Chỉ mong Ngài lấy đi…
Hè về cũng là lúc mà mọi cảnh vật như chững lại, cùng hòa nhịp với con người chờ mong Chúa đến: Những cây sứ khẽ nhú lên những đóa hoa soi bóng nhẹ nhàng xuống mặt hồ bên cạnh cây hoa sữa lặng lẽ tỏa hương thơm dịu dàng. Trong cảnh vật nên thơ nên nhạc ấy, tôi để cho tâm hồn mình chạm vào thinh không. Chẳng đối diện với ai, cõi lòng được hòa nhịp với sự tĩnh lặng của đất trời, nhưng trong tôi ngổn ngang những suy tư về lý tưởng mình đang theo đuổi.
Ngày ấy xa xưa, con chập chững những bước đi đầu tiên…
Nhớ lại thời còn là sinh viên, mỗi buổi sáng tôi thường có thói quen nhâm nhi một vài ngụm cà phê bên những cuốn sách, đặc biệt là những cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại văn học nước ngoài. Tác phẩm “Đêm trắng” của văn hào Nga Dostoevski đến bây giờ vẫn còn đọng lại trong tôi nhiều ấn tượng mà hôm nay giữa một mảnh trời riêng, tôi chợt nhớ đến. Tác phẩm được xây dựng xoay quanh nhân vật Nachenka, một cô bé mồ côi từ nhỏ, sống bên người bà bị mù. Tuổi thơ của cô được dệt nên từ thế giới của những mơ ước qua những câu chuyện cổ tích bà kể. Khi lớn lên, Nachenka và người bạn tự xưng với cái tên “người trong mộng” vô tình gặp gỡ nhau trong năm đêm thật đặc biệt. Vào đêm thứ năm, Nachenka đã gặp được vị hôn phu của mình, từ ấy cô ta không còn sống trong cảnh ngày đợi tháng chờ, không phải trò chuyện với người trong mộng nữa. Từ đó, Nachenka khám phá ra rằng cuộc đời này thật thi vị nếu ta ước mơ những điều cao đẹp và quyết tâm thực hiện điều đó.
Gợi hứng từ tác phẩm ấy, tôi quay về với cõi riêng tư của lòng mình, tôi mới chợt nhận ra rằng, khao khát dấn thân thân cho những điều tốt là một lý tưởng cao đẹp, mặc cho những khó khăn thách thức của dòng dời, nếu có ước mơ và sự trung thành, chúng ta sẽ về đích với niềm hoan lạc trào dâng. Bước vào hiện diện nơi cõi nhân sinh, hầu như ai cũng khát khao được mọi người biết đến; và theo lẽ thường người ta phải làm những công to việc lớn, những điều mà người ta có thể thấy được bằng nhãn quan thế gian…
Têrêsa Avila từng nói: “Thế giới sẽ ra sao nếu không có các tu sĩ?[1] Câu trả lời của ngài nói lên một chiều kích không thể sánh ví được nơi cuộc sống cũng như nơi công việc phục vụ của người tu sĩ. Ngài nói: “Ngoài những đánh giá nông cạn về chức năng hữu ích cho đời, đời sống thánh hiến còn quan trọng chính bởi đời sống ấy đã nên chứng từ về một sự quảng đại cho đi không tính toán vì tình yêu, và điều này lại cùng cần thiết giữa một thế giới có nguy cơ chết ngộp trong cơn lốc của những cái phù du”[2]. Đời tu quả thật không hệ tại ở một lối sống để tuân theo, một tác vụ phải hoàn thành mà là hiện diện để nên nhân chứng một cuộc sống yêu thương để được sống trọn vẹn.
Mỗi khi hoàng hôn về không khó để có thể bắt gặp những con đường với san sát những quán nhậu, không khó để thấy những chiếc xe SH. Camry… sang trọng nối đuôi nhau trên đường và cũng không khó để bắt gặp những trò đời đầy bẩn thỉu và dối trá. Giữa bức tranh hỗn mang ấy, bóng dáng của một tu sĩ với chiếc xe đạp đơn sơ đi ngang qua trên hành trình tông đồ, mục vụ và bác ái quả là đẹp biết bao. Hình ảnh có vẻ như “lập dị ấy giữa sóng đời xô bồ này như một tia sáng khiến những con người đang đắm mình trong những thói đời ấy phải ngẫm suy. Những con người ấy hẳn là nên như một minh chúng hùng hồn giữa cuộc sống náo động của “mạnh được yếu thua”, của “cá lớn nuốt cá bé”, rằng: Cuộc sống này vẫn còn đâu đây những điều thiện. Hình ảnh đơn sơ ấy chắc chắn làm cho thế giới này đáng sống hơn, tích cực hơn, con người ta tin vào nhau hơn vì biết rằng giữa vòng xoáy của guồng quay những dối trả, bạc bẽo; vẫn còn những con người giành cả cuộc đời để tìm điều thiện, điều tốt. Hình ảnh ấy tựa ánh sao mai soi chiếu cho nhân loại tiến về chân trời hạnh phúc đích thực.
Mối thần duyên trao dâng
Họa lại đời sống của Đức Kitô bằng chính đời sống của mình, suy cho cùng thực chất của cuộc đánh đổi ấy là “bán tất cả những gì anh có”[3].
Liệu rằng ta có thể đem cuộc đánh đổi này để so sánh với những sự đánh đổi theo kiểu “tiền trao cháo múc” hay không? Chắc chắn là không! Sự đánh đồi ở đây chính là một cuộc đánh đổi trong Đức Tin, nghĩa là dám đánh đồi, từ bỏ mọi sự dù chưa biết một cách cụ thể về tương lai sau khi đánh đổi sẽ ra sao.
Vậy sự đánh đổi tất cả này nên như hy vọng cho cuộc sống của con người. Đây thực sự là điều không hề dễ dàng, bởi con người trong thế giới hiện đại này tìm kiếm những gì mắt thấy tai nghe, hoặc phải có một lời đảm bảo cụ thể theo kiểu sinh viên nói với nhà tuyển sinh; “Anh phải đảm bảo cho tôi công việc sau khi ra trường thì tôi mới chấp nhận theo học tại trường của anh” hay của cô gái nói với người yêu của mình “anh phải đảm bảo cho em một cuộc sống giàu sang, nhàn hạ thì em mới cưới anh”.
Thế việc đánh đổi của người tu sĩ thì sao? Rõ ràng không có một sự đảm bảo nào theo kiểu thế gian ở đây cả, nhưng nếu người tu sĩ thực sự xác tín, đây chính là một sự đánh đổi an toàn nhất, bởi cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô đã đóng ấn cho một ngày mai huy hoàng rực rỡ. Người tu sĩ dám đánh đổi, dám chết đi cho con người của mình để hiến trao cho muôn người chính là vì niềm tin sắt đá vào mối thần duyên dành cho Đức Kitô, Đấng đã đi bước trước, đã dám đánh đổi vinh quang của Đấng làm Con Thiên Chúa để mặc lấy xác phàm để trở nên một Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ
và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:
“Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (P1 6,2-11).
Con đã chọn Ngài, chọn Ngài là cuộc sống của con
Khó nghèo là lối sống trọn vẹn và triệt để theo tinh thần Tin Mùng, hay nói cách khác là theo sát Đức Kitô để bằng cách tự nguyện sống khó nghèo, chúng ta san sẻ sự khó nghèo của Đức Kitô, Đấng giàu có nhưng đã trở nên khó nghèo vì chúng ta.
Theo sát Đức Kitô về đời sống khó nghèo, người tu sĩ chúng ta được tự do, không lệ thuộc vào của cải vật chất, luôn trong tư thế sẵn sàng cho không những gì được nhận lãnh nhưng không. Bởi vì kho tàng của chúng ta là sự công chính trong Nước Thiên Chúa, với niềm xác tín sống động vào Ngài. Đó là sự giải thoát khỏi tình trạng nô lệ và hơn nữa là khỏi mọi lắng lo của trần thế, để phục vụ Thiên Chúa cách mau mắn hơn, nói về Chúa cách quá cảm hơn[4].
Ngày nay, Mẹ Giáo Hội đang lên tiếng về thái độ dùng dụng với người nghèo của nhiều người, thì tính thần khó nghèo của người tu sĩ dễ dàng đến với những anh chị em kém may mắn này. Sống khó nghèo giúp chúng ta dám đến gần để chia sẻ, giúp đỡ và cảm thông với họ. Khó nghèo của người tu sĩ giúp cho người nghèo như được sự đồng cảm, gần gũi hơn.
Hơn nữa, khó nghèo giúp người tu sĩ ý thức về thân phận vốn dĩ là bụi tro của mình. Con người ta là thụ tạo vào đời tay trắng và ra đi cũng trắng tay mà thôi. Tài năng, sắc đẹp, tiền tài và cả mạng sống này ta có cũng là bởi Chúa.
Phải chăng, sự hiện hữu của chúng ta là một sự vay mượn, nhờ lòng trắc ẩn của Thiên Chúa?
Sự khó nghèo của Thiên Chúa đưa người tu sĩ vào tận cốt lõi của ý thức này để biết rằng ta chẳng là gì trong trời đất nhưng lại được chọn làm lễ vật quý giá nhất trong vũ trụ. Khi ta khẩn khó nghèo, thiết nghĩ ta như ôm trọn thân phận thụ tạo của mình như một món quà chân nhận giá trị cốt yếu và bất khả thay thế của Thiên Chúa trong cuộc đời.
Sau cùng, dưới ánh sáng Tin Mừng, khi sống tinh thần nghèo khó, người tu sĩ chắc chắn nhận được phần thưởng tại vương quốc mà chính Chúa đã dọn sẵn cho họ: Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (Mt 5,3).
Hãy trở nên nghèo, hãy mờ khuất đi trong những phù vận của thế gian, đàng khác hãy sống khó nghèo bằng thực hành, không chỉ là lý thuyết suông, để rồi cho người khác được lớn lên, cho họ chân nhận giá trị đích thực của mình nơi cuộc sống này[5].
Đời sống tu trì là lời mời gọi dành cho những ai dám hiển thân mình cho tình yêu của Đức Giêsu Kitô để cùng nhau sống chung dưới một mái nhà, trở thành anh em với nhau và cùng nhau sống gắn bó yêu thương trong tình bác ái huynh đệ, nhất là giúp nhau thăng tiến về đời sống tinh thần cũng như thể lý để mọi người nhận ra được hình ảnh của Đức Kitô. Vì thế đây là cơ hội mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta để chúng ta có thời gian nhìn lại mối tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với nhau; nhờ đó mỗi người chúng ta sẽ là men, là muối để làm dậy lên sức sống mới mỗi ngày trong cộng đoàn.
Con xin làm tấm bánh, bẻ ra hiến trao muôn người
Đức Kitô đã trở nên tấm bánh bé nhỏ, đã tự hủy dưới mọi khía cạnh: Về gốc gác: “Con của bác thợ mộc và con bà Maria”; nghèo về của cải vật chất “Chồn có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”; và “Nghèo ngay cả khi giáp mặt với cái chết trên thập giá”, Chúa Giêsu đã sống thân phận của một Tấm Bánh hoàn toàn bỏ ra cho muôn người qua cuộc sống trần gian của Ngài và đặc biệt nơi Bí Tích Thánh Thể.
Đức Giêsu chính là bài học sống động về một Tấm Bảnh hoàn toàn tự hủy chính mình, Tấm Bánh trao ban một cách vô vị lợi cho con người, Tấm Bánh sẵn sàng đón nhận mọi sự khinh chê; Tấm Bánh kiên nhẫn đợi chờ sự đáp trả tình yêu của loài thụ tạo thấp hèn; Tấm Bánh trao ban sự sống đời đời. Với người tu sĩ, những người theo sát Đức Kitô thì lời mời gọi này càng trở nên mãnh liệt hơn, người tu sĩ bẻ vụn tấm bánh đời mình để làm của ăn nuôi sống muôn người.
Nên tấm bánh bẻ ra nghĩa là người hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa tất cả những gì thuộc về mình, đặt sự an toàn nơi một mình Thiên Chúa và chọn Thiên Chúa là gia nghiệp duy nhất của cuộc đời, từ bỏ mọi sự, sẵn sàng tiêu hao sức lực để làm việc góp phần nuôi sống những mảnh đời khốn khổ túng cùng. Như thế người tu sĩ họa lại dung mạo nhân từ của Chúa Giêsu, một Thiên Chúa quyền uy nhưng đầy lòng khiêm hạ, Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu, Người tu sĩ được mời gọi nên tấm bánh để mọi người nhận ra Chúa nơi khuôn mặt xanh xao hốc hác, những tấm thân gầy guộc, những đám đông vô danh; nên tấm bánh để mọi người khám phá ra Chúa nơi những con người bị loại ra ngoài lễ xã hội, những đám người ăn xin đang lê bước khắp nẻo đường cát bụi, những người đang rét run với cặp mắt ngơ ngác thất thần ở những nơi thiên tai, chiến tranh…
Khi chìm vào suy tư sâu lắng về cuộc đời thắm nồng tình yêu Chúa nơi cuộc đời, chúng ta có thể khám phá ra niềm vui dâng cao. Một niềm vui không phải lúc nào cũng trào dâng nhưng nhẹ nhàng bao phủ. Niềm vui ấy là khí
chúng ta tìm thấy “sự sống”, “ánh sáng”, và “tình yêu” trong Đức Kitô qua cầu nguyện, chiêm niệm. Nghĩ về đời sống cầu nguyện và chiêm niệm tại Tập viện này, tôi như mở cõi lòng mình để thấy một sự mong mỏi khác… ước nguyện sớm một ngày được lên đường tiếp bước theo chân thánh Đa Minh với sứ vụ riêng của mình qua đời sống huynh đệ, qua sự khiêm nhường và qua đời sống khó nghèo.
Chỉ mong Ngài lấy đi, mong được chọn Chúa tất cả của con…
Hình ảnh tấm bánh bỏ ra để trao cho muôn người là một hình ảnh thật đẹp. Ước mong, người tu sĩ cũng phải ý thức chất lượng của chiếc bánh khi cho đi cần phải trở thành những tấm bánh thơm, những tấm bánh giòn trong thế gian để làm cho thế gian được dậy men Tin Mừng và để Lời Chúa được trải rộng khắp nơi bằng chính chứng tá của mình. Để sống trọn vẹn đời dâng hiến thật không dễ, vì người tu sĩ cũng mang trong mình kiếp phàm nhân, nếu không giữ vững tương quan với Chúa thì người tu sĩ sẽ bị hòa tan trong một thế giới tục hóa hôm nay. Giữa những đổ vỡ của xã hội, chúng ta cần suy gẫm lại câu nói của Đức Giáo Hoàng Gioan Paul VI đã nhắc nhở người tu sĩ: “Đi tu là tìm cái thế gian tránh và tránh cái thế gian tìm. Đi tu là sống giữa thế gian nhưng chết cho thế gian”.
Thay lời kết
Giữa cuộc đời trăm vạn nẻo đường xin chọn con đường yêu thương. Yêu thương như Đức Giêsu đã yêu chính là bảo chứng cho mỗi người một nơi mà Chúa đã dọn sẵn trên Giêrusalem thiên quốc. Xin được gửi gắm tâm tình qua những lời cầu nguyện đơn sơ; ước mong sao cho tình yêu của Đức Kitô còn ở mãi nơi tâm hồn mỗi người, đặc biệt những người đang sống đời thánh hiến; để khi kết thúc hành trình lữ hành nơi phận người, chúng ta có thể ngoảnh mặt lại để tự hào về những tháng ngày ý nghĩa mình đã sống, để rồi thân thưa với mọi người tâm tình của Thánh Phaolô rằng : Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã đi hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính (2 Tm, 6a – 7).
Đức Hữu