Philip Kosloski
Chúc lành là một từ chung được dùng để cầu xin ơn sủng của Thiên Chúa cho một cá nhân hay đồ vật. Nó không phải là một bí tích trong Giáo hội.
Kinh Thánh nói về phúc lành trong nhiều tình huống khác nhau, thường là khi một cá nhân ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa.
Bách khoa từ điển Công giáo giải thích định nghĩa chung này về phúc lành như sau: “Phúc lành được xem là đồng nghĩa với lời khen ngợi; do đó tác giả Thánh vịnh nói: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi” (34,1).
Vì thế, việc chúc lành, như Sách Giáo lý mô tả, là một động tác cầu nguyện:
Chúc lành diễn tả hoạt động cơ bản của việc cầu nguyện Kitô giáo: đó là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Nơi phúc lành, hồng ân của Thiên Chúa và sự chấp nhận của con người được hợp nhất trong cuộc đối thoại với nhau. Kinh nguyện chúc tụng là cách con người đáp lại những hồng ân của Thiên Chúa: vì Thiên Chúa chúc lành cho con người và tới lượt tâm hồn con người chúc tụng Đấng là nguồn mạch mọi phúc lành (GLCG 2626).
Một khía cạnh khác của việc “chúc lành” là cầu nguyện để ân sủng của Chúa có thể được ban cho một cá nhân khác.
[Chúc lành] được dùng để diễn tả ước muốn hoặc ao ước mọi điều tốt đẹp, đặc biệt điều thiêng liêng hoặc siêu nhiên, có thể được ban cho người hoặc đồ vật, như Đavít đã nói: “Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128,2).Giáo Hội chúc lành
Giáo hội đã theo những dấu chân này trong Kinh thánh bằng nhiều cách khác nhau, ban phúc lành trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Một điều cần ghi nhớ, theo Bách khoa từ điển Công giáo, “Phép lành không phải là bí tích … Chúng là á bí tích”.
Thực vậy, Sách Giáo lý giải thích rằng phép lành đứng hàng đầu trong số các á bí tích:
– 1671 : “Trong số các á bí tích, đứng đầu là các sự chúc lành (cho con người, cho bàn ăn, cho các sự vật và các nơi chốn). Bất cứ sự chúc lành nào cũng đều là lời ngợi khen Thiên Chúa và là lời cầu xin các hồng ân của Ngài. Trong Chúa Kitô, các kitô hữu được chúc lành bởi Thiên Chúa Cha “bằng tất cả mọi thứ chúc lành thiêng liêng” (Ep 1,3). Bởi vậy Giáo hội ban phép lành bằng cách kêu cầu Danh thánh Chúa Giêsu và thường có kèm dấu Thánh Giá của Chúa Kitô”.
– 1672 : “Một số những chúc lành có tầm vóc lâu dài: đó là để thánh hiến cho Thiên Chúa những con người, và để dành một số đồ vật và nơi chốn cho việc cử hành phụng vụ. Trong số những chúc lành cho con người (đừng lộn với sự truyền chức thánh là một bí tích) có: sự chúc lành cho một viện phụ (hoặc một nữ viện phụ) của một đan viện, – sự thánh hiến các trinh nữ, – nghi thức tuyên khấn dòng, – và những chúc lành cho một số thừa tác vụ trong Giáo Hội (chức đọc sách, chức giúp lễ, các giáo lý viên…). Về sự chúc lành cho các đồ vật, có thể nêu ra sự cung hiến hoặc làm phép một nhà thờ hay một bàn thờ, làm phép các dầu thánh, các quả chuông, v.v.”
Phép lành thường được ban kèm với việc rảy nước thánh. Thời điểm thông thường để các tín hữu nhận phép lành là cuối Thánh lễ, khi linh mục làm Dấu Thánh Giá trên các tín hữu.
G. Võ Tá Hoàng
https://aleteia.org