Một vũ đạo đẹp với phụng vụ tuyệt vời, cả hai đều giống nhau hơn bạn nghĩ
Một vũ đạo đẹp với phụng vụ tuyệt vời, cả hai đều giống nhau hơn bạn nghĩ
Mỗi ngày chúng ta nhìn thấy vô vàn các dấu hiệu và biểu tượng xung quanh mình. Chẳng hạn như đèn giao thông, một tín hiệu cho biết chúng ta có thể đi tiếp hay dừng lại và đợi chờ. Điều tương tự cũng xảy ra với các biểu tượng cảm xúc được sử dụng khi giao tiếp trên WhatsApp…
“Con người có tính xã hội, nên cần dấu chỉ và biểu tượng để giao tiếp với tha nhân qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động. Trong tương quan với Thiên Chúa cũng thế” (GLCG số 1146) .
Trong Phụng vụ, đó là việc thờ phượng công khai, (Pius XII, Mediator Dei et Hominum ), chúng ta sử dụng các dấu chỉ và biểu tượng để tôn thờ Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Đấng hiến mình cho Đấng Tạo Hóa, để cứu rỗi nhân loại.
Cơ thể của chúng ta giúp chúng ta giao tiếp mà không cần lời nói, như được minh họa trong video “Một vũ khúc nguyên bản” của Sadeck Waff (kênh YouTube Paris 2024).
Thật tuyệt vời! Bạn nghĩ xem, nếu mỗi người thực hiện các chuyển động theo kiểu ứng biến thì kết quả sẽ là một mớ hỗn độn và xấu xí.
Nếu một số người thực hiện đúng như biên đạo, số còn lại thì không, rất có thể họ sẽ làm những người khác mất phương hướng. Vẻ đẹp đến từ trật tự và được phối hợp nhịp nhàng.
Mối liên hệ giữa vũ đạo với phụng vụ như thế nào?
Cử chỉ và thái độ.
Cử chỉ và thái độ là phương cách cầu nguyện. Cúi đầu có nghĩa là tôn kính, quỳ gối thể hiện sự phục tùng và tôn thờ, dấu thánh giá là dấu hiệu của Kitô giáo.
Khi đứng lên, chúng ta thể hiện sự tôn trọng, ngồi phản ánh sự lắng nghe và suy niệm. Quỳ gối là một dấu hiệu của sự tôn thờ và khiêm tốn, chắp tay là một thái độ cầu nguyện.
Khi cùng nhau đối đáp, ca hát hay thực hiện một biểu thức nào khác do Giáo hội chỉ định trong phụng vụ, là cần thiết để duy trì sự hiệp nhất, trật tự và hài hòa, như thể là người nhà của Thiên Chúa (Eph 2, 19) chúng ta có thể tôn vinh Người.
Học hỏi và truyền tải
https://youtu.be/XCdsIkQqAmE
Trong video chúng ta thấy có 256 cánh tay đồng loạt giơ lên phía sau biên đạo múa, với sự đồng bộ đáng kinh ngạc. Để làm được điều đó, họ cần vài giờ diễn tập, tìm hiểu trình tự và biết chính xác thời điểm nào họ diễn.
Điều tương tự xảy ra trong phụng vụ, chúng ta cần tham gia đầy đủ, có ý thức và tích cực. Do đó, điều cần thiết là phải học cho biết các cử chỉ và hành động nào được đưa vào thực hành trong buổi cử hành.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông thư Desiderio Desideravi: “Tất cả cùng làm một cử chỉ như nhau, tất cả cùng chung một giọng nói – điều này truyền tải cho mỗi cá nhân năng lượng của toàn thể cộng đoàn. Đó là sự đồng nhất không làm chết đi mà trái lại, dạy cho từng cá nhân tín hữu khám phá ra tính duy nhất đích thực của nhân vị, không phải trong thái độ cá nhân chủ nghĩa nhưng trong nhận thức về việc tất cả là một thân thể” (số 51).
Chúng ta rất dễ dàng để cho sự miễn cưỡng, sự thờ ơ và thói quen lôi kéo, vì thế, điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức được việc sử dụng đúng các cử chỉ và thái độ sao cho có trật tự, hài hòa và đẹp mắt.
Đó là cách để tham dự phụng vụ cách đầy đủ, ý thức và tích cực.
G. Võ Tá Hoàng