Kính nhớ những người quá cố trong thánh lễ là một phong tục rất cổ xưa. Cha Nicola Ban, Đại diện Giám mục về Phúc âm hóa và các Bí tích của giáo phận Gorizia, giải thích với cổng thông tin Isontina rằng “lòng tôn kính đã xác định các thời điểm có thể xem là hữu ích để cầu nguyện cho người quá cố thân yêu trong cử hành Thánh Thể. Nói chung, những người đã qua đời được nhớ đến sau 8 ngày hoặc 30 ngày tính từ lúc qua đời hoặc từ lễ an táng”.
Ngày giỗ
“Và rồi có người quá cố được nhớ đến hàng tháng – Cha Nicôla tiếp tục – Chắc chắn rằng khi làm điều đó mỗi năm một lần vào ngày giỗ, ngày chúng ta được sinh nơi cõi trời, giúp duy trì lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân”.
Giáo lý Công giáo nói gì về điều này?
Cầu nguyện cho những người quá cố là một truyền thống cổ xưa, được đề cập trong Thánh Kinh. Chúng ta tìm thấy nguồn gốc của những thực hành này được mô tả trong Giáo lý Hội thánh Công giáo: “Ngay những thời đầu, Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và dâng lời cầu nguyện cho họ, nhất là dâng Hy lễ Thánh Thể, để một khi đã được thanh luyện họ có thể được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa” (GLCG 1032).
Cyprianô thành Carthage
Cha Lamberto Crociani, giáo sư Phụng vụ tại phân Khoa Thần học miền Trung Ý, nhấn mạnh trên tạp chí điện tử Toscana Oggi rằng, vấn đề “kính nhớ người quá cố” đã được chứng thực từ giữa thế kỷ thứ 2. “Chắc hẳn chúng ta biết đến phong tục nêu tên người quá cố hay các linh hồn trong Kinh nguyện Thánh thể có từ thời Giám mục Ciprianô (thế kỷ 3), (thư 1 và 41). Trên lý thuyết, người quá cố được kính nhớ lần đầu tiên trong buổi cử hành Thánh Thể dành cho lần yên nghỉ của người đó”.
Tên của những người quá cố được ghi trên “bảng ghi danh – Dittici[1]”
Không lâu sau đó, tên của người quá cố được viết trên các bảng ghi danh trong đó liệt kê ra những điều mà Giáo hội muốn và phải nhớ đến trong thánh lễ. “Những bảng liệt kê này do một phó tế đọc, lúc bắt đầu phần Thánh Thể, có lẽ trước phần chuẩn bị lễ vật, sau khi đọc tên những người sống, những người này cũng được cộng đoàn nhớ đến vì nhiều lý do khác nhau. Từ đó, rõ ràng là từ xa xưa, việc cử hành Thánh Thể là một sự kiện mà nhờ đó những anh chị em được nhớ đến như thể đang hiện diện thực sự. Nêu tên của họ lên khiến họ hiện diện và sống động trong hành động của cộng đoàn”.
Hướng tới sự phục sinh
Nhà phụng vụ nhấn mạnh, việc này “chắc chắn đã được kéo dài cho đến thế kỷ X và thậm chí có thể lâu hơn thế: điều này diễn ra thường xuyên trong các buổi cử hành ngày thường, nhưng vào ngày Chúa nhật và các lễ trọng bảng ghi danh này không được đọc ra. Việc cử hành Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa tự nó bao gồm tất cả những kính nhớ khác, hướng toàn thể cộng đoàn về sự Phục sinh sau cùng”.
Kinh nguyện Thánh Thể (Canone Romano)
Sau thế kỷ X, số người chết gia tăng, vì vậy một vài người được nêu tên và các công thức liền được thêm vào, nó ám chỉ đến hết mọi người.
Đây là bằng chứng về việc tưởng nhớ người quá cố trong Kinh nguyện Thánh Thể: “Lạy Chúa xin cũng nhớ đến các tôi tớ Chúa (lúc này phó tế đọc một số tên trong danh sách) được ghi dấu đức tin, đã ra đi trước chúng con và đang nghỉ giấc bình an”.
Và thêm ngay sau đó: “Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa thương ban cho các tín hữu ấy, và tất cả mọi người, đã an nghỉ trong Ðức Kitô, được vào nơi hạnh phúc, sáng láng và bình an”.
Người qua đời… và bỗng lễ
Chắc chắn mỗi ngày trong cử hành Thánh Thể, mọi người đều có thể và phải tưởng nhớ đến người thân của mình đã qua đời, cha Crociani kết luận: “Bởi vì Thánh Thể mãi là mối liên kết vĩnh viễn với họ. Nhưng tôi tin rằng, theo truyền thống của Giáo hội, việc “nêu tên” ngay cả cho những anh chị em đã qua đời là việc làm đúng đắn. Tưởng nhớ đến người quá cố của vị chủ tế trong thánh lễ là một sự tưởng nhớ đầy đủ xét về mặt giáo hội đối với các anh chị em đã đi trước chúng ta trong đức tin, theo truyền thống của bảng ghi danh rất cổ xưa”.
“Tôi cho rằng cần phải thêm vào đây một lời nhận xét khác để hoàn thiện hơn nữa – nhà phụng vụ giải thích bằng cách nói về việc kính nhớ người quá cố trong thánh lễ – chúng ta vẫn thường nghe nhiều người nói: “hôm nay là thánh lễ của tôi” và đây là “bỗng lễ”. Việc cử hành Thánh Thể, cho dù có nêu tên người sống hay đã qua đời theo truyền thống, nó còn bao trùm toàn thể cộng đoàn Giáo hội, với những ý chỉ cho tất cả mọi người và cùng một trật nhớ đến tất cả mọi người và mọi linh hồn, bởi vì thánh lễ là Mầu nhiệm cứu độ, trong đó Chúa Kitô vẫn luôn hiện tại hóa cho tất cả mọi người”.
——————-
[1] Dittici: Bảng liệt kê tên các giám mục, linh mục, giáo dân được nhớ tới trong thánh lễ, còn sống hay đã qua đời.