Chúa mời gọi chúng ta bước theo chân Người, bắt chước con đường của Người. Trong bản văn của mình, Đức Thánh Cha nhắc lại bốn “chiều kích hiện diện nơi con người của chủng sinh”: nhân bản, trí thức, thiêng liêng và mục vụ.
Amedeo Lomonaco & Christopher Wells
Chúa mời gọi chúng ta bước theo chân Người, bắt chước con đường của Người. Trong bản văn của mình, Đức Thánh Cha nhắc lại bốn “chiều kích hiện diện nơi con người của chủng sinh”: nhân bản, trí thức, thiêng liêng và mục vụ.
Đối với Đức Thánh Cha, một trong những thách thức quan trọng nhất của việc đào tạo linh mục là xây dựng “những cộng đoàn Kitô hữu đích thực”, vốn không chỉ thúc đẩy “một kế hoạch đào tạo mạch lạc”, nhưng còn “một kinh nghiệm cộng đồng đích thực trong tất cả các chiều kích của việc đào tạo”. Đức Thánh Cha chỉ ra một ưu tiên: “Cần thiết phải từ bỏ tính trơ ì và não trạng vai chính, và bắt đầu ước mơ cùng nhau, không tiếc nuối quá khứ, không một mình, nhưng hiệp nhất và cởi mở với những gì Chúa ao ước hôm nay như việc đào tạo đối với các thế hệ linh mục sắp đến được soi sáng bởi những định hướng hiện nay của Giáo hội”.
Một thách thức khác, đó là đào tạo “các đồng môn của các tín hữu Kitô khác”, những người dù chia sẻ “nhu cầu về nhân bản và thiêng liêng như nhau” nhưng lại phải chịu “những sự mong manh, giới hạn và lỗi lầm như nhau”.
Đức Thánh Cha cảnh giác: “Cần phải cẩn thận, vì sứ mạng của anh em không phải là đào tạo ‘những siêu nhân’ có tham vọng biết mọi sự, kiểm soát mọi sự và tự cho mình là đủ. Trái lại, nó là đào tạo những con người khiêm tốn bước theo tiến trình được Con Thiên Chúa chọn lựa, là con đường nhập thể”.
Con đường nhân bản và thiêng liêng
Việc đào tạo linh mục được mời gọi thừa nhận và hòa nhập cả những yếu đuối của con người và ân sủng của Thiên Chúa, để dẫn dắt các chủng sinh trong hành trình “đức tin và sự trưởng thành toàn diện“, theo bước chân của Con Thiên Chúa nhập thể.
Chiều kích nhân bản của việc đào tạo linh mục “không chỉ là một trường học nhân đức, tăng trưởng nhân cách hay phát triển cá nhân. Nhưng trên hết nó cũng ngụ ý một sự trưởng thành toàn diện của nhân vị , được trở nên tự trị nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đấng, trong khi quan tâm đến các điều kiện sinh học, tâm lý và xã hội của mỗi người, lại có khả năng biến đổi và nâng cao con người, nhất là khi nhân vị và cộng đồng nỗ lực cộng tác với ân sủng trong sự trong sáng và chân lý. Rốt cuộc, các động cơ đích thực cả ơn gọi, tức là bước theo Chúa và xây dựng Nước Thiên Chúa, là nền tảng của một tiến trình vừa nhân bản vừa thiêng liêng”.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong tiến trình đào tạo một linh mục là “đọc được dần dần” con đường của người ấy.
Đức Thánh Cha viết: “Cái nhìn quan phòng về con đường của chính người đó là chủ đề chính của việc phân định cá nhân và giáo hội đối với ơn gọi của người đó. Quả thế, mỗi chủng sinh trước tiên, và mỗi linh mục sau đó, với những điểm nhấn và sắc thái khác nhau, phải liên lỉ cập nhật nó, nhất là trong những hoàn cảnh có ý nghĩa nhất của hành trình ơn gọi linh mục của mình. Việc đối diện với những người đồng hành với người ấy trong tiến trình này, ở tòa trong cũng như tòa ngoài, sẽ cho phép người đó vượt lên mọi cám dỗ chủ quan tự lừa dối bản thân (autotromperie subjectiviste) và đánh giá các viễn cảnh rộng lớn và khách quan hơn nhiều”.
Hướng đến Trái tim của Chúa Kitô
Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc lại, các nhà đào tạo được mời gọi giáo dục «bằng cuộc sống của mình, hơn là bằng lời nói”: “Sự hài hòa nhân bản và thiêng liêng của các nhà đào tạo, cách riêng của Giám đốc chủng viện, là một trong những trung gian quan trọng nhất trong việc đồng hành đào tạo”. Chính qua đời sống của mình mà những người dấn thân trong việc đào tạo linh mục làm chứng cho những gì mà các lời nói và cử chỉ “cố gắng truyền đạt, thông qua đối thoại và tương tác” với các chủng sinh.
“Đời sống của nhà đào tạo, sự tăng trưởng nhân bản và thiêng liêng của ngài với tư cách người môn đệ – truyền giáo của Chúa Kitô và với tư cách linh mục, được nâng đỡ và thúc đẩy bởi ân sủng của Thiên Chúa, chắc chắn là nhân tố cơ bản mà ngài có được để làm cho hữu hiệu việc mình phục vụ các chủng sinh và các linh mục trong sự đồng hình đồng dạng của họ với Chúa Kitô, Người Tôi Tớ và là Mục Tử Nhân Lành”.
Việc phục vụ Giáo hội “không đơn giản, và không lạ gì khi nó đặt vấn đề nhân tính của ngài, vì nhà đào tạo có một trái tim một trăm phần trăm con người và không hiếm khi ngài cảm thấy sự thất đoạt, sự mệt mỏi, giận dữ và bất lực”.
Từ đó tầm quan trọng của việc mỗi ngày hướng về Chúa Giêsu, quỳ gối và học hỏi trong sự hiện diện của Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, để dần dần trái tim của chúng ta học cách đập theo nhịp đập của trái tim của Thầy.
Đối thoại về cuộc sống và phục vụ
Đức Phanxicô nói đến vai trò của các Giám đốc chủng viện, những người được mời gọi đặc biệt quan tâm đến các thành viên trong đội ngũ đào tạo của mình. Ngài nói: “Giám đốc phải cho thấy sự quan tâm thường xuyên đối với mỗi nhà đào tạo, duy trì một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành về cuộc sống và sự phục vụ của họ“, đồng thời giúp họ vượt qua những khó khăn trong thừa tác vụ đôi khi đầy thử thách của họ.
Khích lệ trao hiến cuộc sống của mình
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng “việc đào tạo linh mục có công cụ ưu tiên là việc đồng hành đào tạo và thiêng liêng với tất cả mọi người”. Vì thế, cần phải đảm bảo rằng mỗi chủng sinh hưởng được “một sự trợ giúp rộng rãi và đa dạng từ phía cộng đoàn các nhà đào tạo, không có chủ nghĩa độc quyền hay quyền lợi đặc biệt, có thể được nâng đỡ bởi các linh mục ở các độ tuổi và với các nhạy cảm khác nhau, theo khả năng đặc thù của mỗi người”.
Việc đồng hành đào tạo phải cho phép “mỗi mục tử tương lai phân định và củng cố không chỉ một ơn gọi linh mục đích thực, nhưng còn con đường cá nhân và độc nhất mà Chúa đã vạch ra cho mình để sống và thực thi nó”.
Đức Thánh Cha cuối cùng bày tỏ lòng biết ơn của Giáo hội: “Hãy dâng hiến cuộc sống và thừa tác vụ của anh em cho các mục tử tương lai, vốn sẽ là anh em của anh em trong chức linh mục và là những người, hiệp nhất và dưới sự hướng dẫn của Giám mục, sẽ giăng lưới Tin Mừng với tư cách là những người đánh lưới người đích thực”.