Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Giá kỷ lục cho quyển Kinh Thánh Hebrew cổ nhất

 

Với mức giá sang tay 38,1 triệu USD, một quyển Kinh Thánh Hebrew (chiếm phần khá lớn nội dung của Cựu Ước) hơn 1.000 năm tuổi đã trở thành một trong những bản thảo có giá trị nhất từng được chuyển giao trong lịch sử đấu giá.

 

Có niên đại từ cuối thế kỷ 9 và đầu thế kỷ 10, Codex Sassoon (codex: sách chép tay cổ; Sassoon là tên của học giả người Anh gốc Do Thái David Solomon Sassoon, người đã sưu tập bản cổ thư này) được mô tả là một trong những bản thảo quan trọng nhất và hiếm hoi nhất trong lịch sử loài người. Đây cũng được cho là quyển Kinh Thánh Hebrew cổ nhất và hoàn chỉnh nhất còn tồn tại đến ngày nay. Ngày 17.5, Hãng Sotheby’s ở TP New York (Mỹ) đã tổ chức bán đấu giá Codex Sassoon và mang về số tiền kỷ lục 38,1 triệu USD. Bản thảo gần đây nhất có mức giá kỷ lục là Codex Leicester của Leonardo da Vinci, được bán với giá 30,8 triệu USD vào năm 1994, theo Sotheby’s.

 

Trước khi lên sàn đấu giá, Codex Sassoon trải qua thời gian được trưng bày ở Anh và Israel. Ông  Sharon Mintz của Sotheby’s nói với Đài CNN rằng bản thảo là một trong những tài liệu quan trọng nhất từng được bán đấu giá.

Các chuyên gia từ lâu đã biết về sự tồn tại của quyển codex được đặt tên theo học giả David Solomon Sassoon (1880-1942). Tuy nhiên, văn bản này hầu như không xuất hiện trước công chúng. Ông Mintz mô tả Codex Sassoon, bao gồm 792 trang giấy da và trọng lượng 12kg, là sản phẩm xa xỉ, chỉ có những người giàu bậc nhất vào thời đó mới có thể ra lệnh chế tác. Người sở hữu gần nhất là nhà tài chính và sưu tập Jacqui Safra (Thụy Sĩ) đã mua quyển codex từ năm 1989 với giá 3,19 triệu USD và “vui mừng khi có thể chia sẻ bản thảo quý với thế giới”, theo ông Mintz. Như vậy, phải đợi đến hơn 4 thập niên, quyển codex một lần nữa có cơ hội được được chuyển giao

Phát hiện hiếm hoi

Codex Sassoon được cho là codex đầu tiên của Kinh Thánh Hebrew. Trong những thế kỷ trước khi quyển sách được chế tác, chỉ có những phần hoặc đoạn văn bản Kinh Thánh hiện diện dưới dạng cuộn giấy cói, như Các cuộn giấy Biển Chết. Tuy nhiên, Codex Sassoon không có tiết (đoạn ngắn được đánh số trong chương), hoặc chương, hoặc dấu chấm câu.

Người Do Thái thời xưa đã dựa vào truyền miệng để truyền lại những thông điệp của Kinh Thánh cho đời sau. Tài liệu trên, cùng với Codex Aleppo, được bảo quản tại Bảo tàng Israel ở Jerusalem từ năm 1958, là hai codex (ngoài ra không còn codex nào khác) có niên đại vào thế kỷ 10 và tập hợp gần như toàn bộ Kinh Thánh Hebrew.

 

Tuy nhiên, theo Bảo tàng Israel, Codex Aleppo bị hư hại nghiêm trọng do xảy ra hỏa hoạn ở giáo đường Do Thái vào năm 1947, và ngày nay không đến 295 trong số 487 trang ban đầu còn tồn tại. Ngược lại, Codex Sassoon chỉ mất 12 trang, và vì thế là bản thảo cổ nhất, hoàn chỉnh nhất về Kinh Thánh Hebrew, theo Sotheby’s.

Ông Richard Austin, người đứng đầu mảng sách và bản thảo của Sotheby’s trên toàn cầu, bổ sung: “Codex Sassoon từ lâu giữ vị trí được tôn vinh và như huyền thoại trong đền thờ những bản thảo lịch sử còn sót lại, và vì thế không nghi ngờ gì là một trong những bản thảo quan trọng nhất và độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người”.

Những chú thích và mô tả qua nhiều thế kỷ

Tầm quan trọng lịch sử của quyển codex không chỉ dừng lại ở chất liệu in ấn, mà còn là những dòng chú thích và mô tả viết tay được bổ sung từ năm này sang năm khác. Điều này phản ánh cuộc hành trình huyền thoại mà cổ thư đã trải qua. Một ghi chú vào đầu thế kỷ 11 đề cập đến vụ chuyển giao quyển Kinh Thánh Hebrew giữa một người tên Khalaf ben Abraham, có lẽ ở Israel hoặc Syria, cho một người tên Isaac ben Ezekiel al-Attar. Ông al-Attar sau đó truyền lại quyển codex cho hai con trai.

Dòng kế tiếp được đề cập trong chú thích là vào thế kỷ 13, khi Codex Sassoon được tặng cho một giáo đường Do Thái ở Makisin (ngày nay là Markada ở miền đông bắc Syria). Khi ấy, có vẻ như tiếng tăm của quyển Kinh Thánh đã được lan truyền và codex được khắc dòng chữ “dâng hiến cho Thượng Đế của người Israel và tặng cho giáo đường Makisin”.

Codex Sassoon chỉ mất 12 trang, và vì thế là bản thảo cổ nhất, hoàn chỉnh nhất về Kinh Thánh Hebrew

 

Sau đó, Makisin bị phá hủy và Codex Sassoon được chuyển giao cho một thành viên cộng đồng đáng tin cậy là ông Salama bin Abi al-Fakhr, người cam kết sẽ hoàn trả Kinh Thánh Hebrew cho giáo đường vào thời điểm nơi này được hồi sinh. Tuy nhiên, giáo đường không bao giờ được xây dựng một lần nữa và quyển codex tiếp tục cuộc hành trình của mình trước khi được ông Sassoon tiếp nhận vào năm 1929.

Thậm chí vào thời được chế tác, Codex Sassoon thật sự là một tài sản đắt đỏ, cần đến da của hơn 100 động vật để tạo ra hơn 400 trang sách. Càng ấn tượng hơn nữa khi quyển codex xuất phát từ bàn tay của một người duy nhất, dựa trên lối chữ thảo tương đồng xuyên suốt bản thảo. “Đó quả thật là một kiệt tác của nghệ thuật viết bản thảo”, tờ The New York Times dẫn lời cố vấn cấp cao của Sotheby’s hồi tháng 2.

Sau khi cuộc đấu giá chấm dứt, Sotheby’s tuyên bố phía sở hữu là tổ chức Những người bạn của ANU – viện bảo tàng Do Thái ở Tel Aviv, và nhờ vào số tiền quyên góp đến từ Alfred H. Moses, cựu Đại sứ Israel tại Romania và gia đình. Codex Sassoon được trao tặng cho bảo tàng ANU và trở thành một phần của cuộc triển lãm chính ở nơi này.

 

LING LANG

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!