Góc tư vấn

Khi nào (và tại sao) Tin Mừng được hát trong Thánh Lễ?

Valdemar De Vaux
Trong thánh lễ an táng Đức Bênêđictô XVI, vào thứ Năm ngày 5 tháng Giêng, 2023, trước khi Đức Thánh cha Phanxicô giảng, một thầy phó tế đã hát bài Tin mừng. Một cách để làm nổi bật Lời Chúa. Dưới đây là nguyên tắc của thực hành này.
Bạn có để ý không? Trong lễ an táng của Đức Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI, thứ Năm ngày 5 tháng Giêng năm 2023, một phó tế đã hát bài Tin mừng. Một hành động mang tính truyền thống và thoạt nhìn nó rất có ý nghĩa.
Nếu chúng ta đọc trong phần trình bày của Qui chế Tổng quát Sách lễ Rôma, giải thích cách cử hành phụng vụ, thì ta thấy rằng Tin mừng không phải được đọc mà được công bố. Thật vậy, việc công bố này “làm nên cao điểm của phụng vụ Lời Chúa. Chính phụng vụ dạy ta phải hết lòng tôn kính bài đọc Tin Mừng” (số 60).
Cho nên việc hát bài Tin mừng trước hết là một dấu hiệu của sự tôn kính, và đó cũng là cách để nhấn mạnh đến khoảnh khắc long trọng, vì các phần được hát trong thánh lễ càng nhiều bao nhiêu thì thánh lễ được cử hành càng quan trọng bấy nhiêu.
Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma đã nói:
“Dù không luôn luôn cần phải hát tất cả các bản văn tự chúng đã được trù liệu để hát, chẳng hạn trong các Thánh Lễ ngày thường, nhưng trong các cử hành vào Chúa Nhật và lễ trọng thì lo sao đừng thiếu tiếng hát của các thừa tác viên và dân chúng. Nhưng khi chọn lựa những phần để hát thực sự thì hãy dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn” (số 40).
Hát là để hướng về Chúa
Thế nhưng bản văn phụng vụ giữ im lặng về sự định giá bậc lễ trọng thể và cung điệu sẽ được dùng.
Về điểm đầu tiên, thừa tác viên chủ sự thánh lễ được mời gọi phân định mục vụ, tùy theo địa phương và truyền thống, cũng như mong muốn nhấn mạnh điều này hoặc điều kia của mầu nhiệm đức tin… và cũng tính đến khả năng ca hát của mình nữa! Nhưng về cung điệu, ca tiến cấp [Graduale], danh mục các đoạn nhạc lễ bình ca, thì đưa ra những quy tắc, nhưng không được áp dụng cho các ngôn ngữ hiện đại. Cuối cùng, các cung điệu của thánh vịnh phù hợp với bản văn đọc và thời gian phụng vụ thường được sử dụng nhiều nhất; do các linh mục đi trước thực hành và được họ truyền lại.
Sâu xa hơn, như các thiên thần mời gọi chúng ta trong đêm Giáng sinh, ca hát là cách thế tuyệt vời để hướng về Chúa, để diễn tả niềm vui của con tim bằng cách sử dụng toàn bộ cơ thể của mình. Thánh Augustinô nói rằng: “Ca hát là nét đặc trưng của người yêu mến”. Người môn đệ trung thành của ngài là Đức Bênêđictô XVI, trong một đoạn văn vừa sâu sắc vừa trữ tình trong bài diễn văn của mình tại Học viện Bernardins, đã nói:
“Giống như trong truyền thống của giáo sĩ Do Thái, kể cả giữa các đan sĩ, việc đọc được thực hiện bởi một trong hai người cũng là một hành động thuộc thể xác. […] Các thánh vịnh có nhiều điểm hướng dẫn nhất về cách chúng được hát và được các nhạc cụ đi kèm. Để cầu nguyện trên nền tảng Lời Chúa, chỉ đọc thôi thì chưa đủ, cần phải có âm nhạc”. […] Phụng vụ Kitô giáo là một lời mời cùng ca hát với các Thiên thần và do đó nó đưa lời lên đến tuyệt đỉnh […] Ở đây diễn tả ý thức về việc ca hát trong giờ cầu nguyện cộng đoàn trước mặt toàn thể triều đình thiên quốc và do đó nó được trình bày với tiêu chuẩn cao – Cầu nguyện và ca hát để có thể hòa nhập vào âm nhạc của các linh hồn siêu phàm”.
G. Võ Tá Hoàng

Quando (e perché) a Messa il Vangelo viene cantato?

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!