Góc tư vấn

ĐỪNG COI THƯỜNG HAI CHỮ CẢI LƯƠNG…

ĐỪNG COI THƯỜNG HAI CHỮ CẢI LƯƠNG…
Ngồi soạn lợi “Sân khấu về khuya” nghe Thanh Nga ca:
“… Tánh vui…là cái tánh trời cho của cô đào, kiếp ngươi ta ngắn ngủi, nhứt là nặng nghiệp phấn son,có tình có cảm cứ đem cho… cho mãi cho mãi đến khi mắt cô hết lệ thì đời buồn tênh. Ngày xanh đã vay vút đi, dẫu rằng tôi đã cố vươn lên, tôi vẫn thấy hoang vắng xa xăm, cũng như một buổi chợ chiều đã tan.Đìu hiu khắp bốn bên”.
Tôi phát hiện ra cô ca một đoạn “Lý phước kiến” với ông Hữu Phước quá hay.
Và nhận ra hình như ngày nay cải lương rất hiếm xài bài “Lý phước kiến” này. Lý phước kiến kể ra thì có bạn kể thêm lý phước câu, nhưng lý phước châu hình như sau 1975.
Trong cải lương, vọng cổ hiện tại có nhiều bài “lý” lạ rộ lên sau 1975 mà cải lương trước 1975 không có, thí dụ: Lý trăng soi,lý chim xanh, lý đêm trăng, lý tương phùng, lý bông trang, phi vân điệp khúc, vọng kim lang, đoản khúc Lam Giang…
Các thầy tuồng ngày nay rất hiếm và hình như không đủ trình độ nên viết thường xuyên những bài rất dễ hát, còn những bài khó thì hiếm dần và biệt tích.
Có sáu bản lý gồm: Lý con sáo, Lý giao duyên, Lý vọng phu, Lý ngựa ô nam, Lý ngựa ô bắc và Lý phước kiến được cải lương trước 1975 xài thường xuyên và kêu là “nhứt lý”.
Tôi là dân tay ngang nhưng nhận ra thầy tuồng ngày nay hầu như cho tuyệt tích bài “Chuồn chuồn” cùng bài Ánh nắng, Ánh trăng, Bình bán vắn, Bình bán chấn.
Có khi nghệ sĩ cải lương giờ không biết hát Lý chuồn chuồn hay Lý phước kiến?
Bình bán vắn là bản vui, bản Ánh trăng, Ánh nắng cũng là bản vui khi song loan dập liên tục.
Bình bán vắn có xuất xứ từ tài tử Nam Kỳ, thuộc một trong 6 bài Bắc: Bình Bán, Cổ Bản, Lưu Thủy, Phú Lục, Tây Thi, Xuân Tình.
Nhạc tài tử Nam Kỳ có 20 bài tổ gồm: Bắc, Hạ, Nam, Oán.
Bài Bình Bán xuất xứ của ca Huế vô Nam được ông Ba Đợi biến thành tài tử tên Bình bán vắn, rồi đến bài Bình bán chấn (dài).
Bài này có hai câu vô vui vui, nhưng sau thì rất đĩnh đạc, nghiêm trang. Bài này ca lòng vòng nên ít được xài trên sân khấu.
Hai câu đầu Bình bán vắn như sau:
“(liu) tồn liu xang (u)
u liu (cồng) liu u xang (liu)”
Thí dụ:
“Xuân mừng xuân tốt tươi
Trắng đỏ vàng hoa nở khắp nơi”
Nghe “Bình bán vắn” phải nhớ tới “Đò dọc”. Ai có coi “Đò dọc” sẽ thấy bốn cô gái Hương, Hồng, Hoa, Quá. Bình-nguyên Lộc viết cuốn”Gái chợ về làng” hay “Đò Dọc” cho ta nhìn thấy bốn cô con gái có tên ngộ ngộ Hương, Hồng, Hoa, Quá.
Cuốn tiểu thuyết Đò Dọc nói về cuộc sống của gia đình ông bà Nam Thành cùng bốn cô con gái, từ Bạc Liêu tản cư chiến tranh trôi dạt lên Sài Gòn sống ở đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi).
Đâu mặt nhà ông Nam Thành là hàng rào song sắt của thành Ô Ma (Camp des Mares) sau 1954 là Bộ Tư Lịnh Cảnh Sát Quốc Gia (Bộ Công An 2) – rồi vì chiến tranh nhà ông phải từ Sài Gòn trôi dạt về làng Linh Chiểu miệt Thủ Đức.
Tại vùng đất ngoại ô Thủ Đức đó, vợ chồng cha con ông Nam Thành từ kẻ thị thiềng, dân ở chợ phải chấp nhận về vườn, sống lạc lõng, cô đơn ở vùng nửa quê nửa tỉnh , ngôi nhà của họ đặt tên là Thái – huyên trang.
Cô út nữ tên Qúa suốt ngày trèo trẹo bực dọc, thắc mắc rằng sao tía cô đặt cái tên nghe kỳ cục.
Đọc cuốn “Đò dọc” của Bình-nguyên Lộc sẽ thấy giải thích những cái tên nầy, té ra là ông Nam Thành đặt tên con theo điệu Bình bán vắn ở hai câu đầu.
(Trích)” Ông Nam Thành đặt tên con một cách đặt-biệt hơn ai cả, ông dựa theo năm chữ nhạc đầu trong điệu Bình bán vắn mà quyết định giọng của chữ tên của con ông: Hương, Hồng, Hoa, Quá, Thơm.
Ý ông muốn nói : cái hương của hoa Hồng thơm quá ! Mà nói bằng điệu câu Bình bán vắn câu đầu.
Cứ theo ý chí đó thì ông mà có đặt như vầy cũng vẫn ổn.Con, Cò, Ma, Ốm, Thay! Hoặc: Tao, Mầy, Đi, Tắm, Chơi!
Vì bất kể như vậy, hay nói cho đúng ra, vì chỉ kể có giọng bằng, trắc thôi, nên đứa nào xui nấy chịu. Đứa đó là cô con gái thứ năm, cô Quá.
Con gái mà tên Quá, trong khi con nhà khác tên là Lệ Chi, Bích Vân thì có tức hay không? Cái cô Quá nầy khóc mãi vì cái tên kỳ-cục của cô.” (Ghi chú: Cô tên Thơm chết hồi còn trẻ)” (Hết trích)
Nhiều bạn nói Lý sâm thương có sau 1975 nhưng tôi thấy hình như có trước 1975.
Bài lý sâm thương có trong bài tân cổ “Khúc nhạc từ ly” do Ngọc Giàu và Tấn Tài ca:
“Ôi tiếng hát lên cao cho ngàn sao, cho trời khuya cũng khóc
Lệ của đêm hay sương mà gieo ngàn giọt tơ vương
Lời ru nào trong đêm, làm trăng khuya cũng như ngậm sầu
Tình yêu nào không mang, ngàn đau thương đắng cay một đời”
“Khúc nhạc từ ly” khi Dương Qúy Phi Ngọc Giàu ca lý sâm thương tiễn đưa chính mình:
“Những tháng năm qua mau, ngày xuân chìm trong băng giá
Mong ước cũng phai mau, đời vui như giấc mơ
Không muốn cho châu rơi, mà sao sầu dâng lên mắt
Xuân đến như xuân qua, ngày vui như giấc mơ
Ngoài kia trời lặng gió vầng trăng lên khuất sau sương mù
Bầy chim trời trọn tiếc lời đau thương vẳng trong đêm ngày”
“Đời Cô Lựu” nhớ lớp Phụng Hoàng:
“Kim Anh ơi dĩ vãng….đau thương…!
Má ngỡ đã trôi xuôi như dòng nước chảy _
Chớ có ngờ đâu là chuyện ấy
Vẫn như lớp than hồng âm ĩ cháy dưới tàn tro…”
Nhớ giọng ca cô Thanh Nga tuyệt đỉnh trong bản Phụng Hoàng của “Nửa đời hương phấn”:
“Dù em có thành hôn với ai đi nữa, thì chị cũng ráng về với…. em… Để mừng ngày em xuất giá, cho vui lòng ba với má
Chị cũng nở mặt mày,với lối xóm bà con…”
Coi “Tuyệt tình ca”nhớ đoạn Văn Thiên Tường:
“Hễ cứ mỗi lần trở xuân
Gợi niềm luyến nhớ bâng khuâng
Hồi xưa ảnh đi
Tôi về xếp lại tàn y
Để khi buồn ôm ấp làm hơi”
Ta nghe đoạn đảo ngũ cung:
“Nhưng chồng của tôi
lại quá đổi bạc tình
…về với vợ lớn rồi
không trở lại thăm mẹ con tôi”
Nhớ tuồng”Đường gươm Nguyên Bá” có một đoạn rất vui, đọc xong nghĩ thầy tuồng xỏ những chánh trị gia tham lam, tàn bạo.
“- Thế tử! Sau ba năm rèn luyện cái tâm, thế tử sẽ kế vị ngôi trời…
– Nguyên Bá! Ta tiếc rằng, ta luyện võ chưa đủ ba năm cho nên…
– Ủa! Thế Tử lo học đạo mới phải chớ?
– Đạo à? Phụ vương ta có tụng một thời kinh nào đâu cũng trị vì thiên hạ, Tại sao người bắt ta học đạo?”
Tôi nhớ hoài câu này vì có thời gian tôi cũng từng yêu một người Vĩnh Long: “Nhắc tới người Vĩnh Long để thương để nhớ,tôi nghẹn ngào ba tiếng “má con An”.
“Tôi đứng đây mà ngỡ như đứng bên bờ sông Mỹ Thuận
Khi mình quay xuồng tách bến để trở lại với hai con
Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn
Con nước lớn lục bình trôi rời rạt
Chiều đã xuống mặt trường giang bát ngát mà bóng người thương lẩn khuất giữa sông…đầy…”
Cải lương có mấy chục bài lý mà bài nào cũng mùi, cũng làm người ta phải thổn thức, rơi nước mắt khi nghe.
Cải lương xưa nó hay vậy, cải lương xưa có nhiều bài học quý báu. Các gánh hát, ghe hát cải lương xưa đi khắp nơi ở Nam Kỳ, cái thông điệp đạo đức trong tuồng tích đi sâu vào lòng xóm làng, già trẻ đều hiểu và sống tuân theo, cái hiệu ứng thiệt lớn là nó.
Cải lương xưa rất hay, các thầy tuồng xưa đều là dân có học, họ có một trình độ Nho học và Tây học nhứt định, thành ra ẩn vô tuồng tích là những bài học, triết lý ẩn mà để ý kỹ bạn sẽ thổn thức tâm can.
Cải lương xưa hay vì đào kép hát hay, chân phương, nhấn nhà đúng,mà hay vì kịch bản nữa, câu chữ trau chuốt như nhung căng lụa trải, nó mượt mà của giọng hành văn, nghe xong phải vỗ đùi cái đéc khen ông thầy tuồng.
Phải khen cải lương xưa.
Các bạn trẻ muốn học văn tốt, muốn hành văn hay xin hãy nghe cải lương xưa, thầy tuồng viết văn kiểu Nam Kỳ thời trước 1975, giọng văn chánh thống mượt mà.
Nó gợi ta nhớ bờ đê gốc rạ,cái nhà, cái hàng rào, là ông bà tổ tiên của ta, lúc ta còn nhỏ xíu, những lúc xưa thiệt xưa, xưa tới nổi ta không còn hình dung ra được.
Cải lương ăn vô máu của người Nam Kỳ từ lúc mới sanh ra đời.
NGUYỄN GIA VIỆT

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!