Mỗi ngày giáo dân được rước lễ mấy lần?
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Trong giáo xứ của chúng con, con đã nhận thấy trong vài năm qua rằng các thừa tác viên Thánh Thể đều rước lễ, trước khi họ cho các giáo dân rước lễ. Vào ngày thứ Sáu, chúng con có nhiều hơn 10 Thánh Lễ. Vì thế, một số thừa tác viên Thánh Thể rước lễ đến sáu hoặc bảy lần, vì họ cảm thấy cần thiết để rước lễ, trước khi họ cho các giáo dân rước lễ. Theo như con hiểu từ Bộ Giáo Luật và Sách Giáo Lý, các tín hữu chỉ có thể rước lễ hai lần trong một ngày. Ngay cả khi tín hữu rước lễ lần thứ hai, người ấy cần phải tham dự đầy đủ Thánh Lễ – V. R., United Arab Emirates (Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất)
Đáp: Bạn đọc trên đây nói chính xác trong việc giải thích Bộ Giáo Luật ở điểm này.
Điều chủ chốt cho câu hỏi là Điều 917. Điều này nói: “Ngoại trừ quy định ở điều 921, triệt 2, ai đã rước lễ rồi thì có thể rước lễ một lần nữa trong ngày đó, nhưng chỉ ở trong Thánh Lễ mà họ tham dự”.
Điều 921§2 nói: “Cho dù ngày ấy họ đã rước lễ rồi, cũng rất nên cho họ rước lễ lần nữa nếu mạng sống của họ bị lâm nguy” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).
Như vậy, một người Công Giáo có thể rước lễ một lần thứ hai trong ngày, nhưng chỉ trong một Thánh Lễ mà người ấy tham dự. Ngoài Thánh Lễ, việc Rước lễ lần thứ hai hoặc thậm chí lần thứ ba chỉ có thể được thực hiện, như của ăn đàng cho người sắp chết.
Ngoại trừ trường hợp của ăn đàng, người ta nên giữ chay một giờ trước cả hai lần rước lễ.
Huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí Tích Cứu Độ) cũng lặp lại nguyên tắc chung này:
“95. Người giáo dân “đã rước lễ rồi thì có thể rước lễ một lần nữa trong cùng ngày đó, nhưng chỉ ở trong cử hành Thánh Thể mà họ tham dự, ngoại trừ quy định ở điều 921 §2 của giáo luật” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Sự khác biệt giữa Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma và Huấn thị Redemptionis Sacramentum là Huấn thị đề cập đến “người giáo dân”. Điều này được nói rõ, vì Giáo luật đã tiên liệu rằng linh mục đôi khi có thể cử hành ba Thánh lễ trong một ngày, vì lý do mục vụ.
Có một lý do thần học cho điều này, mà trong đó linh mục như là thừa tác vỉên cử hành Thánh lễ được đòi hỏi hoàn thành hy tế, bằng cách chia sẻ Mình và Máu Chúa Kitô. Ngài rước lễ trước khi cho các người khác rước lễ.
Các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ được cử giúp linh mục cho các tín hữu rước lễ, trong một cách thuận lợi, nhưng họ không có nghĩa vụ phải dự phần vào Bàn Tiệc Thánh như vị linh mục. Họ có bổn phận tuân giữ các qui chế tổng quát của Giáo Hội và như vậy, khi họ quảng đại phục vụ trong hơn hai Thánh lễ, họ phải chọn rước lễ trong hai Thánh lễ, và không rước lễ trong Thánh lễ khác nữa.
Khi họ không rước lễ, họ không buộc phải tham dự trọn Thánh lễ ấy, nhưng chỉ có mặt khi họ chuẩn bị cho các tín hữu rước lễ mà thôi. Lúc này, họ cũng ở trong tình trạng tương tự như tình trạng của nhiều linh mục, trước khi có định chế thừa tác viên Thánh Thể. Tại thời đó, thường các linh mục khác của giáo xứ đi vào nhà thờ, sau phần kinh Lạy Cha, và tham gia việc cho rước lễ. Họ sẽ không rước lễ. Ngoài ra, cũng tại thời đó, giáo luật không cho phép rước lễ nhiều hơn một lần trong một ngày, trừ trường hợp của ăn đàng cho người sắp chết.
Trong hầu hết các quốc gia, đây không phải là một vấn đề thực sự, vì hầu hết các Thánh lễ đều có các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ, được phân công phục vụ, và chỉ thỉnh thoảng họ mới phục vụ trong hơn một Thánh Lễ.
Dường như trong bối cảnh giáo xứ của bạn đọc trên đây có sự thiếu hụt các người sẵn sàng và/hoặc có đủ điều kiện cho việc phục vụ này, và do đó gánh nặng rơi vào một số người tương đối ít.
Vì vậy, cho đến khi tình trạng thiếu hụt này được khắc phục, tôi xin đề nghị rằng các thừa tác viên ngoại thường nào không rước lễ, xin hãy chờ cho đến khi các thừa tác viên ngoại thường khác rước lễ xong, lúc ấy họ mới tiến tới bàn thờ, tiếp nhận Bình thánh để cho các tín hữu rước lễ.
Nguồn :Zenit.org