Mục vụ gia đình

Hôn nhân nền tảng xã hội

Hôn nhân nền tảng xã hội

Hôn nhân là căn bản của đời sống gia đình. Gia đình là nhân tố xây dựng xã hội. Bởi vì qua hôn nhân, con người tiến tới một đời sống cộng thể và khai triển xã hội tính. Hôn nhân, do đó, không chỉ là một nhu cầu tình cảm cần được khỏa lấp, một khế ước được thừa nhận về mặt xã hội. Nó chính là một gạch nối giữa đời sống gia đình và đời sống xã hội, giữa những yếu tố gia đình và yếu tố của xã hội. Quan niệm hôn nhân trong tương quan xã hội đến từ tư tưởng “không ai là một hòn đảo”. Đó cũng là tư tưởng của Patrick Malton, một cựu đảng viên Cộng Sản trong thời chiến tranh lạnh, vì cảm nhận được ý nghĩa của hai chữ yêu thương và hiệp nhất, nên đã từ bỏ chủ thuyết Cộng Sản, đi tu và trở thành linh mục khổ tu và là một nhà tư tưởng.

Con người, ngay từ khi lọt lòng mẹ đã mang sẵn trong mình xã hội tính. Ngoài đời sống thể lý, còn có đời sống tâm lý và tâm linh nữa. Tinh thần xã hội, tinh thần hợp quần và liên đới đến từ đời sống và nhu tâm tâm lý ấy. Đúng ta con người không chỉ sống riêng cho mình, mà còn cho những người chung quanh nữa. Trong ý nghĩa này, và trong tinh thần này, hôn nhân chính là một hình thức của nếp sống hợp quần, nếp sống tập thể tính và xã hội tính. Trong hôn nhân, không phải là một mà là hai, là ba, là bốn cá nhân trong một tập thể gia đình chung sống, sinh hoạt chung với nhau. Trong xã hội nhỏ bé này, mỗi người được sinh ra, lớn lên và hoạt động theo chiều hướng và tâm tư riêng, nhưng lại gắn bó và ràng buộc với nhau bằng những ràng buộc của tình yêu, của huyết thống, và của sự chia sẻ di truyền do cha mẹ để lại. Có thể nói, gia đình là một xã hội thu nhỏ, và là một tập thể có sức sống mạnh mẽ và gắn bó nhất, trong đó vợ chồng, cha mẹ, và con cái, anh chị em chia sẻ cùng một cảnh ngộ, cùng một môi trường, và cùng một sự thăng trầm của cuộc sống. 

Những tư tưởng trên đưa tới một cái nhìn và ý tâm lý và tâm linh khi trình bày về hôn nhân với tương quan xã hội. Thật vậy, do tình yêu ràng buộc mà hai người yêu nhau đã đi đến một cuộc sống chung với nhau. Do tình yêu triển nở, phát sinh hoa trái là những đứa con. Và từ tình yêu cha mẹ nẩy sinh tình yêu con cái, và từ tình yêu con cái, nẩy sinh tình yêu anh chị em trong gia đình. Tuy nhiên, khi nghĩ tới những khía cạnh tích cực của hôn nhân trong cuộc sống xã hội, người ta không thể không đề cập tới những khía cạnh tiêu cực và ảnh hưởng tiêu cực của nó trong đời sống xã hội. Những con số thống kê mà chúng ta từng trưng dẫn trước đây về những đổ vỡ trong đời sống hôn nhân, nhất là ảnh hưởng của những đổ vỡ ấy đối với sự băng hoại của xã hội, khiến người ta không thể không nghĩ tới trước hết ảnh hưởng của nó nơi chính cuộc sống hôn nhân và gia đình của mỗi nạn nhân, mà người chịu ảnh hưởng nhất không ai khác là những đứa trẻ vô tội.

Nghiên cứu của các nhà tâm lý cho thấy rằng, con cái của những cha mẹ ly thân, ly dị rồi ra cũng có xác xuất ly thân, ly dị cao hơn so với những con cái của các cha mẹ không ly dị. Và đời sống của những đứa trẻ mồ côi bất đắc dĩ vì phải sống với cha ghẻ, dì ghẻ, hoặc những người tình của cha hoặc mẹ mình thường có những tâm trạng buồn chán, thất vọng, và rất thiếu tự tin. Kết quả là những em này rất khó thành đạt trong môi trường học đường, và sau này khi đã khôn lớn.  Xã hội sẽ phải trả những gánh nặng nề của những cuộc tình và hôn nhân bất đắc dĩ, vội vàng và thiếu trưởng thành như thế.

Ảnh hưởng trực tiếp của gia đình, của hôn nhân lủng củng là tạo cơ hội cho các trẻ em bỏ nhà đi hoang, và rơi vào những cảnh sống lầy lội của những nhơ nhớp xã hội. Những em nhỏ này vừa là nạn nhân, nhưng cũng lại vừa là nhân tố gây ra những tệ trạng xã hội. Hằng năm bộ Anh Sinh Xã Hội Hoa Kỳ phải chi trả cho những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, bạc đãi, mà kết quả là do những đổ bể của hôn nhân của cha mẹ chúng gây ra thì nhiều vô kể. Trong văn phòng làm việc đã có lần tôi cảm thấy rất bực bội và coi đó như là một chuyện bất công khi thấy một em nhỏ vừa tròn 15 tuổi, em đã hoang thai, và trớ triêu thay là đứa con do em sinh ra lại bị trục trặc, và thế là nhà thương phải nuôi em nhỏ trong lồng kính. Chính phủ phải chi cho em tiền xe đưa đón em mỗi ngày sau khi tan học để em tới thăm con. Và dĩ nhiên, khi em nhỏ được đưa về, thì cả em nhỏ lẫn người mẹ trẻ này lại được trợ cấp của xã hội. Cứ như thế những dịch vụ này tiếp đến dịch vụ khác, xã hội phải chi trả không biết bao nhiêu là tiền cho một trường hợp như thế. Nhưng nhất là tương lai của em bé, của người mẹ trẻ ấy sẽ mất, tất cả sẽ bị lệ thuộc vào đứa con nhỏ của mình, bỏ học hoặc khoan giãn việc học. Xã hội sẽ phải chịu thiệt thòi không phải vì những đồng tiền thuế của mọi người, mà vì mất đi một bàn tay xây dựng, ngược lại, còn phải nuôi, hiểu theo một nghĩa nào đó, là nuôi báo cô cả mẹ lẫn em nhỏ của người mẹ trẻ ấy bằng tiền thuế của những người khác. Đây quả là một hội chứng bệnh hoạn của xã hội này, do những ý niệm sai lầm về hôn nhân, và về tình yêu.

Tóm lại, khi nói hôn nhân là nền tảng xã hội, chính là đề cập đến những ràng buộc tinh thần của một căn bản nền tảng cho xã hội. Vì nếu hôn nhân tốt lành, gia đình sẽ an vui, hạnh phúc. Mà nếu gia đình là cái nôi hạnh phúc cho con trẻ lớn lên, thì khi chúng vào đời, chúng sẽ là những nhân tố đóng góp nhiều thành quả trong việc xây dựng một xã hội lành mạnh và thăng tiến. Hôn nhân là nền tảng của gia đình, và gia đình là nền tảng của xã hội. Cũng chính vì vậy mà vấn nạn được đặt ra ở đây là chúng ta có nên đùa giỡn với ái tình, đùa giỡn với hạnh phúc gia đình, và đùa giỡn với xã hội bằng một ý niệm buông thả, thiếu thận trọng và thiếu trưởng thành về hôn nhân không? Tôi tin là không, và nếu được như thế, tức là chúng ta đang đóng góp những viên gạch tốt làm nền móng cho một xã hội ngày mai tốt đẹp. Biết thế, nhưng có mấy ai ý thức và bước vào đời sống hôn nhân với chủ ý xây dựng và tạo dựng một mái ấm gia đình, một gạch nối lành mạnh với xã hội.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!