CÙNG NHAU XÂY DỰNG HẠNH PHÚC
Trong những trường hợp hôn nhân bị khủng hoảng, vấn đề hàn gắn hoặc sửa chữa luôn cần cả hai phía vợ và chồng. Một người biết lỗi, nhận lỗi và sửa lỗi, nhưng một người cứ khăng khăng không chịu làm hòa, không chịu sửa sai sẽ khiến cho kết quả hòa giải trở thành mong manh. Thái độ: “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng” của một người sẽ làm cho người kia thành chán nản, và mặc dù trước đó có thiện chí, nhưng dần dần trở thành buông xuôi, rồi thả nổi, cho đến bước cuối cùng là tan vỡ hạnh phúc. Do đó, sự bất hạnh hay không bất hạnh của hôn nhân, luôn luôn gắn liền với thái độ sống của cả vợ lẫn chồng.
Nếu trong gia đình, người vợ hoặc người chồng biết mình có những cố tật về tâm lý hoặc những khuyết điểm về tính tình, thí dụ hay nóng nảy, giận hờn và ghen tương vô cớ, keo kiệt hoặc hoang phí thái quá, rượu chè, cờ bạc hoặc nghiện hút, nhất là bồ bịch, gái gẩm vụng trộm mà nhất định không chịu sửa sai, thì đó là những hành động thiếu ý thức trách nhiệm, và thiếu trưởng thành.
Tư cách trưởng thành hay thiếu trưởng thành của một người, cũng được thể hiện qua những cuộc đối thoại giữa hai vợ chồng tại nhiều gia đình, đại khái: “Tôi như vậy đó, bà chịu hay không chịu thì tùy. Nếu thấy không chịu nổi thì cứ việc tự tiện ra đi”. Hoặc một câu nói tương tự: “Đã biết như vậy sao còn lấy tôi. Tôi như thế nào kệ thây tôi, tôi không muốn thay đổi.”
Mới nghe qua hai câu nói trên, ta cứ tưởng như đó là những lời nói biểu tỏ thái độ cương quyết và dứt khoát của một người. Cũng có thể, ta coi đó như những lời nói cứng rắn, và cương quyết. Nhưng thực tế, đó chỉ là những lời nói ấu trĩ, thiếu suy nghĩ, và thiếu trưởng thành, được phát ra do một tâm trạng yếu đuối của một người không kiểm soát được chính mình.
Tính chất thiếu trưởng thành và ấu trĩ của những câu nói trên là người nói không nhận thức và phân biệt được sự khác biệt tâm lý, do đó, không đo lường trước sức phản ứng của người nghe như thế nào. Nó cũng cho biết khi nói những lời đó, người nói đóng cương vị như một đứa trẻ con, lè nhè, hoặc mà cả với cha hay với mẹ. Nếu không được cái này, thì thế nọ, thì thế kia.
Những trường hợp khóc lóc, vòi vĩnh như thế, nếu cha mẹ là những người dễ dãi, chiều con, hoặc nhu nhược không có đường lối giáo dục rõ ràng, đứa trẻ sẽ được điều nó muốn. Nhưng cũng có nhiều trường hợp vì không quan tâm đến mức chịu đựng của cha mẹ, hoặc gặp phải cha mẹ là người cứng rắn, biết phương pháp giáo dục, nhiều đứa chẳng những không được gì mà còn bị đánh phạt, bị quì, bị la mắng, hoặc bị sửa sai nữa. Người vợ hoặc người chồng thiếu trưởng thành về tâm lý và hành động cũng có thái độ tương tự như những đứa trẻ này. Kết quả là có sự xô xát, có cãi lẫy, có đánh nhau, có giận hờn, và có bất hoà.
Những hành động phùng mang, trợn mắt, đỏ mặt, tía tai, đập phá lung tung càng chứng tỏ nghị lực yếu ớt của những người đó. Thái độ này chỉ có thể nát những đứa trẻ lên ba hoặc lên năm mà thôi. Trong đời sống hôn nhân, vợ chồng bình đẳng và tôn trọng nhau, nên những hành động đó không mang lại kết quả tốt. Nó chỉ nói lên được một điều là những người này thực sự thiếu ý chí. Cái ý chí đủ để kìm hãm và tự chủ những việc làm của họ.
Trong một cuộc cãi lẫy tại một gia đình nọ, người chồng vì muốn trấn át những lời chua chát của vợ, hay vì tự ái bị va chạm nên chộp lấy cái búa và bắt đầu đập phá. Kết quả là chị vợ im luôn, và lật đật chạy vào phòng đóng chặt cửa lại. Sau đó, người chồng đã nói nhỏ với vài người bạn cũng đang có mặt lúc đó:
– Lâu lâu mình cũng phải cho mấy mụ đó biết oai của mình một chút. Chiêu này gia truyền và hữu hiệu lắm đó.
Nhưng không phải như anh chồng đã nói, vợ anh không vì sợ cái oai của anh mà im lặng và vào phòng. Vì khi mọi chuyện đã xong xuôi, có người đã hỏi chị vợ, tại sao lúc chồng chị nóng giận, đập phá đồ đạc sao chị lại im lặng vào phòng, không sợ chồng đập phá những đồ đạc quí trong nhà sao? Chị ta liền nhún vai trả lời tỉnh bơ:
– Ôi! Ông đó sức mấy mà làm thật. Tôi hiểu ông ta quá mà! Đồ bủn xỉn, keo kiệt thì làm sao mà dám đập cái TV, dàn máy hát, hay cái tủ chè. Anh không thấy ông ta chỉ đập mấy cái ghế, cái bàn lăng nhăng vậy hay sao. Ông ấy chỉ đập những thứ mà ông ấy có thể sửa lại được. Sở dĩ tôi im lặng mà vào phòng là vì tôi không muốn thấy cái mặt đáng ghét của ông ta thế thôi. Thứ đàn ông gì mà còn hơn đàn bà con gái, động chút là giận lẫy, đập phá.
Nhiều người trong lúc nóng nẩy và bực tức, nếu nói ra được hoặc trút bỏ đi được những cái đang uẩn ức trong người, họ sẽ vơi đi được cơn nóng giận, hoặc cảm thấy dễ chịu hơn. Một phụ nữ đã kể lại kinh nghiệm của chị thường làm trong những lúc nóng giận như sau:
“Mỗi lần tôi giận chồng tôi là cổ tôi như có cái gì chận lại ở đó. Những lần như thế, tôi phải nhịn ăn, nhiều khi nhịn uống luôn. Vì hễ tôi ăn hay uống, là cái “cục giận” đó như trôi mất, và tôi cảm thấy mình không thể kéo dài cơn giận lâu hơn được nữa”.
Nóng giận, bực tức là phản ảnh tự nhiên của con người trước những cái làm cho mình cảm thấy khó chịu. Hành động để trấn át những cảm tình đó như nói ra, hoặc làm cho vơi đi những dồn nén cũng được coi là một phương thức trị liệu tốt. Theo tâm lý trị liệu, mỗi khi bực tức trong mình mà nói ra, hoặc trút bỏ được những dồn nén đó, tự nhiên sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, hành động buông xả của tâm lý không mang tính chất mù quáng, quá khích, hoặc những trường hợp con người không kìm hãm và làm chủ được ý chí. Thí dụ, có nhiều người chồng khi gặp điều gì không vừa ý thì đập bàn, đập ghế, quăng nồi niêu, bát đĩa, la hét om xòm như ăn tươi, nuốt sống những người trong gia đình vậy. Họ hành động như để trút lên đầu những người khác sự tức giận và bực bội của họ. Nhưng đó không phải là hình thức buông xả đúng nghĩa.
Hành động của con người bao giờ cũng là hành động của tự do và trách nhiệm, của ý chí và hiểu biết. Trong triết học gọi đó là những hành vi nhân tính. Đôi khi những hành động kia có bị chi phối bởi cảm giác, xúc động hoặc những áp lực từ bên trong hay bên ngoài con người, thì phải hiểu rằng những cái đó chỉ xẩy ra ngoài ý muốn, và trong ít nhiều trường hợp. Buông xả theo tâm lý học, là loại bỏ những yếu tố làm bùng nổ và sôi động sự yên tĩnh của tâm linh, gây nên từ những va chạm của cuộc sống thường ngày. Trong đời sống hôn nhân, những yếu tố đó là những xích mích, hiểu lầm, hoặc khó chịu giữa vợ chồng với nhau.
PHẠM VI CÁ NHÂN
Trong tiến trình bình thường hoá, cân bằng tình cảm và hành động của đời sống hôn nhân, cá nhân là nhân vật quan trọng nhất. Chính cá nhân là người tạo cho mình sự thành công hay thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh.
Nếu không có yêu tố cá nhân – con người cá biệt của vợ hoặc chồng – đời sống hôn nhân sẽ không gặp phải những khác biệt lớn lao về tư tưởng, cách thức suy nghĩ và hành động giữa vợ và chồng. Những điều này đến từ bản chất và quan niệm riêng tư của mỗi người về cuộc đời, và về những giá trị của cuộc đời như đã được diễn tả khi nói về thái độ tự tín và hệ thống phòng thủ. Ngược lại, cũng chính do việc kết hợp của hai tâm hồn và hai thân xác giữa người đàn ông và người đàn bà trong đời sống hôn nhân, đã mang lại cho cuộc sống này vẻ phong phú và hấp dẫn như ta vẫn thường thấy.
Đề cập đến yếu tố cá nhân là đề cập đến con người riêng biệt của mỗi người trong hôn nhân. Do đó, mỗi người để sống hòa thuận với vợ hoặc chồng mình, cần thực hành và áp dụng một số những điều kiện:
TẾ NHỊ VÀ NHẪN NẠI:
Hành động này giúp đo lường khả năng chịu đựng và sức phản ứng của vợ hay chồng mình.
Không phải hễ tôi là chồng cô, hoặc tôi là vợ anh thì tôi muốn nói gì, muốn hành động gì, và muốn đối xử với cô hoặc với anh thế nào cũng được. Đành rằng trong hôn nhân vợ chồng phải tương thân, tương ái, và nhường nhịn nhau. Nhưng sức chịu đựng và khả năng đối kháng của con người vẫn có giới hạn. Nếu không bình tĩnh và tế nhị, hoặc nói một cách dễ hiểu hơn là cởi mở và chấp nhận nhau, ta rất dễ làm cho chính mình và người yêu của mình phải đau khổ.
Trong thực tế, nhiều khi chỉ vì nóng nẩy một chút, hoặc thiếu tế nhị một chút là có thể gây ra những tranh chấp, hoặc bất hòa giữa vợ chồng. Đời sống hôn nhân của nhiều cặp vợ chồng đã minh chứng điều này, trong những cuộc tranh cãi, hay lủng củng của họ thường chỉ vì người chồng hay nóng nẩy vô cớ, hoặc người vợ vô tình hay nói những câu nói va chạm tự ái của chồng.
Nhờ bình tĩnh và tế nhị, vợ chồng sẽ kìm hãm được những nguyên nhân gây chia rẽ và bất hoà, cũng là những yếu tố có thể tạo nên những khủng hoảng trầm trọng phá vỡ và hủy diệt hạnh phúc hôn nhân.
KHÁCH QUAN VÀ CHẤP NHẬN:
Năng kiểm điểm lại hệ thống tin tưởng và phòng thủ của mình. Nếu vợ chồng không dành một ít phút mỗi ngày hoặc mỗi tuần để kiểm soát lại tư tưởng của mình, thì rất dễ biến những suy tư và hành động mình thành những tập quán và thói quen nhàm chán. Đó là chưa kể tới những tập quán và thói quen không tốt.
Như một hệ thống phòng thủ của một quốc gia, hoặc như một hệ thống báo động trong nhà, nếu nó không được kiểm soát, tân trang, gặp khi có trục trặc lúc đó hậu quả sẽ rất tai hại.
Nhiều người sẽ biện minh và cho rằng, cần gì mà phải cầu kỳ, phải mất giờ, và lo lắng quá như vậy. Sống mà cứ phải giữ kẽ, cứ phải xét mình, cứ phải kiểm thảo như vậy đâu có vui, đâu có hạnh phúc. Những tư tưởng này thật ra không đúng. Chính vì sự kiểm điểm, thăng tiến, trau dồi mà nhân loại mới có tiến bộ, mới có phát minh, và mới có những tiện nghi đem lại hạnh phúc cho cuộc sống.
Nếu không có những câu hỏi có gì trên cung trăng, thì làm gì con người có thể đặt chân lên đó được.
Nếu không có những câu hỏi dưới lòng biển cả, dưới lòng đất có gì, thì làm gì con người có thể khám phá được những tài nguyên chìm sâu dưới lòng biển cả, hay dưới lòng đất.
Hoặc nếu không có những câu hỏi tại sao con chim bay được, mà con người không bay được, thì làm gì có những hệ thống phi cơ, phản lực tân tiến giúp con người bay bổng và bay cao giữa bầu trời lồng lộng, để đi từ đại lục này qua tới đại lục kia một cách nhanh chóng như hiện nay.
Bạn thử hỏi mỗi ngày bạn dành ra bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút, bao nhiêu giây để chăm lo cho sắc đẹp, cho áo quần, cho công ăn việc làm, cho những giao tiếp bạn bè. Tất cả những thứ đó để làm gì? Tạo cho bạn một cuộc sống tốt đẹp và vui tươi. Nhưng nếu tự bạn, bạn không vui tươi và hạnh phúc được với chính mình, và với người yêu của mình, thì những chuẩn bị, những vất vả, và lo lắng kia có ích gì?! Như vậy, việc dùng mỗi ngày ít phút như những khoảnh khắc dừng chân của một bộ hành trên đường về quê, để nhìn lại quãng đường qua và rút ưu khuyết điểm là một hành động vừa khôn ngoan, vừa bổ ích, và vừa hợp tình, hợp lý.
Tại sao ta giận dỗi nhau, cãi lẫy nhau, chửi rủa nhau, và thù nghịch nhau hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, và hằng năm để rồi đi tới mất hạnh phúc, mà lại ngại ngần dùng mấy phút mỗi ngày để tạo cho mình một cuộc sống hạnh phúc.
LOẠI BỎ Ý NGHĨ TIÊU CỰC:
Trong tâm lý học và nhất là trong tâm lý hôn nhân, tư tưởng tiêu cực của một người rất ảnh hưởng và chi phối hạnh phúc của người đó và của gia đình người đó.
Nếu người chồng hoặc người vợ lạc quan, tin tưởng, và luôn nghĩ tốt và nghĩ đẹp cho vợ, cho chồng, thì trong cách cư xử và hành động người đó sẽ có những cử chỉ đẹp, có những lời nói tế nhị, và có những hành động uyển chuyển. Ngược lại, nếu người chồng luôn nghĩ xấu và nghi ngờ vợ, thì trong cuộc sống, người đó sẽ đau khổ về những chuyện họ nghi ngờ đó, và làm cho người vợ của họ cũng đau khổ vì bị nghi ngờ. Đó là chưa kể, nếu thiếu tự chủ, sự nghi ngờ có thể bột phát thành những hành động ghen tương lố bịch, làm mất hạnh phúc của nhau. Những vụ chém giết nhau vì ghen, vì tình là những thí dụ cụ thể cho thấy những người đó không thực sự hạnh phúc.
Một điều mà có lẽ ít người nghĩ tới trong đời sống hôn nhân, đó là thường ngày họ vẫn sống và hành động một cách tự phụ như chồng họ không bao giờ có thể bỏ được họ, hoặc vợ họ không thể nào xa họ được.
Nhiều người vẫn có ý tưởng rằng vợ chồng lấy nhau lâu năm, đã lớn tuổi rồi không thể nào bỏ nhau. Những khảo cứu về hôn nhân cho thấy, người ta có thể bỏ nhau chỉ vì một bất đồng nhỏ nhoi, hoặc một câu nói vô tình. Người ta cũng có thể bỏ nhau bất cứ lúc nào, ở bất cứ lứa tuổi nào. Đặc biệt, nữ giới khi bước vào tuổi hồi xuân khoảng tuổi từ 40 đến 50. Tuổi mà từ ngữ nôm na gọi là tuổi xồn xồn của phụ nữ, lại là lúc hôn nhân của họ dễ gặp phải những sóng gió và thử thách. Từ ngữ tâm lý học gọi đây là thời điểm giao động trung niên của đời người (midlife crisis). Do đó, đừng bao giờ để tư tưởng, ngoại tình, ly thân, hoặc ly dị chi phối và ngự trị trong tâm tình của mình. Một người nếu hằng ngày bị nung nấu bởi những tư tưởng đó, chắc chắn sẽ có hành động như vậy.
ĐỜI SỐNG CHUNG
Đời sống chung trong hôn nhân chính là sự liên đới giữa người chồng và người vợ. Căn bản của mọi liên hệ trong hôn nhân đều dựa trên mối tương quan này. Trên nguyên tắc, đời sống hôn nhân là một cuộc sống chung giữa hai người yêu nhau. Và tập hợp nhỏ bé này là căn bản cho sự phát triển tình yêu đối với con cái, và những người thân yêu trong gia tộc.
Hôn nhân hiểu theo nghĩa hẹp là đời sống chung của chỉ có hai người: Người chồng và người vợ. Nhưng trong hôn nhân cũng bao gồm ý nghĩa của gia đình gồm cha mẹ, con cái, anh chị em, ông bà, chú bác, cô dì… Tất cả những liên đới mật thiết của tình yêu gia đình, tình yêu họ hàng sau này đều phát xuất từ cuộc sống chung, sự hòa hợp và cảm thông giữa vợ và chồng. Trong đời sống này, nếu muốn được hạnh phúc, thì vợ chồng phải:
CÓ THỜI GIỜ CHO NHAU:
Nhiều người trong thời gian quen nhau hay lúc mới bồ bịch với nhau, họ bỏ ra rất nhiều giờ cho nhau. Nói chuyện với nhau hằng giờ, hằng ngày không chán. Một điều xem như khôi hài, là nội dung những câu chuyện đó, nếu lúc này ôn lại, nhiều người sẽ thấy nó rất vô nghĩa. Chuyện trời nắng, chuyện trời mưa, chuyện con chó, chuyện con mèo, chuyện chiếc xe, chuyện bông hoa, chậu cảnh. Chỉ một chủ đề nho nhỏ băng qua bầu trời tâm sự là đã trở thành một đề tài hấp dẫn giữa hai người.
Nhưng sau khi cưới nhau rồi thì sao? Thế giới ngày nay, trong khi con người phải chạy đua với tốc lực, với thời gian, với những máy móc điện tử, mỗi ngày tính trung bình một cặp vợ chồng chỉ còn dành cho nhau khoảng 10 phút. Một khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi vừa đủ để chải đầu và thay một bộ quần áo, thì làm sao vợ chồng có thể tâm sự, thông cảm được với những lo âu và uẩn khúc đang làm họ suy tư, lo lắng?
Nhiều cặp vợ chồng không những không có thời giờ cho nhau đối với những chuyện được coi là nhỏ mọn, mà ngay cả với những chuyện lớn lao như công ăn việc làm, giáo dục con cái, thay đổi nghề nghiệp, mua xe, mua nhà, dọn đi một tiểu bang khác, nên hay không nên có thêm một người con nữa, họ cũng không kịp để bàn hỏi, để chia sẻ với nhau. Và nếu có nói, thì trong nhiều trường hợp, lại nói một cách gay gắt, cứng cỏi, hằn học. Nói cho có lệ. Nói mà không cần ai nghe hay không nghe. Cũng không cần biết người nghe mình có đồng ý hay không đồng ý. Tại sao?
Vì tình yêu đã cạn. Vì tình cảm đã vơi. Nhưng nhất là vì lúc đó hai người là hai thế giới riêng rẽ. Họ rất ngại gần gũi với nhau, và rất tiết kiệm thời giờ cho nhau. Do đó, thay vì họ gần gũi và hạnh phúc, cuộc sống như khựng lại, và ngột ngạt. Chung qui cũng chỉ vì tự ái và tư tưởng muốn khóa mình lại hoặc không cho người khác tới gần mình.
ĐỐI THOẠI:
Nhiều người thường cho rằng mình là người rất muốn lắng nghe và thích đối thoại. Trong đời sống hôn nhân, cũng có những ông chồng hoặc bà vợ tỏ ra rất hiểu biết và cũng muốn đối thoại.
Nhưng đối thoại đối với những người này là người chồng hoặc người vợ của họ phải ngồi im lặng nghe họ nói, và phải đồng ý, tán thành mọi ý kiến của họ. Nếu vì một lý do gì không đồng ý hoặc tỏ dấu không tán thành, lập tức bị cho là người không biết điều, không chấp nhận ý kiến của kẻ khác, và không biết cách nói chuyện.
Đối thoại đối với một số người nữa là cãi nhau. Người chồng hay người vợ to tiếng hò hét, hoặc quát tháo ầm ỹ, miễn sao ý kiến mình phải được người nghe tôn trọng. Không một chia sẻ công bằng trong đó.
Cũng có người quan niệm đối thoại là kể lể dài dòng, nói lảm nhảm hoặc chì chiết vợ hay chồng mình. Nói để cho người nghe biết rằng họ đang tức giận, họ đang bực mình, hoặc họ đang khó chịu. Nói để người nghe phải làm theo ý của họ mới thôi.
Trong tất cả những hình thức đối thoại như trên không một lối đối thoại nào được gọi là khách quan và có lợi cho hạnh phúc gia đình. Ngược lại, tất cả những hình thức đó chỉ nói lên một điều là những người đó hoàn toàn không hiểu gì về ý nghĩa của hai chữ đối thoại, chưa nói tới nghệ thuật đối thoại.
Đối thoại, tự nó mang ý nghĩa số nhiều và song phương trao đổi. Có người nói và có người nghe. Có người hỏi và có người thưa. Có người trình bày và có người góp ý kiến. Đối thoại theo hình thức này không những không gây nhàm chán và buồn bực, ngược lại, rất thích thú và hữu ích. Trong những phương thức trị liệu về tâm lý, đối thoại hay còn gọi là trao đổi là một phương pháp được nhiều nhà tâm lý xử dụng nhất, đặc biệt khi cần để giải quyết những xung khắc trong gia đình và giữa những cá nhân với nhau.
Các nhà tâm lý quan niệm rằng những uẩn khúc trong tâm tư, cũng như những quan niệm và hệ thống tin tưởng của con người khác nhau do nhiều yếu tố như phái tính giữa nam và nữ, học vấn, tôn giáo, và di truyền. Trong khi đó, những yếu tố này lại bị ảnh hưởng bởi nền giáo dục gia đình, bởi xã hội, và bởi những phong tục, tập quán bao quanh mỗi người. Tự nó đã nói lên tính chất phức tạp và khó khăn trong đời sống chung.
Do tình yêu và sức thu hút của tình yêu, hai con người không hề biết nhau trước đó, hoặc chỉ biết nhau mấy tháng, mấy năm, nay trở thành đôi bạn tri kỷ, sống chung với nhau, và thường xuyên giao tiếp với nhau, tất nhiên không thể tránh được những va chạm, và hiểu lầm. Bởi vì tình yêu tuy ngự trị trong thượng tầng tri thức và lan tỏa vào tận cùng huyết mạch con người, nhưng những va chạm thường ngày trong cuộc sống lại gần gũi, và trực tiếp với con người. Vì thế, để thông cảm và chia sẽ được với nhau, đòi hỏi chồng hoặc vợ phải nói lên cảm nghĩ của mình.
Hãy thử tưởng tượng một hôm trong sở làm, tự nhiên ta nẩy ra một sáng kiến hay về gia đình và con cái. Cái sáng kiến đó là tháng tới nhân ngày kỷ niệm thành hôn, ta muốn đem cả vợ con và gia đình đi nghỉ mát tại Hạ Uy Di một tiểu bang thần tiên trên Thái Bình Dương. Đây là một sáng kiến rất hay và rất đẹp, mới nghĩ qua cũng đã đủ hấp dẫn và đáng mơ ước.
Rồi ta miên man nghĩ tới những cảnh vợ chồng ngồi trên bãi cát trên bờ biển ngắm nhìn đàn con chạy tung tăng, nô đùa với sóng biển. Rồi trong khi con ngủ, vợ chồng rủ nhau ra tản bộ dưới ánh trăng trên bãi, nghe tiếng vỗ nhẹ của sóng, và tiếng gió thổi rì rào theo tiếng đập đều đặn của những triền sóng trên bãi. Rồi ta như lạc vào cõi mộng khi tay đan tay với người vợ yêu thương nhìn vào không trung cao ngất với những ánh sáng chập chờn của muôn vì tinh tú, và ánh sáng tươi mát của vừng trăng đang dọi chiếu trên bầu trời.
Nghĩ mà thấy vui, và hạnh phúc. Ta nghĩ rằng, khi về đến nhà nói cho vợ hay ý kiến, chắc nàng sẽ vui lắm, nàng sẽ mừng. Ta như đoán được ánh mắt yêu thương của nàng nhìn lại ta, và nghe như nàng mắng yêu ta một câu: “Anh chỉ được cái lãng mạn, và trữ tình rởm. Vợ chồng già rồi mà còn bày đặt”. Ta chấp nhận câu nói đó của nàng, và rồi cả nhà sẽ có một tuần nghỉ thật hấp dẫn.
Nhưng chiều hôm đó, trong bữa cơm chung gia đình, ta đưa ra ý kiến trên với lòng khấp khởi vui mừng, nhưng chưa nghe hết câu chuyện và những gì ta đang dự tính muốn nói, vợ ta đã nạt nộ và lớn tiếng: “Bày đặt, tiền không có mà ham. Cái thứ như ông ngày thường cục xúc và vô tâm vô tính, sao hôm nay trở chứng lại đề nghị rởm như vậy.”
Phản ứng của người chồng đó như thế nào, ai cũng có thể hiểu. Thái độ của người vợ đó ra sao, mọi người đều có thể đoán được. Và những gì sẽ xẩy ra sau câu nói thiếu tinh thần đối thoại, thiếu tế nhị, và có thể nói là vô duyên của người vợ, người chồng trong trường hợp đó nếu có tức giận và phản ứng tiêu cực, thì cũng chỉ là một hành động tự vệ thông thường. Thế nhưng những câu đối đáp như vậy hoặc tồi tệ hơn nữa vẫn thường ngày xẩy ra trong đời sống vợ chồng của nhiều người. Và người ngoài cuộc vẫn được nghe những lời than thở của người chồng hay người vợ rằng: “Tôi đã nói nhiều lần mà ông ấy vẫn không nghe”. Hoặc: “Mỗi lần nói chuyện gì với bà ta là tôi muốn cãi nhau”.
NHỮNG BÔNG HOA NHỎ
Tất cả những gì đã được trình bày trong sách này chỉ nhằm mục đích chứng minh rằng:
– Hôn nhân là một cuộc sống hạnh phúc.
– Những khủng hoảng và đỗ vỡ trong hôn nhân có thể hàn gắn được.
– Đời sống hôn nhân hạnh phúc hay không hạnh phúc là tùy ở mỗi người.
Bí quyết hạnh phúc hôn nhân, nằm ngay trong tim, óc mỗi người. Cốt lõi của vấn đề là nếu ta tự cảm thấy không hạnh phúc với chính mình, thì đừng hy vọng chồng hay vợ mình sẽ mang lại hạnh phúc cho mình, và cũng đừng hy vọng hôn nhân của mình sẽ hạnh phúc. Tóm lại, hạnh phúc hay không hạnh phúc là do tại nơi mỗi người, đừng đổ thừa cho Thượng Đế, cũng đừng trách vợ hoặc chồng. Và cũng đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Nhưng mặt khác, không nên quá lý tưởng cho rằng hạnh phúc hôn nhân được đặt định và đo lường bằng những gì mình muốn, và những gì mình có. Phải được chồng hay vợ chiều chuộng, nâng niu. Cuộc đời không đổi thay, sóng gió. Nhất là không bao giờ gặp cảnh khó chịu, phiền hà, tranh cãi, hoặc hiểu lầm nhau. Chồng là người giầu có, tư cách, và thế lực. Vợ là người trẻ đẹp, duyên dáng, và đức độ. Tóm lại, một cuộc sống hoàn toàn đẹp như mơ.
Người Việt Nam đa số thích ăn phở. Một bát phở ngon không chỉ do nước dùng, bánh phở, mấy miếng thịt bò hay thịt gà, mà còn phải có đủ hành, tỏi, nước mắm, hồ tiêu, lá húng, lá ngò, chanh, và ớt nữa. Nhờ những gia vị lỉnh kỉnh đó mà người ăn mới khoái khẩu, mới thấy mùi vị của phở, đặc biệt là vị chua của chanh, và cay của ớt. Nhiều người khi cắn miếng ớt vào miệng cay chảy nước mắt, toát mồ hôi, nhưng nếu thiếu ớt lại không chịu được. Dường như ăn phở mà thiếu ớt, thì không còn cái thú của ăn phở nữa. Nói theo quan điểm triết học, thì trong cay đắng vẫn có ngọt bùi, hoặc ngược lại, trong ngọt bùi vẫn có chút đắng cay. Và trong cái chua cay hay đắng đót của cuộc đời, vẫn tiềm tàng những yếu tố của hạnh phúc.
Cuộc sống hôn nhân cũng giống như bát phở. Hương vị thơm ngon của nó là do những gia vị của cuộc đời, vui, buồn, cay đắng, và mặn nồng. Nếu cuộc đời cứ êm đềm trôi qua, những nụ hôn, hoặc những vuốt ve vợ chồng dành cho nhau nhiều khi mất đi cái hứng thú, và hương vị tình tứ, lãng mạn của nó. Nhưng nếu có phải năn nỉ, có phải chờ đợi và kiên nhẫn, những nụ hôn sau những phút giận hờn càng làm cho hương vị tình yêu thêm nồng nàn, tha thiết, và thần tiên hơn.
Thái độ tự tín và trưởng thành trong đời sống hôn nhân là sự kết hợp và uyển chuyển giữa con tim và khối óc. Giữa vui và buồn, giữa thành công và thất bại, giữa hạnh phúc và thử thách. Thái độ đó có thể tìm thấy của lời hôn thệ trong những lễ cưới được cử hành dưới nghi thức Công Giáo, trong đó người nam và người nữ trao cho nhau những lời thề hứa:
“Tôi…..nhận em…..là vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi.”
Và người con gái cũng trao cho người con trai mà nàng sắp sửa nhận làm chồng những lời thề hứa như vậy.
Hạnh phúc hôn nhân cũng được ví như một khu vườn có nhiều hoa thơm, cỏ lạ. Những bông hoa nhỏ trong góc vườn kia, chính là những tiếp nối và đóng góp nhỏ nhoi ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, và năm này qua năm khác của những giao tiếp và trao đổi giữa hai vợ chồng với nhau về mặt tâm lý, thể lý, tình cảm, và tinh thần. Những trao đổi này, nếu không được nhìn nhận dưới ánh sáng của tình yêu và hôn nhân, chúng chỉ là những giao tiếp thường xuyên giữa con người với nhau, hay như những bông hoa nở rời rạc trong một xó xỉnh nào đó của khu vườn. Do đó, nhiệm vụ của người làm vườn, hay mỗi người trong đời sống hôn nhân là phải tạo cơ hội để những bông hoa đó được dịp khoe hương sắc, và được chú ý do vẻ hấp dẫn và sắc đẹp của chúng.
Sau đây là một số những gợi ý tóm lược như những bông hoa nhỏ trong khu vườn hạnh phúc của hôn nhân. Nếu được vun trồng, cắt tỉa, và được đặt vào những vị trí xứng hợp, chúng sẽ là những nét đẹp làm tươi mát và hấp dẫn đầy giá trị. Cũng có thể nói những gợi ý này tóm lược những gì đã được trình bày khi nói về Hữu Lý Tình Cảm đối với hạnh phúc của hôn nhân:
– Một tâm hồn hướng thiện, và một trái tim mở rộng. Trong đời sống hôn nhân, ít nhất phải có một người – chồng hoặc vợ – có tinh thần và tâm thức đạo đức.
– Phấn đấu và tin tưởng ở sự trợ giúp của Trời cao.
– Chấp nhận và vui với những gì mình đang có. Vui với cuộc sống của mình. Vui với người chồng và người vợ của mình. Vui với cuộc đời hôn nhân của mình.
– Càng gặp nhiều rắc rối, khó khăn khi giải quyết được mới thấy đời có ý nghĩa. Điều gì quí thì bao giờ cũng khó tìm, khó kiếm, và hiếm hoi. Cuộc sống nếu dễ dàng quá sẽ mất giá trị, và không phân biệt được ai là người có khả năng phấn đấu, ai là người không.
– Ôn lại những hình ảnh đẹp của cuộc tình, và những kỷ niệm khó quên trong thời gian vợ chồng mới quen nhau. Kỷ niệm ngày mới quen nhau. Kỷ niệm ngày thành hôn. Kỷ niệm tuần trăng mật. Kỷ niệm ngày sinh nhật của nhau.
– Dành thời giờ cho nhau. Nếu có giờ cho công ăn việc làm, cho bạn bè, cho các sinh hoạt xã hội, vợ chồng cũng phải có giờ cho nhau. Đó là những giờ phút riêng tư của hai người. Những giờ phút thông cảm, và chia sẻ.
– Tìm kiếm và đối diện với những xung khắc để giải hòa. Điều gì vợ thích, không nhất thiết chồng phải thích. Điều gì chồng không thích, không nhất thích vợ cũng phải không thích. Không vì những cá tính dị biệt đó mà làm khủng hoảng, hoặc mất hạnh phúc của nhau.
– Tìm kiến và thăng hoa những tương đồng để làm cho đời sống ngày càng phong phú. Nếu chồng hoặc vợ có những tài năng và đức tính hơn mình, không được ghen tỵ. Ngược lại, phải khuyến khích để chồng hoặc vợ ngày càng thêm phát triển và thăng hoa những tài năng và đức tính đó. Nếu có khả năng, ta nên học hỏi và bắt chước để hai vợ chồng cùng chung hưởng hạnh phúc, và cùng chia sẻ với nhau như một hình thức trao đổi kinh nghiệm và nghề nghiệp.
– Chấp nhận sửa sai trước khi đòi người khác sửa sai: “Chân mình thì lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Hay nói theo lời Đức Kitô thì: “Hãy lấy cái xà trong con mắt ngươi đã rồi sẽ thấy mà lấy cái rác trong con mắt anh em” (Mt 7:5).
– Chiều vợ để vợ chiều, cũng như chiều chồng để chồng chiều. Làm cho vợ hoặc chồng những gì mình muốn người ta làm cho mình.
– Tránh những thái độ kiêu căng, phách lối, những lời nói chua ngoa, tiêu cực, châm biếm, và bẳn gắt.
– Nếu là chồng, tránh đừng khen người đàn bà khác trước mặt vợ, vì làm như thế sẽ tạo cớ để nàng ghen tương, gây hiểu lầm.
– Nếu là vợ, tránh đừng lớn tiếng với chồng trước mặt bè bạn, nhất là đừng để chồng phải mất thể diện nơi công cộng. Những gì cần nói và cần sửa sai, cứ việc thẳng thắn nói, nhưng nói trong tinh thần xây dựng, kín đáo, và tế nhị.
– Dù là đàn ông hay đàn bà, ai cũng thích được người khác khen thưởng, và để ý. Ca dao Việt Nam có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Ackerman, Nathan. The Psychodiagnosis of Family Life. New York: Basic Books, 1958.
– Bowen, M. (1966). The use of family therapy in clinical practice. Comprehensive Psychiatry, 7, 345-374.
– Ellis, Albert. Handbook of RET. Origins Sep 14,89. Vol 19. No 15 & 18 – CNS doc.
– Fox, R.E. Family Therapy. In I.B. Weiner (ed). Clinical Methods in Psychology. New York: John Wiley & Sons, 1983.
– Freud, Sigmund. A General Introduction to Psychoanalysis. New York: Boni & Liveright, 1916-1917.
– Heider, Fritz. The Psychology of Interpersonal Relations. New York: Wiley, 1958.
– Jacobson, N.S. and Bussod, N. Marital and family therapy. In M. Hersen, A.E. Kardin, and A.S. Bellack (ed). The Clinical Psychology Handbook. New York: Pergamon Press, 1983.
– Miller, D.T and Ross, M. Self-serving biases in the attribution of causality: Fact or fiction? Psychological Bullertin, 82,213-225.
– Minuchin, S. Families and Family Therapy. Cambridge, MA: Harvard University Press, 1974.
– Minuchin, et al., Psychosomatic Families. Cambridge, MA: Harvard University Press, 1978.
– Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Tục Ngữ Phong Dao. Hànội [Việt Nam], Mậu Thìn.
– Thanh Hiền. “Phụ nữ Việt Nam quan niệm thế nào về tam tòng, tứ đức trên đất tạm dung”, Bản Tin Song Nguyền, số 27 tháng 7 năm 1995.
– The Almanac of the Christian World, 1993-1994 Edition.
– Thế Lữ. Mấy vần thơ, tập mới. Hànội [Việt Nam]. Đời nay xuất bản, 1941.
– Vũ Thanh Thủy. “Hòa bình trong tâm hồn và ngoài xã hội”, Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 109, tháng 8 năm 1995, tr. 11-12.
Trần Mỹ Duyệt