Trẻ em là con người có khả năng nhìn thấy và lắng nghe. Chúng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những gì cha mẹ chúng nói về chúng cũng như cách mà cha mẹ chúng nói lên điều đó.
“Ồ, con bé không thể đi học được nữa! Cách con bé lúc nào cũng ốm yếu khiến tôi phát điên!”
“Tại sao tôi luôn là người chăm sóc những đứa trẻ như thế?”
“Thằng bé đó thật lười biếng! Nó chưa bao giờ làm bất cứ điều gì để giúp đỡ những người xung quanh!”
Đó là một vài ví dụ về những điều mà cha mẹ thường nói trước mặt con cái mình mà quên rằng con cái họ cũng đang lắng nghe và chịu ảnh hưởng bởi những lời lẽ như thế.
Con cái bạn nhìn thấy và lắng nghe
Những lời than phiền như vậy, thường có nghĩa là cha mẹ cảm thấy bất lực hoặc đuối sức, sẽ thật là điều không thể tưởng tượng được nếu nói về những người bạn trưởng thành, đồng nghiệp hoặc những vị khách ngay lúc có mặt họ ở đó. Nếu chúng ta phàn nàn về ai đó khi họ đang có mặt nhưng lại hoàn toàn phớt lờ họ, thì người đó sẽ rất khó chịu vì hành vi như vậy được coi là thô lỗ.
Điều này cũng đúng nếu chúng ta đưa ra nhận định cá nhân về người bạn đời của mình. “Tôi đã dành rất nhiều thời gian để nấu ăn nhưng cô ấy lại chẳng ăn gì cả.” “Bảo anh ấy thay quần áo đi, vì anh ấy trông giống như một chú hề trong bộ đồ đó.”
Trong thế giới người lớn, chúng ta nhận ra rằng ngoại hình, cơ thể, cách ăn mặc, thói quen ăn uống,… của một cá nhân thuộc về lĩnh vực riêng tư và không được xâm phạm trong những trường hợp như vậy. Tuy nhiên, khi nói đến trẻ em, cha mẹ không phải lúc nào cũng tuân theo những ranh giới như vậy. Như thể họ không hoàn toàn nhận thức được rằng trẻ em là một con người có thể nhìn thấy và lắng nghe, hoặc chúng có thể bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những gì cha mẹ chúng nói về chúng cũng như cách mà cha mẹ chúng nói lên điều đó.
Và không giống như người lớn, trẻ em chưa được trang bị cách thế để bỏ ngoài tai những lời chê bai như thế để không nghĩ rằng “Người đó thật thô lỗ”. Đúng hơn, những gì cha mẹ nói về con cái mình khi có mặt chúng ở đó sẽ dễ dàng in sâu vào tâm trí của chúng và cung cấp cơ sở để chúng nhìn nhận bản thân mình ra sao.
Còn khiếm khuyết và chẳng đáng được yêu thương
Khi những đứa trẻ liên tục nghe cha mẹ chúng phàn nàn về chúng, chúng bắt đầu nghĩ rằng mình là gánh nặng không thể chịu đựng nổi đối với cha mẹ.
Đơn cử như một ví dụ, khi những đứa trẻ cho rằng con người chúng là nguồn gốc gây nên đau khổ cho cha mẹ chúng thì chúng sẽ không ngừng yêu thương người chăm sóc chúng, nhưng lại không còn yêu thương chính con người của chúng. Chúng bắt đầu nghĩ rằng bản thân chúng có khiếm khuyết và chẳng đáng được yêu thương. Trẻ em cũng học được rằng chúng phải cố gắng rất nhiều để làm hài lòng cha mẹ, và chúng còn hiểu rằng tình cảm của cha mẹ vốn không bền vững và mong manh.
Sự an toàn và vững bền của tình yêu
Những lời chê bai của cha mẹ làm tổn hại đến sự tự tin của đứa trẻ, khiến chúng bị tổn thương về mặt tâm lý liên quan đến nhu cầu được tôn trọng và yêu thương nhưng không được đáp ứng. Hành vi của cha mẹ chúng cũng hình thành nên một khuôn mẫu tác động đến cách chúng mong đợi người khác đối xử với chúng. Cuối cùng, những đứa trẻ đó có thể không nhận ra khi ai đó hành động ngược đãi chúng hoặc đề cập đến chúng một cách thiếu tôn trọng. Chúng cũng có thể cố gắng để tránh mất đi thiện cảm với những người bước vào cuộc đời họ.
Đó là lý do tại sao ngay cả khi con cái khiến chúng ta cảm thấy muốn thở dài và than vãn, tốt hơn hết bạn nên kiềm chế và thả lỏng ở một nơi khác cách xa chúng. Vào những thời điểm này, chúng ta có thể tìm kiếm một người lớn khác để trút bỏ nỗi mệt nhọc và thất vọng – hãy tránh xa đứa trẻ.
Điều quan trọng hơn nữa là đảm bảo rằng chúng ta có được sự hỗ trợ cần thiết để không tự đẩy bản thân đến tình trạng quá tải và kiệt sức. Bằng cách đó chúng ta có thể nghĩ về những gì con cái chúng ta cảm thấy và cần đến. Và dù thế nào đi chăng nữa, điều mà trẻ em cần đến trên hết là sự an toàn và thấu hiểu khi chúng ta tôn trọng và yêu thương chúng.
Tác giả: Małgorzata Rybak
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên