Tượng gỗ – tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian
Những người làm tượng gỗ dân gian trên khắp các buôn làng Tây Nguyên nói chung, Bahnar, Jrai của Gia Lai nói riêng đều là những “nghệ sĩ nông dân” thực thụ. Họ sáng tạo từ bản năng với niềm tin mình làm được tượng gỗ là do thần linh (Giàng) ban cho khả năng ấy. Họ tự học tạc tượng từ người già, người biết tạc giỏi hơn ở trong làng mình hoặc các làng khác và tùy theo nhận thức cũng như tài hoa cá nhân mà họ làm nên những tác phẩm tượng gỗ vừa có giá trị nghệ thuật vừa có giá trị tâm linh. Trong quá trình làm tượng, họ tự thể hiện sự sáng tạo của mình chứ không ai có thể can thiệp. Cùng một chủ đề nhưng tượng ở làng này khác làng kia, người này khác người kia. Một tượng có thể do 1 người hoặc một nhóm 3 – 5 người thực hiện. Tượng gỗ có đầy đủ chức năng của một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian (chứ không chỉ bó hẹp trong khái niệm tượng mồ như nhiều người tưởng nhầm) nên nó mới được con người đem về trang trí cho môi trường sống của mình thêm phong phú. Và thực tế, trong các khuôn viên sân vườn của gia đình hay quán ăn, như: Bazan, Plei Tiêng, Ia Gui (Gia Lai), Công viên Đồng Xanh (Gia Lai), Khu Du lịch sinh thái Măng Đen (Kon Tum), Ko Tam (Đắk Lắk), quán cà phê Eva (Kon Tum)… có trang trí tượng gỗ được rất nhiều du khách ưa thích. Những tượng này đều được tạc mới và đã thể hiện đúng chức năng giải trí, làm đẹp của mình. Dĩ nhiên, nhóm tượng ngồi ôm mặt buồn, tượng chống cằm, tượng ngồi khóc, tượng giao hoan, khoe sinh thực khí, bà chửa… thì ít ai trưng bày vì nhóm tượng này thường thể hiện đời sống tâm linh, tín ngưỡng nhiều hơn khía cạnh giải trí, sinh hoạt.
Giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa
Tượng gỗ dưới bàn tay các nghệ nhân |
Mỗi bức tượng là sự sáng tạo của mỗi nghệ nhân. Các nét chạm khắc của người này không thể giống người kia, người sau không thể giống người trước. Thạc sỹ Hoàng Thị Thanh Hương cho biết: “Được tiếp xúc nhiều với nghệ nhân nên tôi rất dễ nhận ra tượng của vùng Ayun Pa hay Chư Pah, tượng vùng Kbang hay Krông Pa… Còn tượng đẹp, có hồn hay không là do tài năng, trình độ của mỗi nghệ nhân”. Việc tượng được tô màu cũng là đặc điểm bình thường của từng vùng miền. Vùng thì nghệ nhân để tượng thô mộc màu gỗ nguyên sơ, như (Pleiku, Chư Pah, Đức Cơ); vùng lại bôi màu, tô sơn cho đẹp (Krông Pa, Ia Pa, Chư Prông). Trước kia, đồng bào đã dùng các loại lá, vỏ cây để tạo màu sắc trang trí cho đồ dùng của mình, như nhuộm chỉ để dệt vải, trang trí nhà mồ. Những năm gần đây, nhiều nơi đã bảo tồn, phát huy nghề tạc tượng bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc thi tạc tượng. Nhà nước cũng rất cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi về vật chất (gỗ, dụng cụ) để nghệ nhân phát huy hết khả năng, tay nghề của mình. Những nghệ nhân giỏi có thể chỉ dẫn đôi chút cách đục đẽo sao cho đường nét tinh tế hơn, cách vạc sao cho tạo ra đường nét, hình khối đẹp hơn, phù hợp hơn với dáng hình khúc gỗ. Còn “chỉ đạo”, “sắp đặt” cụ thể của một cá nhân này với một cá nhân khác, chắc chắn là việc không ai làm và cũng không làm được. “Muốn giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, chúng ta vừa có biện pháp bảo tồn, vừa tìm mọi điều kiện cho nó tồn tại trong sự vận động và phát triển chung của xã hội. Đấy mới là cách nghĩ đúng, làm đúng, không nên nhìn ở một góc hẹp về không gian, vai trò của tượng gỗ trong đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên” – Thạc sỹ Hoàng Thị Thanh Hương khẳng định.