Ðời mục vụ của vị cha già 50 năm linh mục
Tôi có dịp trở lại giáo xứ Ka La, giáo hạt Di Linh, giáo phận Ðà Lạt để tham dự thánh lễ tạ ơn 50 năm hồng ân linh mục của cha cố Phaolô Lê Ðức Huân. Nhiều người đã bày tỏ lòng kính trọng, cảm phục vị cha già miệt mài với việc truyền giáo.
Cha Phaolô nay bước sang tuổi 78, cái tuổi bình thường được nghỉ hưu, an dưỡng sau chặng đường dài 50 năm miệt mài phục vụ Hội Thánh. Thế nhưng, hiện nay ngài vẫn đang là quản xứ giáo xứ Ka La, kiêm Đại diện Giám mục Đặc trách người Dân tộc của giáo phận Đà Lạt.
Là người được cộng tác và làm việc với ngài trong 12 năm khi ngài làm Quản xứ Chánh tòa Đà Lạt, kiêm Quản hạt Đà Lạt và Tổng Đại diện Giáo phận, tôi hiểu phần nào cung cách làm việc, tình yêu thương và lòng nhiệt thành phục vụ Hội Thánh của vị cha già, đúng như khẩu hiệu đời linh mục của ngài “Mọi sự cho mọi người” (1Cor 9,22).
Từ vùng sâu lên thành phố
Ngày 19.12.1973, Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục tiên khởi giáo phận Đà Lạt, truyền chức linh mục cho thầy Phaolô Lê Đức Huân. Trước đó, thầy Phaolô Huân là đệ tử ruột của cha cố Lôrensô Phạm Giáo Hóa (+), thường xuyên đi vào các làng dân tộc ở vùng sâu Bảo Lộc, Bảo Lâm ngày nay để truyền giáo. Sau khi thụ phong linh mục, cha Phaolô sống mục vụ qua việc chăm lo đời sống tinh thần, và nâng đỡ đời sống vật chất cho giáo dân và người dân tại giáo điểm truyền giáo Tân Rai từ năm 1972 đến 1993.
Từ năm 1993 đến 2005, cha làm chánh xứ Tân Hà, Bảo Lộc. Trong 12 năm ở Tân Hà, cha đã thổi luồng sinh khí mới không chỉ cho giáo xứ Tân Hà mà lan tỏa ra cho cả giáo hạt Bảo Lộc, là giáo hạt có đông giáo dân nhất giáo phận Đà Lạt. Cha Phaolô cùng bà con giáo dân dấn thân vào công cuộc truyền giáo. Từ những điểm truyền giáo, cha gầy dựng các giáo xứ Sum B’Răc, Vinh sơn Liêm ngày nay.
Từ năm 2005, cha Phaolô được bổ nhiệm làm quản xứ Chánh tòa. Nhớ lại những ngày đầu khi mới lên Đà Lạt, cha Phaolô vẫn hay nói: “Mình là nhà quê, từ vùng sâu, vùng xa lên thành phố… còn nhiều ngỡ ngàng lắm”. Đúng vậy, dù từng tu học tại Giáo hoàng Học viện Piô X (ở Đà Lạt), nhưng từ thầy Sáu rồi trở thành linh mục, cha Phaolô miệt mài dấn thân vào vùng truyền giáo xa xôi cho người bản xứ, sau đó mới được ra phố thị Bảo Lộc rồi tiến lên Đà Lạt. Lúc đó, có những người e ngại không biết “người ở trong rừng” lâu năm có thích ứng được với môi trường thành phố “văn minh, hiện đại”?
Dấu ấn với phố núi Đà Lạt
Nơi phố núi Đà Lạt, từng bước, cha không chỉ thích ứng mà còn thúc đẩy, mở ra nhiều hoạt động mục vụ mới cho giáo hạt và giáo phận. Cha tổ chức lại cơ cấu Hội đồng Giáo xứ và Hội đồng các Giáo họ thông qua việc bầu cử theo quy chế mà Giáo luật ban hành để phát huy tốt trách nhiệm của các giới, các ban trong giáo xứ. Về mục vụ, cha Phaolô đề ra phương hướng để các hoạt động truyền giáo, bác ái được thực hiện theo tinh thần của Giáo hội và đưa các sinh hoạt của giáo xứ đến với mọi người. Trong các dịp làm công tác từ thiện và bác ái định kỳ của giáo xứ, dù người Công giáo khó khăn hay người bên lương nghèo khổ cũng đều được cha quan tâm như nhau.
Với giáo hạt, cha Phaolô kết nối các Hội, Nhóm tông đồ, bác ái, cầu nguyện…, hình thành Gia đình Tông đồ Giáo dân giáo hạt Đà Lạt, thúc đẩy hoạt động của Caritas, thúc đẩy và tổ chức các khóa đào luyện để hình thành Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể ở giáo hạt Đà Lạt. Tuy tuổi cao, nhưng cha luôn quan tâm đến các hoạt động của Giới trẻ, tạo điều kiện để Giới trẻ Giáo hạt có các hoạt động tông đồ, văn hóa, thể thao… Đặc biệt là quan tâm đến lĩnh vực Truyền thông để Loan báo Tin Mừng trong thời đại 4.0. Ngài luôn đồng hành và định hướng cho hoạt động truyền thông, cổ vũ việc đào luyện những người làm truyền thông để mang Tin vui, Tin Mừng đến với mọi người, nhất là những người chưa nhận biết Chúa. Có lần ngài chia sẻ với người viết: “Sức sống của một giáo phận (trong thời đại thông tin) được thể hiện qua các hoạt động mục vụ của Giám mục giáo phận, sinh hoạt của các giáo xứ… trên trang web của giáo phận”.
Xây dựng Trung tâm Truyền giáo giáo phận
Cuối năm 2017, khi Đức Giám mục giáo phận muốn phát triển Kala thành Trung tâm Truyền giáo cho người Dân tộc, đánh dấu 100 năm truyền giáo trên mảnh đất cao nguyên Di Linh – Lâm Viên (1927-2027), cha cố Phaolô dù tuổi đã “thất thập cổ lai hy” lại tiếp tục vâng lời, âm thầm khăn gói đến làm quản xứ vùng sâu Kala, nơi có bà Ka Trút là người dân tộc đầu tiên được Đức cha Jean Cassaigne rửa tội vào ngày 7.12.1927.
Về Kala, không chỉ coi sóc gần 7.000 giáo dân người Dân tộc bản địa, cha Phaolô khởi sự việc xây dựng Trung tâm Truyền giáo cho người Dân tộc. Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, ngày 24.11.2018, kết thúc Năm Thánh kỷ niệm 30 năm ĐGH Gioan Phaolô II phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam, ngôi nhà thờ mới Kala được khởi công – với lễ đặt viên đá đầu tiên do Đức Giám mục giáo phận Antôn Vũ Huy Chương chủ sự, thay cho nhà thờ cũ bằng gỗ được dựng lên vào năm 1940 dưới thời cha Jean Cassaigne.
Lúc đó, cha cố Phaolô chia sẻ:“Tôi phó thác cho Đức cha Cassaigne rồi, tuần nào tôi cũng đến bên mộ ngài ở Trại phong Di Linh (cách 3km) để cầu nguyện và “giao” cho ngài việc xây dựng nhà thờ Kala”.
Song song với việc xây dựng nhà thờ, được sự giúp đỡ của ân nhân, cha tiến hành xây dựng đền Nữ Vương Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam trước khuôn viên nhà thờ vì ngài muốn dâng công trình xây dựng cho Đức Mẹ, xin Đức Mẹ nâng đỡ. Ngày 25.3.2022, Ðức cha Ðaminh Nguyễn Văn Mạnh đến giáo xứ Kala, chủ sự thánh lễ Truyền Tin và làm phép đền Nữ Vương Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam.
Thánh lễ tạ ơn 50 năm hồng ân linh mục của cha Phaolô vừa rồi được cử hành trong ngôi nhà thờ mới xây dựng xong phần thô. Ngài dành toàn bộ số tiền mừng để thêm xây dựng nhà thờ và các công trình phụ trợ Trung tâm Truyền giáo Kala.
Sau 5 năm về Kala, trông cha Phaolô già nhanh hơn và tóc bạc nhiều hơn, nhưng ngài vẫn như con ong cần mẫn cùng với nhiều người hoàn thiện ngôi nhà thờ và các công trình phụ trợ khác. Thời gian từ nay đến dịp kỷ niệm 100 năm truyền giáo tại Giáo phận Đà Lạt (cuối năm 2027) chỉ còn 5 năm, liệu công trình có kịp hoàn thành? Cha cố Phaolô nói : “Đã phó thác cho Mẹ Maria và Đức cha Cassaigne lo liệu”.
Roco Hữu Phước