Tâm tình độc giả

TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÁO DỤC GIA ĐÌNH
Không biết là từ bao lâu rồi, ngày tựu trường đã không còn là một niềm vui lớn của tuổi học trò nữa. Năm nào cư dân mạng cũng đăng bức ảnh cậu bé mặc đồng phục ngồi gác chân lên ghế với gương mặt nhăn nhó trong lễ khai giảng. Bên cạnh, bạn bè nó cũng hết sức uể oải, vặn vẹo.
Các bậc phụ huynh thì thở phào. Họ đã gồng gánh ba tháng hè để quản mấy đứa nhỏ. Nay chỉ cần chở tới lớp, chúng sẽ ở đó cả ngày để họ rảnh tay đi làm. Phần lớn sẽ không quan tâm, hoặc quan tâm cũng chẳng biết được những gì xảy ra ở sau cái cổng trường đầy các khẩu hiệu. Có lẽ ai cũng nghĩ tệ nạn chắc là nó chừa con mình ra, hoặc có vấn đề gì nó sẽ tâm sự với mình, lúc đó hẵng xử lý.
Trong trường học, sẽ không có những câu hỏi mang tính tôn trọng dành cho học sinh, như: Các em nghĩ gì về vấn đề này? Theo em thì nó là như thế nào? Em có thắc mắc gì không? Em cho biết quan điểm của mình về a, b, c… Thay vào đó, học sinh cứ phải thế này, phải thế kia. Toàn là phải, phải và phải. Hầu như là không có gợi hứng, chỉ có bắt buộc; không có chọn lựa, chỉ có làm theo.
Suốt mười mấy năm trong guồng như thế, các cháu sẽ quen với việc không được đối xử một cách tôn trọng. Chính kiến là thứ gì đó vứt đi lâu rồi. Chẳng ai lắng nghe chúng cả. Gia đình cũng áp đặt mà nhà trường cũng áp đặt. Cuối cùng thì cũng đã đủ để hình thành nên tố chất của những đứa làm thuê thấp cấp sau khi tốt nghiệp: Ai bảo sao thì làm vậy. Ở điểm này, chúng ta thấy giáo dục như một cái lò mà bạn đưa vào đó viên ngọc và để rồi sẽ nhận về hòn đá!
Để viên ngọc của bạn ngày càng sáng lên, nó phải được tiếp nhận ánh sáng chứ không phải để cho người ta tùy tiện sơn trét lên đủ thứ. Trong khi mà vẫn chưa thể giành quyền nuôi dạy con tử tế, bạn cần phải giúp chúng giải bỏ mọi áp lực phi lý từ bên ngoài. Vẫn phải học bài, trả bài, kiểm tra, thi cử, nhưng cứ xem chúng như những trò chơi thôi. Đừng nặng kết quả. Bởi vì rốt cuộc thì những thứ này cũng chẳng quan trọng. Với bệnh thành tích hiện nay, hầu như là học kiểu gì cũng lên lớp, cũng tốt nghiệp được. Tiến sĩ, thạc sĩ mà người ta còn cho ra lò hàng loạt như lợn con cơ mà!
Nhà trường dạy con bạn phải biết rất nhiều kiến thức linh tinh, thứ mà phần lớn sẽ trở nên vô tích sự khi bước vào đời. Trong khi đó, những gì tạo nên một cuộc sống hạnh phúc thì không có trong chương trình của họ. Chính vì vậy, bạn đừng phó mặc. Mỗi gia đình cần phải xây dựng, duy trì chương trình giáo dục của riêng mình. Hãy làm bạn với con để chia sẻ cùng chúng những gì thuộc về chăm sóc sức khỏe thể chất, về thế giới nội tâm, về thơ ca, về tình yêu thương, về trách nhiệm, về thái độ tích cực trước cuộc sống.
Hãy để con mình biết rằng chúng chính là những sinh mệnh huy hoàng và vĩ đại như bất kỳ ai khác. Không ai được quyền sỉ nhục, xúc phạm, đánh đập, ép buộc nó. Mỗi người đến với đời này với mục đích trải nghiệm khác nhau, do vậy mà sẽ sống theo cách của riêng mình, không cần bắt chước. Bắt tất cả phải làm một thứ giống nhau, giỏi một thứ như nhau là phản giáo dục, phi nhân tính.
Bọn trẻ cần biết được rằng chúng mang tiềm năng vô hạn của những bậc tạo hóa. Chẳng có gì phải lo lắng cho cuộc mưu sinh để mà còng lưng với mấy con chữ, con số ròng rã suốt 1/3 cuộc đời. Chỉ cần chọn lấy một vài thứ thực sự đam mê để mà chơi với nó hết mình. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” là thế. Chẳng có ai giỏi một nghề mà lại nghèo đâu. Mà để giỏi một thứ thì chúng ta phải quên đi nhiều thứ không cần thiết khác. Chớ có bắt một nghệ sĩ Violin tương lai phải miệt mài tiêu hóa đống công thức rối rắm của khoa học tự nhiên. Đừng ép một nhà vật lý phải đọc thuộc văn, sử. Đứa có tố chất của một võ sư thì không cần phải học tất cả những thứ mà một thằng mong muốn trở thành kiến trúc sư cần.
Bạn cần nhớ là ai cũng cần không gian riêng của mình. Mà bọn trẻ hiện nay thì đang bị xâm chiếm nghiêm trọng và can thiệp thô bạo suốt cả ngày. Chúng bị giám sát cả trong giấc ngủ nữa. Đó là nhân danh tình thương chứ không phải tình thương chân thật. Cao nhất của yêu thương, trí tuệ nhất của yêu thương là giành cho nhau sự tôn trọng và mang đến cho nhau sự tự do.
Khi được độc lập, tự do, đứa trẻ sẽ dần dần cho bạn thấy năng lực, sở trường thực sự của nó. Và chỉ cần khích lệ, cổ vũ thôi, chúng ta sẽ có những thiên tài.
Hãy giành lấy một phần việc giáo dục về phía gia đình. Không có nhiều hy vọng nếu cứ ném con em mình vào hệ thống và phó thác cho nó.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!