Những Ðiều Giáo Lý: Những Ðiều Lãnh Từ Thiên Chúa Tình Yêu
Cầu nguyện: Tin Mừng theo thánh Matthêu 28, 16-20: Chúa sai các tông đồ đi giảng đạo.
- Trình bày đề tài:
Truyện mở đầu: Tôi mới lên hai.
Linh mục De Smet de Termonde, vị thừa sai miền đồi núi, kể chuyện một cụ già 80 tuổi đã cúi đầu nhận dòng nước tha thứ qua Bí tích Rửa tội. Cụ hết sức cảm động, và từ đó cụ thay đổi cuộc sống, cụ sống rất tốt lành, khác hẳn cuộc sống trước kia.
Hai năm sau, lúc sắp tắt thở, người ta hỏi xem cụ bao nhiêu tuổi? Cụ già khả ái đáp:
– Tôi mới lên hai. đời tôi chỉ bắt đầu tính từ ngày tôi lãnh Bí tích Rửa tội, còn 80 năm về trước là quãng đời chết khô. (M. Arami, Sống, NS. TTÐM tái bản 1993, trang 29).
* Bác sĩ Tissot là một bác sĩ nổi tiếng ở Thụy Sĩ. Mặc dù là một người Tin lành, nhưng ông cũng kính trọng và công nhận sức chữa bệnh của Bí tích Cáo giải thực hành trong Giáo hội Công giáo.
Ngày kia, ông được mời đến trị bệnh cho một phu nhân ngoại quốc, trẻ tuổi mắc bệnh trầm trọng. Vì nàng là một tín hữu Công giáo, nên cũng đã mời linh mục ban Bí tích Cáo giải và Bí tích Xức dầu bệnh nhân. Ngay tức khắc, nàng cảm thấy thay đổi, dễ chịu. Lúc này, nàng trở nên êm dịu và trầm tĩnh, khác với lúc trước luôn tỏ vẻ hốt hoảng và sợ chết. . Sáng hôm sau, bác sĩ Tissot thấy cơn sốt giảm dần và bệnh nhân bình phục.
Bác sĩ Tissot thường nhắc lại biến cố này và bao giờ ông cũng thêm vào một lòi thán phục chân thành:” . . . nhờ sức mạnh toà Cáo giải của người Công giáo”.
1.2 Những điều Lãnh nhận từ Thiên Chúa Tình Yêu được tóm lại trong kinh bảy Bí tích.
“Bảy Bí tích đều do Chúa Kitô thiết lập. Các Bí tích có mục đích thánh hoá và giáo huấn con người, xây dựng thân thể Chúa Kitô, và để thờ phượng Thiên Chúa. (PV 59). “Bảy Bí tích gắn liền với mọi giai đoạn quan trọng của đời tín hữu: sinh ra và lớn lên, chữa trị và trao phó một sứ vụ trong cuộc sống Kitô giáo. Qua đó ta thấy có điểm tương đồng giữa những giai đoạn của đời tự nhiên và cuộc sống siêu nhiên” (GlCg92 số 1210).
– Thứ nhất là Phép Rửa tội: (Sacrament of Baptism):
Như hài nhi chào đời làm con người, hài nhi được rửa tội làm con Chúa, con Giáo hội.
Chúa Giêsu lập Bí tích Rửa tội (Mt 28,19) để tha tội Tổ tông và tội riêng (người lớn), ban ơn Thánh hoá. Nhờ ơn Thánh hóa, ta được làm con Chúa, đáng hưởng Thiên đàng nhờ công nghiệp Chúa Kitô (GlCg92 số 1250).
Bổn phận cha mẹ Công giáo: “Cha mẹ liệu cho con được rửa tội trong những tuần lễ đầu tiên”, và “Nếu hài nhi gặp cơn nguy tử, phải rửa tội cho nó ngay, đừng trì hoãn” (GL điều 867).
Rửa tội khi sẩy thai: Trường hợp sẩy thai (miscarriage), người mẹ nên bình tĩnh lấy nước rửa tội cho con. Ngay cả khi nghi ngờ bào thai còn sống hay đã chết, cũng nên lấy nước lã vừa đổ vừa đọc: “Nếu con còn sống thì mẹ rửa con Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Ai có quyền rửa tội?
a/ Lúc bình thường thì linh mục và phó tế rửa tội,
b/ Lúc nguy tử (danger of death) thì ai rửa cũng được, kể cả người ngoài Công giáo, miễn là làm theo cách Giáo hội Công giáo dậy, nghĩa là lấy nước lã đổ trên đầu kẻ lãnh đồng thời đọc lời này: “Tôi rửa. . .nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”. (GlCg92 số 1256).
(Ðối với người lớn nguy tử, trước khi rửa tội, nếu có thể, cần hỏi họ những điều sau: – Có tin Thiên Chúa dựng nên trời đất không?, – Có tin Thiên Chúa thưởng phạt công bằng không?, – Có tin một Chúa Ba ngôi, ngôi Hai ra đời chuộc tội không?, – Có tin Thiên đàng thưởng kẻ lành, Hoả ngục phạt kẻ dữ đời đời không?, – Nếu bệnh nhân khỏe mạnh lại có bằng lòng đi học giáo lý không? Khi họ được khỏe lại, thưa với linh mục giúp giáo lý cho họ).
Có bạn trẻ nói: để con cái lớn lên, tự nó xin rửa tội, nếu nó muốn! Trả lời: Cha mẹ có bổn phận lo cho con những điều tốt về phần xác cũng như phần hồn. Rửa tội, được làm con Chúa là điều tốt. Vậy cha mẹ nên rửa tội cho con cái ngày chúng mới sinh.
1.2. Thứ hai là Phép Thêm sức. (Sacrament of Confirmation)
Như con người lớn lên, phải bảo vệ quốc gia, con Chúa đủ tuổi khôn cũng được thêm sức để làm chứng nhân (witness) cho Chúa Kitô.
Chúa Kitô lập Bí tích Thêm sức (Ga 14, 16) để tín hữu lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, trở nên chứng nhân trung thành của Chúa Kitô trong cuộc sống và tích cực xây đắp Giáo hội Ngài (GlCg92 số 1302).
1.3. Thứ ba là Phép Mình Thánh Chúa. (Sacrament of The Eucharist)
Như con người cần của ăn nuôi xác, con Chúa cần lãnh Mình Thánh Chúa (Thánh Thể) để nuôi linh hồn.
Chúa Giêsu lập Bí tích Mình Thánh Chúa (Lc 22, 19-20) để nuôi dưỡng linh hồn tín hữu đời này và bảo đảm hưởng phúc Thiên đàng đời sau.
Ð- Rước Lễ cách tử tế sẽ được bốn ơn này (GlCg92 số 1391-1395): 1/ Ðược kết hợp với Chúa, 2/ Ðược xoá bỏ các tội nhẹ, 3/ Ðược thêm sức chống cám dỗ, 4/ Ðược bảo đảm sống đời đời. Mỗi ngày được Rước lễ một lần, nếu dự thêm thánh lễ nữa trong cùng ngày, sẽ được Rước lễ lần nữa miễn là giữ các điều kiện.
Ð- Ba điều kiện để được rước lễ: 1/ Sạch tội trọng, 2/ Có ý ngay lành, 3/ Giữ chay một giờ trước khi rước lễ (trong giờ đó chỉ được uống nước lã, uống thuốc khi cần, ngoài ra không ăn uống thứ gì khác.
1.4. Thứ bốn là Phép Giải tội. (Sacrament of Reconciliation)
Như con người cần tha thứ sau khi lầm lỗi với tha nhân, con Chúa cần Bí Tích Hòa giải để được tha thứ, làm hòa cùng Chúa và Giáo hội.
Chúa Giêsu lập Bí tích Hoà giải (Ga 20, 22-23) là để tha tội, ban ơn thánh hoá cho hối nhân thành thực ăn năn trở về cùng Chúa và Giáo hội Ngài (GlCg92 số 1440).
Ð- Tín hữu đã phạm tội trọng cần phải lãnh Bí tích Hoà giải để xin lại ơn Thánh hoá, nhưng ai chỉ mắc tội nhẹ mà lãnh Bí tích này vì lòng sốt sắng cũng được thêm nhiều ơn thánh.
Ð- Tội trọng là khi biết mà còn cố tình phạm điều cấm hay buộc trọng. Ví dụ: Tự ý bỏ lễ Chúa nhật (GlCg92 số 1857).
1.5. Thứ năm là Phép Xức dầu thánh. (Sacrament of Anoiting of the Sick)
Như con người đau yếu cần bổ sức, con Chúa cần bổ sức qua Bí Tích Xức dầu Bệnh nhân.
Chúa Giêsu lập Bí tích Xức dầu Bệnh nhân qua thánh Giacôbê (Gc 5,14-15) để ban sức mạnh nâng đỡ bệnh nhân phần hồn, phần xác.
Mọi tín hữu đã đến tuổi khôn (thông thường từ 7 tuổi trở lên) bị đau nặng, hoặc người già nua kiệt sức, cần lãnh Bí tích Xức dầu không nên trì hoãn. Khi trở bệnh nặng hơn, dù đã được xức dầu, cũng được xin xức dầu lần khác (GlCg92 số 1514 -1515). Người trông coi bệnh nhân cần để ý giúp họ lãnh các Bí tích cuối đời.
1.6. Thứ sáu là Phép Truyền chức thánh. (Sacrament of Holy Orders)
Như các viên chức phục vụ xã hội, con Chúa lãnh Bí Tích Truyền chức để phục vụ Giáo hội Chúa.
Chúa Giêsu lập Bí tích Truyền chức (Lc 22, 19) để thông quyền linh mục của Chúa cho một số người được chọn làm giám mục, linh mục, phó tế để các vị phân phát ơn phúc cho dân Chúa qua nhiệm vụ (GlCg92 số 1536).
Ð- Các tín hữu cần cầu nguyện, tôn kính, vâng phục các linh mục trong những điều hợp đạo cộng tác với các ngài để xây dựng Nước Chúa nâng đỡ các ngài về tinh thần và vật chất.
1.7. Thứ bảy là Phép Hôn phối. (Sacrament of Marriage)
Như người nam nữ kết hôn để sinh sản con người, con Chúa lãnh Bí Tích Hôn phối để sinh sản con Chúa.
1* Ý định Thiên Chúa về Hôn phối thế nào?
– Thiên Chúa sáng tạo con người, có nam có nữ để trợ giúp nhau, và chúc phúc cho họ sinh sản. (GlCg92 số 1602-05). Nhưng hôn phối đã bị đe dọa bởi tội lỗi. Ðể chữa lành, người ta cần nhờ ơn Chúa (GlCg92 số 1606).
2* Chúa Kitô dạy gì về hôn phối?
– Chúa Kitô đã đưa hôn phối trở về ý nghĩa nguyên thủy: một vợ một chồng, trung thành mãi mãi. Vì chính Thiên Chúa đã kết hợp người nam và người nữ, nên không ai có thể tự ý tháo gỡ. Ðể trung thành với đòi hỏi này, đôi hôn nhân rất cần ơn trợ giúp của Chúa hầu vác thập giá theo Người (GlCg92 số 614-15).
3* Không kết hôn có được không?
– Từ những ngày đầu của Giáo hội, đã có những người tình nguyện sống trinh khiết vì nước Trời, để tự do lo việc Chúa và Giáo hội. Chính Chúa Kitô là mẫu gương cho những người này (GlCg92 các số 1618-1620).
4* Mục đích Bí tích Hôn phối là gì?
Mục đích Bí tích Hôn phối (Mt 19,6 Ep 5, 25) là để đôi vợ chồng lãnh nhận ơn thánh hướng về lợi ích của đôi bạn, và lợi ích cho con cái qua việc sinh sản và dưỡng dục chúng.
Tự bản chất, hôn phối và tình yêu vợ chồng hướng về sinh sản và giáo dục con cái. Ðây là đỉnh cao của hôn nhân (GlCg92 số 1652). Cha mẹ truyền lại cho con đời sống luân lý, tinh thần và siêu nhiên. Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên của con cái (GlCg92 số 1653).
Ð-Dù không được Chúa ban con cái, vợ chồng vẫn có cuộc đời hôn nhân đầy đủ ý nghĩa. Cuộc hôn nhân của họ tỏa sáng sự phong phú của bác ái vì đón nhận và hi sinh (GlCg92 số 1654).
5* Ðiều kiện để lập giao Ước Hôn nhân thành sự là gì?
– Là một người nam, một người nữ, đã được Rửa tội, được tự do kết hôn, phải nói lên sự ưng thuận này (GlCg92 số 1625).
Tự do nghĩa là không bị cưỡng ép, không bị cản trở luật tự nhiên hoặc luật Giáo hội. Ưng thuận tự do là điều không thể thiếu trong việc thành hôn. Không có sự ưng thuận, sẽ không có hôn phối (GlCg92 số 1626).
Sự ưng thuận là hành vi ý chí, không bị bạo lực hoặc sợ hãi nghiêm trọng (GlCg92 số 1628).
(Sự ưng thuận phải là hành vi nhân linh (gồm trí khôn và ý muốn), nói lên vợ chồng hiến thân cho nhau:
“Anh (em) nhận em (anh). . . làm vợ (chồng) và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em”.
6* Có cần chuẩn bị thành hôn không?
– Ðể lời thưa ưng thuận của hai vợ chồng thật sự là một hành vi tự do và có trách nhiệm, và để giao ước hôn nhân có những nền tảng con người và người Công giáo được vững chắc bền bỉ, rất cần chuẩn bị hôn nhân (GlCg92 số 1632).
7* Ðặc tính của Bí tích Hôn phối là gì?
Hai đặc tính của Hôn nhân là Duy nhất (unity) và Bất khả hủy (indissolubility) (GlCg92 số 1644). Nói cách khác là yêu Mãi- Một người, không li dị.
8* Cử hành Bí tích Hôn phối thế nào?
– Nghi thức Hôn phối thường được cử hành trong Thánh lễ. Sự hiến thân cho nhau trọn đời của hai người được kết hợp với việc Chúa Kitô hiến thân cho Giáo hội, họ rước Mình Máu Chúa để làm nên một thân thể trong Chúa Kitô (GlCg92 số 1621)
Ð-Trước khi lãnh Bí tích Hôn nhân thành hiệu, xứng đáng và sinh hoa trái, đôi vợ chồng cần lãnh nhận Bí tích Cáo giải (GlCg92 số 1622) và Bí tích Thêm sức, nếu chưa lãnh, và nếu không có khó khăn nặng (GL điều 1065).
9* Ai là thừa tác viên trong nghi thức Hôn phối?
– Chính đôi vợ chồng là thừa tác viên cho nhau, họ bày tỏ sự ưng thuận của mình trước Giáo hội (GlCg92 số 1623).
10* Thừa tác viên của Giáo hội đứng đó làm gì?
– Linh mục và Phó tế chỉ là người chứng kiến nhân Danh Giáo hội, ban phép lành, sự hiện diện này nói lên hôn nhân Công giáo là một thực tại của Giáo hội (GlCg92 số 1630).
11* Tại sao Giáo hội buộc tín hữu cử hành hôn phối theo thể thức của Giáo hội?
– Vì 4 lý do sau: – 1.Bí tích hôn nhân là hành vi phụng vụ, – 2. Hôn nhân là một bậc sống trong Giáo hội, có quyền lợi và bổn phận giữa vợ – chồng, cha mẹ – con cái, 3. Cần phải có sự chắc chắn về sự kết hôn nên cần người làm chứng, – 4. Tính chất công khai của sự ưng thuận sẽ giúp cho dễ trung thành hơn với lời hứa ưng thuận của hai người hơn (GlCg92 số 1631).
12* Giáo hội có cho kết hôn với người ngoài Công giáo không?
– Giáo hội cho phép kết hôn với người rửa tội ở tôn giáo khác, hoặc những người không rửa tội, nhưng Giáo hội đòi hỏi sự chú ý đặc biệt thận trọng của người phối ngẫu và các vị chủ chăn. Giáo hội khuyên không nên “coi nhẹ những khó khăn của những cuộc hôn nhân hỗn hợp này, thảm kịch chia rẽ tôn giáo ngay tại gia đình mình, quan niệm về hôn phối, sẽ trở thành căng thẳng trong hôn nhân, trong việc giáo dục con cái. Có thể từ đó sinh ơ hờ với đạo của mình (GlCg92 số 1633-1635).
13* Ðâu là hiệu quả của Bí tích Hôn Phối?
– Hôn phối đã thành, sinh ra hiệu quả là Sự Ràng buộc Ðộc quyền và Vĩnh viễn, như là đặc tính của Bí tích Hôn phối. Hôn phối này được Chúa ban sức mạnh, được thánh hiến bằng Bí tích đặc biệt để lo các bổn phận và sự quí trọng của bậc sống (GlCg92 số 1638).
“Sau khi thành hôn “Cả hai vợ chồng đều có nhiệm vụ và quyền lợi bằng nhau trong tất cả những gì liên hệ đến đời sống chung của vợ chồng” (GL điều 1135).
14* Những lợi ích và những đòi hỏi của tình yêu Phu thê là gì?
– Tình yêu này đòi tính bất khả đoạn tiêu và sự trung thành trong việc trao ban dứt khoát cho nhau và mở ra về hướng sinh sản con cái (GlCg92 số 1643-1654).
Ð- Dù xem ra khó, vì phải trói buộc suốt đời với một người, điều quan trọng là loan báo Tin mừng Thiên Chúa yêu thương bằng một tình yêu chung thủy. Với ân sủng của Chúa, họ là chứng nhân, họ đáng được biết ơn và được cộng đoàn Giáo hội nâng đỡ (GlCg92 1648).
15* Giáo hội có chấp nhận cho ly thân không?
– Có những tình trạng không thể duy trì sự sống chung được, vì nhiều lý do, khi ấy Giáo hội chấp nhận cho ly thân, nhưng họ không được kết hôn với người khác. Họ rất nên hoà giải với nhau (GlCg92 số 1649). Có thể coi thêm GL các điều 1151-1155.
16* Giáo hội có thể tuyên bố hôn nhân vô hiệu không?
– Nếu cuộc hôn phối không thành, Giáo hội sẽ tuyên bố vô hiệu, sau khi toà án có thẩm quyền của Giáo hội đã xem xét tình trạng đó. Khi đã tuyên bố bằng giấy tờ rồi, hai người được tự do thành hôn với người khác, những nghĩa vụ tự nhiên của sự phối hợp trước đó được bãi bỏ (discharged)(GlCg92 số 1629).
17* Khi tái hôn trái luật Giáo hội, có được Rước lễ không?
– Nhiều người Công giáo dựa vào ly dị dân luật để tái hôn. Giáo hội không thể nhận hôn phối mới này là thành hiệu, nếu cuộc hôn nhân trước đã thành. Do đó, họ không thể được Rước lễ bao lâu còn tình trạng này. Họ cũng không được thi hành một số trách nhiệm trong Giáo hội. Họ chỉ được lãnh Bí tích Cáo giải, nếu họ thành thực hối hận và quyết chí sống trong khiết tịnh.
Ð- Tuy nhiên, Giáo hội và cộng đồng vẫn mời họ tham dự sinh hoạt của Giáo hội, mời họ Nghe Lời Chúa, dự Thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, đóng góp công việc từ thiện, giáo dục con cái trong đức tin, hằng ngày sám hối xin ơn tha thứ (GlCg92 số 1650-51)đ.
18* Sao gọi gia đình là Giáo hội tại gia?
– Vì Chúa Kitô đã sinh ra và lớn lên trong gia đình thánh, vì thế các gia đình cũng cần trở nên các Giáo hội nhỏ, trong đó các phần tử thánh hoá nhau, truyền giáo cho nhau bằng lời nói và gương sáng đức tin: cầu nguyện, từ bỏ mình (tập chịu đựng), và bác ái (GlCg92 số 1655-57).
Các Phụ tích (Sacramentals) trong đạo Công giáo có ý nghĩa gì? (GlCg92 số 1671)
Ngoài bảy Bí tích kể trên, Giáo hội còn có những nghi thức dâng hiến, làm phép ảnh tượng, người và đồ vật, trừ quỉ. . . Những nghi thức này gọi là Phụ tích. Theo giáo huấn của Công đồng Vatican II : ” Nhờ các Phụ tích (còn gọi là Á Bí tích), con người được chuẩn bị lãnh nhận hiệu quả chính của các Bí tích và thánh hoá những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống” (PV 60).
- Thảo luận:
* Thánh lễ Misa đem lại những lợi ích gì cho người Công giáo? Tại sao nhiều người không muốn dự lễ và Rước lễ?
- Câu hỏi ôn:
- Rửa tội khi sẩy thai thế nào? (1.1)
- Mục đích của Bí tích Thêm sức là gì (1.2)
- Những ơn ích của việc Rước lễ (1.3.)
- Ai cần lãnh Bí tích Cáo giải? (1.4.).
- Ai cần lãnh Bí tích Xức dầu Bệnh nhân? (1.5).
- Mục đích của Bí tích Truyền chức? (1.6.)
- Mục đích của Bí tích Hôn phối? (1.7)
Ðề nghị
– Thực tập cách rửa tội
– Tìm hiểu truyện thánh Bổn mạng của mỗi người.
Bài đọc thêm
Ðiều Thiên Chúa Ðã Liên Kết
Chúa Kitô dạy: “Ðiều gì Thiên Chúa kết hợp loài người không được phân ly” (Mt 19, 6).
Nhưng trong thực tế, “nơi nhiều quốc gia, biết bao người Công giáo đã li dị theo dân sự và kí kết hôn ước mới theo dân sự” (GlCg92 số 1650).
Hướng dẫn của Giáo hội về điều này: – Khi một bên ngoại tình mà bên vô tội không tha thứ rõ ràng hoặc hiểu ngậm (nếu trong 6 tháng, kể từ khi bên vô tội biết việc người phối ngẫu ngoại tình, mà họ không nói gì, hoặc họ tự ý chấp nhận giao hợp với người ấy, thì coi như họ tha). Nếu bên vô tội tự ý không sống chung nữa, thì trong 6 tháng phải trình lên Bản quyền Giáo phận. – Nếu một bên gây nguy hiểm nặng phần hồn hoặc phần xác cho bên kia hoặc cho con cái, – Nếu làm cho đời sống chung nên quá cơ cực, thì có thể xin Ðấng Bản quyền để li thân (separation) (GL các điều 1152- 1153). Khi đã li thân, phải liệu việc chu cấp và giáo dục con cái theo lẽ phải (GL điều 1154).
Sách Giáo lý Công giáo 92 nói thêm:
“Giáo hội cho phép vợ chồng li thân và đình chỉ việc sống chung, nhưng họ vẫn luôn là vợ chồng trước Thiên Chúa. Họ không được tự do ký kết một cuộc hôn nhân mới. “Ai li dị mà cưới vợ khác, chồng khác là phạm tội ngoại tình” Mc 10,11-12). Trung thành với lời dạy của Ðức Kitô, Giáo hội không thể nhìn nhận hôn ước mới thành sự, nếu hôn ước đầu đã thành. Những người li dị rồi tái hôn theo dân sự, họ sẽ lâm vào tình trạng tự ý phạm luật Chúa. Do đó, họ không được lãnh Bí tích Thánh Thể bao lâu còn tình trạng đó. . .Giáo hội cũng chỉ ban ơn Bí tích Hoà giải cho những tín hữu đã hối lỗi đã xúc phạm đến giao ước và lòng trung thành với Ðức Kitô, để trở về sống hoàn toàn tự chế.
“Trong tình trạng khó khăn này, giải pháp tốt nhất vẫn là cố gắng hoà giải.
“Giáo hội mời họ lắng nghe Lời Chúa, dự thánh lễ, kiên tâm cầu nguyện, đóng góp việc bác ái từ thiện, đóng góp cho cộng đoàn theo lẽ công bình, nuôi dạy con cái theo đức tin Công giáo, thực tập tinh thần sám hối để kêu cầu ơn Chúa mỗi ngày (GlCg92 các số 1649-1651).
Tại Hoa kỳ và một số quốc gia, ít có li thân theo giáo luật, người ta thường tự li thân hoặc li dị toà đời. Những người li thân và li dị này, nếu sống đạo và không tái kết hôn ngoài Giáo hội, họ vẫn có thể lãnh Bí tích (John M. Huels, The Canon Law for The Laity, Franciscan Herald Press, 1983, p. 87).