Trong lá thư được công bố ngày 21/11/2024, Đức Thánh Cha đã mời gọi các chủng sinh, giáo sĩ và tín hữu canh tân sâu rộng việc học hỏi lịch sử Giáo hội để hiểu rõ hơn thực tế. Ngài nói rằng chúng ta phải từ bỏ quan niệm Giáo hội như “thiên thần” và chấp nhận “những vết nhơ và nếp nhăn” của Giáo hội để yêu Giáo hội như Giáo hội là.
Nuôi dưỡng mối liên kết với các thế hệ đi trước
Mở đầu lá thư được công bố trong buổi họp báo tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đề cập đến nhu cầu cổ võ “ý thức lịch sử đích thực”, với việc xét đến “chiều kích lịch sử của chúng ta như là những con người”. Ngài nhấn mạnh: “Không ai có thể thực sự biết được căn tính sâu xa nhất của mình, hoặc điều họ mong muốn trở thành trong tương lai, nếu không chú ý đến những mối liên kết gắn kết họ với các thế hệ trước”.
Giáo hội là người mẹ phải được yêu mến như Giáo hội là
Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha tuyên bố rằng chúng ta phải từ bỏ quan niệm “thiên thần” về Giáo hội và chấp nhận “những vết nhơ và nếp nhăn” của Giáo hội để yêu Giáo hội như Giáo hội thực sự là. Ngài viết: “Giáo Hội cũng như người mẹ, phải được yêu thương như Giáo hội vốn là, nếu không chúng ta không yêu Giáo hội chút nào, hoặc chúng ta chỉ yêu một bóng ma trong trí tưởng tượng của mình”. Giáo hội học hỏi từ những sai lầm của mình và nhận ra chính mình “ngay cả trong những khoảnh khắc đen tối”, chữa lành vết thương của chính mình và của thế giới nơi Giáo hội đang sống.
Nền văn hóc hủy bỏ
Nói về tầm quan trọng của việc bảo tồn lịch sử trong Giáo hội và trong xã hội, Đức Thánh Cha đã cảnh báo về “văn hóa hủy bỏ” và những câu chuyện lịch sử thiên vị bóp méo quá khứ để biện minh cho các hệ tư tưởng hiện tại. Theo ngài, chúng ta cần có sự tham gia cân bằng vào lịch sử, thừa nhận cả những chương đen tối nhất của nhân loại và những khoảnh khắc ân sủng phi thường. Ngài nhấn mạnh, ký ức “không phải là trở ngại cho sự tiến bộ mà là nền tảng cho công lý và tình huynh đệ”.
Tham chiếu các nguồn lịch sử chính yếu của Giáo hội
Đức Thánh Cha đã đề cập đến một số lĩnh vực cần đổi mới trong việc nghiên cứu lịch sử Giáo hội. Ngài chỉ trích những cách tiếp cận giản lược lịch sử Giáo hội thành những sự kiện theo trình tự thời gian đơn thuần, và nhấn mạnh đến nhu cầu nghiên cứu lịch sử một cách say mê và nhiệt huyết. Ngài cũng kêu gọi nhấn mạnh nhiều hơn vào các nguồn chính yếu, thúc giục các chủng sinh đào sâu các tác phẩm thời đầu Kitô giáo.
Sự tử đạo
Cuối cùng, Đức Thánh Cha suy tư về tính trung tâm của sự tử đạo trong lịch sử Giáo hội, nhắc nhở các tín hữu rằng Giáo hội thường tìm thấy vẻ đẹp vĩ đại nhất của mình trong những khoảnh khắc bị bách hại và đau khổ, khi chứng tá của Giáo hội về Chúa Kitô tỏa sáng nhất.
Kết thúc lá thư, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu lịch sử và nhắc nhở rằng “nghiên cứu không phải là chuyện ngồi lê đôi mách”. Nghiên cứu thực sự đòi hỏi lòng can đảm để đặt ra những câu hỏi sâu sắc và chống lại sự xao lãng của chủ nghĩa tiêu thụ về văn hóa.