Góc tư vấn

Giải đáp thắc mắc: Xin đặc ân thánh Phaolô

Giải đáp thắc mắc: Xin đặc ân thánh Phaolô

 

mariage sacrement eglise epoux obligationsHỏi:

Thưa cha:
Anh người yêu của con là một người lương (theo đạo Ông Bà). Anh ấy đã kết hôn với vợ là một người cũng theo đạo Ông Bà. Anh chị đã ly dị và đã có giấy chứng nhận ly hôn. Nay con muốn kết hôn với anh ấy, anh ấy đã học giáo lý, muốn gia nhập đạo Công giáo. Cha xứ hướng dẫn chúng con viết đơn xin đặc ân thánh Phaolô và đem nộp ở Văn phòng Hôn nhân nơi Tòa Giám mục. Thế nhưng đã hơn một năm, chúng con vẫn chưa nhận được kết quả. Xin cha cho biết lý do?
Một giáo dân ở giáo hạt Báo Đáp hỏi.

Giải đáp:

Đặc ân thánh Phaolô hệ tại ở việc cho tháo gỡ hôn nhân giữa hai người không được Rửa tội (người lương) vì lợi ích đức tin của một bên người lương được Rửa tội“do chính sự kiện người ấy tái hôn, miễn là người không được Rửa tội chia tay người ấy”  (đ. 1143).

Sở dĩ gọi là đặc ân thánh Phaolô, vì dựa trên uy tín của thánh Phaolô cho phép người tín hữu rời bỏ người bạn ngoài đạo Công giáo nếu người này ngăn trở việc giữ đạo của người muốn theo đạo Công giáo, nguyên văn trích từ thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô 7,10-16. Theo thánh Phaolô, các người Kitô hữu không được phép ly dị, vì đó là điều Chúa truyền. Nhưng nếu là đôi hôn nhân giữa người Kitô hữu với người ngoài đạo, thì thánh Phaolô khuyến khích hãy cố gắng duy trì đời sống vợ chồng, vì biết đâu nhờ đó người ngoài đạo sẽ gia nhập đạo. Tuy nhiên, nếu người ngoài đạo đòi ly dị, thì thánh Phaolô dùng quyền của mình cho phép người Kitô hữu được ly dị.

Để có thể được hưởng đặc ân thánh Phaolô, đòi hỏi những điều kiện sau đây:

  1. Hai người lương đó đã kết hôn theo luật dân sự
  2. Một trong hai người muốn gia nhập đạo Công giáo
  3. Người bạn kia muốn chia tay
  4. Người muốn theo đạo Công giáo được ly dị và lập hôn thú mới.
Sự “chia tay” trong đặc ân không được hiểu theo nghĩa thông thường (ly dị dân sự), nhưng theo nghĩa của Giáo luật quy định:
“Người không chịu phép Rửa tội được kể là chia tay, nếu không muốn sống chung với người đã được Rửa tội hay không muốn sống chung hòa thuận mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa, trừ trường hợp sau khi chịu phép Rửa tội, người được Rửa tội đã gây ra nguyên nhân chính đáng để người kia được chia tay” (đ. 1143§2).

Điều kiện để “được kể là chia tay” phải được kiểm chứng qua sự chất vấn, theo điều 1144§1 quy định: “Để người được Rửa tội tái hôn thành sự, thì luôn luôn phải chất vấn người không chịu phép Rửa tội để biết:
1- người này có muốn được Rửa tội hay không;
2- ít là người này có muốn sống chung hòa thuận với người đã được Rửa tội mà xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa hay không.
Như thế, sự ly dị của hai người lương ở tòa án dân sự, cho dù có chứng thư ly dị cũng không đủ để kể là chia tay theo Giáo luật. Vì vậy, phải được phỏng vấn như Giáo luật quy định: Có muốn Rửa tội không, có muốn sống chung mà không xúc phạm đến Chúa không?

Trong trường hợp của bạn,
Văn phòng Hôn nhân phải điều tra và phỏng vấn để thỏa mãn điều kiện ban đặc ân.

+ Phỏng vấn anh ấy: Anh ta quen biết cô vợ cũ do đâu? Cưới nhau vì lý do gì? Trước và sau khi cưới có trục trặc gì? Nguyên nhân trục trặc do ai? Nếu có con, ai nuôi, việc cấp dưỡng phụ cấp nuôi con sẽ giải quyết thế nào? Để tìm hiểu hôn nhân của họ diễn ra tự nhiên, hay bị ép buộc, lừa đảo… trái tự nhiên. Nhất là nếu sự đổ vỡ hôn nhân là do anh ta: rượu chè, bài bạc, bạo lực… dẫn đến đổ vỡ thì Văn phòng hôn nhân phải cân nhắc để tránh sự đổ vỡ bất an khi anh ta kết hôn với người Công giáo. Nếu có lý do nguy hiểm cho hôn nhân của người Công giáo thì đặc ân cũng không được ban.

+ Phỏng vấn cô vợ cũ của anh ấy: Xác nhận lại nguyên nhân hai người kết hôn, nguyên nhân đổ vỡ dẫn đến ly dị. Hai người còn vướng mắc kinh tế, giấy tờ pháp lý, ràng buộc nợ nần… gì không? (Tuy Tòa án cho ly dị nhưng việc thi hành án đôi khi vẫn chưa xong). Cô ấy có muốn gia nhập đạo Công giáo không? Cô ấy có muốn tái hôn không (đôi khi sau khi ly dị, họ lại muốn tái hôn)? Nếu muốn tái hôn, vì lý do gì (đôi khi vì yêu thương nhau, vì con cái hay lý do chính đáng nào khác). Khi tái hôn họ có muốn sống chung mà không xúc phạm đến Thiên Chúa không? Có biết người nữ Công giáo mà anh ta sắp cưới không? (đôi khi vì chính người nữ Công giáo này lại là nguyên nhân làm cho hôn nhân của họ đổ vỡ, anh ta ly dị vợ để kết hôn với người nữ Công giáo này). Những điều trái quy định của Giáo luật xảy ra thì đặc ân cũng không được ban.

+ Phỏng vẫn người Công giáo sắp kết hôn với người lương đã ly dị: Bạn có chấp nhận hoàn cảnh của người lương ly dị, vấn đề nợ nần và trợ cấp nuôi con (nếu có). Vấn đề họ còn liên lạc với nhau có ảnh hưởng đến hôn nhân của bạn sau này không? Bạn có biết cô vợ cũ của anh ta không? Bạn có thấy nguy hiểm, bất an gì khi kết hôn với anh ta không?

Việc phỏng vấn cần rất nhiều thời gian, tùy thuộc vào sự cộng tác của người vợ cũ của anh ta, đôi khi cô ấy muốn kéo dài thời gian việc trả lời, còn nhiều điều chưa giải quyết xong. Nếu người đó ở xa, ở giáo phận khác, hoặc không liên lạc với đương sự một cách chắc chắn thì việc điều tra phỏng vấn cần nhiều thời gian hơn nữa. Văn phòng phải điều tra kỹ càng để bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan.

Bên cạnh đó, việc thử thách đức tin của người xin đặc ân cũng cần phải xét đến. ngoài thời gian 6 tháng đối với tân tòng theo quy định của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Nếu người đó ở nước ngoài, việc điều tra khó khăn, thì Văn phòng hôn nhân cũng sẽ trình với Đức Giám mục để từ chối việc ban đặc ân.

Lm. Vinc. Nguyễn Bản Mạnh

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!