Góc tư vấn

Thống hối là phương thế thiết yếu để thanh luyện tâm hồn

Thống hối là phương thế thiết yếu để thanh luyện tâm hồn

 

Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô đến trần gian, đã nêu rõ mục đích là để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và thực hiện công trình cứu rỗi nhân loại. Để hoàn tất công việc lớn lao này, Chúa đã đặc biệt quan tâm đến những thành phần tội lỗi, và trực tiếp tiếp xúc, hoán cải họ từ bỏ con đường tội lỗi để đến cuộc sống tốt lành.

Trong thời gian hoạt động công khai, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số thành phần điển hình, như ông Lêvi, có tên là Matthêu, chuyên nghề thu thuế cho Rôma. Chúa đi qua trạm thuế do ông phụ trách và bảo ông: “Anh hãy theo tôi!”. Ông đứng dậy đi theo Người. Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng ăn với Chúa Giêsu và các môn đệ. Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Chúa ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ của Chúa: “Sao! Ông ấy ăn uống với quân thu thuế và quân tội lỗi!”. Nghe thấy thế, Chúa Giêsu nói với họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,14-17).

 

Tình trạng xã hội thời Chúa Giêsu hoạt động công khai

Thời Chúa Giêsu hoạt động công khai, Do Thái thời đó đang phải sống dưới ách đô hộ của đế quốc Rôma, người dân phải sống trong tình trạng sưu cao thuế nặng, các tệ nạn lan tràn, gian lận về thuế má, trộm cắp như rươi, đĩ điếm lan tràn, nạn khất thực và nô lệ nặng nề vì kinh tế khó khăn. Chúa Giêsu, ngoài việc rao giảng Tin Mừng, còn trực tiếp tiếp xúc với mọi thành phần, cứu chữa những người đau yếu, bệnh hoạn, tật nguyền, bị quỷ ám… Đối với những thành phần tội lỗi công khai, ngoài ông Lêvi tức Matthêu, Chúa còn kêu gọi ông Giakêu cũng thuộc ngành thuế bỏ đường tội lỗi, quay về với nẻo chính đường ngay (x. Lc 19,1-10). Chúa đã giải thoát bà Maria Macđala khỏi bảy quỷ ám hại (x. Lc 8,2); giải thoát cô gái điếm khỏi tình trạng hành nghề tội lỗi (x. Lc 7,36-50). Chúa đã mở ra đường sống mới cho người phụ nữ ở Samari đã từng trải qua năm đời chồng và đang ở với người chẳng phải là chồng. Rồi từ việc giải thoát chị, Chúa đã tạo ảnh hưởng nơi nhiều người Samari khác, giúp họ nhìn thấy ánh sáng đức tin rõ ràng hơn.

Còn có những trường hợp khác, chẳng hạn là ngay khi bị treo trên thập giá, Đức Giêsu còn mở đường cho tên gian phi được cải dữ về lành, khi anh ta kêu lên: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi!”. Và Chúa nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. (Lc 23,42-43).

Nhân loại tội lỗi cần được cứu thoát

Chúa Giêsu đến trần gian không phải chỉ là để cứu rỗi dân tộc Israel. Dân Israel hồi đó đang tôn thờ Thiên Chúa một cách khá tích cực, nhưng cũng đã có những sai phạm cần phải sửa chữa. Như Chúa Giêsu đã từng nói: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì chẳng được vào Nước Trời”(Mt 5,20). Ngoài Israel còn có nhiều dân tộc khác trên thế giới đang sống trong nhiều tình trạng khác nhau, tội lỗi và việc tôn thờ các tà thần đang lan tràn. Ngay đế quốc Rôma cũng có những cuộc sống sa đọa và việc thờ các tà thần đủ kiểu xảy ra khắp nơi. Việc Chúa đến cứu dân Israel chỉ là khởi điểm và ơn cứu chuộc xuất phát từ đó để tỏa lan khắp nơi.

Sự ý thức về thân phận tội lỗi

Điều quan trọng là nhiều dân tộc chưa ý thức về các hậu quả do tội mà ra. Có những thành phần sống bê tha, trụy lạc hoặc bóc lột bất công mà vẫn vui vẻ, phè phỡn bất kể rồi sẽ như thế nào!

Đối với Hội Thánh Công giáo, sự ý thức làm lành lánh dữ rất rõ ràng. Hội Thánh luôn quan tâm đến việc thống hối về tội lỗi và tìm mọi phương thế để hoán cải. Thánh Gioan Tông đồ, trong thư thứ nhất đã dạy về sự ý thức này: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta”.

“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng bảo trợ trước mặt Chúa Cha, là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giêsu là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.” (1Ga 1,8-9; 2,1-2)

Vì ý thức như vậy, nên trong nghi thức phụng vụ, mỗi khi cử hành thánh lễ, mọi thành phần dân Chúa không phân biệt chức tước lớn nhỏ, đều bày tỏ sự thống hối về các sai phạm của chính bản thân mình, khi cùng nhau xưng thú: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót: Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!

Ý nghĩa của sự thống hối nội tâm

Từ xa xưa từng có những thành phần nhân loại đã nhận ra những sai phạm và đã có những thực hành thống hối. Đối với dân tộc Israel đã từng nhận được vô số ơn lành nhưng cũng đã từng có những sai phạm tái đi tái lại nhiều lần. Sự thống hối thường không thật tâm và không bền. Dân thành Ninivê, khi đã được Thiên Chúa sai ngôn sứ Giôna đến cảnh báo vì tội lỗi nặng nề, đã thực hiện thống hối một cách rất tích cực bằng việc mặc áo vải thô, xức tro trên đầu, ăn chay nhiệm nhặt từ người đến gia súc, xa lánh các hành động tội lỗi… Và Thiên Chúa đã thương, không còn giáng họa để tiêu diệt cả thành. (x. Gn 1,1-16; 3,1-10)

Thực ra, sự thống hối đã từng diễn ra nhiều lần, điển hình là đối với dân tộc Israel. Nhưng sự thống hối đã không thực tâm, không vững, không bền.

“Thống hối nội tâm là định hướng mới cách triệt để cho cả cuộc đời, là trở về, là trở lại cùng Thiên Chúa với cả tâm hồn, đoạn tuyệt với tội lỗi, quay lưng với sự dữ và ghê tởm những hành động xấu xa chúng ta đã phạm. Đồng thời sám hối nội tâm cũng bao gồm ước muốn và quyết tâm thay đổi đời sống, với niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và lòng tin tưởng vào sự trợ giúp của ân sủng của Ngài. Cuộc hoán cải nội tâm được kèm theo bằng sự đau khổ và buồn phiền hữu ích được các Giáo phụ gọi là nỗi thống khổ của tâm hồn, sự cắn rứt của trái tim” (GLHTCG 1431)

Thống hối thật tâm và cậy nhờ ơn Chúa

Khi tín hữu nhận ra những lầm lỗi của chính mình, thì việc ước ao thống hối là cần thiết, nhưng “Lòng người nặng nề cứng cỏi. Con người phải được Thiên Chúa ban cho quả tim mới. Hối cải trước hết là công trình ân sủng của Thiên Chúa, Đấng làm cho lòng chúng ta trở lại với Ngài: “Xin đưa chúng con về với Ngài, lạy Chúa, để chúng con trở về.” (Ac 5,21). Thống hối vì lòng tha thiết mến yêu Chúa là lẽ sống của người tín hữu. Vì thế: “Đừng xé áo nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương!” (Ge 2,13)

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!