Mục vụ gia đình

Yêu

Yêu

“Đố ai định nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ gió hưu hưu”
(Xuân Diệu).

Yêu là đề tài cũ xưa như trái đất, nhưng cũng lại là đề tài được nhiều người đề cập tới dưới muôn hình thức, thi ca, nhạc, truyện ngắn, truyện dài, hoặc khảo cứu. Nhưng như Xuân Diệu đả viết, thì có ai định nghĩa được tình yêu bao giờ! Do đó, khi nói về tình yêu cũng chỉ là một lối diễn tả cảm xúc của riêng mỗi người về một rung động hoàn toàn chủ quan, chỉ xẩy ra riêng cho một người mà người đó là ta hay không phải là chính ta. Vì vậy, yêu hay được yêu là một nhu cầu và là một quà tặng quí giá của Thượng Đế trao ban cho con người, để con người trao tặng lại cho nhau.

Yêu là một nhu cầu, vì nó dính liền, gắn bó, và tan hòa trong đời sống của con người. Khi sinh ra cho đến chết, mọi người đều có khả năng yêu và muốn được người yêu. Thiếu tình yêu, con người không thể sống quân bình và hạnh phúc được. Tình yêu, do đó, vượt trên cả những nhu cầu thuộc bản năng sinh tồn khác như ăn, uống, ngủ, nghỉ.

Yêu là một nhu cầu cao nhất đối với những nhu cầu khác vì nó không những liên quan trực tiếp đến đời sống bình thường, mà còn liên quan cả tới phần tâm linh và tri thức nữa. Form đã nói về tình yêu này và cho rằng tình yêu giữa Thượng Đế và loài thụ tạo là mối tình cao cả nhất, và đáng kính nhất. Nhận định về tình yêu như thế, có lẽ ông đã muốn diễn tả ý nghĩa lời Thánh Kinh là: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn” (Mt 22:37). Nhu cầu yêu và được yêu cũng thấy xuất hiện ngay giữa những bệnh nhân trong các nhà thương tâm thần, qua những cung cách cư xử của những bệnh nhân ấy đối với nhau và với những người săn sóc họ. Nhu cầu này dường như cũng thấy trong thế giới loài vật. Thật vậy, tuy không cao hơn con người nhưng bản năng muốn được săn sóc và chiều chuộng vẫn thấy có nơi những con vật mà ta nuôi trong nhà. Thí dụ con mèo, con chó chẳng hạn,  chúng tuy không nói được, nhưng vẫn linh cảm và dành cho chủ chúng sự quyến luyến, quí mến hơn những người xa lạ.

Yêu không chỉ là một nhu cầu, mà còn là một quà tặng. Chỉ có con người mới trao nhau tình yêu và nhận lấy từ người mình yêu qùa tặng này. Do đó, khi nói “tình cho không, biếu không”, tức là nói tới một thứ tình cảm hạ cấp, tầm thường và thiếu giá trị. Người ta không thể cho không hay biếu không tình mình, mà chỉ có thể trao tặng người nào biết trân quí và coi trọng tình mình. Trong thế giới tình yêu, người ta còn đề cập tới mãnh lực của mình yêu và những điều kiện của tình yêu.

Tình yêu rất mãnh liệt và bùng nổ kinh khủng. Sức mạnh nó có thể làm thay đổi cả một triều đại, như truờng hợp 1 vị vua nước Anh trước đây đã sẵn sàng nhường ngôi vua để đi theo tiếng gọi của con tim. Thánh Kinh Kitô giáo đã gọi “tình yêu mạnh hơn sự chết”. Khi đã yêu, người ta không còn phân biệt hơn thua, hoặc tính toán. Trịnh Công Sơn cũng đã diễn tả về sức mạnh tình yêu bằng một tư tưởng rất hay, theo ông thì “tình yêu như trái phá, con tim mù loà”. Điều này giải thích tại sao có những kẻ dám chết vì tình.

Vì không thấy tình yêu, không sờ được tình yêu, và nhất là không ai định nghĩa được tình yêu, nên tình yêu đã tự nó linh thiêng, cao quí lại càng trở thành huyền hoặc và khó lòng diễn tả. Nói một cách xác quyết là chưa có ai và cũng chẳng có bao giờ có người nào định nghĩa được tình yêu. Tuy vậy tình yêu vẫn có một mẫu số chung là, không ai có thể che dấu được tình cảm của mình khi đang yêu và được yêu. Người ta không thấy điện, không thấy gió nhưng vẫn cảm được gió, biết là có điện. Cũng thế, tuy không định nghĩa được, không nhìn thấy tình yêu nhưng vẫn có thể cảm được và biết được sự có mặt của tình yêu. Toma d’Aquinas đã đưa ra 5 hiệu quả tất yếu của tình yêu, theo đó:

–         Khi yêu thì đòi có mặt của nhau. Việt Nam ta có câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” – một ngày không gặp mặt bằng ba năm xa cách.

–         Khi yêu ta muốn nên giống người mình yêu. Tâm lý học cũng xác nhận đặc tính này khi diễn tả về tình yêu.

–         Khi yêu mong hoặc kiếm tìm sự thiện hảo cho người mình yêu.

–         Khi yêu người ta muốn nên một với nhau. Ở đây câu “hai ta tuy hai mà một, tuy một mà hai” mang ý nghĩa này. Cũng trong hình thức trở nên một với người mình yêu mà hành động sinh lý trong hôn nhân mới có ý nghĩa, và như một phương tiện chuyên chở tình yêu và trao tặng giữa hai kẻ yêu nhau.

–         Khi yêu là hy sinh cho người mình yêu.

Những hành động trên là cái thước, là chiếc hàn thử biểu của tình yêu. Tình yêu chỉ có giá trị khi có người nào đó nhận ra được, trân trọng, nâng nưu và bảo vệ nó. Như vậy, cả người trao và kẻ nhận đều hạnh phúc, đều vui mừng vì muốn yêu và được yêu.

Nhưng dường như trào lưu sống hiện sinh lúc này đang có những quan niệm và lối nhìn khác về tình yêu. Đối với tâm trạng chung của thế hệ hiện nay, yêu đồng nghĩa với hưởng thụ, với lãng mạn, tình tứ, và khỏa lấp ham muốn của xác thịt. Theo đó, yêu mà không cuồng loạn, không hưởng thụ, không thỏa mãn giác quan chưa phải là yêu, và tình yêu chưa đạt mức. Quan niệm sống này có thể coi như một sự xuống giốc thê thảm và tụt hậu của tình yêu, vì khi con người coi thường tình mình, coi thường thân xác mình cũng là lúc con người tự mình đi vào những vấn nạn không giải thích được trong lãnh vực yêu thương. Từ đó nẩy sinh ghen tương, ngờ vực, ngoại tình, ly thân, và ly dị. Kết quả là không mấy ai muốn nhìn nhận những gía trị thật của hôn nhân, của gia đình.

Tóm lại, ảnh hưởng của trào lưu hưởng thụ và sự thoái hoá về luân lý đang làm nhiều người lầm tưởng và cho rằng tình yêu chỉ là một trò chơi của ái tình, của hưởng thụ, và của những mơn trớn tình cảm và giác quan. Họ đã đánh mất đi những đặc tính và sự cao cả của tình yêu. Và để phục hồi giá trị của tình yêu và để tình yêu được lên ngôi trong đời sống của con người, chúng ta phải thực hiện điều mà Đức Kitô đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn kẻ thí mạng sống mình vì bạn hũu mình”(Gio 15:13). Thiếu hy sinh và tha thứ, thiếu nhẫn nại và hòa giải, thiếu thông cảm và lắng nghe, tình yêu chỉ là một món hàng rẻ tiền rao bán đối với kẻ bán cũng như người mua.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!