Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Làm chủ chăn để nên thánh

 


Thánh Bộ Giáo sĩ viết: “Đời sống thiêng liêng (của linh mục), dựa trên sự tham dự vào ân sủng Đầu của Đức Ki-tô trong Giáo Hội, nên trưởng thành qua sứ vụ đối với Giáo Hội: đó chính là sự thánh thiện trong mục vụ và qua mục vụ”

1

Khi là chủ chăn riêng của một giáo xứ, ngài thi hành thừa tác vụ mục tử thay mặt và dưới quyền Đức Giám mục Giáo phận; ngài cũng thực thi chức năng giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo cộng đoàn nhờ sự cộng tác của các linh mục khác, các phó tế, nam nữ tu sĩ và giáo dân.[1] Tuy vậy, nhờ chính sứ vụ mục tử của ngài, ngài có thể cống hiến vô số những hoạt động mục vụ và truyền giáo sống động và mới mẻ mà qua đó, ơn thánh và tình yêu Đức Ki-tô được ban xuống cho cộng đoàn, giúp họ nên thánh thiện, hiệp thông và chắc chắn hơn về ơn cứu độ. Cũng qua hoạt động mục vụ, bản thân ngài nên thánh thiện hơn và cũng nhờ đó mà ngài hoàn thiện cuộc đời ơn gọi của mình.[2] Chính vì vậy, sự nên thánh của một linh mục giáo phận – cụ thể nhất là một cha xứ, không giống với sự nên thánh của một linh mục đan sĩ hay một nữ tu chiêm niệm. Sự nên thánh của ngài là trong mục vụ, qua mục vụ và nhờ mục vụ. Thánh Bộ Giáo sĩ viết: “Đời sống thiêng liêng (của linh mục), dựa trên sự tham dự vào ân sủng Đầu của Đức Ki-tô trong Giáo Hội, nên trưởng thành qua sứ vụ đối với Giáo Hội: đó chính là sự thánh thiện trong mục vụ và qua mục vụ”.[3]

Như vậy, linh đạo hay đường nên thánh của linh mục giáo phận có tính loại biệt vì nó được thực hiện trong và qua sứ vụ mục tử của các ngài. Linh đạo ấy được thể hiện và hoàn thành trong chính đời sống và hoạt động với rất nhiều chiều kích, nhưng có thể toát yếu trong ba điểm sau đây.

1. Nhận thức về sứ vụ mục tử: điểm khởi của sự nên thánh

Nhận thức về chính sứ vụ đươc trao mang tính thiết yếu và vô cùng quan trọng, bởi nó là khởi điểm cho một hành trình theo đuổi đến cùng không mệt mỏi. Nó cũng được hiểu như cái nhìn toàn cảnh của cả sứ vụ mục tử; thiếu nó, vị chủ chăn sẽ không thể chu toàn vai trò mục tử cách hữu hiệu và kết quả.

a. Nhận thức về nguồn gốc của sứ vụ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21)

Công cuộc truyền giáo của mọi Ki-tô hữu cũng như của mọi linh mục, đều khởi nguồn từ Chúa Cha. Chúa Cha đã sai Đức Ki-tô xuống thế như Vị Truyền Giáo đầu tiên, để rồi Đức Ki-tô lại sai các Tông đồ và ban Thánh Thần của Ngài cho họ. Nối gót các Tông đồ, mọi thế hệ Ki-tô hữu tiếp tục việc truyền giáo cho đến ngày tận thế, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.[4] Là một linh mục giáo phận, ngài cần xác tín vững vàng và tin tưởng mạnh mẽ vào Đấng sai mình, cũng như nhận biết rõ ràng và cảm nghiệm sâu sắc về chính sứ mạng ngài đang can đảm lãnh nhận từ Đức Ki-tô qua Giám mục của ngài. Nhận thức về nguồn gốc của sứ mạng là “vô cùng quan trọng cho đời sống thiêng liêng của chính linh mục và cho sự hữu hiệu trong thừa tác vụ của ngài”.[5]

Linh mục giáo phận biết rõ rằng “được thiết lập trong bí tích Truyền Chức, họ là những cộng sự viên của hàng Giám mục trong việc chu toàn sứ vụ tông đồ được chính Đức Ki-tô trao phó”.[6] Qua việc mục vụ của linh mục, Đức Ki-tô “xây dựng, thánh hóa và coi sóc Thân Thể Ngài”.[7] Khi xác tín như thế, vị linh mục không thể thi hành việc mục vụ theo cung cách của một công chức xã hội; nhưng ngược lại, ngài thực thi nó sao cho “hiến lễ thiêng liêng của tín hữu trở nên hoàn hảo nhờ được làm cho nên một với hiến tế của Đức Ki-tô”.[8] Do đó, đời sống của linh mục, thời giờ, các hoạt động và cả sự nghỉ ngơi giải trí lành mạnh của ngài, tất cả phải hướng về một mục đích duy nhất: lợi ích thiêng liêng cho đoàn chiên. Ngài cần sống nhận thức nguyên thủy này một cách tròn đầy nhất, để rồi, ngài “không ngừng nhắc nhở các tín hữu rằng họ là Dân Thiên Chúa và chuẩn bị để họ ‘dâng tiến hiến lễ thiêng liêng’, hiến lễ mà qua đó Đức Ki-tô làm một với họ để trở nên lễ tế trường tồn dâng lên Chúa Cha”.[9] Như vậy, nhận thức đầu tiên này cho ngài bước khởi đầu để tiến tới trong sứ vụ.

b. Nhận thức về đặc tính của sứ vụ: “Này Thầy sai anh em đi như chiên đi giữa sói rừng.” (Lc 10, 3)

Giống như các Ki-tô hữu thuộc thế hệ đầu tiên, các linh mục được sai vào giữa thế giới. Cách riêng, linh mục giáo phận được sai đến một nơi cụ thể và một cộng đoàn cụ thể, nơi Tin Mừng cần đươc loan báo, đức tin, đức cậy và đức ái cần được củng cố không ngừng. Cũng nơi đó, hạt giống Tin Mừng cần được gieo vãi cho tất cả những ai chưa được lắng nghe. Sứ mạng của ngài tự thân gắn bó cách thiết yếu với ý định cứu độ của Thiên Chúa, Đấng muốn cho muôn dân được ơn cứu rỗi (x. 1Tm 2,4), mà con đường Thập giá lại là con đường Đức Ki-tô – vị Thừa Sai đầu tiên – đã đi (x. Pl 2, 6-8).

Do đó, sứ mạng mục tử tiên báo nhiều thách đố, mệt mỏi và gánh nặng. Nhưng với đức cậy vững mạnh và nhờ tác động của Thánh Thần, dù hoàn cảnh thế nào, ngài vẫn có thể thực thi “chức năng quý báu ấy trong tư cách là Cha xứ và là người mà, dù bị vùi dập bởi muôn vàn thử thách, vẫn luôn luôn ở giữa đoàn chiên của mình”,[10] để trước những khó khăn, ngài không tìm cách tẩu thoát, dù là tẩu thoát thể lý hay hay trốn tránh trong tinh thần, nhưng một mực “sống giữa đàn chiên như vị mục tử biết rõ hoàn cảnh của chiên”, hầu có thể “dẫn đưa chiên tản mác về một mối” và “đưa chiên không thuộc ràn” về cùng một đàn chiên của một Chủ Chiên (x. Ga 10,16). Ngài trở nên đồng hội đồng thuyền với đàn chiên, nhưng lại tiên phong nhận lấy mọi thách đố vì ngài là người đứng mũi chịu sào trước mọi biến cố.

Nhờ nhận thức về đặc tính gồm những thách đố của sứ vụ, ngài sẽ biết làm sao để trung thành gắn bó và hoàn thành nó theo khả năng của mình.

 c. Nhận thức bản chất của sứ vụ:“Cũng như Con Người không đến để được phục vụ.” (Mt 20,28)

Mang trong mình con tim yêu thương đến rỉ máu của Đức Ki-tô là trách nhiệm của mỗi linh mục. Làm người ai cũng cần yêu, cần được yêu và cảm nghiệm được tình yêu.[11] Làm linh mục lại cần yêu bằng một tình yêu họa ảnh tình yêu của Đức Ki-tô. Cũng như Đức Ki-tô đến không để được người ta phục vụ, nhưng hạ mình phục vụ mọi người, linh mục giáo phận khi can đảm nhận sứ vụ mục tử cũng cần có một lập trường như thế: không đến giáo xứ để được phục vụ và hầu hạ, nhưng để phục vụ. Ngài cần tránh kiểu suy nghĩ tự coi mình là kẻ có quyền theo cách nhìn trần thế, vì quyền bính ngài có là do Đức Ki-tô tặng ban nhằm mang lại sự sống cho dân Ngài qua phục vụ. “Ta đến để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Lời này của Đức Ki-tô cũng phải là lời của linh mục giáo phận khi mang trong mình sứ vụ Đức Ki-tô muốn ngài thực thi. Ngài chỉ có thể phần nào hoàn tất lời ấy qua đức ái mục vụ.

Thật vậy, đức ái mục vụ là đỉnh điểm của sứ vụ mục tử của linh mục giáo phận. Ngài được mời gọi sống và phục vụ cộng đoàn là nhằm để biểu dương tình yêu cao cả và nhiệm mầu của Thiên Chúa, được thực hiện qua cuộc đời và Hiến Tế Thập giá của Đức Ki-tô. Tất cả cần được thể hiện trong cung cách phục vụ của ngài. Noi gương Đức Ki-tô, ngài cần phát triển đến mức tối đa chiều kích đức ái trong các chương trình mục vụ. Giữa muôn hoạt động, “một ưu tiên tình yêu dành cho người nghèo, một tình thương trắc ẩn dành cho các tội nhân”[12] là điều cần được làm nổi bật, vì qua đó, người ta nhận ra Đức Ki-tô (x. Mt 25, 40). Không chỉ phải vui với những người may mắn mà, cần thiết hơn, ngài phải quan tâm đến những người bất hạnh, như các thanh thiếu niên lầm đường lạc lối, các đôi vợ chồng cơm không lành canh chẳng ngọt hay gia đình đổ vỡ, những người già neo đơn không ai chăm sóc, các trẻ mồ côi thiếu tình thương và giáo dục, người nghèo bệnh hoạn thiếu thuốc men và của ăn bổ dưỡng, kẻ xa lạ lang thang không nhà cửa, người thất nghiệp vô công rỗi nghề, cũng như các con cái ngài đang bươn chải kiếm sống nơi đất khách quê người…

Đức ái mục vụ cũng mời ngài đón nhận sự quảng đại cộng tác của tu sĩ nam nữ và giáo dân. Ngài cần cầu nguyện cho họ và dành cho họ một tình thương, sự kính trọng, lòng biết ơn cùng sự khuyến khích đặc biệt.[13]

Nhận thức về bản chất của sứ vụ giúp ngài biết thi hành nó như thế nào.

2. Trung thành thực thi sứ vụ mục tử: hoạt động để nên thánh

Linh mục giáo phận nên thánh trong mục vụ. Điều đó có nghĩa là ngài được thánh hóa và nên thánh thiện hơn qua, trong và nhờ những việc ngài làm. Tất cả những việc mục vụ của ngài, được thấy gói gọn trong ba chức năng mà ngài lãnh nhận qua chức linh mục thừa tác.[14]

a. Ngài là thừa tác viên của Lời Chúa: thi hành chức năng tiên tri.

“Các linh mục, trong tư cách là cộng sự viên của hàng Giám mục, trước hết sở hữu bổn phận rao giảng Tin Mừng của Chúa cho mọi người”.[15] Chính Lời Chúa quy tụ Dân Ngài. Trong Cựu Ước, Lời Chúa được nói qua các tiên tri để quy tụ cho Thiên Chúa các con cái của Dân Tuyển Chọn. Trong hành trình rao giảng của mình, Đức Giê-su cũng quy tụ chung quanh Ngài những kẻ đến lắng nghe Lời Ngài. Các linh mục của Chúa Ki-tô được xem như những người có năng quyền để quy tụ con cái Thiên Chúa trong đàn chiên và quy tụ cả những người thành tâm thiện chí nhờ việc rao giảng Lời Chúa. Ngài thi hành thừa tác vụ của Lời trước hết và trên hết dựa vào mệnh lệnh của Đức Ki-tô, “Hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Và ngài được mời gọi để thi hành mệnh lệnh ấy trong mọi hoàn cảnh, “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4,2).

Liên quan đến chức năng tiên tri, linh mục giáo phận phải là con người của Lời Chúa. Ngài được mời gọi đọc, tìm hiểu, cầu nguyện và chiêm cung Lời Chúa mỗi ngày và càng lúc càng sâu sắc hơn.[16] Đời sống của ngài cần thấm nhuần Lời Chúa, được thắp sáng và soi dẫn bằng Lời Chúa. Ngài cần làm cho Lời Chúa thành suối nguồn chính yếu nhất cho lời cầu nguyện, suy tư, lý luận và suy xét trong đời thường và chất liệu của những bài chia sẻ trong Thánh lễ và những dịp khác.[17] Để Lời Chúa thấm vào đời sống của giáo dân, ngài cần chuyển tải kịp thời sứ điệp Lời Chúa vào trong những tình huống cụ thể của cuộc sống; ngài cũng cần giúp giáo dân tìm ra giải pháp cho mọi khó khăn và bế tắc trong cuộc sống của họ từ Lời Chúa, đồng thời lấy Lời Chúa mà an ủi vỗ về họ, thay cho những lời nịnh bợ giả tạo hay những lời đường mật nhưng trống rỗng của thế gian (x. 1Tx 2,4-5). Nói tóm lại, Lời Chúa phải là suối nguồn khôn ngoan của ngài.[18

b. Ngài là thừa tác viên của sự thánh hóa: thi hành chức năng tư tế.

Thư Do-thái viết: “Mọi tư tế được đặt lên từ giữa loài người, để thay mặt loài người mà lo việc Thiên Chúa, để dâng lễ tế và những hy sinh vì tội lỗi” (Dt 5,1). Trong thực tế, nhờ được Thiên Chúa thánh hiến qua việc đặt tay của Đức Giám mục, các linh mục trở nên những người dự phần vào chức linh mục của Đức Ki-tô, Đấng là “trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người” (1Tm 2,5). Nhờ vậy, linh mục là những thừa tác viên thánh hóa qua việc cử hành các bí tích thánh, nhất là bí tích Thánh Thể.

Linh mục giáo phận làm mục vụ giữa cộng đoàn và cho cộng đoàn, cần nhận thức rõ ràng về chức năng thánh hóa của ngài. Khi ban phát các bí tích, ngài cử hành sao cho giáo dân thấy được rằng các bí tích là những thực tại thánh thiêng và là khí cụ của ơn cứu độ; từ các bí tích, ân sủng và sự thánh hóa được trao ban. Ngài không là nguồn mạch của ơn thánh, nhưng Đức Ki-tô hoạt động trong ngài, để hiện tại hóa ơn cứu độ và ban phát ân sủng qua những thực tại hữu hình ngài cử hành, dù đôi khi ngài hãy còn những bất toàn và tội lỗi. Thành ra, ngài không được cử hành các bí tích cách qua loa cẩu thả, thiếu sự chuẩn bị chu tất và sốt sắng cần có.

Trong số các bí tích, bí tích Thánh Thể “tột đỉnh của mọi hoạt động của Giáo hội” và “nguồn mạch cho tất cả sức mạnh của Giáo Hội”[19] phải là “trái tim của cộng đoàn” mà nhờ đó các tín hữu “được lôi kéo đến với Chúa Ki-tô ngày một gần gũi hơn”[20]. Linh mục coi xứ được mời gọi nêu cao tấm gương mỗi ngày tìm đến với Chúa Ki-tô Thánh Thể như nguồn sống tâm linh để giáo hữu noi theo. Một linh mục gối quỳ trước nhà tạm với cử chỉ xứng hợp và lòng thống hối sâu xa, sẽ là mẫu mực gây hứng khởi cho lòng sốt mến, là sự nhắc nhở và lời mời gọi để giáo dân noi theo.[21] Ngài thánh thiện sẽ làm cho giáo dân nên thánh.

Nhưng đang khi là một Thừa tác viên của các bí tích, thì chính ngài cũng cần trở nên mẫu mực trong việc lãnh nhận các bí tích, nhất là Bí tích Hòa Giải. Khi siêng năng xét mình để tìm sự tha thứ từ Thiên Chúa, ngài sẽ trở thành cha giải tội hữu hiệu và giàu tình thương,[22] vì không thể là chiến binh bất bại khi không chuyên cần thao luyện. Lòng ăn năn để lâu sẽ ra chai lì và tâm hồn không được bồi bổ bằng tình thương của Thiên Chúa, sẽ nghèo nàn cạn kiệt không thể có gì để trao ban.

Công đồng dạy: “Các thừa tác viên của ân sủng bí tích được kết hợp mật thiết với Đức Ki-tô Đấng Cứu Độ và Mục Tử qua việc lãnh nhận hữu hiệu các bí tích, nhất là bí tích Hòa Giải, vì nơi đó, nhờ được chuẩn bị bằng việc tự vấn lương tâm mỗi ngày, sự hoán cải cần thiết của con tim và tình yêu dành cho Chúa Cha Đấng Thương Xót được đào sâu mạnh mẽ.”[23]

c. Ngài là người lãnh đạo cộng đoàn giáo xứ: thi hành chức năng vương đế.

Trong Giáo Hội Chúa Ki-tô, quyền bính và chức vụ là để phục vụ. Là đại diện Chúa Ki-tô giữa cộng đoàn giáo xứ, linh mục giáo phận vừa là người lãnh đạo lại là người phục vụ Dân Thánh theo gương Đức Ki-tô, Đấng là Mục Tử Nhân Lành, khiêm cung và dịu ngọt trong lòng (x. Mt 11, 28-30).

Là người lãnh đạo, ngài cần biết rõ giáo xứ và giáo dân của mình. Thăm nom giáo dân để nắm bắt tình hình giáo xứ, cất bước tìm đến những gia đình nghèo nơi ngoại biên bờ rìa giáo xứ… là điều gợi lên bao niềm cảm phục nơi giáo dân. Không gì hạnh phúc cho giáo dân bằng được cha xứ đến thăm hỏi, động viên và đồng cảm với họ. Mục vụ bao hàm nhiều khía cạnh, trong đó việc đến với giáo dân làm rõ nhất tương quan giữa chủ chăn và giáo dân. Lãnh đạo bằng phục vụ còn luôn cần đặt vào lòng chủ chăn những ưu sầu, lo lắng và khổ ải của con cái mình.[24] Đức Thánh Cha Phan-xi-cô diễn tả cách thi vị: “Chủ chăn cần biết mùi chiên” và đưa ra mẫu hình sống động về người lãnh đạo: “cần đi trước để dẫn đường, đi giữa để đồng hành, và đi sau để không bỏ sót chiên”.

Ngài cũng cần cảnh giác với những nguy hại có thể xảy đến với mọi thành phần trong cộng đoàn. Cái gậy của người chăn chiên cho ông sự oai phong, nhưng trước hết nó được dùng để bảo vệ đàn chiên khỏi nanh vuốt thú rừng. Khi nhận lấy quyền lãnh đạo cộng đoàn giáo xứ từ Giám mục, ngài nhận quyền ấy cách tất yếu theo cả bản chất bí tích và quy tắc luật định, nhưng nó cũng đặt lên đôi vai ngài trách nhiệm trông coi đàn chiên mà ngài sẽ phải trả lẽ về những mất mát xảy đến do sự thờ ơ của ngài.

Trách nhiệm lãnh đạo cộng đoàn cũng không cho phép ngài vắng mặt khỏi giáo xứ cách tùy tiện.[25]. hông gì có thể ngang tầm và thay thế được Thánh lễ do Cha xứ dâng; không ai có thể giải quyết công việc của giáo dân hay và hiệu quả bằng Cha xứ. Do đó, không gì có thể gây thiệt hại cho giáo dân và giáo xứ bằng sự vắng mặt của Cha xứ, nhất là sự vắng mặt thường xuyên dù với những lý do mà lúc nào ngài cũng cho là “chính đáng”.

Liên quan đến vai trò lãnh đạo, Giáo Hội còn nhắc nhở ngài cần đi đúng truyền thống để trung thành với nghệ thuật lãnh đạo vừa hợp tính nhân văn, vừa gìn giữ giáo xứ như một phần thuần khiết của giáo hội địa phương, nơi Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền của Chúa Ki-tô được thể hiện. Cho nên trong cách vận hành giáo xứ, ngài lại cần “tránh du nhập vào sứ vụ tất cả những hình thức cai trị độc đoán hay quản trị theo kiểu dân chủ hoàn toàn xa lạ với thực tại sâu xa của sứ vụ ngài”.[26]

Vừa là chủ chăn, vừa là nhà lãnh đạo, lắm khi ngài sẽ gặp lúng túng trong việc hòa hợp hai vai trò này. Hài hòa cho đến mức nào để không ai trách ngài hoặc nguyên tắc quá hoặc dễ giãi quá? Xin lấy lại đây một trong các nguyên tắc đang được áp dụng cho nhiều ngành nghề, thiết tưởng nó cũng có thể là một ứng dụng mục vụ. Đó là “chuyên nghiệp và toàn diện”.[27] Nghĩa là một mặt, cần làm đúng nguyên tắc khách quan; mặt khác, cần nhìn đến cái chung, sao cho đồng nhất và bảo đảm công lý, công bằng. Chẳng hạn, khi giải quyết một vấn đề, ngài không theo nguyên tắc của Giáo Hội mà thiên về ý riêng (thiếu tính chuyên nghiệp), lại cũng không nghĩ đến những anh em linh mục hay giáo dân khác (thiếu tính toàn diện), thì sự việc hoặc sẽ rơi vào tình trạng dễ giãi mị dân khó lòng chỉnh sửa, hoặc gây ra những va chạm không nên có. Mục vụ cần thiết phải uyển chuyển; nhưng uyển chuyển và dễ giãi thiếu nguyên tắc lại là hai vấn đề rất khác nhau!

Trong thời buổi hiện tại, khi tinh thần dân chủ quá trớn và thái độ bài giáo sĩ ngày càng mạnh, người ta tìm cách phân rẽ giữa Cha xứ và cộng đoàn giáo xứ, cô lập cuộc sống của Cha xứ và muốn gói gọn vai trò của ngài chỉ vào những gì thuộc về bàn thờ. Chức năng tiên tri bị thách đố, chức năng quản trị cũng không tránh khỏi những khó khăn. Linh mục giáo phận phải đối diện với nhiều bất lợi trong sứ vụ mục tử của mình. Người ta làm như thể linh mục không thể cùng một lúc vừa là “người của mọi người” trong phục vụ, lại vừa là người trông coi “bản chất phẩm trật” của Giáo Hội trong quyền bính. Nhưng sai lầm chỉ xảy ra khi ngài hoặc nhấn mạnh quá mức về một phía hoặc không áp dụng khuôn mẫu lãnh đạo của Chúa Ki-tô cho một phía nào. Còn khi ngài lãnh đạo bằng việc hết lòng lòng gắn bó với kỉ cương của Giáo Hội và phục vụ bằng đức ái theo mẫu gương của Đức Ki-tô, thì cả vai trò lãnh đạo và vai trò mục tử của ngài sẽ hài hòa và đơm hoa kết trái nhiều hơn mong đợi.[28

3. Nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô Mục Tử: thực chất của việc nên thánh

Bước cuối cùng cho hành trình nên thánh của linh mục chính là sự nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô. Các hoạt động mục vụ dù âm thầm hay rầm rộ đều mang lại lợi ích cho giáo dân và nhờ đó nên công trạng cho ngài. Nhưng phần thưởng lớn lao cho bản thân ngài, là việc ngài nên giống Chúa Ki-tô hơn qua những hoạt động đó. Ta cần nhận ra sự nên giống Chúa Ki-tô nơi ngài qua việc ngài thống nhất đời sống, qua tương quan của ngài với tha nhân, và qua khát vọng nên thánh sâu xa của ngài được thể hiện qua sự từ bỏ.

a. Thống nhất đời sống

Đó là thống nhất giữa hoạt động và cầu nguyện. Nói là vậy nhưng việc này không đơn giản chỉ là lập ra một thời khóa biểu để giờ này thì làm việc còn giờ kia thì đọc kinh, mà là xác định tâm điểm của đời sống linh mục, để rồi giữa những bề bộn, ngài vẫn là ngài. Tâm điểm của đời sống mà ngài nhận ra cũng như bám vào sẽ giải thoát ngài khỏi những cuốn hút của công việc thường hay biện hộ cho sự sao nhãng việc đạo đức của ngài. Như vậy thống nhất đời sống là đặt ưu tiên vào sự gắn bó với Chúa (x. Lc 10, 42), để dù phải hoàn tất mọi công việc, thì cũng không vì thế mà phải đánh đổi Chúa với những việc phải làm. Thomas Merton viết: “Nếu chúng ta không đặt đời sống trên tâm điểm này, thì chúng ta chỉ là những kẻ làm việc đầu tắt mặt tối mà chẳng đi đến đâu.”[29]Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận thì chia sẻ: “Tìm Chúa chứ không tìm việc của Chúa.”[30]Chúa Giêsu dạy ta cần tìm kiếm nước Thiên Chúa trước hết, còn những thứ khác sẽ được ban sau (x. Mt 6, 33).

Tâm điểm đời sống không là gì khác mà là chính Đức Ki-tô. Đặt mọi việc làm lên tâm điểm đó tức là nội tâm hóa trọn vẹn đời sống và hoạt động. Nội tâm hóa chứ không thụ động hóa, chỉ là dừng lại cho những cuộc xuất phát mới. Vì một khi hội ngộ với Chúa nơi tâm điểm lòng mình, vị mục tử sẽ được thúc đẩy để tiếp tục hành trình cho đến cùng. Bởi thế càng gắn bó với Chúa, ngài càng hăng say nhiệt thành, mà càng nhiệt thành làm việc, ngài lại càng thấy cần đến Chúa. Việc thống nhất đời sống sẽ nên phương thế hữu hiệu cho việc nên thánh trong mục vụ, là linh đạo nên thánh của ngài.

Cái khó là cuộc sống hôm nay có quá nhiều thứ làm phân tâm. Nó làm cho cả người mục tử cũng có thể sống nửa tỉnh nửa mơ vì những cuốn hút của kĩ thuật và các phương tiện hiện đại. Ánh sáng của màn hình vi tính, những ngõ ngách vô tận của mạng lưới điện toán, những tin nhắn và các cuộc điện thoại miễn phí… thường thu hút sự chú ý nhiều hơn là chú ý vào sự tĩnh lặng của tâm hồn vốn rất cần thiết cho đời linh mục, nhất là cho người mục tử cần một chiều sâu nội tâm để lắng nghe sự soi sáng và thúc giục của Đức Ki-tô Mục Tử đích thật.

b. Tương quan với tha nhân

Câu chuyện ngắn gọn mà Linh mục Kim Anh kể lại cách đây mấy năm trong dịp lễ Khấn tại một Dòng nữ của giáo phận là một câu chuyện thật đáng nhớ. Một linh mục ngoài giáo phận lịch sự xin phép được đứng vào đoàn đồng tế gồm hầu hết các linh mục trong giáo phận; thật ra thì ngài không cần nói gì vì ngài là linh mục khách của nhà Dòng, nhưng như để thay cho một lời chào thân ái, ngài nói: “Con có thể xếp hàng đồng tế với quý cha được không?”. Và đẹp thay, một linh mục thuộc giáo phận trong đoàn đồng tế đã mau mắn đáp lại: “Xin mời cha và cám ơn cha đã đến làm đẹp cho giáo phận chúng con.” Quả thật câu đáp không thể hay hơn được nữa!

Thật vậy, trái ngọt bắt mắt nhất của một tâm hồn thánh thiện nơi vị mục tử được thấy rõ qua tương quan của ngài với tha nhân. Với Giám mục như Người Cha và là Bề Trên của ngài, ngài một lòng kính yêu, vâng phục và hết lòng cộng tác; với các chủng sinh, ngài yêu mến, bảo vệ và nâng đỡ không ngừng; với tu sĩ nam nữ là những người sống đời thánh hiến, ngài kính trọng và đón nhận họ như những hồng ân đặc biệt Chúa ban cho Giáo Hội; với giáo dân là những người mà vì họ ngài dấn thân vào con đường ơn gọi và nhờ họ mà ngài hoàn thành sứ mạng tông đồ, ngài nhận thấy vai trò của họ trong Giáo Hội, hầu phát huy vai trò ấy và giúp họ hướng đến ơn cứu độ muôn đời, để rồi dù là người rốt hết trong cộng đoàn, vẫn nhận được tình thương của ngài.

Với các linh mục là những anh em của ngài trong thiên chức, ngài yêu mến, hiệp thông và tương trợ. Qua việc đặt tay và đọc lời nguyện phong chức của Giám mục, chức linh mục được trao ban cho ứng viên, nhưng đồng thời cũng làm phát sinh một tình huynh đệ thân mật có tính bí tích giữa tân chức với tất cả anh em linh mục trong linh mục đoàn. Nên Công đồng nhắc nhở, “trong tinh thần anh em, các linh mục cần phát huy lòng hiếu khách, vun trồng sự tử tế và sẻ chia vật chất” cũng như hết lòng quan tâm đến các anh em khác trong hoàn cảnh cụ thể của họ.[31] Không gì đau lòng và tổn thất cho Giáo Hội bằng việc linh mục không sống tình huynh đệ thánh chức, hay thậm chí rắp tâm làm hại anh em mình bằng những trò bẩn thỉu. Một e-mail nặc danh, một lời xúi quẩy, một sự đồng lõa với kẻ ác… đều là những đòn chí mạng giết chết cuộc đời của anh em mình!

c. Khát vọng nên thánh

Nên thánh là ơn gọi và bổn phận của mọi tín hữu.[32] Các linh mục được mời gọi và có bổn phận nên thánh cách đặc biệt dựa trên thánh chức,[33] nhưng thánh chức hỗ trợ ngài chứ không khẳng định rằng ngài đã rất ư là thánh thiện. Việc nên thánh được bắt đầu bằng một khát vọng cá nhân và được hỗ trợ qua cộng đoàn Giáo Hội. Một linh mục nuôi dưỡng khát vọng nên thánh và thực hiện khát vọng ấy qua việc dám từ bỏ những gì cản trở cho sự nên thánh. Đi tu là bước từ bỏ đầu tiên, nhưng ngài còn phải từ bỏ dài dài cả đời. Từ bỏ để nên thánh chứ không từ bỏ vì chán ghét, vì từ bỏ vì chán ghét thì không có giá trị nên thánh.

Từ bỏ những mối ràng buộc và tương quan vô bổ thường rất khó nhưng rất có lợi cho sự thăng tiến của đời sống tinh thần; từ bỏ tính hơn thua tầm thường để đạt được sức mạnh và sự trưởng thành của ý chí; từ bỏ những lợi lộc vật chất để thanh thản sống nhân đức nghèo khó sẽ làm cho ngài luôn sẵn sàng cho sứ mạng; từ bỏ những cồng kềnh phức tạp của phương tiện sống để có được sự đơn giản giúp hài hòa trong tâm hồn.

Sự đơn sơ trong nếp sống làm ngài dễ nhận ra ý Chúa hơn và cũng giúp ngài dễ dàng đến với giáo dân hơn; ngài có thể nói với người nghèo và nói cho cho người nghèo cách thuyết phục và đáng tin cậy hơn. Sự đơn sơ cũng giúp ngài làm chứng giữa một thế giới tôn thờ vật chất và đề cao hưởng thụ. Nhưng hơn tất cả, sự đơn sơ trong nếp sống bộc lộ một sự tự do nội tâm để ngài dễ dàng uốn nắn lòng mình thuận theo thánh ý Chúa, như Đức Ki-tô chỉ biết tìm thánh ý Chúa Cha và coi đó như sự cần thiết nhất và là lương thực của ngài.

Của cải thường làm người ta ra kiêu căng tự phụ. Linh mục hay mục tử có khi cũng rơi vào tình trạng đó. Tham lam dẫn đến nô lệ tiền của và người có của, khiến mất hết tự do cho sứ mạng, nói gì đến khả năng nên thánh. Thánh Bộ Giáo sĩ đã thách đố các linh mục giáo phận:

“Dù không công khai lời hứa về đức khó nghèo, các linh mục cũng phải sống một cuộc sống đơn sơ và tránh tất cả những gì dẫn đến phù hoa hư ảo, tự nguyện mang vào lòng sự khó nghèo để theo sát Đức Ki-tô hơn. Trong mọi khía cạnh của cuộc sống (từ nơi ở, phương tiện đi lại, nghỉ hè…) các linh mục cần triệt để loại trừ những thứ kiểu cách xa hoa.”[34]

Với cách nhìn của người thời nay, nhiều khi linh mục cũng sợ mình nghèo sẽ bị chê cười và rẫy bỏ. Nhưng là nhân chứng cho hành trình tìm kiếm Nước Trời, ngài cần tránh những nao lòng vô bổ như thế, để dù cả thế gian chạy đua theo vàng bạc, thì một mình ngài vẫn dám đi tìm và chỉ ra cho mọi người con đường nên thánh.

Thân em như giếng giữa làng,
Người khôn rửa mặt, kẻ xoàng rửa chân!
(Ca dao)

Rửa mặt hay rửa chân là vì người ta khôn hay xoàng, chứ em đang hoàng vẫn là giếng trong!

Kết luận:

Linh mục giáo phận nên thánh trong mục vụ. Sự nên thánh bắt đầu bằng việc ý thức về sứ vụ như nguồn gốc, đặc tính và bản chất của nó. Nhưng sự nên thánh hình thành khi ngài bắt tay thực thi sứ vụ ấy cách trung thành qua các chức năng giảng dạy, thánh hóa và quản trị cộng đoàn. Thế rồi sự nên thánh được thể hiện và có thể cảm nghiệm bởi người khác khi ngài nên giống Chúa Ki-tô qua việc thống nhất đời sống, qua tương quan với mọi người và qua sự từ bỏ để tìm và kết hợp với Chúa Ki-tô.

Ngày Lễ Chúa Chiên Lành trong Năm Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và cộng đoàn, năm Thánh Đời Sống Thánh Hiến, chúng ta cầu nguyện cho các Mục tử của Giáo Hội. Chính Chúa đã gởi các ngài đến với những đoàn chiên của Chúa, để các ngài yêu thương chăm sóc. Thực thi Tân Phúc Âm hóa theo tinh thần của ngày lễ này chắc chắn phải là một quyết tâm làm cho cộng đoàn nên thánh thiện và gắn bó hơn với Chúa Ki-tô, vị Mục Tử đích thật. Nhưng muốn làm được điều đó thì trước tiên phải gắn bó với vị Mục tử đại diện của Ngài ngay giữa cộng đoàn. Ai cũng có khát vọng nên thánh. Các Mục tử càng nuôi dưỡng khát vọng này mạnh mẽ hơn. Nhưng vì ngài sẽ phải nên thánh giữa cộng đoàn, qua những công việc của cộng đoàn và nhờ vào cộng đoàn, nên một phần trách nhiệm sẽ thuộc về cộng đoàn. Lời cầu nguyện và tình yêu thương của cộng đoàn sẽ giúp ngài bay bổng vượt lên những giới hạn của phận người, để tiên phong dẫn đưa cộng đoàn tiến xa trên con đường toàn thiện.

Lm. GB Hồng Uy

[1] X. Giáo luật điều 519.

[2] X. Công đồng Vatican II, Chức vụ và Đời sống Linh mục, số 12.

[3] Thánh Bộ Giáo sĩ, Linh mục: Chủ Chăn và Nhà Lãnh Đạo Cộng đoàn Giáo xứ (ngày 23.11.2001), số 12.

[4] Đức Hồng y Mauro Piacena, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, Thư luân lưu “Về Căn Tính Truyền giáo của Linh mục”, Dẫn Nhập.

[5] Như trên.

[6] Vatican II, Chức vụ và Đời sống Linh mục, số 2.

[7] Như trên.

[8] Như trên.

[9] Thánh Bộ Giáo sĩ, “Linh mục: Chủ Chăn và Nhà Lãnh Đạo Cộng đoàn Giáo xứ”, số 6.

[10] Như trên, Phần Dẫn Nhập.

[11] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II.

[12] Vatican II, Sắc lệnh về “Sứ vụ và Đời Sống các Linh mục”, số 6.

[13] X. Giáo luật, số 529.

[14] Vatican II, Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 28.

[15] Như trên, số 4 và Pastores Dabo Vobis, số 26.

[16] X. Mark O’Keefe, Priestly Wisdom: Insights from St. Benedict, (Quezon city, Claretian Publications, 2012): 76-77.

[17] Thánh Bộ Giáo sĩ, Văn kiện “Linh mục: Thừa Tác viên Lời Chúa, các Bí tích và Nhà Lãnh đạo Cộng đoàn”, số 202.

[18] Thánh Augustino, Bài Giảng 179.

[19] Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 10.

[20] Như trên, số 5.

[21] X. Vatican II, Chức vụ và Đời sống Linh mục, số 21.

[22] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II, Tông thư Hòa Giải và Tha Thứ, số 31.

[23] Vatican II, Chức vụ và Đời sống Linh mục, số 18.

[24] X. Vatican II, Vui Mừng và Hy Vọng, số 1.

[25] X. Giáo luật 1983, số 533.

[26] Thánh Bộ Giáo sĩ, Linh mục: Chủ Chăn và Nhà Lãnh đạo Cộng đoàn, số 18.

[27] Khác với nguyên tắc “Khách quan và toàn diện” về lí luận, “Chuyên nghiệp và toàn diện” nhắm đến thực hành.

[28] X. Vatican II, Chức vụ và Đời sống Linh mục, số 6.

[29] William H. Shannon, Priestly Spirituality: Speaking Out for the Inside, trong “The Spirituality of the Diocesan Priest”,  (Claretian Publications: Quezon City 2005): 91.

[30] Nguyễn Văn Thuận, Chứng Nhân Hy Vọng: Bài Suy Niệm số 5.

[31] Vatican II, Chức vụ và Đời sống Linh mục, số 8.

[32] Vatican II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, số 39.

[33] X. Giáo luật 1983, điều 276 § 1.

[34] Thánh Bộ Giáo sĩ, Huấn thị về Đời sống và Sứ vụ Linh mục, số 67.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!