Giáo Hội Việt NamTin Giáo Hội

Những bó rau mang tên các mẹ

Những bó rau mang tên các mẹ

 

Iem Gõh trong tiếng Churu là rau sạch, cũng là tên của tổ hợp tác rau hữu cơ có trụ sở tại thôn Ma Ðanh, xã Tu Tra, huyện Ðơn Dương, tỉnh Lâm Ðồng. Sản phẩm của Iem Gõh Churu phục vụ bữa ăn trong gia đình các thành viên, trong thôn làng, phiên chợ nông sản và đã lên kệ siêu thị trong tháng 2 vừa qua.

 

Trừ sâu bằng loài thiên địch

Iem Gõh Churu hình thành từ năm 2016, ban đầu có sự tham gia của 14 hộ dân đồng bào sắc tộc Churu, đa phần là người Công giáo (giáo xứ Tu Tra, giáo phận Đà Lạt), với diện tích canh tác hơn 11.000 mét vuông. Do nhiều nguyên nhân khách quan, có một số hộ thu hẹp diện tích để chuyển sang trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi, hiện nay, còn 11 hộ tham gia canh tác nông nghiệp sinh thái với tổng diện tích canh tác là 5.300 mét vuông.

Để tham gia phương thức canh tác hữu cơ, những hộ dân đăng ký phải ngưng việc trồng trọt có sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học trong 6 tháng để cải tạo đất. Trong khoảng thời gian này, 2 vụ mùa liên tiếp (trồng đậu hoặc trồng bắp) sẽ được thực hiện theo cách tự nhiên hoàn toàn. Sau đó, vụ mùa đầu tiên sẽ được canh tác theo phương thức hữu cơ và cho ra sản phẩm hữu cơ đầu tiên.

Cùng một quy trình canh tác theo lối thuận tự nhiên, các hộ dân dùng phân hữu cơ bón cây, làm cỏ và bắt sâu thủ công, duy trì hạt giống bản địa (các loại đậu, dưa leo), hoặc mua cây giống (bắp cải, xà lách) từ trang trại ươm giống hữu cơ… Trong một số trường hợp phải mua bên ngoài (đối với các loại hạt giống như cà rốt, củ cải), vì hạt được tẩm thuốc bảo quản, nên thường được ngâm bằng nước ấm để tẩy rửa chất hóa học và tăng khả năng nảy mầm. Để bảo vệ cây trồng, tất cả các vườn đều được làm hàng rào cách ly với những vườn có sử dụng phân thuốc ở xung quanh.

Thời gian đầu, nhà nào cũng bắt sâu thủ công. Đến thời điểm hiện tại, khi hệ sinh thái cân bằng, cây trồng vẫn có sâu nhưng đã có chim trời “đến giúp”. Trước đây, bà con trồng thêm hoa tam giác mạch để cải tạo đất. Sau 6-7 năm canh tác theo hướng đa canh, sử dụng phân hữu cơ, không sử dụng chất hóa học, tận dụng những nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, đất trồng cũng dần “thay da đổi thịt”, có độ tơi xốp tự nhiên và nhiều vi sinh vật sinh sống. Trồng trọt theo phương pháp hữu cơ, câu nói cửa miệng “mấy năm đầu thì mình sẽ phải nuôi đất, và những năm sau thì đất sẽ nuôi lại mình, vì trồng cây gì cũng lên”, là điều bà con trong tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Gõh tâm đắc.

Bảo vệ Ngôi Nhà Chung

Từ khi tham gia Iem Gõh Churu, các hộ tham gia chương trình ngày càng gắn kết hơn. Không chỉ siêng năng chăm vườn mình, các thành viên còn dành thời gian thăm vườn bạn; chia sẻ kinh nghiệm, hạt giống; trao tặng nhau những loại rau củ quả vườn nhà trồng được; thăm nhau khi ốm đau và hỗ trợ khi hữu sự. Điều đáng mừng là những sản phẩm nhóm Iem Gõh Churu làm ra, ban đầu chỉ cung cấp cho bữa ăn gia đình, chia sẻ cho bà con trong thôn làng, nhưng khi sản lượng ngày một tăng, dần dà nhóm đã có được nguồn khách hàng cho riêng mình. Một gia đình cho mượn địa điểm làm nơi tập kết rau củ quả sau thu hoạch. Đến lúc cần có nơi đóng gói chuyên biệt, một thành viên tự nguyện hiến đất. Với sự chung tay của Caritas giáo phận Đà Lạt và những khách hàng thân thiết, nhóm đã xây dựng được Ngôi Nhà Chung có diện tích gần 50 mét vuông tại số 10, thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương.

Những sản phẩm nông nghiệp phong phú gồm củ cải, củ dền, cà rốt, su su, cà tím, đậu côve, dưa leo, đậu cúc tươi, bắp cải, bông cải, xà lách, rau thơm các loại… từ các nhà vườn, sau khi thu hoạch đều được tập kết về Ngôi Nhà Chung để phân loại, đóng gói chỉn chu, trước khi trao đến khách sỉ cũng như khách lẻ. Điều thú vị là trên mỗi bó rau, hoặc túi đựng củ quả, có dán tên của nhiều bà mẹ trên đó, như “mẹ Sun”“mẹ Tri”“mẹ Hoan”… Hỏi ra mới biết, người phụ nữ Churu khi có con đầu lòng, thì người mẹ sẽ được gọi bằng tên của con mình. Chị Maria Ma Điễm, 29 tuổi, một thành viên của nhóm, sắp tới cái tên quen thuộc “Ma Điễm” trên những sản phẩm vườn nhà cũng sẽ được thay là “mẹ Hoài”, theo tên của bé con đầu lòng mới tròn 10 tháng tuổi của vợ chồng chị. Theo chị Điễm, đây là cách truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo sáng tạo đơn sơ của nhà nông.

Bên cạnh nguồn khách hàng cố định, sản phẩm của Iem Gõh Churu còn tham gia các phiên chợ nông sản hữu cơ Đà Lạt. Là người tìm được đầu ra cho Iem Gõh trong một lần tiếp cận phiên chợ này, chị Maria Ma Điễm khẳng định mỗi chợ phiên được tổ chức vào Chúa nhật tuần thứ ba hằng tháng, là điểm hẹn thú vị cho những người quan tâm đến lãnh vực bảo vệ môi trường, yêu thích những sản phẩm gieo trồng tự nhiên. Trong các hội nghị của Chương trình Phát triển Tự dân do Caritas giáo phận tổ chức, Iem Gõh cũng luôn góp mặt, truyền cảm hứng cho cộng đồng và lan tỏa tinh thần thông điệp Laudato si’, bảo vệ Ngôi Nhà Chung, của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Phụ trách mảng bán hàng và tìm kiếm khách hàng cho Iem Gõh Churu, chị Điễm thừa nhận, thời gian đầu tổ hợp tác gặp rất nhiều khó khăn khi chọn lối đi mới. Một mặt, các chị em phải chịu lời ra tiếng vào của láng giềng khi đi ngược với lối canh tác truyền thống. Mặt khác, họ phải đầu tư nhiều công sức vì cây trồng sâu bệnh nhiều; phân hữu cơ không có tác dụng nhanh như phân hóa học khiến cây khó phát triển; không có đầu ra, khó tìm kiếm khách hàng…

Với sự đồng hành và hỗ trợ của Caritas Đà Lạt qua Chương trình Phát triển Tự dân, các chị em được học tập kinh nghiệm về các mô hình canh tác hữu cơ ở nhiều nơi, trong và ngoài nước. Từ những kiến thức thu thập được, cùng với sự chăm chỉ, kiên trì trong canh tác thực tế, những khó khăn nay đã nhường chỗ cho những “quả ngọt”. Nhờ một đơn vị làm cầu nối, những nông sản hữu cơ của Iem Gõh đã hiện diện trong một hệ thống siêu thị lớn. Mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 1-1,2 tấn nông sản, chưa kể số lượng làm quà biếu, hoặc sử dụng trong bữa ăn hằng ngày của các gia đình thành viên.

Iem Gõh Churu mong sẽ trở thành điểm chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất hữu ích cho cộng đồng, qua đó góp phần lan tỏa những giá trị tích cực trong lãnh vực nông nghiệp sinh thái, bảo vệ môi trường, bảo vệ Ngôi Nhà Chung trên mỗi bước đường.

 

Chương trình Phát triển Tự dân (PLD – People Led Development) do Caritas Ðà Lạt khởi xướng từ năm 2014, với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm và là tác nhân tạo ra sự thay đổi. Thực hành nông nghiệp sinh thái và nhân rộng ra cộng đồng là một trong những dự án nhỏ thuộc chương trình PLD, hướng đến mục tiêu sinh kế bền vững, tái tạo và bảo vệ môi trường, tài nguyên địa phương.

 

BÍCH VÂN

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!