Viết cho người sống thử
“Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế, vì Thiên Chúa sẽ xét xử các kẻ gian dâm và ngoại tình” (Dt 13,4)
Hai em thân mến,
Sau loạt bài “Cái Chết Của Một Thai Nhi”(1) trên báo Tuổi Trẻ, chắc hẳn những câu chuyện của các em đã để lại nơi dư luận nhiều suy nghĩ trái chiều. Có người thông cảm và cầu mong cho các em và gia đình được bình an. Có người bất đồng với cách hành xử của hai em, vì nhiều vấn đề được đặt ra: nét đẹp tuổi học trò, quan niệm về tình bạn và tình yêu đôi lứa, về hạnh phúc gia đình và vấn đề ‘sống thử’(2) trước hôn nhân. Tôi xin được viết cho các em đôi dòng tâm sự để cùng suy nghĩ về thực trạng sống thử vốn là trào lưu đang lan rộng nơi giới trẻ Việt Nam.
Em biết đấy, một tình yêu chân chính luôn hướng đôi bạn đến những điều tốt đẹp và thánh thiện. Chẳng ai muốn người mình yêu gặp điều tai ương, trắc trở. Quả thực, tình yêu luôn thôi thúc người ta kiến tạo hòa bình và xây dựng hạnh phúc cho nhau. Chuyện tình của hai em, khi khởi đầu, cũng không thiếu sự cao thượng này. Hai em muốn dành trọn tâm trí cho nhau và hướng về nhau với biết bao nét đẹp tình yêu tuổi học trò. Nhưng đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn! Bởi thế, hai em đã vô tình lầm bước mà chọn lối sống thử để rồi phải gánh chịu một kết cục buồn.
Có lẽ hai em quyết định sống thử bởi thôi thúc của hai trái tim muốn thuộc trọn về nhau. Đúng là tình yêu trong hôn nhân là tình yêu hiến thân thuộc trọn về nhau. Nhưng sống thử nghĩa là chưa có hôn thú, ‘ăn cơm trước kẻng’, là phạm đến giao ước của hôn nhân (theo luật Công Giáo)(3). Theo đó, sống thử là chiều theo dục vọng ích kỉ và chỉ biết tìm lạc thú cho mình. Tình yêu như thế không còn giữ được nét đẹp tinh tuyền của một mối tình cao thượng.
Hơn thế nữa, tình yêu có tính bền vững và được hướng dẫn bởi lý trí. Đích nhắm của tình yêu là đem lại hạnh phúc cho người mình yêu. Giả như các em thể hiện tình yêu trong sáng để hướng đến tình yêu đích thực, thì chắc là hai em có thể kiến tạo một gia đình hanh phúc cho nhau trong tương lai rồi. Chỉ trong thế quân bình của cảm xúc và lý lẽ, ta mới có thể lựa chọn một hướng đi đúng đắn trong tình yêu, em có nghĩ thế không!
Vào buổi yêu đương, trái tim luôn ngong ngóng rạo rực để hướng về nhau. Như em chia sẻ, lúc ấy hình ảnh của bạn ấy in vào tâm trí, để cả trong mơ. Và bạn ấy cũng cảm nhận được sức hút tình cảm của em dành cho bạn ấy. Thôi thức ấy sẽ đẹp biết bao khi ta biết trân quý và giữ gìn cho nhau.
Tôi còn nhớ câu chuyện thật đẹp của anh chị học sinh trường Nguyễn Thị Minh Khai. Hai người nảy sinh tình cảm từ thuở còn cắp sách đến trường. Tình cảm của họ dành cho nhau thật trong sáng và chân thành. Nhưng vì nhà nghèo nên anh ngại ngùng đến với chị. Hơn nữa, cha mẹ chị cấm đoán vì anh không môn đăng hộ đối. Ấy vậy mà anh chị đã vượt lên tất cả để xây đắp tình yêu cho mình. Sau giờ tan trường, anh chở chị trên chiếc ‘xe đạp cà tàng’ về nhà, chị trao cho anh cánh phượng đầu hè ép hoài trong vở. Chị nói: ‘Nếu muốn yêu em thì anh phải kiên trì và học giỏi, sau này tình yêu của chúng ta mới đơm hoa kết trái’.
Thế là từ đó, anh nỗ lực học hành, chị nỗ lực đèn sách và dĩ nhiên hai người luôn dành tình cảm hướng về nhau. Cuối cùng, sau khi tốt nghiệp đại học, hai người kết ước hôn nhân và hạnh phúc với một gia đình dễ thương và đầm ấm. Trong bối cảnh này, em hiểu đặc điểm cốt yếu của hôn nhân theo Công giáo là: “Là giao ước giữa hai vợ chông yêu thương nhau vô điều kiện và trung thành với nhau.” Một đặc tính thiết yếu nữa của hôn nhân là bất khả phân ly: tình yêu của đôi vợ chồng và sự tôn trọng lẫn nhau suốt đời, và hai người phải nâng đỡ và hỗ trợ nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống: “Lúc thịnh vượng hay lúc gian nan, lúc mạnh khỏe cũng như lúc bệnh hoạn” mà họ đã thề hứa với nhau trong lễ cưới. Tuy nhiên, ngay cả khi một hoặc cả hai vợ chồng không còn chung thủy, hôn nhân của họ vẫn còn. Hôn nhân chỉ kết thúc khi một trong hai vợ chồng có người qua đời (Docat.123).
Sống thử không phải là một phép thử hay một trò đùa để ta thử nghiệm trước khi kết giao lời thề.(4) Cho dẫu người ta có thể thấy được vài ích lợi trước mất, nhưng kinh nghiệm cho thấy phần lớn sống thử đã để lại hệ quả đáng buồn cho mỗi người. Hậu quả lớn nhất, như em chia sẻ, là xúc phạm đến nhân phẩm của người yêu và hủy hoại thanh danh của gia đình. Xúc phạm là vì hai em chưa nên duyên vợ chồng mà đã sống và hành xử như ‘vợ chồng’.
Kết quả là em cảm nhận cuộc sống như trong địa ngục! Bởi lẽ, thuần phong mỹ tục, lương tri con người đâu chấp nhận cho hai em vượt qua nề nếp của lễ giáo gia phong. Và dĩ nhiên, sống thử hay ‘vượt rào’ đã bào mòn danh dự của chính hai em và gia đình. Chẳng lẽ vì chút ích lợi, thỏa mãn từ lối sống thử mà ta gạt bỏ những gì là cao quý nhất của tình yêu, của hạnh phúc sao?
Hai em mến,
Hiện tại, hai em đã nhận ra quá nhiều mất mát sau những lần sống thử. Chuyện tình vắn vỏi của hai em tựa một tiếng chuông cảnh tỉnh cho các bạn trẻ. Nếu không, sống thử thường là liều thuốc ngủ, là vi rút phá hủy hạnh phúc lứa đôi và là điểm kết buồn cho những cuộc tình mang tính thử nghiệm. Ước chi người trẻ biết thể hiện tình yêu của mình dành cho nhau thật trong sáng và hướng thiện. Gìn giữ cho nhau là điều đáng quý để cùng nhau nắm tay hướng đến tình yêu hôn nhân gia đình trong thời đại hôm nay.
Một cách đặc biệt, tôi xin Thiên Chúa cho hai em biết vượt qua mặc cảm và khó khăn để đến với tình yêu, hai em có thể làm lại từ đầu.
Lạy Chúa, tình yêu là món quà quý giá mà Ngài ưu ái đặt vào trái tim của mỗi người. Nhờ đó, hai người tình biết hướng về nhau, để cùng nhau nhìn về một hướng tốt lành thánh thiện. Xin Chúa giúp đôi bạn trẻ có được tình yêu trong sáng, chân thành và cao thượng. Xin ban cho các bạn trẻ có đủ sức để vượt qua những cám dỗ của sống thử vốn tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ hủy hoại tình yêu đôi lứa. Xin dẫn đôi bạn vào mối dây hôn phối chung thủy của đời sống gia đình như lòng Chúa ước mong. Amen(5)!
—-
1. Có thể tìm trên Internet với tựa: Chuyện của mẹ – Tự tay phá thai cho con.
1. Có thể tìm trên Internet với tựa: Chuyện của mẹ – Tự tay phá thai cho con.
2. Wikipedia giải thích hiện tượng này: “Sống thử hay sống thử trước hôn nhân là một cụm từ thường được báo chí Việt Nam, đặc biệt là báo mạng, dùng để chỉ một hiện tượng xã hội, theo đó các cặp nam nữ về sống chung với nhau như vợ chồng, nhưng không tổ chức hôn lễ cũng như đăng ký kết hôn. Các nguồn hàn lâm hơn (như nghiên cứu khoa học, luật pháp…) thì sử dụng cụm từ có khái niệm tương tự là chung sống như vợ chồng phi hôn nhân.
Tiến sĩ triết học, chuyên gia nghiên cứu gia đình trẻ và trẻ em, Nguyễn Linh Khiếu cho rằng, không nên dùng từ sống thử, mà phải là ‘Chung sống phi hôn nhân’ thì mới thật chính xác. Các cặp đôi gặp, sống với nhau một thời gian rồi chia tay và sống với người khác. ‘Đấy không phải là sống thử mà là sống thật, sống hết sức nghiêm túc không phải chuyện đùa. Tất cả tình cảm, tình dục, chi tiêu đều thật’. Có điều sự chung sống này thiên về thỏa mãn dục vọng, tình cảm tức thời, ‘chán thì chia tay’ chứ không đi liền với các nghĩa vụ và trách nhiệm. So với những cặp vợ chồng thực thụ, chung sống phi hôn nhân không được pháp luật cũng như xã hội thừa nhận, do đó các cặp đôi tham gia không chịu bất kỳ sự ràng buộc nào với nhau về nghĩa vụ gia đình cũng như trách nhiệm trước các quy định của luật Hôn nhân.
3. “Việc thông truyền sự sống phải được thể hiện trong hôn nhân thông qua các động thái đặc biệt chỉ dành riêng cho vợ chồng” (x. Denzinger, số 4792).
4. Có lần thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giảng về hôn nhân và gia đình, ngài nhấn mạnh rằng: “Người ta không thể sống thử hoặc chết thử. Người ta không thể yêu thử, hoặc lấy một người khác để thử trong một thời gian thôi.” (Youcat 402).
5. Amen được dùng trong Cựu Ước với ý nghĩa chính là ‘mong được như vậy’ để làm cho mong ước hoạt động của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn, hoặc để liên kết với lời ca tụng Thiên Chúa. Trong Tân Ước, Amen được dùng để tăng cường cho kết luận của lời cầu nguyện. Thường Chúa Giếíu dùng Amen cách đặc biệt để dẫn vào một lời nói quan trọng. Amen ở đây làm nổi uy thế của lời nói (Youcat 165).
Từ cuốn “Trò chuyện với các bạn trẻ Công giáo”
Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J