ĐẤT PHƯƠNG NAM NÓ VẬY ĐÓ!…
Đặc điểm nổi bật của dân miền Nam, đặc biệt là miền Tây, không có làng xã, không có cổng làng, chỉ có xóm giềng, mỗi nhà ở riêng rẽ, không có cả một dòng họ sống trong cùng một làng như miền Bắc.
Không có làng nên không có Lệ làng, không bị các ràng buộc như “gái làng này không được lấy trai làng khác”, “gái chữa hoang thì nhốt lồng heo thả sông”, “làm sai bị làng phạt vạ”,…
Bởi sống khai hoang trong rừng rậm đầy thú dữ nên rất quý những người khác cùng đến ở chung làm chòm xóm, nên cái tình nghĩa xóm giềng, tối lửa tắt đèn có nhau quan trọng hơn hết thảy “bà con xa không bằng láng giềng gần”.
Đặc biệt, nhà nào cũng có lu nước để trước, ai đi ngang thấy khát nước thì tự múc uống khỏi xin phép, ai hỏi đường thì chỉ giùm không nề hà nếu phải dẫn họ đi, thậm chí chỉ chỗ để họ khai hoang kiếm kế mưu sinh.
Những điều trên chính là cái tạo nên tính cách phóng khoáng của dân miền Nam không coi trọng người đối diện xuất thân từ đâu, có tiền hay không “tứ hải giai huynh đệ”. Từ đó, mới nãy sinh ra cái chữ “miễn phí” ở đất miền Nam từ thùng nước uống, thức ăn, đến việc ai hỏi đường là nếu biết họ không rành là chạy theo chỉ đường cho tới nơi.
Vô Saigon thấy thùng nước, bánh mì, cơm, vá xe miễn phí, mua đồ quên đem tiền thì thiếu, bữa sau tới trả cũng được,…mới vô nhìn thấy lạ, nhưng đó là cái văn hoá được gầy dựng từ hơn 300 năm của dân Nam Kỳ Lục Tỉnh, từ thời đi khai hoang lập quốc .
Những điều trên dựa theo sự hiểu biết của tôi về văn hóa phong tục vùng miền Nam – Bắc nếu có sai sót mong các bạn sửa chữa và bổ sung thêm nhé.