Giáo dân và sứ mạng bị lãng quên?
Thật vậy, Công đồng Vatican II đã đưa ra một quan niệm mới về vai trò và sứ vụ của giáo dân trong lòng Giáo hội và giữa trần gian. Theo đó, “giáo dân làm tông đồ là thông phần vào chính sứ mệnh cứu độ của Hội Thánh; nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy và Thêm Sức, mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ; đàng khác các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể thông ban và nuôi dưỡng trong họ đức ái đối với Thiên Chúa và đối với loài người, nhân đức này là linh hồn của mọi hoạt động tông đồ. Nhưng giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Hội Thánh hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Hội Thánh sẽ không trở thành muối của thế gian. Như thế, vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân vừa là dụng cụ sống động do chính sứ mệnh Hội Thánh, “tùy theo độ lượng ân sủng Đức Kitô ban cho” (Ep 4,7)[1].
Không những thế, Công đồng còn khẳng định: “Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hiệp với Chúa Kitô là Đầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép Rửa Tội sát nhập họ vào nhiệm thể Chúa Kitô, phép Thêm Sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Họ được thánh hiến vào chức vụ tư tế, vương giả và dân tộc thánh (1 Pr 2,2-10), hầu trong mọi việc họ dâng những lễ vật thiêng liêng và làm chứng cho Chúa Kitô ở mọi nơi trên hoàn cầu”[2].
Trong Tông huấn Evangelii Gaudium [Niềm vui Tin mừng] (EG), Đức Phanxicô đưa ra một lực đẩy mới cho giáo thuyết về cảm thức đức tin của các tín hữu [sensus fidei fidelium] (EG, số 119), vạch rõ rằng con đường của tính hiệp hành chính là tiền đề bắt buộc để tuôn đổ cho Giáo hội một động lực truyền giáo mới: mọi thành viên Giáo hội là những chủ thể tích cực cho công cuộc Phúc âm hóa và là “những môn đệ truyền giáo”.
Theo Đức thánh cha, Giáo dân đại diện cho đại đa số Dân Thiên Chúa, và có thật nhiều bài học rút ra từ sự tham dự của họ với những cách biểu hiện khác nhau trong cộng đoàn Giáo hội: lòng đạo đức bình dân, sự dấn thân vào việc chăm sóc mục vụ thông thường, năng lực hoạt động trong những lãnh vực khác nhau của đời sống văn hóa và xã hội (EG, số 126). Và nếu địa vị và kinh nghiệm của đời sống giáo sĩ tạo ra những thành kiến vô thức nhất định, chúng ta có thể đặt hy vọng vào một giáo dân nhiệt tâm đóng vai trò một nhà quan sát ân cần và từ ái, người sẽ giúp cho mọi người ý thức về họ. Khi được hỏi về vai trò của hàng giáo dân, thánh John Henry Newman trả lời rằng: “Giáo hội sẽ trông thật ngớ ngẩn nếu thiếu vắng họ”[3].
Như vậy, mệnh lệnh truyền giáo và loan báo Tin Mừng đã trở thành một ơn gọi riêng mang bản chất của mọi Ki-tô hữu chứ không phải là đặc quyền đặc lời hay của riêng bất cứ thành phần nào. Giáo hội luôn kêu mời mọi thành phần không phân biệt giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân luôn biết cộng tác với nhau tùy theo khả năng cũng như phận vụ đặc thù, để ra đi làm việc trên cánh đồng truyền giáo bao la và vẫn còn thiếu những thợ gặt lành nghề. Một luồng gió mới được thổi vào trong đời sống Giáo hội, sứ vụ và vai trò của người giáo dân ngày càng được nhìn nhận và đề cao trong mọi mặt và trong nhiều hoạt động khi người giáo dân có tiếng nói và vai trò ngày càng lớn trong cơ cấu cũng như trong các công việc của Hội thánh trên toàn thế giới…
Thế nhưng, bên cạnh việc vai trò của người giáo dân ngày càng được thể hiện rõ nét nhiều nơi, thì vẫn còn đó một thực tế đáng buồn khi một sô người tại một số nơi mà trong đó có Việt Nam, thậm chí là hàng giáo sĩ, tu sĩ, vẫn giữ trong mình suy nghĩ loan báo Tin Mừng là một đặc quyền và trách nhiệm riêng của hàng giáo sĩ hay tu sĩ. Từ đó, vô hình chung một mặt phủ nhận vai trò của người giáo dân; mặt khác nhiều người lãng quên và chối bỏ sứ mạng của mình, để rồi đánh mất bao cơ hội và lời mời gọi của Chúa mỗi ngày. Khi quên sứ mạng của mình, những người giáo dân, dù thánh thiện và nhiệt thành nhìn nhận sai lầm và không đúng về sứ vụ của mình. Họ coi truyền giáo hay loan báo Tin Mừng là một cái gì đó thật to tát, vĩ đại mà vô tình quên rằng tất cả những công việc, những bổn phận mình thực hiện mỗi ngày trong cuộc sống đức tin, để giữ đức tin cũng như sống đức tin, cũng chính là việc truyền giáo cụ thể và hiệu quả nhất.
Thánh Giáo hoàng Phao lô VI đã khẳng định: “thế giới ngày nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”[4]. Nói như vậy, không phải ngài hạ thấp vai trò của hàng giáo sĩ hay tu sĩ trong việc truyền giáo, nhưng trên hết ngài nhắc nhở và xác tín về sứ mạng truyền giáo của mọi người trong mọi hoàn cảnh. Lời giảng quan trọng nhưng quan trọng hơn là mỗi nhà truyền giáo trong đó có thể là giám mục, linh mục hay giáo dân cần hơn một đời sống đức tin sống động để làm sáng tỏ hình ảnh Chúa nơi chính cuộc sống. Có như vậy, họ mới có thể giúp cho những người chưa biết Chúa, hoặc đã rời xa Chúa có thể đón nhận Ngài. Còn nếu không, họ sẽ chỉ mãi là những thanh la phèng phèng và hình ảnh một Đức Ki-tô sẽ chỉ dừng lại trên môi miệng mà thôi.
Hơn nữa, nhìn lại đời sống đức tin của cha ông, chúng ta không phủ nhận vai trò của các giáo sĩ là những nhà truyền giáo đầu tiên đã đem Tin Mừng vào Việt Nam. Nhưng để làm triển nở, nuôi dưỡng và làm sống đức tin ấy cho đến ngày nay, chúng ta không thể không nhắc tới vai trò của biết bao những tâm hồn giáo dân đã hăng say trong việc đón nhận cũng như làm lan tỏa đức tin ấy trong chính cuộc sống chứng tá đầy yêu thương của mình. Hạt giống đức tin chỉ có thể triển nở khi có người vun trồng và nuôi dưỡng. Từ đó, chúng ta phải chân nhận chắc chắn chính mỗi người giáo dân, trong việc cộng tác với các vị chủ chăn đã làm tất cả để bảo vệ đức tin ấy và làm cho đức tin ấy sống và tăng triển giữa Giáo hội và dân tộc. Một bằng chứng rất cụ thể là trong 117 vị thánh tử đạo Việt Nam?, thành phần lớn không phải hàng giáo sĩ hay tu sĩ, nhưng lại là những giáo dân với 59 vị. Họ không có gì vĩ đại, thậm chí có những vị còn có quá khứ tội lỗi, nhưng các ngài trên hết là những con người đơn sơ chất phác và kiên trung trong đức tin đến nỗi đổ máu để minh chứng cho niềm tin ấy. Nhờ đó các ngài cùng với các giáo sĩ và tu sĩ, trở thành những hạt giống tốt đã gieo vào đời cả một kho tàng không thể phủ nhận làm nảy mầm và sinh hoa kết quả dồi dào. Đó chính là kho tàng đức tin mà mỗi chúng ta, dù là giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân đã và đang được thừa hưởng…
Dẫu vậy, việc vai trò của người giáo dân trong việc loan báo Tin mừng vẫn bị lãng quên hay chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến việc người giáo dân mất dần ý thức về sứ mạng chính của mình cũng như cách thế và những đóng góp to lớn của họ bị lãng quên thậm chí coi nhẹ trong việc truyền giáo. Thực tế đó phản ánh phần nào đó trách nhiệm của người giáo dân khi không có cho mình những trang bị cần thiết và những hiểu biết đủ về sứ mạng của mình, nhất là trong một thế giới mà nhiều người giáo dân đang bị cuốn theo việc tìm kiếm miếng cơm manh áo cũng như bị chi phối bởi những chủ nghĩa an nhàn, hưởng thụ khoái lạc…
Tuy vậy, nói như thế không phải là phủi hoàn toàn trách nhiệm cho người giáo dân. Trái lại, một lý do không thể không nhắc đến khiến cho công việc truyền giáo tại Việt Nam gặp khó khăn, bên cạnh yếu tố chính trị, thì còn một phần không nhỏ do chính phẩm trật Giáo hội với mô hình “kim tự tháp” trước công đồng Vaticanô II. Mô hình mà như De Smedt, khi phát biểu tại Công đồng Vaticanô II đã gắn với chủ nghĩa giáo sĩ, một chủ nghĩa “được bày tỏ trong cấu trúc kim tự tháp của Hội Thánh, mọi sự đều từ trên chảy xuống…không để ý đến những mối tương quan chiều ngang trong Hội thánh… Ông khẳng định trong Hội thánh, thực tại dân Thiên Chúa căn bản hơn phẩm trật: “Ta phải thận trọng kẻo rơi vào một thứ tôn giáo thờ Giám mục hoặc tôn thờ một Giáo hoàng nào đó”[5]. Mô hình này đã ăn sâu và vẫn còn ảnh hưởng trên Giáo hội, trong đó có Giáo hội Việt Nam, nhất là khi sống trong một thể chế chính trị và não trạng như hiện nay. Theo đó, hàng giáo sĩ nằm trên đỉnh của kim tự tháp còn người giáo dân lại nằm ở dưới đáy, dẫn đến tình trạng đẳng cấp trong Giáo hội, khi hàng giáo sĩ nhiều khi tự cho mình quyền trên người giáo dân.
Với tư duy Giáo sĩ trị, người giáo sĩ trở thành những lãnh chúa thay vì trở thành người phục vụ, và chứng nhân.Từ đó, biến ba thừa tác vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế thừa tác thành những yếu tố mang nặng âm hưởng thế tục của một người có quyền quyết định trên tất cả mọi vấn đề. Từ đó dẫn tới tình trạng hống hách cửa quyền và lạm dụng chức vụ. Theo đó, thay vì người phục vụ và cộng tác với Chúa và giáo dân trong việc loan báo Tin Mừng hay điều hành cộng đòan, một số giáo sĩ trở thành những ông vua cai trị, thậm chí đàn áp người giáo dân, coi mình là một đẳng cấp trên và đứng từ trên nhìn xuống. Điều đó khiến Thân Mình Đức Ki-tô là Giáo hội, bị bóp méo và biến Giáo hội trở thành một thực tại mang tính trần thế nhiều hơn và ngày càng xa con người hơn. Vì thế, nhiều lúc người giáo dân không còn tiếng nói trong mọi hoạt động của giáo xứ cũng như Giáo hội. Dẫu biết rằng không thể phủ nhận vai trò quản trị của các mục tử, song khi để quyền lực lấn át và nô lệ hóa, một số giáo sĩ dễ trở thành những người ăn trên ngồi chốc hơn là những mục tử vì đoàn chiên như lòng Chúa mong ước. Khi đó, các ngài đã sống sai căn tính và sứ vụ của mình, kông những không truyền giáo mà còn ngăn cản việc truyền giáo, thậm chí làm mất các linh hồn bởi đời sống mang tính giáo sĩ trị và bê bối của mình. Lịch sử giáo hội không thiếu những trang sử đau lòng về tình trạng này và những trang sử ấy cách nào đó vẫn còn ảnh hưởng và tồn tại trong chính Giáo hội ngày hôm nay, thậm chí một cách tinh vi hơn.
Dù công đồng đã diễn ra mấy thập kỉ, nhưng ánh sáng của Thánh Công đồng vẫn chưa chiếu tỏa cũng như trở thành hiện thực trong nhiều lãnh vực của đời sống Giáo hội. Giáo hội vẫn còn đó những vết thương chưa thể chữa trị dứt điểm bởi tác động tiêu cực của tư duy giáo sĩ trị mà gần đây là hàng loạt cáo buộc về các linh mục giả, việc lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, rồi việc lạm dụng quyền lực hay lạm dụng tài sản… Tuy nhiên, Giáo hội không sụp đổ hay nao núng chỉ vì một số ít những thành phần đau bệnh hay tật nguyền. Trái lại Giáo hội của Chúa vẫn tiếp tục nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vẫn tiếp tục bước đi trên con đường mà Đầu là Đức Ki-tô đã đi. Theo đó, Giáo hội luôn nhận ra dấu chỉ của thời đại, biết nhìn nhận những thiếu xót và tiếp tục công cuộc canh tân không chỉ trên phương diện tập thể mà nơi chính mỗi cá nhân, trong đó không chỉ hàng giáo sĩ hay tu sĩ, mà cả nơi mỗi giáo dân. Cách cụ thể, Giáo hội đang nỗ lực làm tất cả hướng đến một Giáo hội hiệp hành với các công nghị các cấp và đang ráo riết chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục thế giới về gia đình, hầu xây dựng và mang đến một tinh thần và một làn gió mới trong đời sống của Giáo hội gữa thế giới không ngừng biến đổi ngày hôm nay.
Và để tất cả mọi nỗ lực của mình không chỉ dừng lại ở những văn bản mang tính lý thuyết và dừng lại ở khẩu hiệu với rào cản của là tư duy giáo sĩ trị, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kế tục quan điểm Giáo hội học của Vatican II và tiếp bước giáo huấn của Lumen Gentium, đã xác nhận rằng “con đường hiệp hành này” chính xác là con đường mà “Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của ngàn năm thứ ba”. Ngài nhấn mạnh rằng tính hiệp hành “mang lại cho chúng ta khuôn khổ diễn giải phù hợp nhất để hiểu chính thừa tác vụ phẩm trật” và phác họa về hình ảnh của một Giáo hội – giống như “một chiếc kim tự tháp ngược” có đỉnh nằm dưới chân đế – kết hợp hài hòa mọi thành phần thuộc về mình: Dân Thiên Chúa, tập đoàn giám mục, Đấng kế vị Phêrô.
Từ đó, Ngài kêu gọi mọi thành phần dân Chúa “cần phải khắc phục những trở ngại đến từ việc thiếu sót trong khâu đào tạo và những ảnh hưởng xấu bởi não trạng giáo sĩ khiến các tín hữu giáo dân bị đẩy xuống vai trò thứ yếu, bằng cách mở ra những không gian nơi các giáo dân có thể phát biểu ý kiến của chính mình và chia sẻ kinh nghiệm dồi dào của họ trong tư cách là những môn đệ của Chúa (EG, số 102)[6]. Từ đó, Ngài cũng nêu lên vai trò quan trọng của người giáo dân trong việc xây dựng và làm tăng triển Hội thánh với sự liên kết trong thân mình mầu nhiệm của Đức Ki-tô cùng với các thành phần khác mà đôi khi đã bị lãng quên. Theo ngài, vì tính tập đoàn nhắm đến việc phục vụ cho tính hiệp hành, nên “Thượng Hội đồng Giám mục phải càng trở nên phương tiện ưu tiên cho việc lắng nghe Dân Thiên Chúa… Dù về mặt cấu trúc, được định hình chủ yếu như một giám mục đoàn, điều này không có nghĩa rằng Thượng Hội đồng tồn tại tách biệt với các tín hữu còn lại. Ngược lại, đó chính là phương tiện thích hợp để đón nhận tiếng nói của toàn thể Dân Thiên Chúa” (EC, số 6). Bởi vậy, điều “tối quan trọng” trong việc chuẩn bị cho các Thượng Hội đồng là “việc thỉnh ý ở tất cả các Giáo hội địa phương cần được đặc biệt chú ý”.[7]
Tóm lại, chúng ta, những ki-tô hữu, dù đang ở bậc sống nào, phải nhìn nhận đúng sứ mạng mang tính bản chất của người giáo dân, sứ mạng mà đôi khi đã hoặc đang bị lãng quên, dù Công đồng đã nhấn mạnh hơn nửa thế kỉ. Chính vì thế, để sứ mạng của người giáo dân được thực hiện một cách hiệu quả và đúng mức, thiết tưởng luôn phải có tương quan hai chiều. Một mặt, chính những người giáo dân phải ý thức và tích cực học hỏi để hiểu rõ về sứ vụ của mình và thi hành sứ mạng đó trong đời sống đức tin hằng ngày. Đồng thời, “chính Các mục tử của Hội thánh phải tin tưởng giáo dân, … bởi vì “giáo dân không chỉ ở trong Hội thánh mà cùng với chúng ta, họ là Hội thánh””[8]. Và để đạt được điều đó, các mục tử cần thực thi đúng sứ vụ và ơn gọi của mình trong sự khiêm tốn cùng với ơn Chúa. Đồng thời, tìm mọi phương thức và mọi nỗ lực để ánh sáng của Công đồng chiếu soi trên mỗi người giáo dân mà “điều quan trọng hiện nay là dồn mọi nỗ lục vào việc làm cho giáo dân ý thức về những trách nhiệm của họ, nhất là bằng cách làm chứng cho Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày.”[9]
Tác giả: Hừng Đông