Phụng vụSuy niệm ngày thường

Được sai đi

15.4 Thứ Bảy trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh

Cv 4:13-21; Tv 118:1,14-15,16-18,19-21; Mc 16:9-15

 

Được sai đi

Ðoạn Tin Mừng hôm nay là một tóm kết về những lần hiện ra của Chúa Giêsu khi Ngài sống lại. Thánh Maccô nhấn mạnh đến sự cứng lòng tin của các môn đệ để làm nổi bật chứng từ của Chúa Giêsu hiện ra và mệnh lệnh phải ra đi làm chứng cho Ðấng Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mãi mãi là một, nhưng khi hiện ra, Ngài luôn đến với hình dạng của một người xa lạ. Với bà Maria Madalena, Ngài hiện ra như một người làm vườn; với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Ngài đồng hành như một lữ khách xa lạ; với các môn đệ chài lưới, Ngài xuất hiện như một người mà họ cũng không nhận ra ngay tức khắc. Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các môn đệ phải làm một bước nhảy vọt để từ một người xa lạ, nhận ra dung mạo của Thầy mình.

Từ hai ngàn năm qua, chứng từ về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra như thế, từ cuộc sống của cộng đồng tín hữu tiên khởi, qua cái chết của các vị tông đồ đến cuộc tử đạo, của không biết bao nhiêu các tín hữu ở mọi thời đại, cuộc sống tin cậy mến ở mọi nơi là một chứng từ sống động và liên lỉ về Ðấng Phục Sinh.

Niềm tin vào Ðấng PhụcSinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả bằng một cách sống mới trong cộng đồng. Sách Tông Ðồ Công Vụ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới trong Ðấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Ðấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau.

Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và huynh đệ. Tựu trung, mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu tuyên bố khi hiện ra với thánh Tomas “Phúc cho những ai không thấy mà tin” không loại trừ đòi hỏi phải được thấy một cách cụ thể chứng từ về Ðấng Phục Sinh trong Giáo Hội, và chứng từ ấy thiết yếu là chứng từ về tình yêu huynh đệ.

Tình yêu huynh đệ là cuộc sống bác ái trong và từ Giáo Hội, là dấu chỉ rõ ràng và có tính thuyết phục nhất về dung mạo và sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh. Trong những lần hiện ra của Ngài, cử chỉ của Ngài đã thể hiện với hai người môn đệ đi về làng Emmaus mang một ý nghĩa đặc biệt, Ngài chỉ được nhận diện khi cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho hai ông. Phải chăng nét nổi bật nhất trong dung mạo của Chúa Giêsu không là cử chỉ cầm lấy bánh, bẻ ra và trao ban sao?

Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Ðấng Phục Sinh, Ngài chỉ thực sự được nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo Hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo Hội lập lại cử chỉ trao ban của Chúa Giêsu, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn dung mạo của Ðấng Phục Sinh, nếu nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ thể của Giáo Hội và của các tín hữu Kitô. Cuộc đời của người tín hữu Kitô phải là một thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Ðấng Phục Sinh.

Sau khi được gặp Chúa sống lại, Maria Mađalêna đươc Chúa sai đi báo Tin Mừng cho các môn đệ. Hai môn đệ trên đường Emmau, sau khi gặp Chúa cũng  vội vàng ra đi để báo tin cho anh em; và khi hiện ra với các Tông Đồ, Chúa Giêsu cũng sai họ đi rao giảng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”, Các Tông Đồ nhận lệnh một cách chính thức rao giảng Tin Mừng chứ không chỉ báo tin nữa mà thôi.

Thiên Chúa gọi ai, đều sai người đó ra đi. Abraham được gọi và sai đi để trở thành tổ phụ một dân tộc đã đành, mà còn là để cho nhiều dân tộc nhận biết Chúa, một Thiên Chúa Tình Yêu. Các Tông Đồ được gọi và sai đi để đem Tin Mừng sống lại cho mọi người. Công Đồng Vatican II cũng nhắc nhở là mỗi người chúng ta rằng sắc lệnh Tông Đồ giáo dân mỗi Kitô hữu là một tông đồ được Chúa sai đi.

Đã có một thời các triết gia đã nói: Thiên Chúa đã chết. Phải, Thiên Chúa đã chết trong những tâm hồn vắng bóng yêu thương. Nay chúng ta được sai đi để đem tình thương đến cho mọi người, làm cho Chúa sống lại trong mọi người. Muốn thế, chúng ta phải là những con người phục sinh. Sau khi trở lại, thánh Phanxicô là con người phục sinh, và nhờ thế mà người nhận ra tình nghĩa anh em trong mọi tạo vật. Tuy mang năm dấu thánh của Chúa Giêsu trên mình, nhưng thánh nhân là con người rất vui là Vị thánh thích ca hát vì tình yêu Chúa đang thúc đẩy tâm hồn Ngài.

Sự phục sinh của Đức Ki-tô là trung tâm của đức tin Ki-tô giáo. Thánh Phao-lô đã quả quyết với chúng ta : Nếu Đức Ki-lô không sống lại thì đức tin của anh em ra vô ích, rỗng tuếch, không mục đích, vô giá trị, vô dụng, vì anh em vẫn ở trong tình trạng như cũ.

Chúng ta tuyên dương sự phục sinh của Đức Giê-su vào sáng ngày lễ vượt qua. Nhưng tự đáy lòng, sự khó tin vẫn không bao giờ đẩy xa khỏi chúng ta được. Chúng ta không bao giờ thấy Đấng phục sinh, không biết bóng dáng hình hài Người thế nào. Và chúng ta thường nghĩ rằng nếu chúng ta được may mắn như các tông đồ, thì đức tin của chúng ta sẽ không bao giở lay chuyển, dù gặp bất cứ thử thách nào.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chú ý đến Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy rằng đức tin giả thiết đó có nồng nàn bốc cháy như đức tin của các tông đồ. Thánh Mác-cô đã ba lần nhấn mạnh : “Nhưng họ vẫn không tin”, “và các ông vẫn không tin hai người này”, “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng”.

Tin Chúa Giê-su phục sinh đòi hỏi một điều khác nữa cần thiết hơn điều tai nghe mắt thấy. Đó là cảm nghiệm được sự sống lại và được giải thoát. Điều đó đòi hỏi sống cảm nghiệm tích cực, không giới hạn và cởi mở vô cùng.

Niềm tin vào Chúa Giê-su phục sinh chỉ phát sinh từ lòng trông cậy riêng đối với tôi, riêng đối với mỗi người.  Trông cậy có thể được sống lại cho chính bản thân chúng ta trong sự hợp nhất với Người và duy trì được sự hiện diện sâu xa với Người ngay ơ đời này.

Chúng ta cần phải bắt đầu thực hiện ngay với sự kiện phục sinh của Đức Ki-tô khi chúng ta cảm nghiệm được ý nghĩa và tầm quan trọng của mầu nhiệm này. Lúc đó trong ta mới vọt lên sức sống cuồng nhiệt trọn vẹn, một sức sống tràn trề hy vọng đời sống đổi mới chứ không bị hủy diệt.

Chính lúc đó chúng ta sẽ hiệu được tầm quan trọng của sứ điệp phục sinh đối với đời chúng ta, làm cho chúng ta say mê rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật.

Là ngưới kitô hữu, được Chúa gọi qua phép rửa tội, chúng ta được sai đi đến với ai? Và được sai đi để làm gì? Đến với những người sống chung quanh ta hằng ngày và để đem tình Thương đến với họ, bởi lẽ con người hôm nay đói khát tình thương hơn cả cơm gạo.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!