Tâm tình độc giả

CÒN NHIỀU CHÚT ĐỂ NHỚ VỀ ĐẶNG KHÔNG SƠN

CÒN NHIỀU CHÚT ĐỂ NHỚ VỀ ĐẶNG KHÔNG SƠN

Ở đời ! Hay là khi người ta muốn nhớ là người ta nhớ mà khi người ta thích quên là người ta quên. Và nhớ nhiều hay nhớ ít cũng là do suy nghĩ, tâm trạng của mỗi người.

Cha giáo Giuse Nguyễn Cao Luật, với tất cả tâm tình đã nhặt nhạnh tâm tình của Cha Cố Giuse Đặng Chí San và vài tâm tình khác về Cha để gọi là “Còn chút gì để nhớ”. Thật sự còn nhiều chút để nhớ lắm chứ không phải một chút.

Với con người và “sự nghiệp” của Cha Cố San, không ngoa để mà nói ai nào đó thích với con đường mà Cha Cố chọn và Cha Cố đi thì quả thật là học thật nhiều con đường đó. “Sự nghiệp” hay có thể nói là con đường “linh đạo” mà Cha Cố đã đi đó là con đường của “ngu ngơ” (mà là ngu ngơ thật sự chứ không phải ngu ngơ giả vờ giả vịt)

Con đường mà bỉ nhân gọi là con đường “linh đạo ngu ngơ” của Cha Cố thật dễ thương.

Ai nào đó cùng tâm trạng với bỉ nhân thì suy nghĩ ai sẽ là người giảng lễ tiễn đưa Cha Cố ? Ai là người giảng lễ an táng cầu nguyện cho Cha Cố ? Và, bài giảng sẽ nói gì ?

Cuối cùng, như mọi người biết đó là 2 người bạn thân thiết nhất và có thời gian sống với Cha Cố nhiều nhất (trong giai đoạn đất nước trải qua khó khăn và dĩ nhiên đời tu thời đó càng khó khăn hơn nữa) đó chính là Cha giáo Giuse Nguyễn Trọng Viễn và Cha giáo Giuse Nguyễn Cao Luật.

Phải nói rằng chỉ có Cha giáo Giuse mới can đảm giảng về bạn mình với 2 chữ “ngu ngơ”. Đố ai dám giảng như thế ? Thế nhưng bài giảng lễ an táng ấy lại là bài giảng dễ thương nhất, bài giảng am hợp nhất mà Cha giáo Giuse đã dành cho bạn tu của mình. Có thể nói bài giảng chuẩn không cần chỉnh trong ngày lễ an táng Cha Cố.

Một chi tiết hết sức hài đó là “ngu ngơ” đến độ bỏ cục thịt trong túi, đạp xe đạp về đến nhà không biết do trời nắng nóng hay do rơi rụng mà cục thịt mỡ đã tan chảy lúc nào không biết.

Cái “ngu ngơ” của Cha Cố là cái ngu ngơ thật sự chứ không phải là ngu ngơ giả tạo hay kiểu nói là “khiêm nhường ống điếu” giành cho những người cao cạo. Cha Cố Giuse thật sự “ngu ngơ” trong đời sống cũng như đờ tu của mình. Cái “ngu ngơ” ấy xem chừng ra rất đơn sơ, rất nhỏ hèn như chị Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu đã sống trong con đường linh đạo thơ ấu thiêng liêng vậy. Nếu như Teresa Hài Đồng Giêsu đi trên con đường linh đạo thơ ấu thiêng liêng thì linh mục dòng Đaminh mang tên Giuse Đặng Chí San sống với Chúa trên con đường “ngu ngơ” hay không dám nói là “khù khờ”.

Cha Giuse chia sẻ : “… Tỏ ra như phá phách nhưng lại rất nhạy cảm : phê bình các lề thói, nhưng lại luôn thổn thức trong nhiều thánh lễ anh cử hành. Anh thường căn dặn các sinh viên của mình là những linh mục tương lai, phải đọc lời truyền phép với tất cả lòng sốt sắng của mình. Vì, chính anh thú nhận rằng, trong giây phút ấy anh cảm thấy như một dòng máu nóng đang chạy “rần rần” trong anh. Và nhiều người đã từng thấy anh, không chỉ một lần, rơi nước mắt trong khoảnh khắc này. Hẳn không có ai dám nói đó là những giọt nước mắt giả tạo.

… Những chuyện vui của anh San dĩ nhiên làm trò vui cho anh em, nhưng sâu xa hơn, sở dĩ anh em có thể mang chuyện ngây ngô của anh ra để chọc ghẹo mà không sợ anh buồn; không phải vì anh hiền lành, hoặc cảm thông … nhưng bởi vì hình như đối với anh, những chuyện ấy cũng chỉ là chuyện ở trên bề mặt, không ảnh hướng tới một thế giới gì khác còn đang đau đáu trong lòng…vẫn có một cái gì tiềm tàng…”

“Ngu ngơ” kiểu Cha San đó là ngu ngơ theo kiểu của Thiên Chúa mà người thế gian hay gọi là điên rồ. Thôi thì ngu ngơ theo kiểu Thiên Chúa và điên rồ theo kiểu con cái Chúa hơn là khôn ngoan theo kiểu của thế gian.

Còn tâm tình của Cha giáo Giuse Nguyễn Trọng Viễn về Cha Cố San như thế này : “… Tôi tin là anh San đã dám sống thật, sống rất thật với anh em, thì anh cũng dám sống và sống rất thật với thầy Giêsu mà anh gọi là “Giê – văn – Su”. Kitô giáo trước khi là một đời sống luân lý, thì trên nền tảng không là gì khác hơn mối tương giao chân thật, thân tình ở nơi đáy sâu của cuộc sống.

Anh San tâm sự với học trò là : tao tưởng tao ngã đau lắm, nhưng có thầy Giê-văn-Su đỡ tao nên tao không thấy đau mấy…

Anh San rất thường hay khóc khi dâng lễ, mà tôi tin rằng những lúc ấy, anh đã gặp được một Giê-văn-Su không phải nơi đỉnh cao của đạo đức, không phải nơi hào quang của tài năng, nhưng anh khóc vì nhận ra có thầy Giê-văn-Su đã đỡ dưới chân mình …”

Chưa hết, Cha Giuse Viễn nói : “Tôi không biết sau này anh San đạo đức thế nào, nhưng phải nói thật anh là một con người dễ thương, dễ thương trong cái quá đỗi chân thật về chính những gì tệ hại trong bản thân mình. Một anh San dễ thương với anh em của mình, thì chắc hẳn, với Anh Bạn Giêsu, anh cũng không kém phẩn dễ thương như thế, hay đúng hơn là còn hơn thế thật nhiều nữa”.

Vâng, con người của Cha Cố San là như vậy đó : đơn sơ, ngu ngơ và chân thật.

Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam 1 tu sĩ linh mục như Cha Cố San. Tạ ơn Chúa đã ban cho Dòng Anh Em Giảng Thuyết Việt Nam đã sống, đã giảng không chỉ bằng lời mà bằng cả cuộc sống của mình. Cuộc sống của Cha San hùng hồn hơn nhiều bài giảng gọi là hay hay theo kiểu nói bây giờ.

Giảng hay là một chuyện ! Sống hay lại là chuyện khác. Cố linh mục Giuse Đặng Chí San đã giảng đời mình bằng cách lối sống đơn sơ, ngu ngơ, chân thật như thế.

Thế cho nên còn nhiều điều để nhớ về Cha Cố chứ không phải chút gì để nhớ. Nhiều điều để nhớ để ai nào đó thích thì sống cái “linh đạo ngu ngơ”, linh đạo đơn sơ và chân thật của Cha Cố. Để sống những điều ấy trong cuộc đời và nhất là trong đời tu không phải là chuyện dễ ăn.

Trân quý lắm con người của linh mục Giuse Đặng Chí San cùng với cái tên mà anh em vẫn thương đặt cho Cha : Thiền sư Đặng Không Sơn.

Lm. Anmai, CSsR

 

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!