nặng của nhau (x. Gl 6,2). Được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được mời gọi sống cho tha nhân trong tình yêu của Chúa Kitô (1 Cr 13,1.4-5). Từ quan điểm này, vị trí trung tâm của sự công chính hoá không cần việc làm, là mục tiêu chính của việc rao giảng của Thánh Phaolô, không trái ngược với đức tin hoạt động trong đức ái. Trái lại, chính đức tin cần phải được diễn tả trong đời sống theo Chúa Thánh Thần. Thường người ta thấy những quan điểm trái ngược giữa thần học của Thánh Phaolô và Thánh Giacôbê, vì theo Thánh Giacôbê (Gc 2,26), nhưng chúng ta nhận ra rằng, trong khi Thánh Phaolô quan tâm đến việc chứng tỏ đức tin vào Chúa Kitô là điều cần, thì Thánh Giacôbê lại nhấn mạnh đến kết quả của sự liên hệ giữa đức tin và việc làm. Cho nên, đối với Thánh Phaolô và Thánh Giacôbê, đức tin hoạt động trong đức ái làm chứng cho hồng ân nhưng không của ơn công chính hoá trong Chúa Kitô [11].
Trong truyền thống Gioan, mục đích của Tin Mừng là kêu gọi người ta đến với đức tin (Ga 20,30-31). Tác giả nhấn mạnh “hành động tin” bằng cách chỉ dùng động từ pistèuo chứ không dùng danh từ pistis. Để “tin” con người cần mở lòng đón nhận giáo huấn của Thiên Chúa (6,45), cần được sinh ra bởi trên (3,3.7), đón nhận Đức Giêsu và bước vào tương quan lòng mến với Người. Tin vào Đức Giêsu như là Đấng từ trời xuống để ban sự sống đời đời cho người tin, Người là Đấng Chúa Cha sai đến thế gian để cứu thế gian khỏi hư mất (3,16-17). Tin vào Đức Giêsu cũng là tin vào Thiên Chúa là Cha của Người. Nội dung của niềm tin là bước vào tương quan tình yêu, cách mới mẻ và sống động, với Đức Giêsu, với Chúa Cha và với tha nhân. Đó là niềm tin có khả năng đem lại “sức sống” và “sự sống” đích thực cho con người. Nhờ tin, người môn đệ được lãnh nhận sự sống đời đời ngay bây giờ sẽ nên trọn vẹn trong đời sau [12].
Do đó, trong bối cảnh này, niềm tin bao hàm nhiều chiều kích và nhiều hành vi, đa dạng về ngữ nghĩa trong thế giới Thánh Kinh. Nó chỉ ra rằng: phải kiên định, chắc chắn và đồng thời giao phó bản thân mình, từ bỏ chính mình, tin tưởng, tín thác. Số lượng rất lớn các cách diễn tả cho thấy, để chỉ ra một phạm trù phức tạp chỉ có thể được hiểu toàn bộ chứ không phải chỉ qua một cách diễn tả đơn nhất. Như thế, những dữ liệu Thánh Kinh cung cấp cho chúng ta thấy rằng: tin là một hình thức của sự hiểu biết.
Thần học Thánh Kinh, trong viễn tượng lịch sử cung cấp cho chúng ta những điểm chú giải cần thiết và chìa khoá để đọc và hiểu về chủ đề đức tin và niềm tin, nhờ đó đi vào mối quan hệ với Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, tin vào Chúa có nghĩa là biết các việc mà Chúa làm trong lịch sử. Thành ngữ “biết Giavê là Đức Chúa” (Is 43,10) có thể được coi là lời tuyên xưng đức tin xuyên suốt Cựu Ước. Bản văn của Thánh Phaolô trong Rm 4,21 nói đến niềm tin của Apbraham trong St 15,6 cho thấy rõ, tin trong Cựu Ước đó là sự bao hàm tin-biết, có nghĩa là giao phó và vâng phục với Đấng cần được biết và cần được tin. Chắc chắn không thể giảm niềm tin của Thánh Kinh thành một điều duy nhất, nhưng cũng không thể loại bỏ chiều kích hiểu biết ra khỏi nó. Trái lại, chính vì được biết cách cụ thể và vì hành động của Thiên Chúa hầu như được “xác minh”, nên người ta tin vào lời Ngài [13].
Vấn đề này được sáng tỏ hơn nơi quan điểm của Tân Ước. Nhất lãm đã nêu bật vai trò trung tâm của con người lịch sử của Đức Kitô, cho thấy cuộc gặp gỡ cá nhân và trực tiếp với Người mang lại một nguồn hiểu biết về cá nhân Người. Muốn biết và tin vào Thiên Chúa, người ta phải biết và tin vào Đấng mà Ngài sai đến. Đến với Đức Kitô cần phải giao phó và từ bỏ như trẻ thơ, biết trực giác nhiều hơn là suy đoán (x. Mt 18,1-6). Chủ đề đức tin là một phạm trù nền tảng trong TM Gioan, nó gần như bao hàm tất cả, được đặt trong mối quan hệ giữa tin và biết. Trong trình thuật đối thoại với Nicôđêmô, Đức Giêsu nói cần phải “tái sinh bởi ơn trên” vì “Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người” (Ga 3,31). Khác với thần học của Phaolô, Gioan nhấn mạnh đức tin là cuộc gặp gỡ với Đức Kitô và tin vào công việc trần thế của Người. Như thế tin và biết là những phạm trù giống nhau, thậm chí có thể thay thế cho nhau, đó là điều đặc biệt trong TM Gioan. Trong lời tuyên xưng, Phêrô nói: “chúng con đã tin và nhận biết” (Ga 6,69) đó là sự hiểu biết về đức tin của một người mở ra đón nhận những điều mới mẻ. Hình thức của sự hiểu biết này tạo ra sự hiệp thông. Điều này làm cho chúng ta hiểu cách sử dụng động từ “biết” nhiều hơn trong những lời từ biệt trong bữa Tiệc ly. Thực ra, tin vào lời Đức Kitô và vào công việc của Người, đem đến sự hiểu biết và xác nhận Người là Đấng Mạc khải và do đó đi vào mối tương quan yêu thương với Người[14]. Nói cách khác, đức tin mở ra một sự hiểu biết và sự thông hiểu ngày càng lớn hơn và cho sự hiệp thông sâu xa hơn và cuối cùng dẫn đến tình yêu với Đức Giêsu. Sự hiểu biết này rất chính xác vì nó được thực hiện dưới ánh sáng của đức tin, được bảo đảm khỏi mọi sai lầm. Sự hiểu biết này liên kết với những cá nhân sống động, bỏ tất cả mà theo Người (Ga 1,35-51).
Chủ đề tin trong thần học Phaolô có một ý nghĩa độc đáo tập trung vào mầu nhiệm cứu độ, đó là sự chết, sự sống lại và phục sinh của Chúa Kitô. Chủ để này đóng vai trò thiết yếu và quyết định trong toàn bộ quan điểm Kitô giáo về đức tin. Đức tin đối với Phaolô, chính là căn tính cá nhân làm nên Kitô hữu. Đó là một thực tại năng động, khởi đầu với việc đón nhận Phép rửa, điều làm nên công chính. Chiều kích này đặc trưng cho đức tin của Phaolô. Thật vậy, ơn công chính nhờ sự cứu độ của Đức Kitô là một tiến trình đưa con người đến sự đồng hoá hoàn toàn với Chúa, kéo dài trong suốt cuộc đời. Hơn nữa, đức tin có một chiều kích phổ quát, không loại trừ ai, cho dù là người man di, người Hy Lạp hay Do Thái, tự do hay nô lệ, đàn ông hay đàn bà, tất cả được mời gọi thừa hưởng ơn cứu độ, nhờ hành động tin (x. Gl 3,26; Rm 10,12). Do đó, đức tin được thể hiện như một sự cởi mở hoàn toàn để đón nhận Tin Mừng. Tuy nhiên, việc loan báo Tin Mừng, cần thiết cho ơn cứu độ, mở ra cho tinh thần truyền giáo (x. Cl 1,4-6). Cuối cùng, đức tin mang chủ thể, thuộc tất cả cộng đoàn những người tin. Chính Giáo Hội tin và thể hiện đức tin này trong những hành động khác nhau, từ việc làm chứng đến hành động phụng vụ: thánh thi, thánh ca, các lời tuyên xưng đức tin không gì khác hơn là đặc tính cuối cùng của chiều kích cộng đoàn của đức tin.
Như thế “tin-biết” và “tin-phó thác” là một nhị thức đặt song song liên tục trong mối quan hệ hỗ tương để làm rõ một hành động duy nhất của đức tin. Tin là biết một cách chính xác những mầu nhiệm lớn lao nhất: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa” (Rm 6,8-9). Có thể nói, “tin” trong Thánh Kinh là một hình thức của sự hiểu biết. Nó biểu thị một thái độ cụ thể bao hàm sự nhận biết, đón nhận, nhìn thấy, nghe thấy và lắng nghe trong cùng một trạng thái của cá nhân. Đây đều là được biết trước, đi kèm và dẫn tới hành động “tin tưởng” như một hình thức qua đó chính mỗi người thể hiện. Nói cách khác, chúng ta phải đối diện với sự hiểu biết trước về một hành động hoàn toàn cá nhân, trong đó bao gồm: sự hiểu biết, ý chí và những quyết định [15].
3. Tính hiệp hành trong việc tuyên xưng đức tin đó chính là lời đáp trả mạc khải
Hơn nữa, đức ái còn mở ra để đón nhận mạc khải của Thiên Chúa: “Mạc khải là dâng hiến tình yêu cho Chúa; còn đức tin là ‘xin vâng’ với mạc khải, đó là yếu tố căn bản của sự ‘xin vâng’ với tình yêu của Thiên Chúa trong sự tương ứng trọn vẹn nhất”[17]. Đức tin làm cho con người hiệp thông với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,7-8). Thực ra, ai mở lòng ra đón nhận đức tin vào Đấng mạc khải, người ấy “đến từ Thiên Chúa”, bước qua từ sự chết đến sự sống (x. Ga 5,24) và mang đến tương lai trong sự hiệp thông sống động với Chúa Kitô (Ga 15,15). Điều này hàm ý rằng đức tin là một sự hiểu biết. Bởi vì, với đức tin, con người đón nhận Thiên Chúa và điều đó quyết định sự cứu độ của mình. Biết Thiên Chúa, qua đức tin, đó là sự hiểu biết về mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Chúa. Về điểm này, đối với Gioan, tin là một sự kiện được bày tỏ luôn luôn mới, không chỉ đơn thuần trong sự hiểu biết của con người, nhưng là một quyết định trong toàn thể thực tại của con người, nơi lý trí, ý chí và trong hành vi, để hướng tới Thiên Chúa, Đấng là Agape. Sự hiểu biết đức tin chính là chấp nhận sự hiểu biết về tình yêu, đón nhận hành động tình yêu mà Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô. Đức tin, theo Gioan, được biết đến như sự vâng phục, như là hành trình vững vàng, như sự hiểu biết, như một quyết định, một lời cam kết và đón nhận như một hồng ân của Chúa [18].
Nguồn gốc của đức tin Kitô giáo, theo chứng từ của Kinh Thánh, có nghĩa là “nói lời amen với Chúa, tìm thấy chỉ nơi Ngài mới có nền tảng vững vàng và sự thiết định vững chắc; tin có nghĩa là để Thiên Chúa như là Thiên Chúa, nhận biết Ngài như là nền tảng duy nhất và ý thức Ngài là tất cả của đời sống. Đức tin được đặt trong sự đón nhận và trong sự vâng phục. Điều có thể và phải tin, đó chính là ân sủng và ơn cứu độ của Chúa, bởi vì trong đức tin, con người tìm được sự trợ giúp, sự bền vững, mang ý nghĩa và chung cuộc, mang lại nội dung và sự tròn đầy của đời sống, mang đến một nguồn năng lực mới vào trong những bất ổn và thiếu vắng niềm tin, sư hụt hẫng luôn có trong thân phận con người. Vì trong đức tin, Thiên Chúa đã đón nhận, tuyển chọn con người làm con cái của Ngài và kêu gọi con người tham dự vào bản tính và hình ảnh của Con Một Thiên Chúa [19].
Nếu mạc khải là ơn ban của Thiên Chúa thì sự đáp trả của con người cũng là hồng ân của Thiên Chúa. Vì thế, đức tin và mạc khải là hai mặt của mầu nhiệm duy nhất của cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Nó được xác định bởi sáng kiến của Thiên Chúa và sự đón nhận của con người từ trong thâm tâm trước tình yêu và lời mời gọi của Chúa. Điều này, theo Thánh Kinh, đức tin là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, nhưng cũng là một khía cạnh đòi hỏi sự tự do của con người. Nơi Chúa Giêsu, niềm tin của Người với Chúa Cha cũng là một sự tự do hoàn toàn. Về vấn đề này, quyết định tin theo Chúa trong sự tự do, chính là vâng phục Chúa Kitô trong cách thức của Người với Chúa Cha. Đây là khuôn mẫu của đức tin Kitô giáo đem đến một nền thần học về đức tin được xây dựng trên sự hỗ tương giữa chân lý của Thiên Chúa mạc khải nơi Chúa Kitô với sự thật về con người, định hướng trên quan điểm nhân học nền tảng, theo cách thức quy Kitô, trong đó điểm trọng tâm là coi con người có một sự tự do hữu hạn, nhưng luôn vươn tới sự tự do vô hạn trong Thiên Chúa.
Đức tin như một hành vi trong đó con người thể hiện cách cụ thể quyết định giao phó đời mình cho Chúa Kitô, được gắn liền với tính chất tự do mở ra cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Điều này đòi hỏi, đức tin là hành động quan trọng nhất, được liên kết với vận mệnh con người toàn thể, đó là Thiên Chúa tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu. Đức tin là hành vi tự do của con người, tự do lựa chọn vâng phục Thiên Chúa nơi Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, đã chịu chết, đã sống lại và đã thực hiện cuộc gặp gỡ với con người trong sự kiện mạc khải.
Dựa trên những dữ liệu Thánh Kinh, một người tin có nghĩa người đó tham dự vào một hành động đủ tiêu chuẩn về mặt nhân học, đi vào mối quan hệ không những với chính mình mà còn với chính chân lý. Do đó, hai chủ đề liên quan trực tiếp đến khái niệm đức tin như sự hiểu biết, đó là mối liên hệ với chân lý và mối liên hệ với sự tự do. Trong mối liên hệ với chân lý, chúng ta đi thẳng vào lãnh vực khách quan của sự hiểu biết đức tin; trong mối liên hệ với tự do, sự lựa chọn cá nhân cho phép mỗi người thực hiện hành vi của mình. Chân lý và sự tự do, xác định sự hiểu biết và kiến thức cá nhân, trong chừng mực chúng đủ điều kiện cho con người tìm kiếm và hoàn thiện chính mình. Thực ra, biết tương đương với sự thâu nhận của chủ thể để đi vào mối tương quan liên ngôi vị để khám phá ra sự thật qua những biểu hiện của sự tự do. Trở thành “ngôi vị” tương đương với việc đi vào mối quan hệ như vậy với thực tại và với “người khác” để mỗi người trong chân lý khám phá và nhận ra chính mình qua những biểu hiện được thấm nhuần tự do [20].
Từ quan điểm thần học, theo H.U. von Balthasar, mạc khải được biết đến, không chỉ dưới hình thức những “từ ngữ”, nhưng nội dung chính lại là như một “tình yêu”, một tình yêu được đảm nhận dưới hình thức hữu hình, có thể cảm nhận được. Mạc khải được quan niệm như là sự thông truyền chân lý từ Thiên Chúa, không qua lý trí, như một học thuyết, nhưng qua một con người cụ thể, cách trọn vẹn nhất, Đức Giêsu Kitô [21].
4. Tính hiệp hành trong việc tuyên xưng đức tin thể hiện nơi cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trong Giáo Hội
Vì là một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, nên đức tin chính là hồng ân, một ơn ban (cháris = ân sủng) hoàn toàn tự do từ phía Thiên Chúa và cũng hoàn toàn tự do từ phía con người, để trở thành một thụ tạo mới. Đức tin cũng là một kinh nghiệm, một trải nghiệm, không những đụng chạm tới lý trí, sự hiểu biết và sự tự do của con người, mà còn đụng chạm đến chính trái tim là phần trung tâm bao gồm toàn thể con người. ĐGH Phanxicô đã nói trong thông điệp Ánh sáng đức tin, đối với các Kitô hữu tiên khởi, đức tin chính là “người mẹ”: «Với những Kitô hữu tiên khởi này, đức tin, như một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống được tỏ lộ trong Đức Kitô, là một “người mẹ”, vì nó đã mang lại cho họ ánh sáng và sinh ra trong họ sự sống thần linh, một kinh nghiệm mới, một cái nhìn quang minh về cuộc đời mà họ đã chuẩn bị sẵn sàng để làm chứng cách công khai cho đến cùng» [22].
Đức tin là một cuộc gặp gỡ Chúa Kitô, hiện diện lúc này đây qua Lời của Người và trong các bí tích đức tin, trong sự hiệp thông-koinonía với Hội Thánh. Vậy Hội Thánh chính là nơi gặp gỡ, một không gian lịch sử trong một truyền thống-traditio sống động, nơi loan báo và cử hành các bí tích cứu độ. Hội Thánh còn là nơi mà các tín hữu thực hành đức tin, tức là sống đức tin. Thực vậy, đức tin không hoàn toàn là một sự hiểu biết, thuộc diện tri thức “bộ não”, nhưng là một khoa học của tình yêu. Đức tin cần một “con tim”, rung những nhịp đập của sự liên đới và hiệp thông giữa lòng Hội Thánh, để xây dựng sự duy nhất trong đa dạng, nơi đầu và các chi thể. Đức Giêsu, đầu của Hội Thánh, Con Thiên Chúa, đã vâng lời Chúa Cha trong đức tin, trong Thánh Thần chân lý và tình yêu-agápe. Thánh Phaolô miêu tả sự tham dự ấy như là một kinh nghiệm của cuộc gặp gỡ đức tin: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng chúng ta mà kêu lên: Abbà, Cha ơi” (Gl 4,6). Nhờ đức tin nơi Hội Thánh mà con người được trở nên anh em với nhau trong Đức Kitô (Gl 3,26-27).
Sự duy nhất/thống nhất này, với Đức Kitô và với anh em, được phát sinh trong chính đức tin “chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái-agápe” (Gl 5,6) mới có thể được nhìn nhận và suy tư như một hình thức cụ thể của sự tồn tại và sự hiểu biết Kitô giáo: “unitas fidei quaerens intellectum-sự duy nhất của đức tin tìm kiếm sự hiểu biết”. Đây chính là điều kiện căn bản để loan báo và làm chứng cho mạc khải của Thiên Chúa trong Đức Kitô, vì sự truyền thông mạc khải và sự tham dự vào đó được thực hiện trong chân lý và trong tình yêu (x. Ep 4,15)[23].
Tương tự như cuộc đối thoại được thực hiện giữa hai người, đức tin có thể được hiểu như là một cuộc đối thoại đích thực giữa con người và Thiên Chúa. Cuộc đối thoại này mang lại sự hiệp thông nội tâm giữa trái tim con người và mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Cuộc đối thoại này mở đầu với sự tin tưởng lẫn nhau không do sự hiểu biết của lý trí, khoa học hay kỹ thuật, nhưng đến từ tình mến trong sự tự do và liên đới [24].
«Vậy điều xưa kia thấy được nơi Đấng cứu chuộc chúng ta, nay đã chuyển thành bí tích; để đức tin nên tinh tuyền và vững chắc hơn, thì lời giáo huấn đã thay cho giác quan, khiến tâm hồn các tín hữu được ánh sáng Chúa chiếu soi, sẵn sàng vâng theo lời giáo huấn đầy thẩm quyền đó. Nhờ được mầu nhiệm Chúa lên trời gia tăng và ân huệ Chúa Thánh Thần củng cố, đức tin đó không khiếp sợ gông cùm, tù tội, lưu đày, đói khát, lửa thiêu, hùm beo cắn xé hay những cực hình tinh vi của những kẻ bách hại. Chính vì đức tin ấy mà khắp nơi trên hoàn cầu không những đàn ông mà cả đàn bà, trẻ con non nớt cũng như thiếu nữ liễu yếu đào tơ, đã chiến đấu đến đổ máu mình ra. Đức tin ấy đã xua trừ ma quỷ, đẩy lui bệnh tật, làm cho kẻ chết sống lại» [25].
Thần học về bản chất thuộc về Giáo Hội, cũng như đức tin. Đức tin Kitô giáo là đức tin của Giáo Hội: đức tin của người tín hữu được sinh ra và lớn lên trong lòng Giáo Hội. Sự hoán cải và đức tin, vốn luôn bao hàm một hành động tuân theo một thực tại trước mắt chúng ta, đó là Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô và được tiếp cận nơi Giáo Hội[26]. Khi nói “tôi tin”, người đó nói điều đó trong “chúng tôi tin” của toàn thể cộng đoàn Giáo Hội. Thần học dựa trên niềm tin này, nên không có thần học tự trị, không liên quan đến đức tin của Giáo Hội, cũng như không thể có một hành động đức tin riêng lẻ. Nhà thần học cũng như giáo lý viên, phải lắng nghe Giáo Hội, nhìn nhận mình là thành phần của cộng đoàn Giáo Hội mà mình tham dự vào đức tin chung ấy. Khi suy gẫm về đức tin đã lãnh nhận, nhà thần học cũng như giáo lý viên sẽ tiến hành theo lý trí, bước vào cuộc đối thoại với tri thức đa dạng nhất, với những quy luật của lý trí, với tự do và với sự sáng tạo; đồng thời ý thức rằng chân lý mà mình đang đào sâu, không thuộc về mình, nhưng thuộc về Giáo Hội, nhờ Giáo Hội và trong Giáo Hội. Như vậy, Giáo Hội là một cộng đoàn có cấu trúc hữu cơ và do đó, nhà thần học cũng như giáo lý viên nhận mình trong mối quan hệ với Giáo Hội và với các chân lý mạc khải được Giáo Hội gìn giữ và truyền tải cũng như các chứng từ về Thánh Truyền và đời sống cụ thể của Giáo Hội “dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền sống động của Giáo Hội, thực thi quyền bính nhân danh Chúa Kitô, là thông dịch viên đích thực duy nhất Lời Chúa được viết ra hoặc được truyền tải” [27].
Chiều kích Giáo Hội đòi hỏi thần học phải tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội. Giáo Hội đào sâu lịch sử để mọi người biết đến tình yêu của Chúa Cha và ơn cứu chuộc do Chúa Kitô thực hiện, truyền thông sự sống thần linh nhờ tác động không ngừng của Chúa Thánh Thần. Thần học tham gia vào sự năng động này, khi hợp tác với traditio Evangelii trong việc phổ biến và hiểu biết Lời Chúa. Như thế, thần học bắt nguồn từ những điều tạo nên điểm trung tâm của nó: Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô. Nhưng thần học cũng bị đòi hỏi rằng, từ trọng tâm này, thần học phải phát triển khả năng hiểu biết của mình, để bộc lộ ý nghĩa của thực tại, đánh giá từ nguyên nhân cuối cùng, để soi sáng toàn bộ sự tồn tại và phát triển của con người, cả cá nhân và tập thể. Công việc mà thần học phải đối diện với chân lý mạc khải; đồng thời, với thái độ cởi mở và phục vụ, hoàn toàn tôn trọng các đặc tính của các lãnh vực khác nhau của những thực tại đa dạng và khác biệt [28].
5. Tính hiệp hành trong đời sống đức tin
Chúng ta đón nhận đức tin, hiểu biết đức tin, như đối tượng của hành động gắn bó với một con người cụ thể, không phải là một chân lý trừu tượng hay như một hình thức của những khái niệm xa vời, nhưng là một chủ thể sống động, nói và hành động, với quyền năng vô hạn và với một tình yêu cao vời. Đó là chính Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi vị. «Chúng ta tin, không phải vì những lời hão huyền thuyết phục, không phải vì những dao động nhất thời của con tim lôi cuốn, cũng không vì những lời êm dịu, hùng hồn mê hoặc, nhưng vì chúng ta đón nhận những lời phát xuất từ quyền năng của Thiên Chúa, và do đó, chúng ta không chối bỏ đức tin của mình» [29].
Một cách chính xác, tin có nghĩa là nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa trong các ngôi vị sống động, yêu thương con người và tất cả những gì mà Ngài đã thực hiện, đã bày tỏ cho con người: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Trong các Ngôi vị Thiên Chúa, là hữu thể tuyệt đối, tự tại, bao hàm tất cả chân lý, sự thánh thiện, quyền năng và hạnh phúc viên mãn. Trong ý nghĩa này, đối tượng của đức tin chính là chân lý được mạc khải. Chân lý này là tuyệt đối và siêu việt, là hữu thể thần linh, là các Ngôi vị của Thiên Chúa, là sự khôn ngoan vĩnh cửu, được bộc lộ, được mạc khải và được thông ban trong lịch sử cứu độ, cách tròn đầy và dứt khoát nơi Đức Giêsu Kitô. Thực vậy, Đức Giêsu Kitô là Đấng mạc khải tuyệt đối về Thiên Chúa: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Nơi nhân tính đích thực của Đức Kitô, dung mạo của Thiên Chúa được bày tỏ cách sống động nhất, do đó, Đức Giêsu Kitô không chỉ là đối tượng và nội dung của đức tin, nhưng còn là xây dựng đức tin và nền tảng của đức tin nơi chúng ta. Đức tin vào Thiên Chúa trở thành đức tin vào Chúa Kitô, giao phó cho Người, qua Người để đến với Thiên Chúa. Từ đây, để hiểu về ý nghĩa nền tảng của cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, cần phải hiểu biết và liên kết với Đức Kitô trong mối quan hệ hiệp thông gần gũi. Đức tin Kitô giáo, vì thế, mang một chiều kích mới đó là tâm tình con thảo với Thiên Chúa là Cha trong Đức Giêsu Kitô, Con Một yêu dấu của Ngài.
Đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa còn mang chiều kích liên ngôi vị. Giữa chúng ta và Thiên Chúa có mối dây liên hệ, hiệp thông sâu xa. Đó là một tiếng nói nội tâm sâu thẳm, một sự gắn bó cá vị, riêng biệt. Thiên Chúa hành động nơi con người, chiếu sáng ánh sáng của chân lý vào trong lý trí và tình yêu trong trái tim con người. Qua các phương thế bên ngoài khác nhau, Thiên Chúa đã sử dụng để tiếp cận với con người. Phương thế thứ nhất là lời trong ý nghĩa đích thực và tròn đầy của từ ngữ. Thiên Chúa nói nơi Đức Giêsu Kitô và nơi Hội Thánh. Thiên Chúa nói không phải bằng từ ngữ chết, nhưng sống động, bền vững, có sức mạnh và sự biến đổi: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ” (Dt 4,12).
Phương thế thứ hai, đó là các dấu chỉ. Dấu chỉ là phương thế khôn ngoan mà Chúa dùng để xác nhận và chứng thực hành động của ân sủng. Có thể kể đến các dấu chỉ khách quan như: các dấu lạ thể lý, tâm lý, các lời tiên báo đã thành sự thật, các dấu chỉ luân lý của đời sống thánh thiện Kitô giáo, các dấu chỉ sống động của Giáo Hội, các sứ điệp Tin Mừng; các dấu chỉ chủ quan như kinh nghiệm an bình nội tâm, dấu chỉ niềm vui, mở lòng ra với người khác… Các dấu chỉ đức tin đều là sự can thiệp sống động và yêu thương của Chúa dành cho con người mà lý trí không sao hiểu thấu được. Các dấu chỉ mà Thiên Chúa thực hiện mang lại mối liên hệ sâu xa với từng người, bộc lộ rõ ràng ơn cứu độ của Thiên Chúa đang thực hiện [30].
b. Kinh nghiệm đức tin
Đức tin là một hành trình và trong hành trình ấy có rất nhiều tình huống khó khăn. Khó khăn đầu tiên là sự nghi ngờ. Nghi ngờ xuất hiện trong lúc xáo trộn của đời sống. Đức tin nơi con người không phải là một điều có được ngay, nhưng là một tiến trình. Nếu vượt qua những lúc tăm tối, dao động và thử thách, đức tin của người ấy sẽ vững vàng, chín chắn và trưởng thành hơn. Ngay cả khi Thiên Chúa đã bộc lộ rõ ràng qua lời của Ngài và qua các sự kiện lịch sử có thể thấy rõ, thì vẫn còn đó những điều bị che khuất, không được mở ra một cách hiển nhiên. Đó là những thách đố cho con người. Nơi một con người, đức tin đòi hỏi sự kiên vững, để mở ra những điều siêu việt, mà mình không thể thấy hay đụng chạm tới được. Xét bề ngoài, một người thiếu đức tin là người thường thiếu sự suy tư cầu nguyện để gần gũi với Chúa, hoặc do gặp khó khăn mà không vượt qua được. Ở đây chúng ta cũng nhận ra rằng, đức tin không đồng nghĩa với tính cả tín một cách mù quáng ngây thơ không phê phán. Giữa đức tin và sự phê phán không hề có mâu thuẫn, vì chúng thuộc về nhau và không thể tách rời. Đức tin mà không có khía cạnh phê phán sẽ trở nên vô năng và ù lì. Như thế, khía cạnh phê phán và khía cạnh hoán cải trong việc đổi mới đức tin và duy trì đức tin là điều quan trọng trong hành trình đức tin của mỗi tín hữu. Giáo Hội không thể đổi mới bên ngoài nếu không đổi mới từ bên trong, đó là tinh thần cầu nguyện, phó thác và bình an [31].
Những khó khăn đức tin, phải kể đến những gương mù của các tín hữu, những người với đức tin hời hợt, không có sự gắn bó giữa đức tin và đời sống, trở thành vật cản lớn cho hành trình đức tin, dẫn đến những khủng hoảng trầm trọng[32]. Ngoài ra, xuất hiện những khó khăn từ môi trường văn hoá và xã hội tác động đến các tín hữu. Trong xã hội ngày nay, đã thay đổi rất nhiều theo chiều hướng tiêu cực, từ quan niệm sống, tư duy, cách nhìn về bản thân, về thế giới và về mọi khía cạnh trong đời sống con người, cùng với sự thờ ơ và cả những bạo động. Vì thế, đức tin của các tín hữu luôn phải đương đầu với những khó khăn và những tình thế luôn luôn mới, từ phía bên ngoài và cả từ phía bên trong. Hơn nữa, những khủng hoảng còn xuất hiện trong chính khái niệm về sự thật. Theo quan niệm ngày nay, không tồn tại một chân lý tuyệt đối, và nếu có tồn tại, thì cũng không thể được biết đến. Sự hiểu biết của con người không thể vượt qua được khả năng của kinh nghiệm. Đây chính là nền triết học hiện nay, xuất phát từ chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa thực dụng, đưa con người tới chỗ tự chủ trong tương quan với Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là quyền tối thượng của Thiên Chúa nay bị con người chiếm đoạt [33].
c. Đức tin trong đời sống con người
Đức tin là ý nghĩa cuối cùng của đời sống, bao trùm và giải thích mọi sự và đặt mọi thứ vào đúng chỗ của nó, trong một sự cân bằng tuyệt vời về tự do và ân sủng; về lý trí và đức tin; về lựa chọn cá nhân và sự phó thác vào Thiên Chúa. Cuộc sống con người được đặt trên nền tảng quyết định bởi chiều kích đức tin. Chiều kích này tồn tại nơi con người dưới nhiều mức độ khác nhau, nhưng không dễ dàng để nhận ra.
Mức độ đầu tiên hay ý nghĩa đầu tiên trong khái niệm đức tin chính là một sự thật hiển nhiên không thể lý giải được. Đức tin theo cách này là một “hy sinh của sự hiểu biết” (sacrificium intellectus), trong đó trí khôn phải thuận theo một điều vượt lên trên sự hiểu biết. Mức độ thứ hai của đức tin không liên quan đến những lý do khách quan bên ngoài, nhưng liên hệ đến chính con người. Trong ngôn ngữ thường ngày, khi ta nói với một người khác: “Tôi tin anh”, có nghĩa là “tôi đã tín nhiệm vào anh”. Đây là một sự tin tưởng tạo ra mối quan hệ liên ngôi vị. Đức tin theo cách hiểu này, không đòi hỏi một cách hoàn hảo để biết, nhưng đây là một hành động không thể thiếu trong mối quan hệ giữa các cá nhân, đặc biệt hơn, đó chính là điều kiện cho một kinh nghiệm về một tình bạn và tình yêu. Có một mức độ thứ ba, liên quan đến ý nghĩa của cuộc sống chúng ta trong tổng thể của nó. Khi phải đối mặt với những câu hỏi cơ bản của cuộc sống, chúng ta không thể chứng minh được, mà chỉ dự đoán và sống theo dự đoán ấy, đó là điều mà chúng ta gọi là sự lựa chọn. Với giới hạn của con người, lựa chọn cơ bản luôn luôn nhất thiết cũng là một niềm tin.
Như thế, có thể nói rằng đức tin là một hành vi đúng đắn của con người, trong đó nó liên quan đến con người của chúng ta, được hiểu trong tính toàn bộ. Không có đức tin, con người không thể sống. Những phân tích của nhân học cho thấy rõ điều đó. Vì thế, đối tượng của sự giao phó này ngoài tầm kiểm soát của con người và con người được mời gọi để tin vào nhau trong những mối tương quan thường nhật. Ở cấp độ cơ bản và toàn diện này, sự hiện diện và ý nghĩa chân thật nhất của đức tin Kitô giáo được đặt ra [34].
d. Đức tin như là nền tảng của đời sống
Đức tin không có nghĩa là chỉ xem xét đến các điều của đức tin, nhưng là sự nỗ lực để tin vào những tín khoản của đức tin, hầu mang lại sự hạnh phúc và sự tồn tại của con người. Đức tin trong Cựu Ước không chỉ là những suy nghĩ về Thiên Chúa, nhưng là mong đợi lời hứa của Ngài sẽ được thực hiện. Điều này phù hợp với thân phận con người là luôn mong chờ ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa. Khát vọng sâu xa này chỉ có thể đạt được nhờ tin: “Nếu các ngươi không tin, các người sẽ không đứng vững” (Is 7,9). Hoặc trong Is 28,16: “Ai tin sẽ không hề nao núng”. Cụm từ “nếu các người không tin” bao hàm nhiều ý nghĩa khác nhau, bao gồm ý nghĩa về sự thật, được thiết lập trên nền tảng vững chắc. Đức tin vào Thiên Chúa đem đến một sự liên hệ mật thiết với Ngài trong tất cả mọi khía cạnh của đời sống. Đó là mối liên hệ liên vị với Thiên Chúa. Mỗi hành động, mỗi quyết định của con người đều được đặt dưới sự hiện diện của Ngài.
Thánh Kinh đưa ra lời khẳng định hết sức quan trọng: Thiên Chúa không những là Hữu thể hic et nunc (ở đây và lúc này), nhưng còn là Đấng tự bản chất, ở bên ngoài và vượt ra bên ngoài, những gì mà con người có thể nắm bắt được. Như thế, những gì chúng ta có thể nghe thấy được, hiểu được, sờ chạm được, chưa phải là tất cả thực tại về Thiên Chúa; và vì thế, chúng ta phải tìm kiếm một con đường khác để đạt tới chính thực tại, đó là con đường đức tin. Để đạt tới một đức tin như thế, đòi hỏi nơi con người một sự “trở về” và “hoán cải” tâm hồn. Khuynh hướng tự nhiên lôi kéo con người hướng về điều mình có thể thấy, có thể nắm bắt, nhưng hậu quả là sẽ mất đi những điều chính yếu, cốt lõi. Vì thế, cần phải có thái độ hoán cải để thấy mình mù loà thế nào, nếu chỉ tin vào những gì mắt thấy. Nếu cứ khăng khăng theo khuynh hướng tự nhiên này, thì không thể có đức tin được. Thực vậy, tin là hoán cải, nhờ đó khám phá ra rằng mình đã chạy theo ảo tưởng như thế nào khi chỉ dừng lại ở những gì là khả giác. Tin là một cuộc đổi đời và chỉ có những ai đổi đời như vậy mới có thể nhận được đức tin. Vì sức nặng của con người tự nhiên luôn lôi kéo chúng ta đi hướng khác, nên hoán cải là điều cần phải được thực hiện cách thường xuyên [35].
Nói chung, trong các chiều kích cá nhân và cộng đoàn, đức tin có những khía cạnh chính yếu sau đây: – Đức tin đòi hỏi sự hoán cải. Trong các sứ điệp của các ngôn sứ Cựu Ước và của Gioan Tẩy Giả, cũng như trong lời giảng dạy Tin Mừng của chính Chúa Giêsu và trong sứ vụ của các Tông Đồ, hoán cải có nghĩa thú nhận tội lỗi và khởi đầu một đời sống mới. – Đức tin vừa được diễn tả vừa được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện. Cầu nguyện có thể mang nhiều hình thức khác nhau (xin ơn, khẩn nài, ca ngợi, cảm tạ) và tuyên xưng đức tin, là một hình thức cầu nguyện đặc biệt. Lời cầu nguyện theo phụng vụ, nổi bật nhất trong cử hành Thánh Thể, ngay từ buổi đầu, đã hết sức chủ yếu đối với đời sống của cộng đồng Kitô hữu. Cầu nguyện diễn ra cả ở nơi công cộng lẫn ở nơi tư riêng. Với Chúa Giêsu, Kinh Lạy Cha diễn tả điều căn bản của đức tin. Nó là “bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng”. – Đức tin đem lại sự hiểu biết. Ai tin người ấy có khả năng nhận biết chân lý của Thiên Chúa. Sự hiểu biết này phát sinh từ việc suy tư về sự trải nghiệm của ta về Thiên Chúa, dựa trên mạc khải và sự chia sẻ trong cộng đoàn những kẻ tin. – Đức tin dẫn tới lời tuyên xưng. Được Chúa Thánh Thần linh hứng, các tín hữu biết Đấng mà họ tin, và họ có khả năng giải thích niềm hy vọng ở trong họ, nhờ lời tuyên xưng ngôn sứ và tông đồ của Tin Mừng. Họ làm việc này nhân danh cá nhân, nhưng lại thực hiện trong cộng đoàn tín hữu. – Đức tin bao hàm sự tin tưởng. Tín thác vào Thiên Chúa có nghĩa là đặt trọn vẹn đời sống trên lời hứa của Ngài. – Đức tin bao hàm trách nhiệm, nhất là việc bác ái và phục vụ. Các hoa trái này chủ yếu thuộc đức tin, vì đức tin, đến từ việc lắng nghe lời Chúa, đòi hỏi sự vâng theo thánh ý Chúa. Đức tin công chính hoá là “đức tin hành động qua đức ái” (Gl 5,6) [36].
Tóm lại, tính hiệp hành trong việc tuyên xưng đức tin chính là cùng nhau bước đi trên con đường mà Chúa mời gọi để đạt đến hạnh phúc đời đời. Giáo lý viên là người mời gọi mọi người bước đi trên con đường ấy, nhờ ơn Chúa và dưới sự hướng dẫn của Hội Thánh.
CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Kinh Tin Kính thể hiện rõ ràng nhất việc cá nhân và toàn thể cộng đoàn cùng hiệp hành với nhau trong việc tuyên xưng đức tin. Bạn có thấy vui mừng và chỉ cho người khác niềm vui vì được gia nhập vào cộng đoàn những người tin?
2. Đức tin theo quan niệm Thánh Kinh giúp bạn điều gì trong đời sống đức tin của bạn cũng như của những người mà bạn được trao phó để giáo dục đức tin?
3. Đức tin là đón nhận mạc khải về Thiên Chúa tình yêu. Bạn và những người được trao phó cho bạn được mời gọi để đáp lại tình yêu ấy như thế nào?
4. Đức tin là một cuộc gặp gỡ Chúa Kitô trong sự hiệp thông với Hội Thánh. Cộng đoàn Hội Thánh có tầm quan thế nào trong đời sống đức tin của bạn?
5. Bạn đang gặp khó khăn gì trong đời sống đức tin?
————————————-
[1] UỶ Ban ThẦn hỌc QuỐc tẾ, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, số 3.
[2] Cfr. SGLHTCG 188.
[3] Cfr. J. A. Hardon, Pocket Catholic Catechism, Doubleday, USA 1989, 17-22.
[4] irênê, Chống lạc giáo, I, 10, 1-3: PG 7, 550-554.
[5] Cfr. J. Duplacy, «Fede», in X. Léon-Dufour (a cura di), Dizionario di Teologia Biblica, Marietti, Casale Monferrato, 1971, 379-390; B. Marconcini, «Fede», in P. Rossano, G. Ravasi, A. Girlanda (a cura di), Nuovo Dizionario di Teologia Biblica, Edizioni Paoline, 1988, 536-552. «Trong tiếng Latinh, ngoài danh từ fides (và những từ cùng gốc fidelis, fidelitas) còn có động từ credere (và những từ ngữ cùng gốc: credibilis, credibilitas). Một cách tương tự như vậy tiếng Pháp có danh từ foi và động từ croire (từ đó: croyance), thêm vào những từ gốc Latinh: crédibilité, fidèle, fidélité. Trong tiếng Anh, danh từ là faith (với các từ ngữ liên hệ: faithful, faithfulness), còn hành vi được gọi là to believe (từ đó có: belief, believer); ngoài ra còn có những từ gốc Latinh: credit, credentials, fidelity. Trong tiếng Việt, “tin” hoặc “tín” cũng được ghép với nhiều từ khác: tin tưởng, tin cậy, tín ngưỡng, tín thác, trung tín, tín nhiệm, v.v…» Phan TẤn Thành, Đức tin trong thần học, http://daminhvn.net.
[6] O. Michel, «Fede» trong Dizionario dei concetti biblici del NT, a cura di L. Coenen – E. Beyreuther – H. Bietenhard, (trad. it.), EDB, Bologna 20006, 617. Động từ Aman, xét theo nguyên ngữ, nghĩa đen, có nghĩa là: mang, vác, bế, bồng (thí dụ mang đứa con trên tay: Ds 11,12; R 4,16; 2 Sm 4,4); theo nghĩa bóng, aman là cậy dựa vào ai, nương tựa, tin tưởng. Danh từ amen xuất phát từ động từ aman có nghĩa là: đúng như vậy, tin như thế.
[7] H.U. von Balthasar, Fides Christi, trad. it., in Id, Sponsa Verbi, Morcelliana, Brescia 1985,53. «Từ Amen có cùng ngữ căn với từ “tin”. Ngữ căn này diễn tả sự vững bền, sự đáng tin, sự trung tín. Như vậy, chúng ta hiểu tại sao từ “Amen” có thể được dùng để nói về sự trung tín của Thiên Chúa đối với chúng ta, và về lòng tin cậy của chúng ta vào Ngài» SGLHTCG 1062.
[8] Về chủ đề “Đức tin trong Cựu Ước”, x. A. Weiser, «Pistéuo», trong Grande Lessico del NT, tập X, Paideia, Brescia 1975; J. Alfaro, «Fides in terminologia biblica» trong Gregorianum 42 (1961) 463-505; P. Stefani, La fede ebraica dallo Shema ai tredici articoli di maimonide, trong P. Coda – C. Hennecke (a cura di), La fede. Evento e promessa, Città Nuova, Roma 2000, 387-398.
[9] Cfr. R. Fisichella, Introduzione alla teologia fondamentale, Piemme, Casale Monferrato 1992, 94-95.
[10] G. Rossé, La fede secondo san Paolo, trong P. Coda – C. Hennecke (a cura di), La fede. Evento e promessa, Città Nuova, Roma 2000, 153.
[11] Cfr. Bênêđictô XVI, Bài giảng về Thánh Phaolô trong buổi triều yết chung (26/11/2008).
[12] Cfr. Lê Minh Thông, Tin (đt., pisteuô) trong TM Gioan, http://tungubontinmung.blogspot.com
[13] Cfr. J. Alfaro, Cristologia e antropologia, Cittadella, Assisi 1973, 425-427; R. Schnackenburg, Il vangelo di Giovanni (trad. it.), vol. I, Brescia 1973, 698.
[14] Cfr. R. Schnackenburg, Il vangelo di Giovanni (trad. it.), vol. I, Brescia 1973, 707.
[15] Cfr. R. Fisichella, Introduzione alla teologia fondamentale, Piemme, Casale Monferrato 1992, 91-96; G. PhẠm QuỐc Điêm, Giới thiệu thần học Kitô giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nôi 2021, 108-123.
[16] Cfr. F. Ardusso, Imparare e credere. Le ragioni della fede cristiana, Cinisello Balsamo 1992, 34; J. Alfaro, La fede come dedizione personale dell’uomo a Dio e come accettazione del messaggio cristiano, in “Concilium” 3 (1967), 68.
[17] J. Pfammatter, La fede secondo la Sacra Scrittura. Fondamenti di teologia biblica, in M. Löhrer – J. Feiner (edd.), Mysterium Salutis II, Queriniana, Brescia 1968, 399.
[18] G. Bof, «Fede» in G. Barbaglio – S. Dianich, ed., Nuovo Dizionario di teologia, Roma 1977, 510; J. Pfammatter, La fede secondo la Sacra Scrittura. Fondamenti di teologia biblica, in M. Löhrer – J. Feiner (edd.), Mysterium Salutis II, Queriniana, Brescia 1968, 400.
[19] W. Kasper, Gesù il Cristo, Queriniana, Brescia 1974, 299.
[20] Cfr. R. Fisichella, Introduzione alla teologia fondamentale, Piemme, Casale Monferrato 1992, 96-97; A. Milano, Persona in teologia, Napoli 1984; Id., La Trinità dei teologi e dei filosofi, Napoli 1987.
[21] Cfr. H.U. Von Balthasar, Gloria. Una estetica teologica, I, La percezione della forma, Jaca Book, Milano 1975, 23-24.
[22] Phanxicô, Thông điệp Ánh sáng đức tin Lumen Fidei, 5.
[23] P. Coda, Teo-logia. La parola di Dio nelle parole dell’uomo, Lateran University Press, Roma 2009, 102-103.
[24] Cfr. N. Dunas, Connaissance de la foi, Paris 1963 (trad. it.), Conoscere la fede, SEI, Torino 1965, 62-79.
[25] Lêô CẢ, Bài giảng về Chúa lên trời 1, 4 (PL 54, 398).
[26] Cfr. J. Ratzinger, Natura e compito della teologia, Milano 1993, 55-56.
[27] BỘ Giáo lý ĐỨc tin, Huấn thị Donum Veritatis, số 13.
[28] Cfr. F. Ocáriz, «Intellectus fidei: Teologia sistematica ed esegesi biblica», trong PATH 2 (2004) 36.
[29] Hippôlytô, Khảo luận chống lạc thuyết, ch. 10,33 (PG 16,3452).
[30] Cfr. N. Dunas, Connaissance de la foi, Paris 1963 (trad. it.), Conoscere la fede, SEI, Torino 1965, 99.
[31] Cfr. W. Kasper, Introduction to Christian Faith, Paulist Press, New York 1980 (bản dịch tiếng việt của Lưu Văn Hy, NXB Phương Đông 2014, 113).
[32] Công đồng Vaticanô đã xác nhận gương xấu của các tín hữu làm phát sinh chủ nghĩa vô thần: «Tín hữu có thể chịu phần trách nhiệm không phải là nhỏ trong việc khai sinh vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Phải nói rằng họ che giấu hơn là bày tỏ bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo». Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes, số 19.
[33] Lý thuyết về sự tục hoá và những ảnh hưởng của nó cho đức tin, xin coi K. Lehmann, Presenza della fede, Queriniana, Brescia 1977, 111-118. X. W. Kasper, Introduzione alla fede, Queriniana, Brescia 1972, 19-20.
[34] Cfr. R. Lavatori, Dio e l’uomo un incontro di salvezza. Rivelazione e fede, EDB, Bologna 1999, 139-143.
[35] J. Ratzinger, Introduction to Christianity, Ignatius Press, USA 20042, 50-51.
[36] Cfr. Ủy ban ThẦn hỌc QuỐc tẾ, Sensus fidei Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội (2014) số 12. G. PhẠm QuỐc Điêm, Giới thiệu thần học Kitô giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nôi 2021, 151-161.
Tác giả: Lm. Giuse Phạm Quốc Điêm