Linh mục Phêrô Huỳnh Thế Vinh
– Trong một tư tưởng nổi tiếng[1], Blaise Pascal cho rằng có ba thứ bậc cao trọng.
Thứ nhất là thứ bậc vật chất hay thân xác. Người được đề cao là người giàu có, người có sức khoẻ lực sĩ hay vẽ đẹp thể xác. Đây là một giá trị được nhiều người tìm kiếm và không nên xem thường, nhưng là giá trị ở bậc thấp nhất.
Cao trọng hơn là thứ bậc của thiên tài và trí thông minh mà nổi bật là những nhà tư tưởng, nhà phát minh, nhà khoa học, những nghệ sĩ và thi sĩ. Đây là một thứ bậc có một phẩm chất khác. Sự việc người đó giàu hay nghèo, đẹp hay xấu… không thêm vào hay lấy đi bất cứ điều gì đối với một thiên tài. Những dị dạng thể xác trên con người của họ không lấy đi điều gì từ nét đẹp của những tư tưởng của Socrates, hay những thành tựu khoa học của Albert Einstein hay của Stephen Hawking…
Thiên tài là một giá trị chắc chắn cao hơn giá trị trước, nhưng đó chưa phải là giá trị cao nhất. Trên thiên tài vẫn còn một thứ bậc cao cả khác, đó là thứ bậc của tình yêu, của sự thánh thiện. Charles Gounod[2] cho rằng một giọt thánh thiện đáng giá hơn một đại dương tài năng. Đẹp hay xấu, học thức hay ít học… không thêm gì hay lấy đi điều gì đối với một vị thánh dấn thân phục vụ hết mình vì tình yêu. Sự cao cả của một vị thánh thuộc về một thứ bậc khác. Kitô giáo thuộc về bậc thứ ba này.
Trong tiểu thuyết Quo vadis, một người ngoại giáo hỏi Thánh Phêrô khi ngài mới đến Rôma: “Athêna cho chúng tôi sự khôn ngoan, Rôma cho chúng tôi quyền lực, thế tôn giáo của ông cho chúng tôi điều gì?” Thánh Phêrô trả lời: “Tình yêu[3]!” Tình yêu là thứ mong manh nhất trên thế gian, rất dễ bị người ta loại trừ. Nhưng qua kinh nghiệm chúng ta thấy: quyền lực, khoa học, sức mạnh và tài năng sẽ trở thành thứ gì và sẽ trở nên nguy hiểm thế nào, nếu không có tình yêu?[4]
Trong tháng Sáu, hình ảnh Chúa Giêsu chỉ tay vào Thánh Tâm có vòng gai và ngọn lửa bốc cháy như là một lời mời gọi chúng ta trở về với cội nguồn của tình yêu là chính Thiên Chúa (x. 1Ga 4:16). Thực tế đời sống với nhiều hận thù, chia rẽ và chiến tranh như hiện nay đã cho thấy chúng ta đang thất bại trong tình yêu. Trở về với tình yêu, chúng ta sẽ được hiệp thông với Chúa và với nhau, và cũng chính bằng tình yêu mà chúng ta cất bước ra đi loan báo Tin Mừng.
- Sự thất bại của chúng ta trong tình yêu
“Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe” (2Tm 4,3). Lời Kinh Thánh này đang ứng nghiệm cách mới mẻ trong thời đại chúng ta. Rất nhiều người không còn thích nghe giáo lý lành mạnh, mà thích nghe theo những gì độc lạ, đặc biệt là chạy theo những tư tưởng, triết thuyết suy tôn cá nhân lên mức tuyệt đối, lấy ước muốn của mình làm tiêu chuẩn luân lý cho mọi hành động. Hơn hai thế kỷ qua, những tư tưởng của các triết gia hiện sinh vô thần đã dần dần thấm vào tư tưởng của con người. Các triết gia này kêu gọi con người hãy loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời họ. Nietzsche tuyên bố: “Thiên Chúa đã chết, Thượng Đế đã thực sự chết. Và chúng ta đã giết Người”[5]. Còn Jean-Paul Sartre thì nói: “Nếu Thiên Chúa hiện hữu, con người không là gì cả. Thiên Chúa không hiện hữu! Thật vui, khóc vì vui!”[6] Nhưng khi con người loại trừ Thiên Chúa, giết Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, thì cũng chính là lúc những triết gia hiện sinh vô thần này lại nhận ra và thốt lên: “Tha nhân là địa ngục”[7]. Không có tình yêu, con người trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất của con người, như Plautus từng nói: “Người với người như chó sói”[8]. Và khi loại trừ Thiên Chúa, thì gia đình, cộng đoàn, xã hội sẽ trở thành hỏa ngục, nơi tung hoành của ma quỷ.
Trong các Tin Mừng, sự dữ có hai tên gọi khác nhau để miêu tả hai hoạt động khác nhau. Đôi khi các Tin Mừng gọi thế lực ấy là “Ma quỷ” (Devil) và ở những lần khác thì lại gọi là “Satan”. Trong tiếng Hy Lạp, ma quỷ có nghĩa là vu khống và xé nát mọi thứ. Nhưng trớ trêu thay, Satan lại có nghĩa gần như hoàn toàn ngược lại. Nó có nghĩa là hợp nhất mọi thứ, nhưng theo một cách bệnh hoạn và ác độc.[9] Ma quỷ hoạt động bằng cách chia rẽ chúng ta, và tạo cho chúng ta có thói quen vu khống lẫn nhau để cộng đồng mãi mãi bị chia rẽ do ghen tị và buộc tội. Còn Satan thì làm ngược lại nhưng với kết quả tương tự. Satan kết hợp chúng ta theo một cách bệnh hoạn, có nghĩa là dưới tác động cuồng loạn của đám đông, dưới hình thức đấu đá truyền thông xã hội, các ý thức hệ ích kỷ, kỳ thị, phân biệt, ghen tị và bằng vô số cách ác độc khác, để lôi kéo chúng ta vào đám đông – hận thù, kết án, và “đóng đinh” nhau.[10]
Chúng ta đang ở trong thời buổi cay đắng. Đâu đâu cũng có giận dữ, lên án người khác, chia rẽ và bất đồng. Chiến tranh và thù hận diễn ra khắp nơi, ở mọi cấp độ: từ gia đình đến quốc gia và quốc tế. Chúng ta không khó để nhận ra điều này khi các trang mạng, các kênh thông tin đăng đầy các tin tức gây hấn và chia rẽ.
Nhìn vào Giáo hội, chúng ta không phủ nhận tình yêu mãnh liệt, đầy hy sinh và trách nhiệm của các giám mục, linh mục dành cho Giáo hội. Nhưng điều đó không đủ để che giấu sự hận thù, chia rẽ và thâm chí còn “đóng đinh” lẫn nhau trong nội bộ Giáo hội. Và thực trạng này cũng đang diễn ra ở khắp nơi và ở mọi cấp độ. Đôi khi những thái độ và hành động này được biện minh bằng lý do đấu tranh cho sự thật, cho công lý, cho giáo huấn của Giáo hội, và cho chính Thiên Chúa. Nhưng sự hận thù, việc đóng đinh người khác là dấu hiệu không thể sai lầm rằng chúng ta đang hành động trái với sự thật, trái với Giáo hội, và nhất là trái với điều Chúa Giêsu đã nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em thương yêu nhau” (Ga 13, 35).
Công đồng Vatican II đã tuyên bố chính các kitô hữu, và đặc biệt là các mục tử, phải chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc làm nảy sinh chủ thuyết vô thần trong tư tưởng và đời sống của dân Chúa, vì lẽ chúng ta đã “xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc vì trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội, có thể nói lúc đó chúng ta che giấu hơn là bày tỏ hình ảnh đích thực của Thiên Chúa”[11].
- Trở về với tình yêu để hiệp thông với Chúa và với nhau
Theo Đức Bênêđictô XVI: “Tình yêu là ánh sáng – và chung cuộc, là ánh sáng duy nhất – sẽ làm cho một thế giới đen tối được sáng trở lại”[12].
Hình ảnh Thiên Chúa của Kitô giáo là tình yêu: “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16). Và từ hình ảnh của “Thiên Chúa là tình yêu” này rút ra hình ảnh của con người và con đường tiến đến ơn cứu độ của con người cũng chính là tình yêu.[13]
Có người quả quyết rằng nếu tất cả Thánh Kinh trên trái đất này bị hủy hoại bởi một tai họa nào đó hay bởi một cơn thịnh nộ phá hủy các hình tượng tôn giáo và chỉ còn lại một bản; và bản còn lại đó cũng bị hư hại đến mức chỉ còn lại một trang, và nếu trang đó nhăn nheo đến độ chỉ còn một dòng có thể đọc được: nếu dòng đó là dòng của Thư thứ nhất thánh Gioan viết rằng: “Thiên Chúa là tình yêu!” thì coi như toàn bộ Thánh Kinh được cứu vãn, vì tất cả nội dung là ở câu này.[14] Qua các tiên tri, Thiên Chúa đã mạc khải tình yêu của Ngài cho con người. Thiên Chúa so sánh tình yêu của Ngài với tình yêu của một người mẹ (x. Is 49,15 tt), với tình yêu của một người cha (x. Hs 11,4), với tình yêu của một người chồng (x. Is 62,5) … Chính Thiên Chúa tóm tắt cách xử sự của Ngài đối với Israel bằng một câu: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở” (Gr 31,3). Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn thấy chưa đủ để bộc lộ hết tình yêu của Ngài, nên “trong những thời sau hết này, Ngài đã nói với chúng ta qua người Con” (Dt 1,2). Có một sự khác biệt lớn ở đây: Đức Giêsu không chỉ nói cho chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa như các tiên tri; mà Người còn chính “là” tình yêu của Thiên Chúa. Vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16) và Đức Giêsu là Thiên Chúa![15]
Theo Henri de Lubac, nơi Đức Giêsu, “định nghĩa ‘Thiên Chúa là tình yêu’ làm đảo lộn mọi thứ mà con người đã quan niệm về thần linh”[16]. Thật vậy, trong các tôn giáo, con người phải dâng hy tế là các con vật và cả mạng sống của con người để xoa dịu thần linh. Nhưng nơi Kitô giáo, đó không còn là con người hiến tế cho Thiên Chúa, mà là Thiên Chúa, Đấng đã “hiến tế” chính Ngài cho con người, bằng cách trao nộp Con Một cho sự chết vì con người (x. Ga 3,16). Hy tế không phải để “xoa dịu” Thiên Chúa nữa, nhưng đúng hơn để xoa dịu con người, khiến con người không còn thù nghịch với Thiên Chúa và với người lân cận.[17]
Hy tế tình yêu của Chúa Giêsu giúp con người được trở về hiệp thông với Thiên Chúa. Đức Bênêđictô XVI giải thích: “Khi Chúa Giêsu trong các dụ ngôn nói về người mục tử chạy theo con chiên bị lạc mất, về người đàn bà đi tìm đồng bạc bị đánh rơi, về người cha chạy đến người con đi hoang và ôm nó vào lòng, thì đấy không những chỉ là những lời nói, nhưng là những cách giải thích về bản chất và hành động của chính Người. Và trong cái chết thập tự của Người, việc “Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình” đạt đến mức tuyệt đỉnh, khi Người tự hiến chính mình, để nâng con người lên và cứu độ họ – đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất”.[18]
Hy tế tình yêu của Chúa Giêsu giúp con người hòa giải với nhau. Thánh Phaolô cho biết: Trên thập giá, Chúa Giêsu “đã tiêu diệt nơi mình sự thù ghét…, đã thiết lập hòa bình” (x. Ep 2,14-15). Chúa Giêsu đã tiêu diệt sự thù ghét chứ không phải kẻ thù. Và đây là con đường duy nhất đưa tới hòa bình. Người ta không thể xây dựng hòa bình bằng con đường tiêu diệt kẻ thù, vì máu của kẻ thù sẽ sinh ra kẻ thù, bạo lực sẽ sinh ra bạo lực lớn hơn và chẳng lẽ phải tiêu diệt tất cả những ai không đồng quan điểm với mình sao? Nếu đi theo con đường này, thì tha nhân đúng là hỏa ngục và ngày nhân loại bị hủy diệt không còn xa… Hòa bình của Chúa Giêsu đem đến không phải là hòa bình bằng chiến thắng kẻ khác, nhưng là chiến thắng chính mình; không phải bằng tiêu diệt sự thù hận nơi người khác mà là nơi chính mình, không phải bằng tiêu diệt người khác mà là bằng dâng hiến chính mình. Trong cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu như Người Tôi Trung Đau Khổ (x. Is 53) đã không có bất kỳ hành động tàn bạo nào; ngược lại, mọi bạo lực trên thế giới đều đổ dồn vào Người: bị đánh, bị đâm, bị ngược đãi, bị đòn vọt, bị kết án và giết chết… Trong tất cả những điều đó, Người không mở miệng kêu ca, xử sự như con chiên bị đem đi làm thịt, Người không đe dọa ai. Người đón nhận sự thù ghét và bạo lực để biến nó thành tình yêu và tha thứ. Người đã hiến thân làm lễ vật đền tội và cầu xin cho những ai giết mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23.33). Chính nhờ đó mà chúng ta biết rằng những người đóng đinh Người đã được cứu, trong đó có chúng ta. Qua thập giá, Chúa Giêsu đã khai mào một hình thức chiến thắng mới mà thánh Augustinô gọi là: “Victor quia victima – Đấng chiến thắng vì là tế vật”[19].
Nơi hy tế thập giá, điều làm Chúa Cha hài lòng về Người Con yêu dấu không phải vì sự đau khổ và sỉ nhục mà Con Ngài chịu, điều đó chỉ làm cho trái tim người cha của Ngài thêm đau đớn. Nhưng điều làm Chúa cha hài lòng chính là tình yêu mà Người Con dành cho Ngài và cho chúng ta. Chính tình yêu này đem lại sự hòa giải với Thiên Chúa và ơn cứu độ cho chúng ta.[20]
Linh mục là người rập khuôn đời mình theo hy tế thập giá của Chúa Giêsu. Những hy sinh đau khổ trong đời sống mục vụ chính là cách thế để chúng ta minh chứng cho tình yêu của chúng ta đối với Chúa và cũng là cách thế đem tình yêu của Chúa đến cho đoàn chiên. Và chính tình yêu này đem đến niềm vui đích thực cho đời linh mục. Các tông đồ đã bị bách hại và chịu đau khổ vì rao giảng Tin mừng. Thế nhưng, các ngài vẫn hân hoan vui mừng (x. Cv 5,41). Các ngài không phải vui vì chính sự đau khổ, nhưng là vui vì qua đau khổ, tình yêu của các ngài đối với Thiên Chúa đã được chứng mình và vì tình yêu của Chúa đã được nhiều người biết đến và ơn cứu độ đã đến với họ.
- Linh mục loan báo Tin mừng bằng tình yêu
Một chuyên gia tâm lý đã nói với Đức Hồng y Timothy Dolan: “Thưa Cha, xin cha hãy luôn luôn nói với dân chúng là Thiên Chúa yêu thương họ. Hầu hết những khó khăn của những người đến với con là họ nghĩ rằng không có ai yêu thương họ, họ không đáng thương, và do đó, họ không yêu quý và tôn trọng ngay cả chính họ”[21]. Theo Đức Phanxicô, căn bệnh lớn nhất của con người không phải là ung thư, lao phổi, hay đại dịch mà chính là thiếu tình yêu[22]. Tin tốt đẹp nhất mà Giáo hội có nhiệm vụ loan báo cho thế giới, tin mà mọi trái tim con người mong đợi để được nghe, đó là: “Thiên Chúa yêu thương bạn!” Điều này phải xóa bỏ và thế chỗ cho điều mà chúng ta luôn mang trong mình: “Thiên Chúa đang phán xét bạn!” Lời khẳng định long trọng của thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8), như là “nốt nhạc nền” phải đi kèm mọi lời loan báo Kitô giáo.[23]
Linh mục là một người đã trải nghiệm sâu sắc tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu. Và khi cảm nhận được tình yêu này, như đã xảy ra với các tông đồ, linh mục không thể giữ điều đó cho riêng mình, nhưng muốn chia sẻ, và từ đó, nó trở thành một sứ vụ trong niềm vui và lòng biết ơn. Đức Hồng y Tagle, Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng, giải thích: “Sứ vụ được liên kết mật thiết với tình yêu của Chúa Kitô. Nó không phải là một hoạt động của con người, một gánh nặng, nhưng nó bắt nguồn từ lòng biết ơn. Được tình yêu của Thiên Chúa bao bọc và che chở, chúng ta muốn chia sẻ tình yêu này đặc biệt với những người không cảm thấy được yêu, những người cảm thấy bị bỏ rơi, bị từ chối… Là những người đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta nên rời bỏ sự an toàn, sự thoải mái của cuộc sống và đi đến những vùng ngoại vi của thế giới, giữa những người nghèo và thiệt thòi nhất, giữa những người đau khổ và thiếu thốn, làm chứng bằng cuộc sống rằng Thiên Chúa là tình yêu, và Người yêu thương và hiến mình cho họ”[24].
Ơn gọi của linh mục là loan báo và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Qua thừa tác vụ của mình: rao giảng, chăn dắt và cử hành các bí tích, linh mục làm cho các tín hữu của cộng đoàn mình rập khuôn theo gương mẫu của Chúa Giêsu, Đấng tự hiến vì yêu thương. Và nhờ đời sống yêu thương của các tín hữu mà Tin mừng được loan báo. Sách Công vụ Tông đồ ghi lại đời sống yêu thương của các tín hữu đầu tiên, nhờ đó họ “được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (Cv 2, 44-47). Cũng vậy, theo Tertulianô, dân ngoại trong thế kỷ thứ II nói về các kitô hữu: “Kìa xem họ yêu thương nhau biết bao”. Và như vậy, dù trong bối cảnh Giáo hội bị bách hại khốc liệt, thì vẫn có nhiều người đã tự nguyện gia nhập Giáo Hội.[25]
Ở đây, có một nghịch lý, linh mục càng tập trung vào việc làm cho dân Chúa được biến đổi trong tình yêu của Chúa Kitô, thì dân Chúa sẽ càng hành động trong tình yêu để biến đổi xã hội rộng lớn hơn như men trong một đấu bột. Nhưng nếu linh mục nhắm đến việc rao giảng Tin Mừng thông qua các hoạt động chính trị và xem mục tiêu đầu tiên của họ là những công nhân trong xã hội, thì họ sẽ bị cuốn vào và bị nuốt trôi bởi những bất đồng và chống đối. Tình yêu ban đầu của họ từ từ bị thay thế bằng lòng thù hận và bạo lực[26]. Giáo xứ nơi họ coi sóc sẽ thấm nhiễm tinh thần thế tục ấy. Cộng đoàn kitô hiệp nhất yêu thương cũng sẽ dần trở thành cộng đoàn thù hận và bạo lực, một cộng đoàn phản Tin mừng.
Thánh Inhaxiô nhắc nhỡ các anh em linh mục khi trình bày chân lý thì đừng bao giờ đánh mất tình yêu. Ngài nói: “Cần phải hết sức thận trọng trong việc trình bày chân lý chính thống theo cách mà nếu bất kì người dị giáo nào tình cờ có mặt ở đó thì họ luôn có thể thấy một mẫu gương của tình yêu và đức tiết độ Kitô giáo nơi anh em”[27]. Nói như thánh Augustinô, “hãy yêu rồi làm”[28], vì “tình yêu chính là ánh sáng duy nhất ban cho chúng ta sự can đảm để sống và hành động”[29].
Đối với linh mục thì tiêu chuẩn tình yêu trong hành động càng đòi hỏi hơn, đến mức hoàn toàn trao hiến chính mình như Chúa Giêsu. Bởi vì, “cốt lõi của đức ái mục tử là trao hiến chính mình, trao hiến hoàn toàn cho Giáo Hội, theo hình ảnh sự trao hiến của Đức Kitô và thông phần với Người… Không phải chỉ những việc chúng ta làm, nhưng là việc chúng ta trao hiến chính mình mới biểu lộ được tình yêu của Đức Kitô dành cho đoàn chiên của Người”[30].
Cụ thể hơn, Giáo hội đang trong tiến trình Thượng Hội đồng về tính hiệp hành. Qua đó, các mục tử và đoàn chiên cần lắng nghe và góp ý cho nhau trong tiêu chuẩn của tình yêu và sự trao hiến chính mình. Thế nhưng, chúng ta đang sống một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bởi những phân cực và mâu thuẫn – mà tiếc thay, ngay cả cộng đoàn giáo hội cũng không được miễn nhiễm. “Thật đáng sợ khi nghe những lời kêu gọi hủy diệt con người và lãnh thổ được nói ra cách dễ dàng đến thế. Thật không may, những lời nói thường biến thành những hành động hiếu chiến của bạo lực ghê tởm. Đây là lý do tại sao phải bác bỏ mọi luận điệu hiếu chiến, cũng như mọi hình thức tuyên truyền xuyên tạc bóp méo sự thật vì mục đích ý thức hệ”[31]. Theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, chúng ta không sợ phải công bố sự thật, không sợ phải nói sự thật với nhau và về nhau, cho dù có khi sự thật đó không dễ chịu; nhưng chúng ta hãy sợ rằng khi chúng ta công bố sự thật mà chúng ta không có bác ái, không có trái tim yêu thương.[32] Bởi vì khi nói sự thật mà không có tình yêu thì sự thật đó rất dễ bị biến thành vũ khí để xúc phạm và tiêu diệt người khác, đặc biệt là khi người ta biết sự thật về lầm lỗi hay khuyết điểm của nhau.
Chỉ có tình yêu mới xây dựng được, còn kiến thức – kể cả kiến thức thần học và giáo hội – thì thường chỉ thổi phồng và chia rẽ nếu không cẩn trọng (x. 1Cr 8,1). Nếu chúng ta tự hỏi tại sao chúng ta lại quá háo hức muốn biết, muốn nắm bắt thông tin mà lại ít quan tâm đến việc yêu thương, thì câu trả lời rất đơn giản: đó là kiến thức biến thành sức mạnh và thống trị, còn tình yêu thì biến thành phục vụ![33]
Trong “Bài ca đức ái”, thánh Phaolô chỉ ra rằng việc thiếu tình yêu sẽ làm biến bản chất của mọi hoạt động và trở thành trống rỗng, chỉ còn lại hình thức bên ngoài mà không có thực tại bên trong. Tất cả mọi thần học, tất cả mọi khả năng mục vụ, tất cả mọi khả năng rao giảng, tất cả mọi kiểu cách phụng vụ, và ngay cả những hành động phi thường nhất, những việc quảng đại anh hùng nhất, nếu không có đức ái thì cũng chẳng có giá trị gì (x. 1Cr 13). Và thánh nhân kết thúc “Bài ca đức ái” bằng việc khẳng định: Đức ái cao trọng hơn đức tin và đức cậy. Thật vậy, trong khi đức tin và đức cậy chỉ là “những hồng ân tạm thời” gắn liền với chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế, thì đức ái là “một hồng ân vĩnh cửu” mang lại cho chúng ta niềm vui cảm nếm trước Thiên Đàng, nơi chúng ta được kết hiệp trong tình yêu của Thiên Chúa.[34] Đây là lý do tại sao trong khi mọi thứ khác sẽ qua đi, nhưng đức ái sẽ luôn tồn tại.
- Vấn tâm
Tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?[35] Đây là câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra cho mình trong những lúc cuộc sống bị chấn động đến mức chúng ta không còn muốn phản ứng một cách yêu thương nữa:
– Khi tôi bị cô đơn, chán chường vì bao cố gắng hy sinh trong mục vụ mà vẫn thất bại, khi tôi gặp điều trái ý, bị giáo dân và anh em linh mục chê bai chỉ trích, thì câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này? Tình yêu thì “nhẫn nhục, hiền hậu” (1Cr 3, 4) và xin Chúa cho mình: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và loại trừ mọi hành vi gian ác” (Ep 4,31).
– Khi tôi hằng ngày nhìn thấy bao điều may mắn, tốt lành và thành công của người khác, thì câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này? Tình yêu thì không ghen tương, biết vui với người vui, vui khi thấy điều chân thật (x. 1Cr 3, 4-6). Tình yêu giúp nhận ra mỗi người có những ơn ban khác nhau và có những lối đường nên thánh khác nhau trong cuộc sống.
– Khi tôi bị xúc phạm hay bị lừa dối, khi thanh danh bị bêu xấu, bị người ta nói xấu, khi tôi phải sống trong môi trường thù nghịch, thì câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này? “Anh em hãy biết rằng nếu thế gian ghét anh em, thì nó đã ghét Thầy trước” (Ga 15,18). Tình yêu thì “tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 3, 7) như gương Chúa Giêsu trên thập giá, Đấng tự hiến tế vì tôi.
– Khi tôi được vinh dự, mọi người ngưỡng mộ, công việc thành công, thì câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này? Tình yêu thì “không vênh vang, không tự đắc” (1Cr 3, 4) vì điều làm cho một người thật sự cao trọng không phải là vẻ đẹp, tiền bạc, tài năng, hay hiểu biết, mà chính là một tình yêu biết cảm thông, quan tâm, và nâng đỡ những người yếu đuối. Tình yêu không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. (x. 1Cr 13,8)
– Và khi tôi sa ngã phạm tội, lỗi phạm đến Chúa và xúc phạm đến anh em, thì câu hỏi đặt ra cho tôi vẫn là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này? Tình yêu thì “hy vọng tất cả, tin tưởng tất cả” (1Cr 13,7). Tình yêu mang đến một sự hoán cải như Phêrô: biết hy vọng và tin tưởng tất cả vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa.
Lạy Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu, chúng con xin thánh hiến bản thân chúng con cho Rất Thánh Trái Tim Chúa. Xin hãy chiếm lấy toàn thể sự hiện hữu của con. Xin hãy biến đổi con nên một với Chúa. Xin hãy làm đôi tay con nên đôi tay Chúa, đôi chân con nên đôi chân Chúa, và con tim con nên con tim Chúa. Xin cho con nhìn với đôi mắt Chúa, hiểu với tâm trí Chúa, yêu với con tim Chúa, phụng sự với ý chí của Chúa và xin cho con được tôn thờ Chúa với tất cả sự hiện hữu của con. Amen.[36]
(Trích tài liệu tĩnh tâm linh mục Giáo phận Phú Cường, tháng 06.2023)
[1] x. Blaise Pascal, Pensées, n. 739., xem trong Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, NXB Tôn Giáo, 2020, chuyển ngữ: Lm. Micae Trần Đình Quảng, tr. 338
[2] Charles-François Gounod (1818 – 1893) là nhà soạn nhạc Pháp. Ông được công chúng biết qua tác phẩm Ave Maria chuyển soạn trên tác phẩm của Bach.
[3] H. Sienkiewicz, Quo vadis?, Lgf poche, Paris 2001, ch. 33., xem trong Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, NXB Tôn Giáo, 2020, chuyển ngữ: Lm. Micae Trần Đình Quảng, tr. 338
[4] X. Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, NXB Tôn Giáo, 2020, chuyển ngữ: Lm. Micae Trần Đình Quảng, tr. 338
[5] X. Friedrich Nietzsche, The Gay Science, Walter Kaufmann dịch anh ngữ (New York: Nxb Vintage Books), tr. 181.
[6] J.P. Sartre, Le diable et le bon Dieu, X, 4, Gallimard, Paris 1951, trang 267, trích trong Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, NXB Tôn Giáo, 2020, chuyển ngữ: Lm. Micae Trần Đình Quảng, tr. 305
[7] J.P. Sartre, Huis clos, sc. 5, Gallimard, Paris 1947, trích trong Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, NXB Tôn Giáo, 2020, chuyển ngữ: Lm. Micae Trần Đình Quảng, tr. 305
[8] “Homo homini lupus est” là câu nói của Plautus, (254 TCN – 184 TCB), nhà soạn kịch vĩ đại La Mã.
[9] X. Ron Rolheiser, Bộ mặt ẩn giấu của cái ác, ngày 28/09/2020, tại https://ronrolheiser.com/bo-mat-an-giau-cua-cai-ac/
[10] X. Sđd.
[11] Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay – Gaudium Et Spes, số 19
[12] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp “Deus Caritas Est – Thiên Chúa là Tình Yêu”, số 39, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-deus-caritas-est-thien-chua-la-tinh-yeu–49105
[13] X. Sđd., số 1
[14] X. Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, NXB Tôn Giáo, chuyển ngữ: Lm. Micae Trần Đình Quảng, tr. 338
[15] X. Sđd. tr. 24
[16] Henri de Lubac, Histoire et Esprit, Aubier, Paris 1950, cap. V. trích trong Raniero Cantalamessa, Suy niệm tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Chay 2023: Bài 3 – Thiên Chúa là tình yêu, chuyển ngữ: Nữ tu Anna Ngọc Diệp, OP, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/suy-niem-tinh-tam-giao-trieu-roma-mua-chay-2023-bai-3-thien-chua-la-tinh-yeu-50478#_ftnref3
[17] X. Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, NXB Tôn Giáo, 2020, chuyển ngữ: Lm. Micae Trần Đình Quảng, tr. 388
[18] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp “Deus Caritas Est – Thiên Chúa là Tình Yêu”, số 39, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-deus-caritas-est-thien-chua-la-tinh-yeu–49105
[19] Thánh Augustinô, Tự thú, X, 43, trích trong Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh – chương 8, NXB Tôn Giáo, 2020, chuyển ngữ: Lm. Micae Trần Đình Quảng, tr. 89
[20] X. Raniero Cantalamessa, Suy niệm tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Chay 2023: Bài 3 – Thiên Chúa là tình yêu, chuyển ngữ: Nữ tu Anna Ngọc Diệp, OP, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/suy-niem-tinh-tam-giao-trieu-roma-mua-chay-2023-bai-3-thien-chua-la-tinh-yeu-50478
[21] Timothy Dolan, Người linh mục cho ngàn năm thứ ba – chương 3: Đức ái, chuyển ngữ: Phó tế Giuse Trần Văn Nhật
[22] Đức Phanxicô, Bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày Chúa nhật 27/06/2021, chuyển ngữ: Văn Yên SJ, tại https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-06/dtc-phanxico-can-benh-lon-nhat-la-thieu-tinh-yeu.html
[23] X. Raniero Cantalamessa, Suy niệm tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Chay 2023: Bài 3 – Thiên Chúa là tình yêu, chuyển ngữ: Nữ tu Anna Ngọc Diệp, OP, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/suy-niem-tinh-tam-giao-trieu-roma-mua-chay-2023-bai-3-thien-chua-la-tinh-yeu-50478
[24] Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Sứ vụ là chia sẻ tình yêu nhận được từ Thiên Chúa, chuyển ngữ: Ngọc Yến, tại https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-02/dhy-tagle-su-vu-chia-se.html
[25] X. Roch Kereszty, O.Cist. Linh mục và việc Tân Phúc âm hóa, chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB, tại: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/linh-muc-va-viec-tan-phuc-am-hoa-40159
[26] X. Sđd.
[27] Theresa Civantos Barber, Ba bài học của thánh Inhaxiô dành cho con người ngày nay, chuyển ngữ: Anthony Lai, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/ba-bai-hoc-cua-thanh-inhaxio-danh-cho-con-nguoi-ngay-nay-40692
[28] Augustine, Tractatus in epistulam Johannis 7,8
[29] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp “Deus Caritas Est – Thiên Chúa là Tình Yêu”, số 39, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-deus-caritas-est-thien-chua-la-tinh-yeu–49105
[30] Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Pastores Dabo Vobis, số 23
[31] Đức Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57 năm 2023 – Nói bằng trái tim, chuyển ngữ: Vi Hữu và Minh Đức, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-giao-hoang-phanxico-nhan-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-57-50274
[32] X. Sđd.
[33] X. Raniero Cantalamessa, Suy niệm tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Chay 2023: Bài 3 – Thiên Chúa là tình yêu, chuyển ngữ: Nữ tu Anna Ngọc Diệp, OP, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/suy-niem-tinh-tam-giao-trieu-roma-mua-chay-2023-bai-3-thien-chua-la-tinh-yeu-50478
[34] X. Đức Phanxicô, Diễn từ Đức Giáo hoàng Phanxicô dành cho tham dự viên Đại hội Caritas Quốc tế, ngày 16/05/2023, chuyển ngữ: Nữ tu Anna Ngọc Diệp, OP, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dien-tu-duc-giao-hoang-phanxico-danh-cho-tham-du-vien-dai-hoi-caritas-quoc-te-50840
[35] X. Ron Rolheiser, Tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?, ngày 21/06/2021, tại https://ronrolheiser.com/tinh-yeu-muon-chung-ta-lam-gi-luc-nay-2/
[36] Kinh Thánh Hiến Cho Trái Tim Chúa.