Hôn Nhân Mầu Nhiệm Cao Cả
Ðúng thế, “ngay từ ban đầu” (Mt.19:4), Thiên Chúa đã nối kết con người mà Ngài đã dựng nên theo hình ảnh Ngài, có nam có nữ, thành vợ chồng với nhau, và chúc phúc cho việc sinh sôi nẩy nở tràn đầy mặt đất của họ (x.Gen.2:21-24; 1:27-28). Thế nhưng, cho đến bây giờ, con người đã hùa nhau “phân ly những gì Thiên Chúa đã kết hợp” (Mt.19:6) ngay từ ban đầu ấy.
Không phải hay sao, lịch sử thế giới đã cho thấy, kể từ thập niên 1960, thập niên mà về tôn giáo được đánh dấu bằng một biến cố Công Ðồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965), cũng là thập niên về văn minh được đánh dấu bằng việc thám hiểm không gian và phát minh điện toán ngày càng tối tân, thì cũng là thập niên về nhân bản loài người đã bắt đầu lập nên những khoản luật cho phép ly dị và phá thai. Thấy “phân ly những gì Thiên Chúa đã kết hợp” (Mt.19:6) chưa đủ, đến thập niên 1990, con người cực kỳ văn minh ngày nay còn muốn thực hiện cho bằng được mộng ước của Evà xưa trong việc “lên bằng Thiên Chúa” (Gen.3:5), ở chỗ tự ý lập nên cho mình một cơ cấu hôn nhân và gia đình theo “đỉnh cao trí tuệ” của mình, hoàn toàn phá hủy những gì Thiên Chúa thiết định ngay từ đầu, bằng việc ban thêm những khoản luật cho phép hôn nhân đồng nam tính hay đồng nữ tính và thụ thai cấy tinh hay thụ thai ống nghiệm v.v.
Vậy nếu việc dọn mừng Ðại Năm Thánh 2000 là việc Nhiệm Thể Giáo Hội dọn mừng để long trọng kỷ niệm và cử hành 2000 năm Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Kitô, Ðấng “là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Col.1:15), một Thiên Chúa Ba Ngôi là “Cha và Con và Thánh Thần” (Mt.28:19), thì thành phần sống hôn nhân gia đình phải là thành phần Long Trọng Mừng Năm Thánh 2000 nhất, vì hôn nhân là một mầu nhiệm cao cả, phản ảnh Mầu Nhiệm Ba Ngôi, Mầu Nhiệm Nhập Thể và Mầu Nhiệm Giáo Hội.
Hôn Nhân: Phản Ảnh Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi:
Trước hết, Hôn Nhân là một mầu nhiệm cao cả phản ảnh Mầu Nhiệm Ba Ngôi. Thật vậy, theo sách Khởi Nguyên, mạc khải cho thấy: “Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Ngài; theo hình ảnh thần linh Ngài đã dựng nên họ; Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ” (Gen.1:27). Căn cứ vào ý tứ của câu văn mạc khải này, thì Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài là Ngài “dựng nên họ có nam có nữ”, hay nói ngược lại, Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ để diễn tả “hình ảnh thần linh” của Ngài. Cũng theo ngôn ngữ của mạc khải, hình ảnh thần linh mà con người được dựng nên đây là hình ảnh của một cộng đồng Thiên Chúa Ba Ngôi, vì trước khi dựng nên con người, sách Khởi Nguyên đã viết về ý định của Ðấng Tạo Hoá như sau: “Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy tạo nên con người theo hình ảnh của chúng ta, tương tự như chúng ta” (Gen.1:26).
Thế nhưng, con người được dựng nên có nam có nữ đã phản ảnh cộng đồng “chúng ta” nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ra sao? Theo cuốn “Mái Ấm Yêu Thương” (Cao Tấn Tĩnh, Cao Bùi, 1994, trang 47-63), con người được dựng nên có nam có nữ đã phản ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi ở cả hữu thể và phái tính của mình. Về hữu thể, không phải hay sao, ngay từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên chỉ có một con người duy nhất (x.Gen.2:7), “hình ảnh” chỉ có một Thiên Chúa duy nhất (x.Jn.17:3). Về phái tính, con người duy nhất được Thiên Chúa dựng nên ngay từ ban đầu ấy được biểu hiệu nơi Adong, “tương tự như” Thiên Chúa Ngôi Cha; để rồi từ con người duy nhất này Thiên Chúa làm nên một “đồng bạn cân xứng” (Gen 2:18), “tương tự như” Thiên Chúa Ngôi Con nhiệm sinh từ Thiên Chúa Ngôi Cha; và tình yêu đã phát hiện từ việc Adong nhận biết xương thịt của mình rồi cả hai trở nên một thân thể (x.Gen.2:23-24), “tương tự như” Thiên Chúa Ngôi Ba nhiệm xuất từ Thiên Chúa Ngôi Cha và Thiên Chúa Ngôi Con.
Hôn Nhân là một mầu nhiệm cao cả phản ảnh Mầu Nhiệm Ba Ngôi như thế mà hôn nhân gia đình đã trở thành một cộng đồng yêu thương và sự sống, nơi Thiên Chúa Ba Ngôi tỏ mình ra. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, theo chiều hướng nhân bản cao độ của con người văn minh hiện nay, hơn bao giờ hết, con người càng tự do trong việc chọn lựa cho mình một người tình trăm năm, thì con người lại càng dễ ly dị nhau hơn bao giờ hết. Nếu trong hiện tượng phá thai có khuynh hướng ProChoice thế nào, thì trong hiện tượng ly dị cũng có khuynh hướng ProChoice như vậy. Ở chỗ, người ta cho rằng một khi mình có quyền chọn người tình trăm năm cho mình thì mình cũng có quyền bỏ người này chọn người khác, chứ họ không công nhận người bạn đời duy nhất của họ chính là người Chúa đã xe duyên kết nghĩa cho họ, mang đến cho họ, để ở với họ (x.Gen.2:22-23,3:12). Chính vì con người ngày nay chỉ xây dựng cộng đồng yêu thương và sự sống của mình như một “lâu đài tình ái” có tính cách “Pro Choice” duy nhân bản như thế mà nó đã không thể đứng vững trước phong ba bão tố (x.Mt.7:26-27), và từ đó mới có hiện tượng phá sản hôn nhân như hiện nay chứng thực.
Hôn Nhân Phản Ảnh Mầu Nhiệm Nhập Thể:
Sau nữa, Hôn Nhân là một mầu nhiệm cao cả phản ảnh Mầu Nhiệm Nhập Thể. Thật thế, theo Chúa Giêsu mạc khải cho biết, “Nước Thiên Chúa có thể được ví như ông vua kia tổ chức một bữa tiệc cưới cho con trai của mình” (Mt.22:2). “Ông vua” tổ chức tiệc cưới đây là ai, nếu không phải là Chúa Cha, “con trai” của vua đây là ai, nếu không phải là Chúa Giêsu Kitô, và “bữa tiệc cưới” đây là gì, nếu không phải là Mầu Nhiệm Nhập Thể, Mầu Nhiệm “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn.4:24) mặc lấy nhân tính loài người nơi “Lời đã hoá thành nhục thể” (Jn.1:14). “Bữa tiệc cưới” này, trước hết, được bắt đầu bằng lễ nghi đính hôn nơi cung dạ trọn đời tuyền vẹn của Trinh Nữ đầy ơn phúc Maria trong ngày Thiên Sứ truyền tin cho Người, sau đó đã được tổ chức tại hang đá Bêlem vào một đêm đông lạnh buốt, với khách được mời đại diện là nhóm mục đồng Do Thái nghèo hèn (x.Lk.2:8-18) cùng với nhóm vương gia chiêm tinh dân ngoại (x.Mt.2:1-11).
Phải, ý nghĩa “cả hai trở nên một thân thể” (Gen.2:24; Mt.19:5) nơi đời sống hôn nhân vợ chồng, như ý định của Thiên Chúa khi dựng nên con người theo hình ảnh Ngài, có nam có nữ, không thể nào thực hiện được về phương diện thể lý hay sinh lý, bằng khả năng tự nhiên của loài ngườiù. Thế nhưng, trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, ý nghĩa “cả hai trở nên một thân thể” nơi đời sống hôn nhân vợ chồng này đã được hoàn toàn và trọn vẹn hiện thực khi “Lời đã hoá thành nhục thể, Mầu Nhiệm Thần Tính và nhân tính được Ngôi Hiệp nơi Chúa Giêsu Kitô. Chính vì “Nước Thiên Chúa có thể được ví như một bữa tiệc cưới” như theá mà, theo Phúc Âm thánh Gioan, Chúa Giêsu đã mở màn cho công cuộc rao giảng của Người bằng việc “tỏ vinh quang của Người ra” (Jn.2:11) ở tiệc cưới Cana.
Hôn Nhân là một mầu nhiệm cao cả phản ảnh Mầu Nhiệm Nhập Thể, tức Mầu Nhiệm Thiên Chúa Tỏ Mình Ra, nên hôn nhân gia đình không phải chỉ là “môït túp lều tranh hai trái tim vàng” tầm thường vậy thôi, mà còn là chính cung thánh thần linh, nơi “Thiên Chúa ở giữa chúng sinh” (Mt.1:23) ngự trị và tỏ mình ra, qua những thăng trầm của cuộc sống vợ chồng, để cuộc sống hôn nhân gia đình của họ trở thành một Tin Mừng soi chiếu vào những vùng “văn hoá tử vong” (culture of death) duy nhân bản hiện nay, một thứ văn hóa chỉ tôn sùng con người như thần tượng tối cao của mình, và chỉ phụng sự quyền làm người bất khả xâm phạm của mình, hoàn toàn loại bỏ lề luật tự nhiên cũng như lề luật luân lý bất biến của Ðấng Tối Cao, là những gì đòi hỏi họ phải tận trung vợ chồng với nhau với bất cứ giá nào, cũng như phải sử dụng chính đáng khả năng truyền sinh của mình và tôn trọng sự sống bởi đó mà ra.
Hôn Nhân Phản Ảnh Mầu Nhiệm Giáo Hội
Sau hết, Hôn Nhân là một mầu nhiệm cao cả phản ảnh Mầu Nhiệm Giáo Hội. Ðúng vậy, nếu Nước Thiên Chúa có thể được ví như một bữa tiệc cưới, và chàng rể là Chúa Giêsu Kitô, thì “cô dâu” (Rev.21:2) còn ai khác hơn là chính Giáo Hội, một người “bạn” (Jn.15:5) mà “Người đã hiến mình … để làm cho nên thánh hảo” (Eph.5:25). Phần Giáo Hội, nhận biết mình được Chúa Kitô yêu thương và cứu chuộc, hoàn toàn thuộc về Người, nên Giáo Hội đã hoàn toàn và luôn luôn “thuận phục Chúa Kitô… trong hết mọi sự” (Eph.5:24).
Phải, ý nghĩa làm nên đời sống hôn nhân vợ chồng ở tại “cả hai trở nên một thân thể” chẳng những được hiện thực nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể, mà còn được nên trọn nơi Mầu Nhiệm Giáo Hội nữa. Bởi vì, Chúa Kitô là Ðầu của Giáo Hội và Giáo Hội là thân thể của Chúa Kitô (x.Eph.5:23), cả hai đã làm nên một Nhiệm Thể, tức một thân thể mầu nhiệm. Ðó là lý do hôn nhân Kitô giáo có tính cách Bí Tích, tức tính cách phản ảnh “một mầu nhiệm cao cả… liên quan đến Chúa Kitô và Giáo Hội” (Eph.5:32).
Hôn Nhân là một mầu nhiệm cao cả phản ảnh Mầu Nhiệm Giáo Hội như thế, nên trong bài “Tinh Thần Người Gia Trưởng” (xem Ðặc San Song Nguyền, 7-1997, trang 9), để trả lời câu phỏng vấn thứ nhất cho buổi phát thanh Hôn Nhân và Ðời Sống vào thứ tư hằng tuần của chương trình Mẹ Hằng Cứu Giúp trên băng tần AM 1190 KORG, người viết đã nêu lên xác tín của mình và đã chia sẻ nhận định về hiện tượng hôn nhân hiện nay như sau:
“Nói đến Hôn Nhân Công Giáo là nói đến một ‘mầu nhiệm cao cả liên quan đến Chúa Kitô và Giáo Hội’ (Eph.5:32), như thánh Phaolô đã phát biểu trong thư gửi giáo đoàn Ephêsô. Vì Hôn Nhân Công Giáo không phải là một biến cố sang ngang của một đời người, hay một đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý của ‘trai lớn lấy vợ, gái lớn lấy chồng’, mà con người lập gia đình chỉ tìm thấy ý nghĩa hôn nhân đích thực và hạnh phúc gia đình, ở tại làm phản ảnh sống động ‘mầu nhiệm cao cả liên quan đến Chúa Kitô và Giáo Hội’ mình được tham dự vào, qua Bí Tích Hôn Nhân. Thực tế cho thấy rõ, ngày nay hơn 60% hôn nhân ly dị tại Mỹ này là do các cặp vợ chồng không sống ‘mầu nhiệm cao cả’ làm nên ý nghĩa và giá trị của hôn nhân, ở chỗ, họ không thực hành như thánh Phaolô dạy: ‘Các người vợ phải phục tùng chồng mình như thể phục tùng Chúa… Như Giáo Hội phục tùng Chúa Kitô như thế nào, các người vợ cũng phải phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy’ (Eph.5,22,24). Và ‘các người chồng hãy yêu thương vợ mình như Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội. Ngài đã hiến mình cho Giáo Hội’ (Eph.5:25).