Góc tư vấn

Tại sao người ta bạo lực với nhau?

Tại sao người ta bạo lực với nhau?

 

Bạo lực gia đình không chỉ là vấn đề của cá nhân mà còn là thách thức của xã hội. Tưởng chừng xã hội càng phát triển thì con người sẽ đối xử với nhau văn minh hơn, nhưng không vẫn còn đó những nạn nhân đang ngày đêm run sợ trước hành vi bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình.jpg

“Ba dùng dây điện gấp lại cho dày đánh đầy người mình, để rồi để lại những vết sẹo trên mặt khiến cả đời mình phải tự ti”

”Có lần nọ ba cầm búa đuổi mình, mình bỏ chạy nhưng đụng trúng vách tường và bị té, ba đã đạp vào mặt mình một cách không thương tiếc. Lấy chân đạp giữ người mình lại. Giơ búa lên định đập vào đầu mình nhưng mình đã la lên và van xin : Ba đừng gi** con !”.

“Từ thủa bé nhiều lần mình đã bị trói lại rồi lấy dây điện của nồi cơm điện đánh đến ngất xỉu , bị túm tóc dí đầu xuống bồn cầu rồi đánh”

Đó là tâm sự của những nạn nhân bạo lực gia đình. Đọc xong, không ít người đã phải thốt lên “Làm sao cha mẹ có thể đối xử với con mình một cách dã man như vậy”

Bạo lực gia đình vẫn luôn là cơn ác mộng và bị xã hội lên án. Do đâu người ta phải đối xử với nhau bằng bạo lực?

Không nhìn nhận con mình là con người: Tôi đã từng nghe một bà mẹ mắng con mình “Biến đi đồ quỷ cái”. Không biết câu nói này do giận dữ hay chính trong tâm trí người mẹ đó đã coi con mình như quỷ dữ. Khi đã coi là quỷ thì làm gì có chỗ cho tình yêu thương, chỉ có sự thù ghét và đánh đập thôi. Cách cha mẹ đối xử với con cái phụ thuộc vào cách họ nghĩ con mình là ai. Những người bố, người mẹ của các nạn nhân bạo lực gia đình họ có coi con mình như một con người không? Hay họ nghĩ con mình là hậu quả của một lần quên không sử dụng biện pháp tránh thai, là hình bóng của người vợ(người chồng) đã từng đối xử tệ bạc với mình, là gánh nặng của cuộc đời. Để rồi họ dùng bạo lực trên đứa con mình như một sự trả thù đời.

Bạo lực nối tiếp bạo lực: Không ít người đã từng rất hận bố mẹ mình tại sao lại tàn nhẫn với mình như thế, họ tự nhủ sau này mình sẽ không giống bố mẹ mình. Nhưng rồi chính họ lại đối xử với con mình như cách cha mẹ đã đối xử với mình. Pear S. Buck từng nói “Những đứa trẻ không được yêu thương lớn lên sẽ không thể yêu thương”. Tuổi thơ trải qua những năm tháng đau khổ, nếu không được chữa lành, không được một lần cảm nhận tình yêu thương thì rất khó họ có thể trao cho con cái một thứ tình cảm họ chưa từng nhận được.

Hậu quả của rượu chè cờ bạc: Không ít ông bố bình thường là một người rất hiền lành lo cho vợ con, nhưng mỗi khi uống rượu về lại như một con ma, lôi vợ con ra đánh đập chửi bới. Cũng không ít người vì dính vào cờ bạc dẫn đến nợ nần, vợ chồng sinh ra cãi nhau, không kiềm chế được nữa thì giao lưu võ thuật.

Bạo lực là biểu hiện của sự bất lực: Ở cơ quan bị sếp chửi mắng, phải nín nhịn; về nhà lại gặp cảnh đứa con hò hét, bày bừa bộn’ nói mãi nó chẳng nghe. Cái tivi vừa mới mua bằng cả tháng lương bỗng “bùm”; đứa con cầm chiếc điều khiến ném vào, đi cả triệu bạc. Chiếc laptop mới mua, vẫn đang trả góp thì mấy đứa nô nghịch làm rơi xuống đất vỡ tan tành. Không phải ai cũng đủ giữ bình tĩnh trong những trường hợp đó để nói với con “Con yêu, lần sau đừng nghịch như vậy nữa nhé”, nhẹ thì cũng vài câu chửi nặng thì vài cái roi vào người.

Làm thế nào để không còn bạo lực gia đình nữa?

Trước tiên, cha mẹ cần nhìn nhận con cái như là con người với những sự độc đáo của riêng nó, đó là món quà Thượng Đế gửi đến cho chúng ta. Chỉ khi vậy cha mẹ mới dành cho con cái tình yêu thương và sự nâng đỡ cần thiết cho sự phát triển của chúng. Để cha mẹ hiểu được điều này cần sự cộng tác rất lớn từ các cơ sở giáo dục, nhà nước, cơ sở tôn giáo cùng hành động giúp nâng cao nhận thức về cách nuôi dạy con.

Bên cạnh đó chúng ta cũng cần quan tâm đến các nạn nhân của bạo lực gia đình, để bảo vệ họ trước những đe dọa hiện có và xoa dịu nỗi đau họ đã trải qua; giúp họ cảm nhận được trên đời này vẫn có tình yêu thương. Như vậy họ mới đủ sức để vượt qua và thoát khỏi vòng lặp của bạo lực.

Không ít nạn nhân mặc dù muốn thoát ra khỏi tình trạng bạo lực này nhưng bản thân họ cũng không biết nếu thoát ra thì sẽ đi đâu về đâu. Cần có những cơ sở để làm trung gian hòa giải, đó có thể là nhà thờ, nhà chùa, các tổ chức xã hội dân sự… để làm dịu đi cơn nóng giận của người đang bạo hành và để nạn nhân có thể tìm đến để nương nhờ.

Cuộc sống sẽ có những điều không như ta mong đợi. Mỗi người cần chuẩn bị trước tình thần khi điều đó xảy ra, để rồi kẻo khi nó xảy thì lại chúng ta lại rơi vào trạng thái bất lực. Đường cùng tìm đến rượu chè cờ bạc, trút hết mọi sự lên chính người thân của mình.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!