Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô duyên
Nơi cuộc sống này, lắm khi, người ta chỉ lo chu toàn giữ các luật lệ mà quên đi chiều kích ân sủng nơi Chúa. Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” được Thánh Luca ghi lại là một minh chứng rõ nhất cho lập luận này. Người con thứ, một kẻ đã phạm hết tội này đến tội khác nhưng lại tìm gặp được chính Chúa. Đàng khác, người anh cả, kẻ đã nghiêm chỉnh tuân giữ lề luật, lại không gặp được Người.
Hiện hữu trong một môi trường “vàng thau lẫn lộn”, ta chỉ có thể chọn hoặc là sống thật hoàn hảo, hoặc là sống thành thật. Tuy nhiên, ta vẫn là con người. Mà phàm đã là con người thì “nhân vô thập toàn”. Do đó, điều kiện tiên quyết để có thể hối cải không gì khác là phải sống thành thật. Đối với Chúa Giêsu, thói vị luật thực chất chỉ nhằm đề cao cái tôi cá nhân trong con người, và họ cố gắng chỉ để trở nên thánh thiện hơn những người thân cận.
Nước Thiên Chúa không ở đâu xa mà ở giữa chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã khước từ việc đặt ra những lề luật để đo sự công chính của những kẻ theo Người. Đức Giêsu: “Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết linh hồn… và yêu người thân cận như chính mình: hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48). Qua đây, ta mới thấy, chỉ có kẻ ngốc mới khăng khăng khẳng định rằng họ hoàn hảo. Tất cả những gì ta có để thưa lại với Chúa cách chắc chắn chỉ có thể là: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,13).
Chính vì thế, việc tuân giữ những lời Chúa dạy nội tại ở việc nhận thức sâu sắc về sự thất bại của phận người khi cố vươn tới sự hoàn hảo. Nói cách khác, cội rẽ của sự trưởng thành trong đời sống tâm linh không hệ tại ở việc ta “trong sạch” bao nhiêu mà là ta ý thức đến đâu về sự bất toàn và tội lỗi của ta trước mặt Chúa. Hay nói cách khác, đây chính là cách thế để “cân đo đong đếm” sự thánh thiện của ta.
Một trong những vị Thánh tận dụng tối đa cách thế này, không ai hác, Thánh Têrêsa. Têrêsa đã tự mình khám phá ra sự tự do mà thánh Phaolô đã đề cập đến, một sự tự do xuất phát từ khả năng biết vui mừng trong yếu đuối của bản thân, vì chỉ khi đó ta mới có thể cảm nghiệm được sự tự do hoàn toàn để cho quyền năng và ân sủng Chúa hoạt động trong chính cuộc đời của chúng ta. “Ta hãy mạnh dạn tiến gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.” (Dt 4,16).
Hơn nữa, chị thánh nhận ra rằng thật là vô ích với ý tưởng xây dựng đời sống thiêng liêng bằng những công trạng hay việc đạo đức. Chị không còn phải loay hoay khổ sở chiến đấu để khiến mình nên hoàn thiện, vì chị biết rằng điều đó chỉ được thực hiện bởi ân ban nhưng không đến từ Thiên Chúa.
Tóm lại, một khi ý thức tất cả những gì mình có là khởi đi từ nơi Chúa, không phải công trạng của mình, hoa trái của sự ý thức ấy sẽ là một tâm hồn khiêm nhường, thánh thiện nơi một khung trời hình an.
Domine, noverim Te, noverim me! – Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con!
(Thánh Augustinô)
Tác giả: Đức Hữu