Mục vụ gia đình

GIA ĐÌNH KITÔ HỮU LÀ CUNG THÁNH CỦA SỰ SỐNG

GIA ĐÌNH KITÔ HỮU LÀ CUNG THÁNH CỦA SỰ SỐNG

I. NHẬP ĐỀ

Đề tài cuối cùng trong mười hai đề tài do Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình đề nghị cho toàn Giáo hội suy tư và trao đổi về gia đình chuẩn bị cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ tư của các gia đình tại Manila vào ngày 22-26.1.2003 tới đây là: “Gia đình Kitô hữu là cung thánh của sự sống.” Thật ra đề tài này đáng được xếp vào vị trí số 1 hoặc số 2 trong danh sách 12 đề tài, vì nhiệm vụ quan trọng nhất của gia đình là gì nếu không phải là đón nhận, bảo vệ và nuôi dưỡng sự sống. Trong Tông huấn “Đời sống gia đình” Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đưa ra bốn bổn phận của gia đình Kitô hữu. Đó là: (1) Đào tạo một cộng đồng các ngôi vị (ĐSGĐ, 18-27); (2) Phục vụ sự sống (ĐSGĐ, 28-41), (3) Dự phần vào việc phát triển xã hội (ĐSGĐ, 42-48); (4) Dự phần vào đời sống và sứ mạng của Hội thánh (ĐSGĐ, 49-64). Như thế thì “Phục vụ sự sống” là bổn phận thứ 2 trong 4 bổn phận của gia đình Kitô hữu.

Đề tài này tự nó đã là rất quan trọng. Nhưng còn trở thành quan trọng hơn nữa khi chúng ta đang phải sống một môi trường văn hóa sự chết. Con số hơn 90% phụ nữ Công giáo Việt Nam trong thời gian có thể sinh nở đã dùng các phương pháp ngừa thai nhân tạo đang được quảng cáo trên thị trường tiêu thụ cũng như các con số 934.302 ca phá thai năm 1997, 861.353 ca năm 1998 của nước ta (xem bài “Gia đình chiếc nôi văn hóa đức tin” của NT Têrêxa Phạm Thị Oanh) là những con số nhức nhối, đáng các Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và các gia đình Kitô hữu Việt Nam phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình.

Vậy chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu (1) Sự sống có giá trị thánh thiêng và bất khả xâm phạm như thế nào? (2) “Gia đình là cung thánh của sự sống” có ý nghĩa gì? (3) Muốn “là cung thánh của sự sống” các gia đình Kitô hữu phải làm gì?

II. TRÌNH BÀY

1. Sự sống có gía trị thánh thiêng và bất khả xâm phạm như thế nào?

Muốn hiểu sự sống con người có gía trị như thế nào, cách tốt nhất là chúng ta đọc lại Kế Hoạch và Công Trình Tạo Dựng của Thiên Chúa. Theo tác gỉa Sách Sáng thế ký, sau khi tạo dựng xong vũ trụ vạn vật, Thiên Chúa nghĩ tới việc tạo dựng con người:

“Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26).

Và rồi Thiên Chúa tạo dựng con người:

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.Thiên Chúa chúc lành cho ho,ï và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,27-28).

Trong sách Khôn ngoan có một câu vắn nhưng cho chúng ta biết lý do của việc Thiên Chúa tạo dựng con người:

“Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người.” (Kn 2,23).

Ta có thể kết luận: vì con người đã được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Người, giống như Người, để làm bá chủ mặt đất và để trường tồn bất diệt, nên con người (tức sự sống) có giá trị thánh thiêng và bất khả xâm phạm.

2. “Gia đình là cung thánh của sự sống” có ý nghĩa gì?

2.1 “Gia đình là cung thánh của sự sống”, trước hết, có nghĩa là gia đình đình là nơi cưu mang và phát sinh sự sống:

Tông huấn ĐSGĐ, sau khi nhắc lại việc Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ đã kết luận:

“Chính vì thế mà mục tiêu căn bản của gia đình là phục vụ cho sự sống, là thực hiện trong lịch sử lời chúc lành của Thiên Chúa lúc khởi nguyên, thực hiện bằng việc thông truyền hình ảnh Thiên Chúa từ người này sang người khác trong hành động truyền sinh” (HC Mục Vụ 50; ĐSGĐ, 28).

2.2 “Gia đình là cung thánh của sự sống”, kế đến, có nghĩa là gia đình là nơi nuôi dưỡng sự sống, làm cho sự sống ấy lớn lên và phát triển:

Trong việc nuôi dưỡng sự sống và làm cho sự sống lớn lên và phát triển thì giáo dục chiếm một vai trò quan trọng nhất:

“Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót sẽ khó lòng bổ khuyết được. Thật vậy chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để giúp cho việc giáo dục toàn diện của con cái họ trong đời sống cá nhân xã hội được dễ dàng. Do đó gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà không một đoàn thể nào khác có thể vượt qua được.”(Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, 3; ĐSGĐ, 36).

Sự giáo dục của cha mẹ bao gồm nhiều mặt: giáo dục nhân bản (nhân cách, tính tình, tình yêu, tính dục), đức tin, luân lý và cả xã hội nữa.

2.3 “Gia đình là cung thánh sự sống”, sau hết, có nghĩa là gia đình là nơi che chở và bảo vệ sự sống:

Ngày nay trong mọi xã hội đều có những nguy cơ to lớn khiến con em chúng ta không phân biệt được giá trị thật/giá trị giả. Các phương tiện thông tin đại chúng (sách báo, phim ảnh, truyền hình, internet…) nhiều khi tiếp tay cho những nhóm người chủ trương chống sự sống bằng cách tuyên truyền những cách suy nghĩ và hành động phản luân lý, chống lại con người. Vì thế gia đình phải là thành lũy bảo vệ sự sống trước sự tấn công của các luồng thông tin độc hại, các lối sống buông thả, các xu hướng hưởng thụ lạc thú với bất cứ giá nào. Che chở và bảo vệ sự sống không có nghĩa là chúng ta nhốt con cái trong nhà, cấm đoán chúng tiếp cận với sách báo, phim ảnh, bạn bè mà là phải giúp chúng biết phán đoán và chọn lựa theo tiêu chuẩn Kitô giáo khi hòa mình vào xã hội chung quanh.

3. Muốn là cung thánh của sự sống các gia đình Ktô hữu phải làm gì?

3.1 Muốn là cung thánh của sự sống, trước hết, các gia đình Kitô hữu phải hiểu biết về giá trị thánh thiêng và bất khả xâm phạm của sự sống:

“Vô tri bất mộ” cha ông ta đã đúc kết kinh nghiệm ngàn đời như thế! Sự hiểu biết bao giờ cũng cần thiết cho mọi lãnh vực nhân sinh và nhân linh của con người. Để trở thành cung thánh của sự sống thì người và gia đình Kitô hữu phải hiểu biết về giá trị thánh thiêng và bất cả xâm phạm của sự sống và phải biết tôn trọng sự sống theo Ý muốn của Thiên Chúa. Cách tốt nhất là học hỏi tìm hiểu giáo huấn của Chúa và của Giáo hội bằng cách tham dự các khóa học và đọc sách báo tài liệu của Giáo hội về lãnh vực này.

3.2 Muốn là cung thánh của sự sống, thứ đến, các gia đình Kitô hữu phải biết yêu thương và quí trọng sự sống như Chúa và Giáo hội mong muốn:
Khi đã có hiểu biết về giá trị của sự sống rồi thì điều kiện tiếp theo là có lòng yêu thương quí trọng sự sống như Thiên Chúa và Giáo hội mong muốn. Không phải là yêu thương và quí trọng xuông, mà phải thể hiện bằng hành vi cụ thể và thiết thực lòng yêu thương và quí trọng của mình, như vun trồng, dưỡng nuôi, uốn nắn chomsự sống phát triển hài hòa và tốt đẹp.

3.3 Muốn là cung thánh của sự sống, thứ đến, các gia đình Kitô hữu phải ý thức về trách nhiệm của mình là che chở và bảo vệ sự sống:

Dù các thế lực đen tối của thế giới và loài người có nỗ lực đến mấy để chống lại sự sống, thì Giáo hội Công giáo vẫn luôn luôn đứng về phía sự sống, tìm mọi cách bảo vệ và tôn vinh sự sống. Mọi người và mọi gia đình Kitô hữu phải chia sẻ quan điểm lập trường kiên định ấy của Giáo hội. Tại sao Giáo hội là kiên định như vậy? – Thưa vì:

” Hội thánh tin tưởng mạnh mẽ rằng, sự sống con người, dù có yếu ớt và đầy đau khổ, vẫn luôn luôn là một hồng ân tuyệt vời của Thiên Chúa tốt lành. Chống lại sự bi quan và ích kỷ đang che mờ thế giới, Hội Thánh đứng về phía sự sống, và trong mỗi sự sống con người, Hội Thánh biết khám phá nét cao đẹp của tiếng “THƯA VÂNG”, của tiếng “AMEN” là Đức Kitô (x. 2 Cr 1,19; Kh 3,14). Đối ngược với tiếng “KHÔNG” đang tràn ngập và làm cho thế giới ảm đạm, Hội Thánh đưa ra tiếng “THƯA VÂNG” sống động, bênh vực cho con người và thế giới, chống lại những kẻ đe dọa và làm hại sự sống” (ĐSGĐ, 30).

Về cả ba điều vừa trình bày trên, các bậc cha mẹ phải quan tâm truyền lại cho con cái mình, để chúng cũng hiểu biết về giá trị của sự sống, cũng yêu thương quí trọng, che chở và bảo vệ sự sống như mình. Có như thế cha mẹ mới chu toàn trách nhiệm của mình, trong lãnh vực tối quan trọng này.

III. KẾT LUẬN

Trong xã hội hôm nay, có điều khó hiểu là ai ai cũng hô hào ủng hộ sự sống, kể cả những người đang tìm mọi cách để hủy diệt sự sống. Con người đang lâm vào tình trạng lẫn lộn trầm trọng về những giá trị “thật” và những giá trị “dổm”. Giáo hội Công giáo, nhờ mặc khải của Thiên Chúa trong lịch sử Ítraen và nhất là nơi Đức Giêsu Kitô, có được hiểu biết chính xác, đầy đủ, toàn diện về con người và về sự sống. Vì thế Giáo Hội luôn là người đứng về phía sự sống, bảo vệ sự sống và rao giảng những giá trị thánh thiêng và bất khả xâm phạm của sự sống. Các gia đình Kitô hữu, trong phạm vi bé nhỏ của mình, được mời gọi trở nên “cung thánh của sự sống”.

IV. CHIA SẺ

4.1 Oâng bà anh chị hãy cho biết trong địa bàn dân cư mình sinh sống, có những việc làm nào bênh vực sự sống? và đồng thời cũng có những hành động nào chống lại sự sống?

4.2 Theo ông bà anh chị thì phải làm thế nào để mọi Kitô hữu đều là những người che chổ và bảo vệ sự sống và mọi gia đình Kitô hữu đều trở thành “cung thánh của sự sống”?

V. THỰC HÀNH

Mỗi người và mỗi gia đình Kitô hữu quyết tâm thực hiện một việc gì đó cụ thể và thiết thực (nói rõ ra) để đứng về phía sự sống và làm cho gia đình mình trở nên “cung thánh của sự sống”.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!