Mục vụ gia đình

Bảy lời khuyên của ĐGH Phanxicô về giáo dục giới tính

Bảy lời khuyên của ĐGH Phanxicô về giáo dục giới tính

Gelsomino Del Guercio
Đức Giáo hoàng đề cập đến một chủ đề cấm kỵ trong “Amoris Laetitia” và nói về ý thức đoan chính và “tình dục an toàn”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô, Giáo hội và giáo dục giới tính. Một đề tài “cấm kỵ”? hoàn toàn khác! Ngài đã giải quyết vấn đề này trong Tông huấn “Amoris Laetitia”, bằng cách đưa ra một số lời khuyên “đúng đắn” cho việc giáo dục giới tính. Dưới đây chúng tôi gửi đến quí vị bảy điều.
1. Hiến tặng cho nhau.
Khi nói về giáo dục giới tính, ĐTC ý thức rõ rằng “thật khó để nghĩ về vấn đề giáo dục giới tính trong một thời đại khi người ta có xu hướng tầm thường hóa và làm nghèo nàn tính dục. Người ta chỉ có thể hiểu được nó trong cái nhìn toàn cảnh của một nền giáo dục về tình yêu, sống dâng hiến cho nhau. Bằng cách đó, ngôn ngữ của tính dục sẽ không bị làm nghèo nàn đi một cách đáng buồn, nhưng được khai sáng” (280).
2. Những chỉ dẫn phù hợp
Đức Giáo hoàng cũng đặt ra một số nguyên tắc khác nữa: “Thông tin phải đến đúng thời điểm theo cách thức phù hợp với lứa tuổi. Sẽ không ích lợi nếu cứ chất đầy cho chúng các dữ liệu mà không phát triển một ý thức phê bình trước sự xâm lấn của các ý tưởng đề xướng, các văn hóa phẩm khiêu dâm thiếu kiểm soát và sự tràn ngập của các kích thích có thể gây phương hại đến tính dục” (281).
3. Cảm thức e thẹn
Vì đó ĐTC nghĩ rằng “Nền giáo dục giới tính gìn giữ một cảm thức e thẹn lành mạnh có một giá trị lớn lao, cho dẫu ngày nay một số người cho rằng đó là một điều đã lỗi thời. Đó là sự phòng vệ tự nhiên của một nhân vị bảo vệ cõi riêng tư nội tâm của mình và tránh không để mình biến thành một sự vật đơn thuần bị người khác sử dụng. Nếu không có cảm thức e thẹn, ta có thể giản lược tình cảm và tính dục thành những nỗi ám ảnh chỉ chú ý vào hoạt động sinh dục” (282).
4. Ám ảnh về “tình dục an toàn”
Vẫn về chủ đề giáo dục giới tính, ĐTC Phanxicô cũng không quên đoạn văn liên quan đến một vấn đề tế nhị, tức là nền giáo dục bị cho là giáo dục “tình dục an toàn”. “Thông thường giáo dục giới tính tập trung vào việc kêu gọi người ta “bảo vệ mình” bằng cách tìm thực hành một thứ “tình dục an toàn”. Những lối nói đó truyền đạt một thái độ tiêu cực đối với mục đích sinh sản tự nhiên của tính dục, như thể đứa con có thể có là một kẻ thù phải đề phòng. Như thế là cổ võ thái độ duy kỷ gây hấn thay vì cởi mở đón nhận” (283).
5. Chấp nhận thân thể của mình
Trọng tâm của việc giáo dục giới tính “đúng đắn” liên quan đến việc chấp nhận thân thể của mình. “Ngoài những khó khăn có thể hiểu được mà mỗi người có thể gặp phải – ĐTC nói – người trẻ cần được giúp đỡ để biết chấp nhận thân xác của mình như nó đã được tạo ra, bởi vì “nghĩ rằng mình là chủ nhân tuyệt đối của thân xác mình, sẽ dẫn tới có khi cách tinh vi nghĩ rằng, (trích từ thông điệp “Laudato si’”), mình cũng là chủ tuyệt đối trên cả tạo thành. […] Quí trọng thân xác mình, là người nam hay là người nữ, cũng cần thiết để có thể nhận ra chính mình trong cuộc gặp gỡ với tha nhân, một người khác với mình” (285).
6. Khác biệt giới tính
Vì thế, giáo dục giới tính “phải giúp người ta chấp nhận chính thân xác mình, chứ không tìm cách “xóa bỏ sự khác biệt tính dục để rồi không còn biết phải đối diện với nó ra sao” (285).
7. Vượt lên cái gì đó cứng nhắc
ĐTC nói về sự vượt lên cái gì đó cứng nhắc. “Nam tính và nữ tính đúng là cái gì đó không phải cứng nhắc. Cho nên, cách thể hiện nam tính của người chồng, chẳng hạn, có thể linh động thích ứng với hoàn cảnh công việc của người vợ. Đảm đương việc nhà hoặc một vài công việc chăm sóc con cái không hề làm cho người chồng giảm đi nam tính của mình, cũng không hàm nghĩa đó là một sự thất bại, một sự nhượng bộ hay một điều gì đáng xấu hổ. Chúng ta phải giúp trẻ chấp nhận là bình thường những “hoán đổi” lành mạnh này mà không hề làm giảm sút phẩm giá hình ảnh của người cha” (286).
Trinh khiết một hình thức yêu thương
Tính dục cũng được ĐTC Phanxicô đề cập đến dưới một quan điểm khác, đó là sự trinh khiết. Điều đó được Đức Giáo hoàng định nghĩa như một hình thức yêu thương. “Như một dấu chỉ, nó nhắc nhở chúng ta về sự xuất hiện của Nước Trời, tính cấp bách của việc tận hiến hoàn toàn phục vụ cho việc loan báo Tin mừng (x. 1Cor 7,32), và nó phản ánh về sự viên mãn nơi Thiên quốc, nơi “không còn việc dựng vợ gả chồng” (Mt 22,30) (159). Trinh khiết và hôn nhân là – và phải là – những cách thế khác nhau để yêu thương, vì “con người không thể sống mà không có tình yêu” (161).
G. Võ Tá Hoàng

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!