Tâm tình độc giả

CĂNG ĐÉT !

CĂNG ĐÉT !

Không nghĩ tới thì thôi ! Nghĩ là teo não …

Đạo gì kỳ ! Đạo gì mà lại tôn thờ cây thánh giá.

Bằng chứng là hàng năm, ngày 14 tháng 9, cả Giáo Hội suy tôn thánh giá

Dân ngoại hay người chưa hiểu nghe đến thánh giá ai cũng phát khiếp. Cả người Công Giáo cũng khiếp chứ đừng nói người ngoại.

Nghe đến thánh giá hay thập giá là sợ rồi.

Thập giá chính là nơi treo những tử tội

Thánh giá cũng treo “tên” tử tội nhưng “tên” tử tội ấy lại vô tội. Nó là nghịch lý của cuộc đời.

Cây Thánh Giá được diễn tả qua Thánh Thi thật hay :

Sầu chất nặng, thêm giấm chua mật đắng,
Đinh sắt, lưỡi đòng, gai nhọn đâm thâu,
Thân nát tan, và máu nước tuôn trào
Cho vũ trụ càn khôn được thanh tẩy !

Ta tin thật : muôn rừng xanh chẳng thấy
Một cây nào : cành, hoa, quả như ngươi !
Mấy mũi đinh nhẹ quá, thập tự ơi,
Sao mang nổi tấm hình hài vô giá ?

Rủ cành xuống, hỡi cây cao bóng cả,
Giãn thớ ra cho thân cứng hoá mềm
Như chiếc giường vừa trải nệm ấm êm
Chờ Vua Cả đến đặt mình nằm xuống.

Hóa ra rằng giường và ngai của Vua Cả đó chính lại là cây thập tự giá !

Ôi thập tự, chỉ ngươi là xứng đáng
Giá chuộc đời, đem cất giữ trong tim !
Biển trần gian, tàu cờ hiệu Máu Chiên,
Ngươi rước kẻ đắm chìm cho cặp bến.

Và quả thế ! Chỉ có thập tự là xứng đáng để làm giá chuộc cứu con người chìm trong tội lỗi. Con người đưa Con Người lên cây thập giá để cây thập giá sinh Quả Phúc Trường Sinh.

Cung trầm bổng dệt bài ca cầu nguyện,
Xin khấu đầu thượng tiến Chúa Ba Ngôi
Đã đổ hồng ân cứu chuộc loài người
Muôn muôn thuở, xin dâng lời vinh chúc !

Muôn muôn thuở vinh chúc cây thập tự mang trên mình Đấng Cứu Độ trần gian.

Khó nghĩ quá nhỉ ? Theo ngôn ngữ tuổi teen : “Chuyện khó như vậy mà cũng nghĩ ra được” đúng với chuyện thánh giá. Chọn con đường nào ngon ngon dễ đi hay rộng thênh thang tí cho người ta nhờ, đàng này lại chọn con đường thập giá, con đường cùa chông gai, con đường của tủi hờn. Nghĩ cũng hay thật !

Thật sự ra, thập giá và đau khổ chính là thử thách chuẩn nhất cho tình yêu tự hiến cùa Đấng Cứu Độ trần gian. Trên và trong con đường thập tự, Ngôi Hai Thiên Chúa vẫn vui vẻ để đón nhận thương đau dù thể xác nát tan. Đau khổ là như thế, nhục nhã là như vậy nhưng người chịu chết treo trên thập giá ấy vẫn mãi yêu hay gọi là yêu cho đến cùng. Yêu cho đến cùng kèm theo tha thứ cho đến cùng. Bằng chứng rõ nét nhất là trên cây thập giá, người chết cho người mình yêu đó đã nói lời tha thứ. Khi tha thứ được nghĩa là lúc đó cũng là lúc biểu lộ tình yêu.

Thập giá với đời người Kitô hữu như đã nói là căng đét ! Căng vì lẽ chả ai mong mình phải vác thập giá cả. Nặng nề, đau đớn, tủi hờn thì ai can đảm đứng ra để vác. Không chỉ vác mà còn tôn vinh sự đau đớn tủi hổ nữa.

Và rồi, thập giá với người Kitô hữu cũng như đau khổ là mầu nhiệm. Mà mầu nhiệm thì không thể lý giải theo kiểu, cách nhìn của con người mà lý giải cũng như nhìn trong con mắt đức tin. Nếu không tin thì chẳng ai tôn thờ Con Người chịu treo trên thập giá cũng như chả ai muốn và thèm vác thập giá đời mình cả.

Ngang qua cái chết, ngang qua thập giá, Con Người cứu con người khỏi án phạt đời đời để rồi con người cũng phải đi theo Con Người qua con đường thập giá và với con đường thập giá.

Đã là người, khi bước vào trần gian này thì ai ai cũng có thập giá. Thập giá đời mình có khi do mình tạo ra, có khi do người thân (vợ, chồng, con cái …) bạn bè gây ra cho mình và ngược lại, có khi mình gây ra cho người khác. Mỗi người lại được mời gọi yêu cái do mình hay người thân gây ra đó.

Đời tu chẳng hạn, chẳng ai chọn ai để rồi khi ở chung một nhà, một cộng đoàn và mỗi người một tính. Mỗi người phải vác thập giá đó chính là anh chị em của mình và yêu thương họ để hoàn thành con đường thập giá Chúa trao.

Đời gia đình thì vợ chồng con cái là thập giá đời nhau. Chả ai chọn ai cả. Tất cả như là một mầu nhiệm hay gọi là huyền nhiệm của tình yêu. Đôi bạn trẻ yêu nhau phải chăng là huyền nhiệm. Giữa bao người sao mình chọn người ấy làm chồng người ấy làm vợ. Rồi khi gần nhau ta không chọn được (giống đực cái) theo như ý ta muốn. Tất cả đều nằm ở trong thánh ý của Thiên Chúa cùng với sự chọn lựa của con người. Chính vì thế mỗi thành viên trong gia đình phải biết mở lòng ra để đón nhận nhau hay vác nhau. Trong gia đình, có khi khác tính khác nết nhau hết nhưng phải sống chung với nhau, phải chịu đựng lẫn nhau (như trong lời thề lãnh bí tích Hôn Phối) để đi trọn con đường thập giá Chúa trao.

Thật thế, Thánh Giá chính là con đường Tình Yêu cũng là nơi trao ban Tình Yêu. Ai nào đó cảm nhận được như thế thì sẽ thấy thập giá đời mình nó nhẹ nhõm.

Nếu nhìn cục bộ, ta sẽ không thấy nhưng khi nhìn rộng, nhìn bao quát ta sẽ thấy sao thập giá mà Chúa trao cho ta nhẹ nhàng quá vì lẽ có những người còn nặng gánh hơn ta.

Hồi còn bé, Mẹ tôi kể một câu chuyện mà sau này tôi nhớ mãi : Có người kia thấy thánh giá đời mình nặng quá và xin Chúa cho đổi. Người đó đi vào vườn thánh giá và tìm cây vừa sức. Người đó đi từ sáng đến chiều và tìm ra cây thánh giá ưng ý và xin Chúa cho vác cây này. Chúa thấy thế và nói với người đó là cây thánh giá mà người đó chọn chính là cây thánh giá mà Chúa đã trao ban cho người ấy trước khi người ấy đòi đổi.

Một câu chuyện mang tính cách giáo dục.

Thật thế, đời ta, ai ai cũng có thập giá. Nếu như chúng ta tin Chúa là nguồn mạch cùa Tình Yêu và chính Chúa là đấng chịu chết vì yêu thì ta sẽ thấy việc vác thánh giá đời ta sẽ nhẹ nhàng và thanh thoát. Và cũng nên nhớ : “Ơn Ta đủ cho ngươi” nghĩa là ơn của Chúa luôn ở với ta và Ngài bổ sức cho ta để ta vác thập giá đời ta theo Chúa. Và với lòng tin như thế, ta suy tôn Thánh Giá – nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian cũng như yêu thương và vui vẻ vác cây thập giá đời mình mà Chúa đang trao cho mỗi người chúng ta

Chả còn căng đét cũng như chả có cái chuyện “chuyện khó như thế mà (Chúa) cũng nghĩ ra được nếu ta yêu. Khi ta yêu thì thập giá sẽ nên nhẹ nhàng và thập giá sẽ nở hoa (tác giả lm Quang Uy).

Khi con giang tay, con giống như cây Thập Giá.

Khi con yêu thương Thập Giá bỗng như nở hoa.

Khi con khiêm nhu làn hương hoa quyện theo gió,

Khi con lên đường Thần Khí gió đưa về xa.

Khi con co ro, này Thánh Giá Ngài nâng đỡ.

Khi con bơ vơ, tình Chúa đến thăm ủi an.

Khi con hoang mang, lời thiêng soi sáng đêm thâu,

Khi con lao đao, thần lương bổ sức nguôi ngoai.

Khi con ba hoa, thì Chúa im lặng không nói.

Khi con huênh hoang, thì Chúa lánh sang một nơi,

Khi con kiêu căng, Ngài như chua xót khôn vơi,

Khi con tranh đua, Ngài như buồn bã không vui.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!