Mục vụ gia đình

GIA ĐÌNH VÀ TÌNH YÊU ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI YẾU KÉM NHẤT

GIA ĐÌNH VÀ TÌNH YÊU
ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI YẾU KÉM NHẤT

I. NHẬP ĐỀ

Trong đề tài thứ 9: “Gia đình là trung tâm và nguồn phát sinh thiện hảo xã hội” chúng ta đã thấy vai trò và trách nhiệm xã hội và chính trị của gia đình. Đề tài thứ 10 này sẽ tiếp nối đề tài thứ 9 và tập trung vào một hạng người đặc biệt của xã hội: đó là những người yếu kém nhất trong xã hội. Những người yếu kém nhất này phải các gia đình quan tâm chăm sóc và phục vụ như là đối tượng ưu tiên. Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng nói đến nhiệm vụ này của gia đình trong Tông huấn Đời sống gia đình: “Gia đình dù biệt lập hay kết thành hiệp hội, đều có thể và phải dấn thân cho nhiều công cuộc phục vụ xã hội, cách riêng là lo cho những người nghèo và cho những người và những hoàn cảnh mà các tổ chức từ thiện và cứu tế công cộng không thể lo hết được.” (ĐSGĐ, 44). Và nền thần học của các Giáo hội thuộc thế giới thứ ba, cách riêng của Giáo hội Nam Mỹ và Á Châu đã mang đậm “một chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo” (Option préférentielle pour les pauvres)

Vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu (1) Ai là những người yếu kém nhất trong xã hội ngày hôm nay? (2) Tại sao những người yếu kém nhất ấy lại được coi là đối tượng ưu tiên của gia đình và tình yêu? (3) Muốn dành ưu tiên cho những người yếu kém nhất trong xã hội gia đình Kitô hữu phải làm gì?

II. TRÌNH BÀY

1. Ai là những người yếu kém nhất trong xã hội hôm nay?

1.1 Những người hèn mọn nhất theo Tin Mừng Mátthêu, chương 25:

Trong câu chuyện kể về Cuộc Phán Xét Chung trong Mt 25,31-46, chúng ta thấy Đức Giêsu đã kể ra một loạt những người mà Người xem là những “anh em hèn mọn nhất” của Người. Đó là những kẻ đói ăn, khát uống, bơ vơ không cửa không nhà, không đủ quần áo che thân, đau yếu bệnh tật, bị tù tội.

1.2 Những người cần được quan tâm nhất về Mục vụ gia đình theo Tông huấn “Đời sống gia đình”:

Trong phần thứ ba nói về Mục vụ Gia Đình,. Tông huấn Đời sống gia đình” có nêu lên một số trường hợp đặc biệt mà Mục vụ Gia đình cần quan tâm cách riêng. Phải chăng chúng ta cũng có thể coi đây là những người yếu kém nhất, không phải vì họ thế này thế nọ mà vì họ cần đến sự quan tâm của Giáo hội. Đó là: gia đình di dân; gia đình những người bị bó buộc phải vắng mặt lâu ngày như quân nhân, thủy thủ, du mục, tù nhân, tị nạn hay bị lưu đày; những gia đình giũa đô thị mà thực tế lại sống bên lề; các gia đình không nhà cửa; các gia đình không đầy đủ, chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ; những gia đình có con bị tàng tật hay nghiện ma túy; những gia đình có người nghiện rượu; những gia đình bị tách khỏi môi trường văn hóa và xã hội của họ hay có nguy cơ mất môi trường ấy; những gia đình bị kỳ thị vì chính trị hay vì những lẽ khác; những gia đình bị xâu xé vì ý thức hệ; những gia đình không thể dễ dàng tiếp xúc với giáo xứ; những gia đình bị bạo hành hay bị ngược đãi vì đức tin; những gia đình vị thành niên; những người gìa cả cô đơn và túng thiếu (xem ĐSGĐ, 77).

Ngoài ra còn có những hoàn cảnh đặc biệt khác như hôn nhân hỗn hợp; hôn nhân trái qui tắc (hôn nhân thử, chung sống không hôn nhân, người công giáo chỉ kết hôn theo luật dân sự, ly thân và ly dị không tái hôn, ly dị tái hôn) và những người không có gia đình và các gia đình trẻ ….(xem ĐSGĐ, 78-85).

1.3 Những người yếu kém nhất trong xã hội Việt Nam hôm nay:

Trong cuộc hội thảo “Bốn mười năm sau Vatican II nhìn lại” do Uûy ban Giám mục về Văn hóa tổ chức tại Toà Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh trong ba ngày 12,12 và 13.12.2002 vừa qua, linh mục Matthêu Vũ Khởi Phụng, Dòng Chúa Cứu Thế đã trình bày đề tài: “Linh mục, con nợ đặc biệt của người nghèo và người yếu đuối”. Ngoài những người sống trong các dưỡng lão, các trẻ của các lớp học tình thương, các trẻ khuyết tật, những người phong cùi, những nạn nhân các tệ nạn xã hội như phá thai, ma túy, HIV, AIDS, linh mục Vũ Khởi Phụng đã kể ra năm loại đối tượng khác mà ngài cho là những người đang cần và đang tìm đức tin. Đó là: (1) Anh chị em các dân tộc thiểu số, (2) Các bạn trẻ, sinh viên, học sinh, (3) Những người gốc công giáo, nhưng đã nhạt đức tin, (4) Những người có thành kiến, ác cảm hoặc lãnh với đạo, nhưng sau đổi ý, (5) Những nạn nhân của các gia đình tan vỡ. Không ai cấm chúng ta xếp tất cả năm hạng người này vào hàng ngũ những người yếu kém nhất của đề tài thứ 10 của chúng ta.

2. Tại sao gia đình Kitô hữu phải dành tình yêu thương đặc biệt cho những người yếu kém nhất trong xã hội?

2.1 Trước hết, gia đình Kitô hữu phải dành tình yêu thương đặc biệt cho những người yếu kém nhất trong xã hội vì tình đồng loại, đồng bào. Cha ông ta đã nói: “Lá lành đùm lá rách” hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” để giáo dục chúng ta về tình liên đới, nghĩa đồng bào (người cùng trong một bọc theo truyền thuyết 100 trứng con Lạc cháu Hồng) phải biết đùm bọc lẫn nhau, nhất là trong cảnh khó khăn, hoạn nạn.

2.2 Kế đến, gia đình Kitô hữu phải dành tình yêu thương đặc biệt cho những người yếu kém nhất trong xã hội vì đó là tinh thần và giáo lý của Đức Kitô:

“Đức Giêsu đáp: Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40).

2.3 Sau cùng, gia đình Kitô hữu phải dành tình yêu thương đặc biệt cho những người yếu kém nhất trong xã hội vì chính Đức Kitô:

(a) Đức Kitô đã nêu gương cho chúng ta trong việc yêu thương chăm sóc chữa trị những người bị thần ô uế nhập, đau ốm, bị quỷ ám, phong hủi và Người đã làm việc hết sức mình cho người nghèo ấy:

“Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết bệnh hoạn tật nguyền.

“Đức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 10, 35-36; đọc thêm Mc 1,21-45).

(b) Đức Kitô đã dạy dỗ Đức Thương người: “Anh em phải có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.” (Lc 6,36.39) và đưa ra cho chúng ta khuôn vàng thước ngọc làm tiêu chuẩn cho cách sống và hành động: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó.” (M7 7,13-14).

(c) Nhất là Đức Kitô đã đồng hóa mình với người nghèo, với những ai yếu kém nhất, coi những hành động làm cho/vì người nghèo là làm cho/vì chính Chúa:

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25, 40 và 45).

Chúng ta biết rất rõ: “làm hay không làm như thế” có nghĩa là cho hay không cho ăn, cho hay không cho uống, cho hay không mặc, thăm viếng hay không thăm viếng, đón tiếp hay không đón tiếp. Còn “cho những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây” là cho những người đang đói, đang khát, đang rét, đang bơ vơ, đang không cửa không nhà, đang đau yếu bệnh tật, đang bị tù tội, giam cầm!

3. Muốn dành ưu tiên cho những người yếu kém nhất trong xã hội, gia đình Kitô hữu phải làm gì?

3.1 Muốn dành ưu tiên cho những người yếu kém nhất trong xã hội gia đình Kitô hữu phải có ý thức sâu sắc và mãnh liệt về tình liên đới giữa người với người, về trách nhiệm của những người may mắn đối với những người kém may mắn trong cộng đồng xã hội, dân tộc và thế giới.

3.2 Muốn dành ưu tiên cho những người yếu kém nhất trong xã hội, gia đình Kitô hữu phải làm thấm nhuần giáo lý Kitô giáo và tinh thần Tin Mừng và phải học cùng Chúa Giêsu như Người mời gọi: “Hãy học cùng Ta vì Ta ….”

3.3 Muốn có ý thức sâu sắc và mãnh liệt về tình liên đới giữa người với người, về trách nhiệm của người may mắn đối với người kém may mắn cũng như muốn thấm nhuần giáo lý Kitô giáo và tinh thần Tin Mừng và muốn học cùng Chúa Giêsu để biết yêu thuơng những người yếu kém nhất trong xã hội một cách ưu tiên, thì mỗi người và mỗi gia đình Kitô hữu không thể coi thường các phương thế truyền thống của Giáo hội: cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa, tham dự các bí tích, các buổi tĩnh tâm, học hỏi và rèn luyện các nhân đức Kitô giáo có tính xã hội như quảng đại, hy sinh, chia sẻ….

III. KẾT LUẬN

Trong Phúc Âm, có lần Đức Giêsu đã nói với các môn đệ câu này: “Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em” (Mt 26,11). Quả đúng như lời Chúa nói. Loài người, nhờ cách mạng khoa học kỹ thuật, đã thực hiện được những điều vọ cùng kỳ diệu (như phi thuyền con thoi lên vũ trụ, như vệ tinh thông tin, như các phương pháp và thuốc chữa bệnh…..). Nhưng thời đại nào cũng sản sinh ra thêm những hạng người nghèo mới. Vấn đề của chúng ta là có biết mở lòng, mở trí, mở túi tiền, mở cửa… để đón tiếp và nâng đỡ những người yếu kém của xã hội ngày nay hay không. Nếu gia đình chúng ta sống bo bo chỉ biết có mình, thì là tự mâu thuẫn với tính danh Kitô hữu của mình.

IV. CHIA SẺ

4.1 Oâng bà anh chị hãy chia sẻ những nỗ lực mà gia đình mình đã thực hiện để yêu thương chăm lo cho những anh chị em yếu kém nhất mà mình gặp.

4.2 Ông bà anh chị hãy chia sẻ về những cách có thể xoa dịu những nỗi đau thương và giảm bớt những thiệt thòi của những thành phần yếu kém nhất trong xã hội hiện nay nói chung và trong địa bàn dân cư của ông bà anh chị nói riêng.

V. THỰC HÀNH

Giả như Chúa Giêsu bước vào nhà chúng tôi hay bấm chuông ở cổng nhà chúng tôi, thì gia đình chúng tôi sẽ có phản ứng thế nào? Giả như chúng tôi đi ra đường, đi về miền quê gặp Chúa Giêsu, thì gia đình chúng tôi sẽ làm gì? Giả như có người báo cho gia đình chúng tôi biết Chúa Giêsu đang có mặt tại nhà dưỡng lão A, bệnh viện B, nhà mở C, nhà nuôi trẻ khuyết tật D, trại giáo dục lao động E, nhà ổ chuột G, nhà trọ công nhân H, trại cai nghiện L, thì gia đình chúng tôi có tin chuyện ấy không và có thu xếp mọi việc để chạy đến nơi đó gặp Chúa không?

Mỗi người và mỗi gia đình Kitô hữu đều biết chúng ta sẽ làm gì trong những trường hợp nêu trên. Chỉ khác là Chúa Giêsu không xuất hiện bằng xương bằng thịt như cách đây hơn hai ngàn năm, thời Người sống ở Nadarét, Galilê, Giuđê và Samari mà nay Người có mặt một cách vô hình và trong những con người yếu kém nhất của xã hội chúng ta ngày nay thôi!

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!