SỰ RA ĐỜI CỦA THẦN VỆ NỮ
Được liệt vào 1 trong 5 bức họa nổi tiếng nhất của mọi thời đại, Sự ra đời của thần Vệ nữ (Birth of Venus) của Sandro Botticelli cũng là tác phẩm khởi nguồn, thắp sáng cho những tư tưởng nhân văn thời Phục hưng ở Italy.
Nàng Venus đẹp tinh khôi lộng lẫy đứng trên một cái vỏ sò. Nàng còn có tên là Aphrodite theo ngôn ngữä Hy Lạp, được sinh ra từ bọt biển. Nàng được sinh ra từ giọt máu của thần Zeus rơi xuống biển và kết tinh thành vẻ đẹp bất tử được muôn đời ca ngợi.
Trong tranh của Botticelli, nàng được vợ chồng thần gió Zephyrus và Aura thổi những làn gió thơm đầy hoa đưa vào bờ. Trong khi đó hai vị thần này đang cùng bay và quàng tay ôm nhau như một biểu tượng về tình yêu để chào đón sự ra đời của nữ thần sắc đẹp. Bên phải nàng là nữ thần mùa màng Horae cũng đón Vệ nữ theo một cách riêng. Bà cầm tấm áo choàng mùa xuân với những bông hoa violet tím dang tay khoác lên người nàng.
Vào thời điểm cuối thế kỷ thứ XV, năm 1486, có lẽ lần đầu tiên trong hội họa, hình ảnh của phụ nữ khỏa thân được vẽ rực rỡ và xuân sắc như vậy. Lý do để tác phẩm tồn tại mà không bị các quan niệm khắt khe của giáo hội lúc bấy giờ chỉ trích có lẽ chính là bởi họa sĩ dùng cốt truyện thần thoại. Hình tượng nàng Vệ nữ đã trở thành biểu tượng về tinh thần học tập từ nghệ thuật thời Hy Lạp – La Mã cổ xưa của phong trào Phục hưng.
Tuy nhiên, người có nghề cũng dễ dàng nhận ra rằng, bức tranh này Botticelli đã không vẽ nàng một cách chuẩn mực từ việc nghiên cứu giải phẫu cơ thể người thực mà chỉ nghiên cứu các pho tượng cổ xưa. Từ dáng đứng chân trụ, cho đến cái cổ quá dài, bắp tay quá to như chệch ra ngoài nguyên lý giải phẫu, nhưng vẻ đẹp của làn da và nét trong sáng trên gương mặt của nữ thần đã khiến người ta quên đi tất cả điều đó. Những lọn tóc và đôi bàn tay e ấp đầy biểu cảm khiến hình tượng khỏa thân Venus của Botticelli thanh khiết, tinh khôi.
Chưa kể đến truyền thống kéo dài thân mình dường như là một mắt xích căn bản để ông nối kết giữa nghệ thuật Trung cổ và Phục hưng, tạo ra sự quen thuộc trong cái nhìn. Dẫu vậy nét khắc khổ đã được thay thế hoàn toàn bởi cảm xúc tươi mới.
Ngoài ra, sự cuốn hút của tác phẩm có lẽ không đơn thuần là câu chuyện về nàng Vệ nữ, hay hình thể khỏa thân mơn mởn xuân thì, mà trên khía cạnh tạo hình, nó còn là sự kết hợp hài hòa bởi nhiều thủ pháp. Sự tương phản thú vị giữa hình thức tạo khối trên cơ thể của các nhân vật và yếu tố trang trí của hậu cảnh trong suốt với chất liệu tempera.
Mặc dầu Botticelli cũng quan tâm đến việc tạo ra chiều sâu không gian bằng phương pháp thấu thị, khi vẽ một đường chân trời ở khoảng lưng chừng tranh. Nhưng về cơ bản nó chỉ như một đường ngăn ước lệ giữa bầu trời và mặt nước biển. Trong khi đó trên mặt biển, những gợn sóng được tạo nên đều đặn như một truyền thống trang trí thời Trung cổ đã ăn sâu vào tâm thức của các họa sĩ.
Tương tự như vậy, cây được vờn khối nửa sáng nửa tối đều tăm tắp và xanh cùng một màu tạo nên mảng sẫm tôn lên vẻ đẹp của nữ thần mùa màng với chiếc áo bùng nhùng nếp gấp và các bông hoa li ti. Thêm vào đó, do được sự bảo trợ của dòng họ Medeci nên chất liệu ông sử dụng có thêm bột thạch cao tuyết hoa đắt tiền đã khiến cho bức tranh đến ngày nay vẫn giữ được sắc màu tươi sáng.
Sự cách tân trong cung cách thể hiện huyền thoại Hy Lạp – La Mã của bức tranh này dường như đã mở ra cánh cửa mới cho thời đại Phục hưng. Đặc biệt đối với các chủ đề về khỏa thân đã dần dần lên ngôi. Hơn thế, nó còn khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều thế hệ họa sĩ sau này.
Đến tận thế kỷ XX, Botticelli còn làm nên ảnh hưởng trong việc thể hiện không gian siêu thực ở các tác phẩm của Henri Rousseaux. Bởi vậy, Sự ra đời của thần Vệ nữ được xem là một trong 5 tác phẩm nổi tiếng của mọi thời đại.
Tranh: Sự ra đời của thần Vệ nữ, sáng tác năm 1486, tempera trên vải của Sandro Botticelli, hiện lưu tại bảo tàng Uffizi, Florence, Italy