Chuẩn Bị Tâm Lý Giáo Huấn Con Cái
Cầu nguyện: Ðọc Phúc âm theo Luca (2,41-52): Cha Mẹ tìm Con trong Ðền thờ.
- Trình bày đề tài:
Truyện mở đầu: Bố nó hay bố tôi?
Tại Qui đức, cạnh thị xã Qui Nhơn, có một gia đình đông con mà nhà chật chội. Hai cô gái lớn còn ngồi đó chưa ai ngó ngàng. Hai cậu trai tiếp theo, và một cô bé nữa ra đời. Sống cảnh nóng bức của trời mùa hạ, Tài, 13 tuổi, nhân vật chính trong truyện, lúc nào cũng muốn nhảy ra khỏi nhà đi chơi với bạn bè.
Một hôm, hình như không phải là ngày đẹp trời. Ông bố của Tài đi làm về với dáng mệt mỏi, chân đi khập khiễng, vết thương của chiến tranh để lại. Nhìn không thấy Tài, ông quát lớn: Bớ Tài. Không một tiếng trả lời. Ông lại quát to hơn: Bớ Tài, mày đi đâu rồi! Tài đang chơi bắn bi ở nhà gần đó, vội chạy về. Kết quả là một trận đòn tê tái.
Ðau đớn, Tài khóc la inh ỏi, nhưng ông bố chưa nguôi, ông giục:
– Mẹ mày, không đi rửa mặt hả?
Tài vẫn đứng nguyên thút thít dưới dàn mướp được làm bằng mấy khúc cây sơ sài.
– Mẹ mày có đi rửa mặt không! Ông lên giọng cao hơn.
Hai ba lần mẹ mày, mẹ mày. Mẹ Tài ngồi trước cửa cạnh giếng nước, bà đang nhặt sạn ra khỏi thúng gạo, bỗng bà nổi nóng:
– Rửa hay không rửa thì kệ thằng bố nó, việc gì phải nói lôi thôi mãi.
Quá bực bội, ông quát:
– Thằng bố nào? Bà nói thằng bố nó hay thằng bố tôi?
Biết là không yên, Mẹ Tài đành im lặng. Thấy cuộc chiến quay hướng khác, Tài nhách mép cười, giảm dần tiếng khóc. Lợi dụng cơ hội, Tài lủi mất.
1.1. Cho con được Rửa tội: Vợ chồng đã cộng tác với Chúa để sinh con. Bổn phận đầu tiên cha mẹ làm ơn cho con là lo cho con trở thành CON CHÚA, con Giáo hội qua Bí tích Rửa tội.
Giáo hội dạy: “Sau khi sinh con, cha mẹ phải lo cho con mình được rửa tội ngay trong những tuần lễ đầu tiên. Nếu hài nhi gặp cơn nguy tử, phải rửa tội cho nó ngay, không chút trì hoãn”, sau đó trình Linh Mục xứ để ghi sổ Rửa tội, và nếu nó còn sống thì linh mục sẽ bổ túc nghi lễ Rửa tội. (Coi thêm GL các điều 867-869)
Ð-Tên Thánh Bổn mạng: Có thể lấy tên vị thánh kính trong tháng đặt làm bổn mạng cho con, hoặc vị thánh được dòng họ sùng kính Thánh Tử đạo Việt Nam. . . để các Thánh nước ta được tôn vinh hơn, tránh cảnh “Bụt nhà không thiêng”. Có thể, nhưng không buộc lấy cùng tên Thánh của người đỡ đầu.
1.2. Giáo huấn con thành con người, con Chúa:
– Cha ông ta đã nói:
Sinh con chẳng dạy chẳng răn,
Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng.
* Con cái đã được cha mẹ sinh ra, có quyền sống khoẻ mạnh, phát triển các năng khiếu, trở thành “con người” hữu dụng cho mình, cho nhà, cho nước:
“Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Ðông”
* Quan trọng hơn nữa, cha mẹ lo dạy con thành “con Chúa”: Biết sống đạo công bằng, bác ái. Nhất là biết giá trị cuộc sống đời đời như lời Chúa Kitô răn dạy:
” Ðược lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, nào được ích gì!” (Mt 16,26).
– Giáo hội dạy: “Cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục con cái. Họ được coi là những là giáo dục đầu tiên và chính yếu.” (GD 3).
“Vợ chồng đã lãnh nhận phẩm giá và chức vụ làm cha mẹ, sẽ chăm lo chu toàn bổn phận giáo dục, nhất là về phương diện tôn giáo, vì bổn phận này liên hệ đến họ trước” (MV 48).
1.3. Dạy con theo thời gian:
- Con ở trong gia đình:
– “Trong gia đình, cũng như các nơi khác, cha mẹ phải tận tâm canh chừng những phương tiện truyền thông (Tivi, báo chí, internet, xinê) để con cái được giải trí lành mạnh (TT 10).
– “Chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân (GD 3).
* Tạo bầu khí giáo dục lành mạnh:
“Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí chỉ trích, nó sẽ thích kết án người khác. – Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí hận thù, nó sẽ bướng bỉnh, hiếu chiến. – Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí chế diễu, nó sẽ nhút nhát rụt rè. – Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí sợ sệt, nó sẽ mặc cảm tội lỗi. – Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí tha thứ, nó sẽ hiền hoà, thông cảm. – Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí khuyến khích, nó sẽ tự tin. – Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí cởi mở, nó sẽ bộc lộ cảm nghĩ riêng tư. – Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí khích lệ, nó sẽ phát triển tài năng. – Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí công bằng, nó sẽ bênh vực sự thật. – Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí bác ái, nó sẽ biết thương người. – Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí cầu nguyện, nó sẽ tìm thấy Niềm Tin. – Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí có Chúa ngự trị, nó sẽ phát triển toàn diện nhân cách”. (Theo Dorothy L. Nolte)
* Chọn phương pháp giáo dục
1)- Cha mẹ tránh thái quá, bất cập: Không nên quá mềm dẻo nhu nhược để con muốn gì cũng chiều, cũng không nên quá cứng rắn cái gì cũng cấm cách, mắng phủ đầu. Thánh Phaolô khuyên bậc cha mẹ: “Ðừng áp bức con cái, nhưng hãy dưỡng dục, biết răn bảo sửa dạy theo đạo Chúa” (Ep 6,4).
2)- Cha mẹ hướng dẫn: Ngày nay, phương pháp dung hòa là: “Tự do có hướng dẫn”. Tùy tuổi mà giải thích công việc chúng phải làm hay không được làm, rồi để chúng tự do theo sáng kiến.
3) – Cha mẹ hợp nhất với nhau:
“Thuận vợ thuận chồng, tát biển Ðông cũng cạn”
Ðừng: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “Ông nói gà, bà nói vịt, ông bảo làm thịt, bà bảo để nuôi”, con cái sẽ không biết theo bên nào.
Giáo hội dậy: ” Ðể gia đình có thể sống trọn vẹn và chu toàn sứ mệnh mình, cần phải biết hoà hợp tâm hồn: vợ chồng phải cùng nhau bàn định, cũng như cha mẹ phải ân cần cộng tác trong việc giáo dục con cái” (MV 52).
4)- Cha mẹ làm gương sáng:
Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Gắng kiềm chế bản thân, tránh sửa phạt con lúc nóng nảy, tránh thiên tư, tránh bất nhất.
Công đồng dạy: “Ðược cha mẹ hướng dẫn bằng gương sáng và kinh nguyện gia đình, con cái và những ai sống trong gia đình sẽ gặp được con đường nhân ái, cứu độ và thánh thiện” (MV 48).
- Con đến tuổi đi học:
Khi con tới tuổi đi học, Giáo hội ước mong cha mẹ cẩn thận chọn trường, chọn thầy cho con:
“Cha mẹ phải được thực sự tự do chọn trường học cho con em. . .Họ phải theo dõi, cộng tác và nâng đỡ nhà trường, nhất là theo dõi việc giáo dục luân lý tại đây” (GD 6).
“Nếu hoàn cảnh và thời gian cho phép, cha mẹ có bổn phận ký thác con em vào các trường Công giáo” (GD 8).
- Cho con tham gia hội đoàn Công giáo:
Cha mẹ lưu tâm dạy con lương tâm ngay thẳng, biết công bằng, bác ái, nhất là với người nghèo. Lo đưa con đi học Giáo lý, Việt ngữ trong các lớp của cộng đoàn, giáo xứ để con được hiểu về đạo, về quê hương.
Cha mẹ rất nên cho con em gia nhập các đoàn thể Công giáo, để các em thăng tiến kiến thức, đức tính, và đạo đức.
- Con đã lớn, cha mẹ dạy về phái tính:
“Cha mẹ phải biết hợp thời và hợp cách giáo dục thanh thiếu niên về phẩm giá, phận sự và hành vi thể hiện tình vợ chồng, tốt nhất là trong chính khung cảnh gia đình, nhờ vậy một khi đã được rèn luyện để giữ đức khiết tịnh, đến tuổi thích hợp, chúng có thể từ thời đính hôn đứng đắn tiến tới hôn nhân”.. (MV 49).
Ð. Con đã trưởng thành:
” Phải giáo dục con cái thế nào để khi đến tuổi trưởng thành, chúng có thể chọn bậc sống và theo ơn gọi, ngay cả ơn gọi tu trì, với ý thức trách nhiệm đầy đủ, và nếu kết hôn, chúng có thể lập gia đình riêng trong những điều kiện luân lý, xã hội và kinh tế đầy đủ. Bổn phận cha mẹ hay người giám hộ là hướng dẫn những người trẻ khi lập gia đình, dùng lời khuyên nhủ khôn ngoan sao cho họ sẵn sàng nghe theo, tuy nhiên, phải cẩn thận, không được dùng áp lực trực tiếp hay gián tiếp ép buộc họ kết hôn hay chọn bạn đường”. (MV 52).
Thật là rõ ràng. Cha ông ta cũng dạy:
Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên!
Ðàng khác, đi tu cũng phải có ơn Chúa kêu gọi và kén chọn, đâu phải ai cũng có ơn gọi này.
1.4. Khổ gieo thì vui gặt: Cần dành giờ săn sóc con, hạn chế việc lo làm giầu. Nhiều tiền của mà mất con nào có lợi gì! Ðầu tư giáo dục con cái, lợi hơn đầu tư tiền bạc.
Cha mẹ cần cầu tiến, học hỏi, đọc sách báo. Nhớ lại thời trước của mình để rút kinh nghiệm. Nhất là phó thác con cái cho Chúa, cầu nguyện nhiều cho con, tốt hơn là la lối con nhiều, cửa nhà ầm ĩ.
Nên có tủ sách gia đình, trong đó có các sách, báo, phim ảnh đạo đời đứng đắn, xây dựng, cho con cái học hỏi.
- Thảo luận:
– Qua kinh nghiệm gia đình, anh chị thấy cách giáo dục nào có lợi cho con em hơn? Nuông chiều hay thẳng nhặt? Nhịn nhục hay nóng nảy?
Ðề nghị
Mời một bà mẹ đã có 2 hoặc 3 con tới nói chuyện về kinh nghiệm gia đình, qua tiếng nói nữ giới.
Câu hỏi ôn:
- Sau khi sinh con, cha mẹ cần làm gì cho con trước? (1.1.)
- Tại sao giáo dục con cái là trách nhiệm rất quan trọng của cha mẹ? (1.2.)
- Nên có bầu khí gia đình thế nào? ( 1.3.)
- Cách giáo dục nào có lợi cho con em? (1.3. A.)
- Cha mẹ có nên dạy con cái về tính dục không? (1.3.D.)
- Cha mẹ không được trực tiếp hay gián tiếp ép buộc con cái kết hôn, nếu chuyện này xảy ra, con cái nên làm thế nào? (1.3.Ð.)
- Tại sao người ta nói “Khổ gieo thì vui gặt”? Ðúng hay sai?(1.4.)
Bài Ðọc thêm
Các Giai Ðoạn Phát Triển Con Người
(Theo tâm lý gia Erik Erikson, hoàn cảnh chung quanh ảnh hưởng rất mãnh liệt trong việc phát triển tính tình con người. Ông phân chia cuộc sống con người theo 8 giai đoạn tâm lý căn bản, và nhấn mạnh rằng người ta chỉ có thể phát triển đầy đủ ở một giai đoạn nào đó về phương diện tình cảm, tâm lý, xã hội, nếu giai đoạn trước đó không bị gián đoạn).
- Tuổi O-1: Trong năm đầu, em bé cần tạo được và phát triển mối liên hệ với thế giới chung quanh em mới bước vào, nhất là cha mẹ và những người trong gia đình – đặc biệt là người mẹ. Tình yêu và mơn trớn của cha mẹ rất cần thiết để giúp em có được niềm yêu mến và tin tưởng với tha nhân sau này. Nếu không được âu yếm, em bé sẽ trở nên thiếu tin tưởng nơi chính mình cũng như với người khác sau này nữa.
- Tuổi 2-3: Ở tuổi này, em bé bắt đầu khám phá ra những hoàn cảnh chung quanh xem chúng liên quan với mình như thế nào. Em bắt đầu “thử xem” mình có thể làm được những gì. Tuy nhiên vì còn quá nhỏ và chưa có kinh nghiệm để “thành công”, cha mẹ cần ủng hộ và khuyến khích em hơn là làm cho em sợ. Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên quá bảo vệ em đến nỗi không dám để cho em được tự do khám phá và hành động một mình. Trong thời gian này, một là em có được tinh thần tự tin và độc lập, hoặc em sẽ trở thành con người liều lĩnh hoặc tự ti mặc cảm.
- Tuổi 3-5: Em bé bắt đầu quan sát người khác để học hỏi và bắt chước, em cũng tìm cách hành động theo cách thế riêng của mình. Em bắt đầu tập đương đầu với những khó khăn do ngoại cảnh, tập tranh đấu và thi đua với bạn bè. Cha mẹ và người lớn cần phải để cho em có cơ hội thắc mắc và được hướng dẫn hơn là khiển trách hoặc coi thường. Hơn nữa, đôi khi em cũng cần có kinh nghiệm thất bại để học hỏi thêm, nhưng quá nhiều thất bại có thể biến em thành con người mất tự tin. Nếu làm gì cũng bị la, hay hơi sai lỗi một tí là bị khiển trách, em sẽ dễ bị mặc cảm tội lỗi, trở thành đóng kín, dần dần đi đến bi quan yếm thế và không dám tự ra tay làm lấy điều gì.
4 Tuổi 6-12 (Thiếu niên): Ở tuổi này em bắt đầu một mình bước vào xã hội với các cuộc giao tiếp và ganh đua với bạn bè tại trường học và các nơi khác. Em tập phát triển các tài năng và năng khiếu riêng nhờ các sinh hoạt chung và tiếp xúc. Nếu giai đoạn này thành công, em sẽ có nhiều nghị lực và kinh nghiệm để đương đầu với những khó khăn và khủng hoảng sau này trong cuộc đời. Nếu không phát triển trong giai đoạn này, trong tương lai, em sẽ dễ cảm thấy mình thua kém bạn bè, nhát đảm khi gặp những thử thách khó khăn.
- Tuổi 13 – 19 (Thanh Thiếu niên): Khi hoạt động với bạn bè trong một nhóm, người trẻ này chập chững làm người lớn, khám phá ra vai trò và địa vị mình trong mối tương quan với tha nhân và xã hội. Nếu học hỏi và có thêm những cảm nghiệm tích cực về bản thân, người trẻ bắt đầu hãnh diện và tự trọng, đồng thời biết tôn trọng người khác. Nếu không được như vậy, người trẻ sẽ mất cảm thức về giá trị và địa vị chính mình trong mối tương quan với xã hội.
- Tuổi 20- 35 (Thanh niên): Người thanh niên bây giờ có khuynh hướng tạo mối tương quan với người khác một cách riêng tư và thân mật hơn. Nếu thất bại, người thanh niên sẽ vụng về trong giao tế xã hội và khó kết thân với người khác, nhất là những người khác phái.
- Tuổi 35 – 60 (Trung niên): Ở tuổi trung niên này, người ta bắt đầu quan tâm đến tha nhân trong xã hội và thế giới hơn là chính mình. Người ta muốn làm hoặc để lại một cái gì cho thế hệ mai sau. Nếu không được phát triển tốt, người ta sẽ có khuynh hướng ích kỉ và qui về cuộc sống cá nhân cho riêng mình hơn là cho tha nhân.
- Tuổi 60- (Cao niên): Nhìn lại cuộc đời quá khứ, người ta nhìn thấy và cảm nghiệm rõ hơn về địa vị của mình trong vũ trụ. Một là họ chấp nhận sự chết sắp đến như một điều phải đến và hài lòng về cuộc sống quá khứ của mình hai là họ hối hận đau buồn và bất mãn thất vọng về quá khứ của họ.
(Tham khảo Erik Homburger Erikson, Joan Mowat Erikson, The Life Cycle Completed , Norton & Company)