Mục vụ gia đình

5 LỜI KHUYÊN ĐỂ THỰC HIỆN GIỜ CẦU NGUYỆN CHUNG TRONG GIA ĐÌNH

5 LỜI KHUYÊN ĐỂ THỰC HIỆN GIỜ CẦU NGUYỆN CHUNG TRONG GIA ĐÌNH

 

Một số người có thể dễ dàng chứng thực điều sau đây: cầu nguyện chung trong gia đình không phải là một dòng sông dài êm đềm. Nếu việc thao luyện này nguy hiểm, liệu chúng ta có nên buông tay hay không? Dưới đây là một số lời khuyên để giúp cha mẹ và con cái sống giờ phút cầu nguyện này, trong hồi tâm và thanh thản.

1. Tại sao phải cầu nguyện chung trong gia đình?

Thực sự là thú vị khi đặt một câu hỏi thế này, trước khi tìm hiểu sâu xa hơn. Những lợi ích của việc cầu nguyện chung trong gia đình là gì? Tại sao phải kiên trì? Bởi vì điều này dẫn chúng ta cùng nhau đến với Chúa Giêsu. Đối với gia đình thực hiện việc cầu nguyện, thì cầu nguyện vừa là nơi hiệp thông, học hỏi, tha thứ, cởi mở với người khác, vừa là nơi tưởng nhớ và cử hành.

2. Ưu tiên cầu nguyện vào chiều tối.

Đúng như tên gọi, cầu nguyện được thực hiện vào buổi tối, trước hoặc sau bữa tối, đôi khi ngay trước khi đi ngủ. Thời gian sẽ phụ thuộc chủ yếu vào độ tuổi của con cái và lịch sinh hoạt gia đình hàng ngày của bạn. Chọn một góc cầu nguyện, trình bày cụ thể vị trí của Chúa trong nhà bạn. Lời cầu nguyện này cần ngắn thôi, không quá 15 phút, thường là từ 5 đến 10 phút. Đối với nghi thức, đây là đề xuất của tác giả: dấu thánh giá, một bài hát, một lời cảm ơn, một lời tha thứ và có thể là một bài đọc Lời Chúa với những ý chỉ lớn lao nhất, một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng, dấu thánh giá. Một số gia đình cũng thực hiện một lời chúc lành khác nhau tùy theo mỗi ngày trong tuần.

3. Thực hiện truyền thống gia đình của bạn.

Bởi vì không có một cách duy nhất để cầu nguyện, mỗi gia đình có cơ hội tạo ra nghi thức cầu nguyện của riêng mình. Mà cũng có thể phát triển thêm các nghi thức cầu nguyện trong suốt cuộc đời và trong các sự kiện gia đình đang trải qua. Thiên Chúa cho phép chúng ta tự do cầu nguyện, vì vậy hãy để sự sáng tạo của chúng ta lên tiếng! Ví dụ nhỏ: yêu cầu bọn trẻ đệm các bài hát bằng một cái trống lục lạc con con (luôn giữ được sự kiểm soát tình hình!) Trên hết, người ta học biết cầu nguyện trong gia đình bằng cách thực hành cầu nguyện, với một số thử nghiệm và sai lầm, hãy đối mặt với chúng. Nhưng trong bất cứ tình huống nào điều đó không được làm chúng ta nản lòng.

4. Có được sự thanh thản và chiêm nghiệm

Đây là một thách thức lớn! Đặc biệt là đối với các gia đình nhiều con, ở các độ tuổi khác nhau. Làm thế nào để thu hút được sự chú ý của mọi thành viên ttrong gia đình vào thời điểm hồi tâm này? Trước hết, bằng cách chọn một vị trí thoải mái, mọi người phải tìm thấy vai trò của mình, để không phải can thiệp giải quyết  một cuộc xung đột có thể xảy ra. Sau đó, hãy quan tâm đến lúc khởi đầu của buổi cầu nguyện sao cho bước ban đầu đó giúp bạn tự nguyện tham gia buổi cầu nguyện một cách nghiêm túc và thanh thản. Cũng cần đảm bảo rằng tất cả mọi người đều tham gia vào buổi cầu nguyện, tùy theo khả năng của họ: đứa con này có thể thắp một ngọn nến, đứa con kia đọc một bản văn, … Đôi khi cũng cần phải “chia nhỏ buổi đọc kinh gia đình”: cha hoặc mẹ dẫn những đứa con nhỏ đến giường ngủ và đọc Kinh Lạy Cha với chúng. Người còn lại cùng cầu nguyện lâu hơn với những đứa con lớn hơn. Cho đến khi cả gia đình có thể cùng cầu nguyện trở lại.

5. Nếu con tôi không muốn cầu nguyện thì sao?

Tình huống này có nguy cơ xảy ra nhiều lần. Vậy thì càng phải chuẩn bị và suy nghĩ về những cách phản ứng thích hợp. Thái độ thích hợp rõ ràng phụ thuộc vào độ tuổi của đứa trẻ và cả sự chín chắn của nó. Trước hết, phải hiểu bản chất của việc không muốn cầu nguyện đó. Hãy biết rằng không nên áp đặt việc cầu nguyện. Do đó, đối thoại vẫn là lựa chọn tốt nhất. Hãy lắng nghe con bạn, để nó mở lòng ra, để nó tự do bày tỏ những gì nó cảm thấy và lý do tại sao nó từ chối việc cầu nguyện của gia đình. Tuy nhiên, chúng ta hãy khiêm tốn thừa nhận rằng: nếu cha mẹ có sứ mạng đồng hành với con cái trong việc khám phá và gặp gỡ Thiên Chúa, thì sứ mạng đó không thuộc về họ và thậm chí còn vượt quá bản thân họ.

… và trên hết, một gia đình Kitô hữu không phải là một gia đình hoàn hảo!

Thế nào là một gia đình Kitô hữu: “Gia đình Kitô hữu không phải là một gia đình hoàn hảo, nhưng là một gia đình đón nhận thực tế như nó là, chắc chắn Chúa đang chờ đợi gia đình đến cầu nguyện với Ngài và Ngài sẽ ban cho gia đình ân sủng của Ngài, để biến việc cầu nguyện thành một cơ hội yêu thương và sinh hoa trái dồi dào. Gia đình sẽ học được sự chuẩn bị sẵn sàng này của cõi lòng một cách đặc biệt trong buổi cầu nguyện chung, trong gia đình.

Tác giả: Sophie Delhalle, https://www.cathobel.be
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

LÝ DO CẦU NGUYỆN

Tôi cầu nguyện vì tôi là con người.

Cầu nguyện là điều tự nhiên đối với con người giống như thở, ăn, ngủ và yêu. Đối với triết gia, thi sĩ và mỗi con người, cầu nguyện là sự kết nối với nỗi sợ hãi và vẻ ngạc nhiên, với tất cả những gì là chân, thiện, mỹ. Cầu nguyện mở mỗi con người, cả xác và hồn, để được truyền Ân Sủng, Tặng Phẩm của Sự Sống và Tình Yêu Thiêng Liêng, dẫn đến tiềm năng phát triển của con người. Tiềm năng này trở nên hiệu quả khi một người hành động theo Tặng Phẩm đã nhận được và trở thành món quà chân thành của bản thân trao cho người khác. Biểu hiện của tình yêu này xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, do đó hoàn thành ý nghĩa và mục đích của cuộc sống.

Vị trí mặc định của người không cầu nguyện và khước từ Tặng Phẩm Thiêng Liêng là một thân xác và linh hồn khép kín trước sự tuôn tràn của Ân Sủng. Người ta không thể cho đi những gì mình không sở hữu và tiềm năng phát triển của con người bị giảm sút bởi tội lỗi và sự chết. Sống trong sự “không kết nối” như một bông hoa bị cắt, con người nắm bắt sự sống với nỗ lực vô ích nhằm thay thế ân sủng vô hạn bằng những điều hữu hạn của thế giới này. Con người trở thành những sinh vật tham lam, thèm khát, vì mọi nỗ lực xây dựng một thành phố trên nền tảng tội lỗi và sự chết không đáp ứng được những ước muốn sâu xa nhất của trái tim con người.

Trái tim con người được tạo ra cho nhiều điều nữa. Đó là lý do tôi cầu nguyện.

Thánh TS Tôma Aquinô nhận xét: “Tuy nhiên, lý do triết gia có thể giống với thi sĩ là vì cả hai đều quan tâm đến điều kỳ diệu.”

Anh bạn Jimmy Patridge của tôi đã cụt cả hai chân từ Việt Nam về nước, cuộc cách mạng tình dục đang diễn ra sôi nổi, việc sát hại thai nhi trở thành một quyền được hệ thống hóa thành luật. Trên hết, cuộc ly hôn không có lỗi đó khiến tôi băn khoăn về ý nghĩa của cuộc sống và tình yêu. Tôi tự hỏi làm thế nào tình yêu giữa hai người, đã từng rất tốt đẹp và đầy hứa hẹn, lại có thể chuyển sang không thích và thậm chí là thù hận. Tôi đã thấy tác động tiêu cực của việc ly hôn đối với những người bạn thời thơ ấu của mình. Sau đó là vụ bê bối lạm dụng tình dục trong Giáo Hội và chúng ta đã được cảnh báo, hóa ra là có lý do chính đáng, rằng chính phủ không đáng tin.

Ở tuổi 17, là con lớn nhất trong gia đình có 5 anh em trai, tôi cảm thấy bối rối, bế tắc và lo lắng. Hầu hết các ngày, sau giờ học tôi làm việc từ 3 giờ chiều đến 11 giờ đêm với tư cách là trợ lý đầu bếp của một khách sạn lớn. Gia đình tôi cần tiền; bên cạnh đó, thế giới công việc đem lại cho tôi cảm giác hài lòng và một lối thoát cho tâm trí rối bời của tôi.

Tôi bắt đầu tự hỏi, đây có phải là tất cả? Nỗi đau khổ và nỗi kinh hoàng của chiến tranh, tình yêu chỉ còn là tình dục, những cuộc hôn nhân có thể kết thúc, làm việc để thanh toán các hóa đơn và thậm chí có thể để quên đi.

Mối quan tâm ban đầu đối với triết học đã đưa tôi đến với Josef Pieper, ông viết: “Ngày nay, càng ngày càng nhiều, “lợi ích chung” và “nhu cầu chung” được xác định; và (điều dẫn đến điều tương tự) thế giới công việc đang trở thành toàn bộ thế giới của chúng ta; nó có nguy cơ nhấn chìm chúng ta hoàn toàn… cho đến khi đưa ra yêu sách “hoàn toàn” đối với toàn bộ bản chất con người. Một thế giới trong đó không có chỗ cho triết học theo bất kỳ ý nghĩa thực sự nào của từ ngữ này… Như mọi người biết, Plato gần như đồng nhất triết học và thần Eros, khao khát về tất cả những gì chân, thiện, mỹ. Liên quan sự tương đồng giữa triết học và thi ca, có một câu nói gây tò mò và ít được biết đến của Thánh Tôma Aquinô xuất hiện trong bài bình luận của ngài về siêu hình học của Aristotle: “Theo ông, triết gia có quan hệ thân thiết với thi sĩ ở chỗ cả hai đều quan tâm đến sự ngạc nhiên, với sự kinh ngạc và với điều khiến chúng ta kinh ngạc.” (The Philosophical Act, tr. 78, 79, 82)

Đức Gioan Phaolô II nói thêm: “Các bài học lịch sử cho thấy rằng đây là con đường phải theo: không cần thiết phải từ bỏ niềm đam mê tìm kiếm sự thật tối hậu, sự háo hức tìm kiếm nó hoặc sự táo bạo để tạo ra những con đường mới trong cuộc tìm kiếm. Chính đức tin thúc đẩy lý trí vượt lên trên mọi sự cô lập và sẵn sàng chấp nhận rủi ro để có thể đạt được bất cứ điều gì đẹp đẽ, tốt lành và chân thật. Do đó, đức tin trở thành người được thuyết phục và người biện hộ thuyết phục về lý lẽ.” (Fides et Ratio, số 56)

Với tôi thế là đủ, tôi cần thời gian để tìm ra sự thật – nếu nó tồn tại. Hy vọng rằng tôi có thể tìm ra câu trả lời, tôi rời khỏi nhà ngay khi có cơ hội đầu tiên, không có kế hoạch nào khác ngoài việc tìm kiếm không gian và suy nghĩ gần những ngọn núi hoặc đại dương. Tôi biết một người ở Denver, tôi sẽ bắt đầu ở đó. Tôi rút tiền mặt từ khoản lương cuối cùng của mình, chuẩn bị ba lô, giầy đi bộ đường dài, một số quần áo và chiếc xe đạp, đem tất cả lên chiếc xe ga cũ rồi lái đi.

Diễm Ca nói: “Nghe đây! Người yêu ơi, anh đến đây, vươn qua núi, nhảy qua đồi. Người yêu tôi như con linh dương hay con nai tơ…” Người tình tôi nói, anh ấy nói với tôi: “Hãy trỗi dậy, người yêu dấu của tôi, người đẹp của tôi, Và hãy đến đây!”

Một lần nọ, khi đi bộ đường dài ở Rockies, tôi đi theo đường dốc dành cho động đi qua những tán cây và bụi rậm cho đến khi tôi đến một khoảng đất trống ngay phía trên hàng cây. Cách đó không xa, tôi phát hiện một cây đơn độc đứng dọc theo nơi mà tôi hy vọng là đỉnh núi và hướng thẳng về phía đó. Khi đến nơi, tôi đứng sững sờ trước cảnh tượng trước mắt. Bên kia thung lũng mọc lên một ngọn núi phủ tuyết trắng xóa, thậm chí còn cao hơn và đẹp hơn. Đổ xuống từ đỉnh của nó, trông giống như chất lỏng bạc lấp lánh dưới ánh mặt trời, là một thác nước đổ xuống từ độ cao hàng ngàn mét bên dưới. Tiếng chim hót khắp nơi, ong và bướm chập chờn giữa những bông hoa dại ở thung lũng bên dưới cùng với đàn nai sừng tấm, những con nhỏ chạy nhảy, trong khi những con lớn gặm cỏ gần đó.

Tôi cởi ba lô và ngồi xuống, tựa lưng vào gốc cây, để đón nhận tất cả. Ngày hôm đó, tôi không tìm thấy các câu trả lời cho những câu hỏi của mình, nhưng tôi cảm thấy rằng sự kinh ngạc, kỳ diệu và vẻ đẹp trước mắt đã mở ra cánh cửa mà tôi được mời bước vào. Tôi bắt đầu cầu nguyện. Gần như ngay lập tức, vòng tròn nhỏ bé trong thế giới của tôi, nơi tôi chiếm quá nhiều không gian, trở nên rộng lớn hơn nhiều. Tôi trở nên nhỏ bé hơn, không phải vì tôi bị thu nhỏ lại, mà vì tôi được nhìn thấy và vòng tròn của tôi mở rộng ra bên ngoài. Tôi đã cố gắng tìm ra sự thật trong một vòng tròn nhỏ có tôi ở giữa. Tôi đang sống trong “một thế giới vĩnh cửu nhỏ bé và chật chội, khi đó điều tôi cần không phải là những lý lẽ mới mẻ mà là để cho nó có không khí.” (x. G.K. Chesterton) Lời cầu nguyện, giống như một nhánh được kết nối với cây nho, đã mở ra câu chuyện nhỏ hơn của cuộc đời tôi trước sự kinh ngạc và ngạc nhiên của câu chuyện lớn hơn.

“Chúng ta muốn nhiều hơn thế nữa – điều mà những cuốn sách về thẩm mỹ ít để ý đến. Nhưng các thi sĩ và thần thoại biết tất cả về điều đó. Chúng ta không chỉ muốn nhìn thấy vẻ đẹp, mặc dù Chúa biết, ngay cả điều đó cũng đủ hào phóng. Chúng ta muốn điều gì đó khác mà khó có thể diễn tả thành lời – được kết hợp với vẻ đẹp mà chúng ta nhìn thấy, đi vào nó, tiếp nhận nó vào chính mình, tắm mình trong nó, trở thành một phần của nó.” (C.S. Lewis – The Weight of Glory)

Đó là lý do tôi cầu nguyện.

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cho biết: “Cầu nguyện là khát vọng của tâm hồn, là cái nhìn đơn giản hướng lên trời, là tiếng kêu của sự công nhận và tình yêu, đón nhận cả thử thách cũng như niềm vui. Cuối cùng, đó là điều gì đó vĩ đại, siêu nhiên, mở rộng tâm hồn tôi và kết hiệp tôi với Chúa Giêsu.”

Thánh Gioan Damascene nói: “Cầu nguyện là nâng tâm trí lên với Thiên Chúa hoặc cầu xin những điều tốt lành từ Ngài.” Nhưng khi cầu nguyện, chúng ta nói từ đỉnh cao của lòng kiêu hãnh và ý chí của mình, hay từ sâu thẳm của lòng khiêm nhường và thống hối? (Tv 130:1) “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18:9-14) Khiêm tốn là nền tảng của cầu nguyện! Chỉ khi nào chúng ta nhìn nhận rằng “chúng ta không biết cầu nguyện như chúng ta phải cầu nguyện” (Rm 8:26) thì chúng ta mới sẵn sàng lãnh nhận món quà cầu nguyện một cách tự do. Thánh Augustinô nói: “Con người là kẻ hành khất trước mặt Thiên Chúa.”

Cuối cùng, cầu nguyện là nơi Chúa khao khát bạn đáp lại cơn khát Chúa của bạn. Trong Phúc Âm, Thánh Gioan kể một phụ nữ Samari đến giếng múc nước. (Ga 4:1-42) Chúa Giêsu nói với cô ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” Sau đó Ngài nói: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống,’ thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” Điều kỳ diệu của lời cầu nguyện được tỏ lộ bên cạnh giếng nơi chúng ta đến tìm nước: ở đó, Chúa Kitô đến gặp gỡ mọi người. Chính Ngài là người đầu tiên tìm kiếm chúng ta và mời chúng ta uống nước. Chúa Giêsu khát: lời xin của Ngài phát xuất từ nơi sâu thẳm của lòng Chúa khao khát chúng ta. Dù chúng ta có nhận ra hay không, cầu nguyện là cuộc gặp gỡ giữa cơn khát của Thiên Chúa với cơn khát của chúng ta. (GLCG, 2559-2560, Ga 4:10)

“Nếu bạn biết Tặng Phẩm của Thiên Chúa, và biết ai là người đang nói với bạn ‘Cho tôi chút nước uống’ thì bạn đã xin Ngài, và Ngài sẽ ban cho bạn nước hằng sống. Nghịch lý thay, lời cầu xin của chúng ta lại là lời đáp lại lời khẩn cầu của Thiên Chúa hằng sống: ‘Chúng đã lìa bỏ ta, Nguồn Nước Hằng Sống, mà đào những cái bể cho mình, những bể nứt không chứa được nước!’ Cầu nguyện là lời đáp trả của đức tin đối với lời hứa cứu rỗi nhưng không và cũng là lời đáp trả của tình yêu đối với cơn khát Con Một Thiên Chúa.” (GLCG, 2561)

Đó là lý do tôi cầu nguyện.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!