Giao tiếp đâu có dễ
Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Có người lại nói: lựa lời mà nói để lừa lòng nhau. Thật là, giao tiếp không hề dễ! Thế nên, có chuyên gia chia “hành vi giao tiếp” thành 4 cấp độ:
+ Cấp độ 1: Hai người cần nói cùng một thứ ngôn ngữ.
Người này nói tiếng Việt, người kia nói tiếng Anh, mà mỗi người chỉ biết một thứ tiếng nói, thì đương nhiên không hiểu nhau.
Người gốc Bắc và người gốc Nam, chưa chắc có cùng ngôn ngữ, vì có nhiều phương ngữ.
+ Cấp độ 2: Hai người cần hiểu cùng một cách.
Người Việt nói tiếng Anh theo kiểu người Việt, người Anh nói tiếng Việt kiểu người Anh; dù mỗi người biết 2 thứ tiếng, nhưng vẫn không hiểu nhau, vì cách hiểu khác nhau.
Trong mỗi vùng miền của một nước, nghĩa của cùng một từ có sự sai khác ít nhiều.
+ Cấp độ 3: Hai người cần thực hiện cùng loại quy tắc xã hội và văn hóa.
Nếu người Việt nói tiếng Anh thì cần hiểu như người Anh, và thực hiện lời nói của mình như người Anh thực hiện. Điều tương tự được áp dụng cho người Anh nói tiếng Việt. Nếu thiếu điều kiện này, thì “nói” và “làm” không tương xứng nhau.
Cùng một quốc gia, nhưng tục lệ mỗi vùng có nhiều điểm khác nhau,
nên cảm nhận, suy nghĩ, lời nói, cách biểu hiện trong hành động có khác nhau.
+ Cấp độ 4: Hai người có thể kể chuyện cười cho nhau và cười vui…
Đây là cấp độ cao nhất, nhưng không tính trường hợp “cười trừ” vì lịch sự, hay “cười nịnh” vì trục lợi…
Kể chuyện cười, có thể người khác không cười, có thể bị cho là nhạt nhẽo, là vô duyên. Trục trặc nếu có, là do cả hai bên, là do tương quan có “khúc gãy”…
Tuy nhiên, “hành vi giao tiếp” khác với “hành vi có tính chiến lược”.
“Hành vi có tính chiến lược” chỉ nhấn mạnh tới một phía và điều quan trọng là “được việc”. Trong khi đó, “hành vi giao tiếp” là từ cả hai phía và quan trọng là xây dựng “tình bạn” đặt nền trên tình người.
Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.
Sách tham khảo: Andrew Edgar, Habermas: The Key Concepts, (Routledge 2006), p. 21-23.