Góc tư vấn

Cách chúng ta nói về sứ mạng truyền giáo

Cách chúng ta nói về sứ mạng truyền giáo

 

Như tựa đề, bài viết ngắn này bàn về ngôn ngữ – cụ thể là cách ta dùng từ ngữ trong tiếng Việt – để nói về sứ mạng là chính lý do hiện hữu của chúng ta trong tư cách là Giáo hội. Tôi sẽ đề cập trước hết việc dùng từ “truyền giáo”, sau đó sẽ nêu sự lẫn lộn giữa “sứ mạng” và “sứ vụ”.
truyen giao 3
1. VIỆC DÙNG TỪ “TRUYỀN GIÁO”

Tôi không dùng từ “truyền giáo”, ít nhất khoảng 20 năm trở lại đây. Sự việc bắt đầu cùng với việc tôi học Missiology ở Manila. Và chọn lựa này của tôi được ‘xác nhận’ ít lâu sau đó bởi một bài nói chuyện của Cha Peter C. Phan lần nọ với các linh mục tu sĩ sinh viên Việt Nam tại Radio Veritas Asia, trong đó nhà thần học Mỹ gốc Việt và giáo sư Sứ mạng học này đã nêu quan điểm chính xác giống như tôi nghĩ, với những giải thích đầy thuyết phục.

Môn Missiology được đưa vào chương trình của Đại chủng viện Huế vào năm 2006. Lúc đó, là người phụ trách môn này, tôi đề nghị gọi tên là “Sứ mạng học” (thay vì gọi “Truyền giáo học” như cách gọi thông thường lúc bấy giờ). Mọi người hoan hỉ chấp nhận, không có ai phản đối hay chất vấn gì; và môn học vẫn được gọi là “Sứ mạng học” cho đến hôm nay…

Năm 2009, tôi có viết bài “Truyền Giáo?” đăng trên một số websites Công giáo tiếng Việt, để giải thích tại sao không nên dùng từ “truyền giáo”. Tôi không thấy ai đưa ra bất cứ ‘phản biện’ nào từ đó đến nay! Ngược lại, có một số ý kiến ủng hộ công khai đây đó, chẳng hạn tại khoá Thường huấn Các Nhà Đào tạo Linh mục ở K’long, Đà Lạt, vào mùa hè năm 2016.

Có vẻ nhiều người dùng từ “truyền giáo” chủ yếu do thói quen, nếu để ý tìm hiểu và tham khảo các giải thích, họ sẽ dễ dàng nhận ra cách dùng từ “truyền giáo” cho sứ mạng Kitô giáo là có vấn đề và do đó cần điều chỉnh cách nói. Những từ ngữ nói về sứ mạng Kitô giáo có thể là: sứ mạng, sứ mạng thừa sai, loan báo Tin Mừng, rao giảng, Phúc Âm hoá, làm chứng, vân vân… Riêng cụm từ “Phúc Âm hoá” cũng bị chất vấn bởi một số tác giả, nhưng tôi cho rằng đó là một từ có thể dùng được, không đến nỗi phải loại bỏ.

Trong bài “Truyền giáo?” của mình, tôi nêu hai ý nghĩa của từ “truyền giáo”, chỉ ra rằng nghĩa ‘định lượng’ (trồng Giáo hội) thường được nhắm đến nhiều hơn là nghĩa ‘định phẩm’ (xây dựng Triều đại Thiên Chúa). Tôi cũng phân tích những ý nghĩa của “mission”, nhất là luận đề căn bản: Chỉ có một mission, đó là mission của Thiên Chúa (missio Dei)! Và tôi nêu rằng chữ “truyền giáo” không gán cho Thiên Chúa Cha, hay cho Chúa Giêsu, hay cho Chúa Thánh Thần được, nếu không muốn trao một ấn tượng gượng ép từ ngữ. Lịch sử của việc dùng từ “trở lại” (conversion), xét như mục tiêu thực tiễn của sứ mạng loan báo Tin Mừng, cũng giúp soi sáng ở đây. Ban đầu, lời rao giảng nhấn mạnh sự ‘trở lại’ theo nghĩa “hoán cải, trở về với Thiên Chúa”; về sau mới thấy lộ dần ý nghĩa của ‘conversion’ là “cải giáo, trở lại, trở thành thành viên của Giáo hội”.

Nhưng từ “truyền giáo” bộc lộ rõ nhất tính không phù hợp của nó khi ta đặt sứ mạng Kitô giáo trong bối cảnh Á châu, với các đặc tính ‘hội nhập văn hoá’ và ‘đối thoại tôn giáo’ rất khẩn thiết của sứ mạng này. ‘Bộ Truyền giáo’ đã được dứt khoát đổi thành ‘Bộ Loan báo Tin Mừng cho Các Dân tộc’ bởi Đức Phao lô VI ngay từ năm 1967. ‘Propaganda fide’ – vấn đề không nằm ở ‘fide’ (đức tin) mà nằm ở ‘propaganda’ (truyền). Thần học sứ mạng ‘missio inter gentes’ của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) khi đối chiếu với ‘missio ad gentes’ đã cho thấy một tầm nhìn sứ mạng đúng trọng tâm hơn và phù hợp với bối cảnh hơn, trong đó sứ mạng Kitô giáo được tiếp cận và đánh giá bằng một phương thức phẩm tính hơn là lượng tính. Hai chiều kích ‘cơ chế’ và ‘đặc sủng’ của Giáo hội được thấy rõ là ở trong tương quan ‘phương tiện-cứu cánh’, chứ không song song, càng không thể đảo ngược…

Phải nhận rằng việc dùng từ “truyền giáo” đã giảm đi khá nhiều trong những thập niên gần đây, nhất là khi chính thức gọi tên Thánh Bộ tương ứng ở Toà Thánh cũng như các Uỷ Ban tương ứng thuộc các Hội đồng Giám mục và các giáo phận. Cụm từ “Loan báo Tin Mừng” tuy dài hơn nhưng được dùng ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên, trong nhiều ngữ cảnh khác, từ “truyền giáo” xem ra vẫn còn được dùng khá nhiều.

2. SỰ LẪN LỘN GIỮA “SỨ MẠNG” VÀ “SỨ VỤ”

Tôi nhận thấy một vấn đề nữa có liên quan và đang tồn tại, xung quanh cách dùng từ “sứ mạng” và “sứ vụ”. Nhiều người dường như cho rằng hai từ này hoàn toàn đồng nghĩa nhau và có thể dùng thay thế cho nhau. Tôi không nghĩ thế. Hai từ ‘mission’ và ‘ministry’ trong tiếng Anh rõ ràng phân biệt nhau, nên được dịch lần lượt thành ‘sứ mạng’ (hay ‘sứ mệnh’) và ‘sứ vụ’. Sứ mạng là toàn bộ công cuộc; sứ vụ là phần việc cụ thể trong toàn bộ công cuộc đó – chẳng hạn, sứ vụ công khai trong khoảng ba năm của Chúa Giêsu, sứ vụ của linh mục thừa tác, sứ vụ cụ thể nào đó được trao cho các tu sĩ hay giáo dân… Sứ vụ nhiều khi được gọi là ‘tác vụ’ hay ‘thừa tác vụ’.

Mới đây, tôi được hân hạnh đi dự Khoá Hội thảo về Dịch thuật Văn bản Mục vụ tại Bangkok do Văn phòng Truyền thông (OSC) của FABC tổ chức, liên kết với SIL International. Trước khi đến với khoá Hội thảo, người ta tổ chức một số buổi tập huấn trực tuyến, trong đó họ có đề nghị các dịch giả từ các ngôn ngữ khác nhau gửi cho họ những từ tiếng Anh cần được giải thích rõ, để họ làm một bảng từ mục (glossary) và đưa vào tập Thủ bản Dịch thuật mà họ đang soạn thảo. Tôi đã đề nghị một số từ, trong đó có hai từ “mission” và “ministry”. Khi nhận Thủ bản Dịch thuật, tôi thấy họ giải nghĩa “mission” và “ministry” như sau (xem: Handbook for Translators, edited and compiled by Geogre Plathottam, Kees Jan Bos, Lisa Cooper, p. 116):

– Mission: the Church’s purpose to proclaim the Gospel and serve humanity (mục đích của Giáo hội nhắm loan báo Tin Mừng và phục vụ con người).

– Ministry: any action taken on behalf of the Church that serves its mission in some way (bất cứ hành động nào được làm nhân danh Giáo hội để phục vụ cho sứ mạng của Giáo hội cách nào đó).

Thật ngắn gọn và rõ ràng! Sứ mạng là loan báo Tin Mừng và phục vụ con người, còn sứ vụ là những công việc được giao để phục vụ cho sứ mạng. Rất hợp với giải thích trong Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu: “mệnh” (hay “mạng”) là “truyền bảo việc lớn”; còn “vụ” là “việc”!

Theo đó, tôi cho rằng chúng ta không nên dùng lẫn lộn hai từ “sứ mạng” và “sứ vụ” nữa, như trong tiếng Anh người ta không hề lẫn lộn giữa “mission” và “ministry”. Vài ví dụ: Thông điệp “Redemptoris missio” nên dịch là “Sứ mạng Đấng Cứu Chuộc”; nói về Giáo hội như “mystery, communion, mission” thì nên dịch là “mầu nhiệm, hiệp thông, sứ mạng”; nói về Giáo hội ‘hiệp hành’ với các chiều kích “communion, participation, mission” thì nên dịch là “hiệp thông, tham gia, sứ mạng”. Nhân tiện, tôi có hai ghi chú: Thứ nhất, đó là thứ tự ban đầu của ba chiều kích trên, cho tới Tài liệu Làm việc trước cuộc Hội nghị vào tháng 10/2023 thì thứ tự trên đã được điều chỉnh thành “hiệp thông, sứ mạng, tham gia” để định vị ý nghĩa trung tâm của ‘sứ mạng’. Thứ hai, dịp vừa qua tôi có hỏi Cha Otfried Chan, chuyên viên dịch thuật văn bản và Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Đài Loan, về cách dịch từ ‘synodality’ (ta gọi là ‘hiệp hành’) sang tiếng Mandarin, ngài cho biết cả ở Đài Loan lẫn ở Trung Quốc đại lục đều dùng một cụm 4 từ để dịch ‘synodality’!

3. KẾT

Bài này không nhằm đơn thuần săm soi chữ nghĩa suông. Bởi những ‘chữ nghĩa’ cụ thể ở đây thực sự có tầm quan trọng! Ngôn ngữ là chìa khoá văn hoá (language is the key to a culture); tôi tin rằng cách chúng ta nói về sứ mạng Kitô giáo ẩn chứa chính tầm nhìn sứ mạng của chúng ta. Mà sứ mạng chính là lý do hiện hữu của Giáo hội! Phải chăng vì tầm nhìn sứ mạng (về mục tiêu, động lực, phương thức của sứ mạng) khác nhau mà nhiều khi trong Giáo hội vẫn có hiện tượng ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’? Trong Tông huấn Evangelii Gaudium có ý nghĩa cương lĩnh của ngài cho việc canh tân Giáo hội, Đức thánh cha Phan xi cô đã không phác hoạ một công cuộc hoán cải mục vụ để chuyển hoá sứ mạng đó sao?

Lm. Lê Công Đức, 25.6.2024

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!